Chi phí chìm của hạnh phúc | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
15 Thg 01, 2023
Chất Lượng Sống

Chi phí chìm của hạnh phúc

Theo Mark Manson, cuộc đời không phải lúc nào cũng đi theo ý bạn muốn. Tuy nhiên, vẫn có những bí quyết giúp bạn tìm thấy hạnh phúc khi “cột sống” đi chệch hướng.
Chi phí chìm của hạnh phúc

Nguồn: Linda Xu @ Unsplash

Được chuyển ngữ từ bài viết “The Hidden Cost of Happiness” đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.


Nếu từng học môn gì liên quan đến kinh tế, chắc bạn biết câu nói “There’s no such thing as a free lunch” (tạm dịch: “Không có bữa trưa nào miễn phí cả”).

Mọi thứ trên đời đều có giá của nó, dù đôi lúc nó không hiện hữu một cách rõ rệt. Để đạt được một mục tiêu, bạn phải từ bỏ một điều gì khác.

Trong thời đại xã hội ám ảnh với hạnh phúc cá nhân, chúng ta muốn theo đuổi điều ngược lại. Chúng ta muốn hạnh phúc mà không mất gì cả. Chúng ta muốn phần thưởng mà không có rủi ro, muốn có thành tựu mà không cần cố gắng. Trớ trêu thay, chính việc không sẵn lòng chịu khổ lại khiến chúng ta đau khổ nhiều hơn.

Hạnh phúc có cái giá của nó, chứ không hề miễn phí. Và không phải lúc nào bạn cũng dễ dàng tìm ra cách để hạnh phúc. Nhưng chúng ta có thể bắt đầu tìm ra “công thức” của hạnh phúc qua những bước nhỏ sau:

Chấp nhận những điều chưa hoàn hảo của mình

Nhiều người xem “hoàn hảo” là một danh sách bao gồm: có nhà, có xe, dựng vợ/gả chồng và có 2-3 đứa con. Khi “tích” đủ các yếu tố này, bạn có thể sống hạnh phúc đến già.

Tuy nhiên cuộc sống không đơn giản như vậy. Những vấn đề bạn gặp phải không biến mất - chúng thay đổi và trở nên phức tạp hơn. Sự hoàn hảo bạn đạt được ngày hôm nay có thể trở nên vô nghĩa vào những ngày sau. Vì vậy, khi hiểu được rằng cuộc sống là sự tiến bộ hơn qua từng ngày thay vì đạt đến sự hoàn hảo, bạn có thể thoải mái hưởng thụ nó.

Sự hoàn hảo là một lý tưởng mà bạn chỉ có thể tiếp cận chứ không bao giờ đạt tới. Dù ý niệm của bạn về “hoàn hảo” có là gì đi chăng nữa, nó cũng không bao giờ tồn tại trên thực tế. Bạn không thể quyết định sự hoàn hảo, mà chỉ biết cái gì là tốt hơn hay tệ hơn so với hiện tại (mà cuối cùng chưa chắc bạn đã đúng).

Khi từ bỏ việc theo đuổi sự hoàn hảo, bạn giảm bớt sự căng thẳng và khó chịu khi không đạt được các chuẩn mực vô hình mà người khác đề ra. Nhưng việc đó không hề dễ dàng, bởi nó khiến bạn phải sống với những điều mình không thích. Bạn muốn giành quyền kiểm soát mọi việc. Và trong một thế giới lý tưởng, mọi mong muốn của bạn đều được đáp ứng.

Nhưng đời là như vậy - nó không bao giờ đi đúng theo con đường bạn vạch ra. Chúng ta đều sẽ sai về một thứ gì đó, theo một cách nào đó. Trớ trêu thay, việc chấp nhận sự thật này mới khiến bạn hạnh phúc và bao dung hơn với những khuyết điểm của mình lẫn người khác. Đó mới là bài học chúng ta nên rút ra trong đời.

Chịu trách nhiệm cho những vấn đề của bản thân

Khi bạn gặp một vấn đề, thì đổ lỗi cho thế giới là lối thoát dễ dàng nhất. Nó giúp bạn coi mình là nạn nhân, cho bạn quyền phẫn nộ và vô cảm trước những bất công khủng khiếp mà mình phải chịu đựng. Bạn đắm mình trong vai trò nạn nhân mà mình tự tưởng tượng, và cảm thấy đặc biệt theo cái cách không tình huống nào khác có thể đem lại được.

Nhưng sự thật là, vấn đề của bạn không phải là duy nhất. Và bạn cũng không hề đặc biệt.

Việc chấp nhận lỗi lầm của bản thân khiến bạn không thể tiếp tục đổ lỗi cho hoàn cảnh. Bạn có thực sự trễ làm vì bị kẹt xe, hay bạn có thể đi sớm hơn? Bạn không được thăng chức có thực sự vì sếp bạn kém cỏi, hay vì một sai lầm nào đó bạn phạm phải mà không nhận ra?

Câu trả lời thường đến từ cả hai khía cạnh, dù với mỗi trường hợp nó có thể khác nhau ít nhiều. Nhưng mấu chốt vấn đề là, bạn chỉ có thể khắc phục sự không hoàn hảo của bản thân chứ không phải người khác.

Đương nhiên sẽ có lúc bạn gặp phải những vấn đề rất “giời ơi đất hỡi”. Chúng không phải lỗi của bạn, nhưng bạn có trách nhiệm tự hồi phục bản thân từ những mất mát đó, cả về thể chất lẫn tinh thần.

12jan2023pexelsrodnaeproductions6669798jpg
Cuộc đời là 10% những gì xảy ra, và 90% cách bạn xử lý nó. | Nguồn: Pexels

Đổi lỗi cho số phận có thể giúp bạn nhẹ nhõm thời gian đầu. Nhưng về lâu dài, nó cho thấy bạn không thể kiểm soát được số phận của chính mình. Đó mới là điều đáng thất vọng nhất mà bạn phải chung sống.

Cảm nhận và đối mặt với nỗi sợ

Lòng dũng cảm không vắng bóng nỗi sợ. Nó xảy ra khi bạn cảm thấy sợ hãi, ngờ vực hoặc bất an, nhưng vẫn kiên định rằng có những điều quan trọng hơn. Và rồi bạn vẫn thực hiện nó, bất chấp các cảm xúc tiêu cực mình đang gặp phải.

Nếu bạn đồng bộ hóa cảm xúc tức thời với sự nhạy cảm, thì hạnh phúc của bạn sẽ lên voi xuống chó như đi tàu lượn siêu tốc. Và đó không phải kiểu hạnh phúc bền lâu mà chúng ta cần.

Hạnh phúc thực sự và lâu dài không đến từ cảm xúc tức thời. Không ai có thể “high” 24/7, và thực tế điều đó cũng gây khó chịu. Thay vào đó, hạnh phúc bắt nguồn từ những giá trị sâu sắc mà bạn xác định cho chính mình. Suy cho cùng, hạnh phúc không phải là những gì bạn làm và những gì xảy đến, mà là lý do vì sao bạn làm những gì bạn làm và ý nghĩa của nó với chính bạn.

Gán ý nghĩa sâu sắc hơn cho những việc bạn làm

Câu này có một cách biểu đạt khác là, hãy chọn những gì tạo động lực cho bạn. Thử nhìn lại những giá trị bạn đang theo đuổi, xem động lực phía sau chúng là gì. Nó hời hợt và bề mặt, hay nó sâu sắc hơn và đến từ bên trong?

Một ví dụ phổ biến là tiền bạc. Nếu bạn làm mọi thứ chỉ vì tiền, bạn sẽ có cảm xúc bất ổn và những hành vi hời hợt không đáng có. Nhưng nếu động lực kiếm tiền của bạn là để mang lại cuộc sống tốt hơn cho gia đình, thì mọi việc sẽ khác. Nó sẽ dẫn lối giúp bạn vượt qua căng thẳng, nỗi sợ và những điều phức tạp khác mà một động lực hời hợt không thể làm được.

Sự công nhận của người khác cũng là ví dụ tương tự. Nếu bạn làm mọi việc chỉ để được ai khác chấp thuận, thì sớm hay muộn bạn cũng sẽ đánh mất chính mình. Nhưng trong trường hợp bạn là họa sĩ, bạn sẽ muốn các tác phẩm của mình truyền cảm hứng cho mọi người. Động lực của bạn vẫn đến từ người khác, nhưng nó sâu sắc hơn và giúp bạn vượt qua khó khăn để kiên trì với sự nghiệp của mình.

12jan2023franciscogonzalezm8uejd58gceunsplashjpg
Nếu làm mọi việc chỉ để được người khác công nhận, bạn sớm muộn cũng sẽ đánh mất chính mình. | Nguồn: Unsplash

Vậy làm sao để tìm thấy những mục đích sâu sắc trong cuộc sống? Câu trả lời là tập trung vào sự phát triển và đóng góp của bạn. Bạn phát triển khi tìm được cách cải thiện bản thân, và đóng góp khi tìm được cách giúp người khác phát triển. Cố gắng tích hợp hai điều này trong động lực của bạn.

Tình dục, tiền bạc hay giải trí đều không có gì sai cả. Nhưng chúng cần được thúc đẩy bởi những gì sâu sắc hơn giá trị bề mặt của mình. Thử tìm cách tích hợp sự phát triển và đóng góp vào những hạng mục này, bạn sẽ “bắn một mũi tên trúng cả 2 đích”.

Đừng ngại thất bại và cảm giác xấu hổ

Tôi từng viết trong sách của mình một câu châm ngôn mà về sau này được chia sẻ rộng rãi: “Bạn không thể thay đổi cuộc sống của một người, mà không trở thành trò cười với người khác”. Điều này xảy ra vì con người vốn có giá trị sống vô cùng đa dạng.

Khi bạn sống và hành động đúng với giá trị bản thân, bạn sẽ không tránh khỏi xung đột với những người có hệ giá trị khác bạn. Họ sẽ không thích bạn, thậm chí bình phẩm khó nghe và mong bạn thất bại. Và bạn gần như không thể tránh khỏi họ trong bất cứ điều gì bạn làm.

Chân lý này đã được đúc kết thành câu châm ngôn nổi tiếng “Haters gonna hate” (tạm dịch: Chó cứ sủa, người cứ đi).

Trong mọi hoàn cảnh, thất bại là cần thiết để tiến bộ. Và mọi sự tiến bộ dù là của bản thân, của người khác hay của những giá trị bạn theo đuổi - đều thúc đẩy hạnh phúc. Không có thất bại, bạn sẽ không thể học hỏi và tiến bộ, nên cũng không thể tìm thấy hạnh phúc.

Vì vậy, bạn nên học cách “đắm mình” trong nỗi đau. Bởi bạn sẽ bị đời vùi dập nhiều lần, và bạn không thể tránh khỏi nó. Quan trọng là bạn biết cách đứng lên sau mỗi lần vấp ngã.