Vì sao bạn chẳng bao giờ tìm ra cách để hạnh phúc? | Vietcetera
Billboard banner
11 Thg 02, 2024
Chất Lượng Sống

Vì sao bạn chẳng bao giờ tìm ra cách để hạnh phúc?

Theo Mark Manson, hạnh phúc là thứ không thể định lượng hay đo lường. Và nếu bạn coi nó là mục tiêu chính của cuộc đời, bạn sẽ không bao giờ hạnh phúc.
Vì sao bạn chẳng bao giờ tìm ra cách để hạnh phúc?

Nguồn: Jake Melara @ Unsplash

Được chuyển ngữ từ bài viết “Happiness Is the Wrong Question” đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.


Những năm gần đây tôi đã vài lần viết về hạnh phúc - có lẽ cứ suy nghĩ mãi về hạnh phúc của chính mình không hữu ích chút nào. Bởi vì hạnh phúc không phải vấn đề chính. Và nghịch lý là nếu bạn coi nó là mục tiêu chính của cuộc đời, bạn sẽ không bao giờ hạnh phúc.

Quan điểm này buộc tôi phải đối đầu với hàng tá sách self-help về hạnh phúc được xuất bản thời gian qua. Nó buộc tôi đưa ra lời khuyên trái ngược với tâm lý học tích cực (positive psychology) - lĩnh vực bùng nổ suốt hàng thập kỷ qua. Và cứ như vậy, tôi trở thành cái gai trong mắt ngành công nghiệp self-help.

Thế nhưng chúng ta biết gì về hạnh phúc?

Năm 2020, chuyên gia tâm lý Ad Bergsma đã phân tích hàng ngàn nghiên cứu về hạnh phúc trong vài thập kỷ qua, xem con người rốt cuộc đã học được cách để hạnh phúc hơn chưa. Và kết quả thật bất ngờ: không những chúng ta không tìm ra cách hạnh phúc hơn, mà các biện pháp can thiệp còn ngày một trở nên kém hiệu quả so với 20 năm về trước.

Rõ ràng sau nửa thế kỷ lý thuyết hóa và nghiên cứu, tâm lý trị liệu vẫn chẳng khác biệt nhiều so với thời nó mới được Sigmund Freud phát minh. Điều này đúng kể cả vào thập niên 1990, khi Martin Seligman đề xuất một hướng đi mới cho lĩnh vực này: nghiên cứu cả những gì làm con người ta hạnh phúc, thay vì chỉ chú tâm vào cái khiến họ buồn.

Ông cho rằng nếu có thể định lượng và đo lường hạnh phúc, chúng ta rồi sẽ học được cách nhân rộng nó, và rồi mọi người đều sẽ... sống hạnh phúc mãi mãi về sau. Nhưng về bản chất, hướng đi này vẫn không thay đổi được tình hình chung. Nó không giảm bớt được mức độ đau khổ của con người, và cũng không khiến chúng ta hạnh phúc hơn.

13nov2023pexelsmasharaymers5437358jpg
Nếu hạnh phúc có thể đo lường, nó vẫn không thể thay đổi mức độ đau khổ của con người. | Nguồn: Pexels

Trong khi đó, ngành tâm lý trị liệu không làm được gì nhiều ngoài tạo cơ hội cho một vài giáo sư tâm lý học viết những cuốn sách self-help bán chạy nhất thị trường. Lời khuyên của họ nghe rất uy tín, nhưng thực ra nó không khác nhiều so với những gì bạn đọc trong các cuốn self-help bình thường khác, chỉ là ở phiên bản “khoa học” hơn.

Chính những việc này khiến cả ngành tâm lý trị liệu bị mang tiếng xấu. Vấn đề của ngành này không nằm ở phương pháp, vì đúng là các liệu pháp điều trị tâm lý ít nhiều đều có hiệu quả và có những thứ thực sự khiến ta hạnh phúc hơn. Thay vào đó, nó nằm ở cách đặt câu hỏi.

Để dễ hiểu, hãy hình dung nếu bạn tập trung vào những thứ sai lầm, thì dù có làm việc chăm chỉ và năng suất đến đâu, bạn vẫn đi chệch hướng. Tương tự như vậy, nếu các chuyên gia đặt sai câu hỏi, thì dù họ có thu thập được bao nhiêu dữ liệu hay tiến hành bao nhiêu nghiên cứu cũng sẽ cho ra những kết quả vô nghĩa.

Và “làm thế nào để hạnh phúc?” là một câu hỏi sai

Việc tập trung vào nâng cao hạnh phúc cũng giống như việc bạn muốn xóa sổ những cảm xúc tiêu cực, như nỗi buồn hay lo âu. Bởi cảm xúc là giá trị trung lập, nó không gắn liền với một hay nhiều lý do cụ thể nào.

Chẳng hạn bạn có thể vui vì những điều tuyệt vời, và cũng có thể vui vì những điều tồi tệ. Bạn lo âu vì những chuyện buồn, nhưng cũng có thể “toát mồ hôi” vì một chuyện vui nào đó. Giá trị của cảm xúc nằm ở nguyên nhân nó xảy ra, chứ không phải ở trong chính cảm xúc đó.

07feb2024henriphamcvpftun5dmunsplashjpg
Giá trị của cảm xúc nằm ở nguyên nhân nó xảy ra, không phải trong bản thân cảm xúc đó. | Nguồn: Unsplash

Để các bạn dễ hiểu, tôi xin lấy ví dụ hơi… cực đoan một chút về Ted Bundy - kẻ sát nhân hàng loạt nổi tiếng trong lịch sử Mỹ. Theo lý thuyết trên, Ted hạnh phúc tột đỉnh khi giết chết hàng tá người. Gã nói về việc giết người như một trải nghiệm gì đó cao siêu, tâm linh lắm. Gã không bao giờ tỏ vẻ hối hận về những gì mình làm, và hạnh phúc cho đến khi bị tóm cổ.

Ngược lại, các cựu binh Mỹ lại coi việc xuất quân là trải nghiệm quan trọng và sâu sắc nhất trong cuộc đời họ, dù phải trải qua những điều kinh hoàng nhất: chiến tranh, dịch bệnh, chết chóc. Không ít người trong số họ bị trầm cảm nặng, hoặc PTSD suốt nhiều năm ròng rã sau khi trở về.

Vấn đề của việc cố gắng đo lường và tối ưu hóa hạnh phúc nằm ở chỗ, nó mang tính bối cảnh vô hạn. Bất kỳ chiến lược nào bạn áp dụng để hạnh phúc hôm nay sẽ được củng cố thành bối cảnh cho những mong muốn của bạn vào ngày mai.

Thế nên tốt nhất là bỏ qua hoàn toàn câu hỏi “làm thế nào để hạnh phúc”. Thay vào đó, chúng ta nên tập trung vào ý nghĩa - thực hiện những việc làm và xây dựng những mối quan hệ có ý nghĩa với chúng ta. Khi làm tốt hai việc này, hạnh phúc sẽ tự đến.