Chính phủ Anh chốt hạ: Bạch tuộc cũng có tri giác và cần được bảo vệ | Vietcetera
Billboard banner

Chính phủ Anh chốt hạ: Bạch tuộc cũng có tri giác và cần được bảo vệ

Khi biết được rằng đến cả tôm, cua và bạch tuộc có cảm xúc, bạn có thay đổi cách mình nhìn nhận động vật?
Chính phủ Anh chốt hạ: Bạch tuộc cũng có tri giác và cần được bảo vệ

Bộ phim My Octopus Teacher (2020)

1. Chuyện gì đang xảy ra?

Sau Brexit, chính phủ Anh tiếp tục cải tổ dự luật phúc lợi động vật có tri giác - Animal Welfare (Sentience) Bill. Theo đó, họ đã bổ sung những loài bao gồm bạch tuộc, tôm hùm, cua và các loài giáp xác mười chân, cũng như động vật chân đầu vào danh sách động vật có tri giác. Trước đó, dự luật chỉ đề cập tới việc bảo vệ quyền lợi của những động vật có xương sống.

Quyết định này dựa trên nghiên cứu của của Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London (LSE) về việc những loài như tôm hùm, cua và bạch tuộc có khả năng cảm nhận nỗi đau và có cảm xúc.

Trước mắt, những thay đổi của dự luật sẽ không lập tức gây ra tác động lên các doanh nghiệp đánh bắt thương mại cũng như nhà hàng. Tuy nhiên, về lâu về dài đây sẽ trở thành một phần của Kế hoạch Hành động của Chính phủ về Phúc lợi Động vật.

2. Nghiên cứu này đề cập gì về nỗi đau?

Trong bài báo cáo Review of the Evidence of Sentience in Cephalopod Molluscs and Decapod Crustaceans, các chuyên gia đã kiểm tra 300 văn bản nghiên cứu khoa học về chủ đề tri giác của động vật giáp xác mười chân (tôm, cua) và động vật chân đầu (bạch tuộc, mực).

Các nghiên cứu này đã kiểm tra xem liệu động vật có khả năng cảm nhận nỗi đau, khả năng học hỏi và cách phản ứng với thuốc giảm đau. Kết quả cho thấy rằng chúng có tri giác, đặc biệt “rất mạnh" ở bạch tuộc và “mạnh" đối với các loài cua.

Trước đó cũng đã có nhiều báo cáo khoa học nhắc tới trí thông minh và khả năng cảm nhận nỗi đau của bạch tuộc. Tuy nhiên theo như phó giáo sư Jonathan Birch, người tham gia vào nghiên cứu, báo cáo này sẽ giúp gia tăng sự bảo vệ đối với bạch tuộc cũng như các loài thân mềm, khi trước giờ chúng chỉ được bảo vệ trong giới khoa học.

Báo cáo đồng thời cũng đề cập tới các hoạt động thương mại như nhà hàng hoặc tàu đánh bắt cần thay đổi cách giết mổ và đối xử với các loài này. Tiêu biểu trong đó là không nên luộc tôm hùm khi nó còn sống.

alt
Có khả năng việc luộc tôm hùm sống cũng bị cấm | Nguồn: Simply Recipes

3. Dự luật phúc lợi động vật có tri giác khác gì?

Nước Anh trước giờ luôn đi đầu về các bộ luật liên quan tới bảo vệ động vật. Bộ luật Phúc lợi động vật 2006 của Anh ban đầu chỉ tập chung vào những nhu cầu nhân đạo cần thiết cho động vật, mà hoàn toàn bỏ qua việc ngăn chặn những hành vi tạo ra nỗi đau không cần thiết cho chúng.

Khác với phúc lợi động vật thông thường, dự luật mới tập trung vào yếu tố tri giác (sentience). Theo đó, động vật có cả khả năng trải nghiệm cảm xúc bao gồm cả nỗi đau sẽ được đưa vào dự luật bảo vệ. Anh đã xem xét và đưa động vật có xương sống như chim, cá, động vật có vú và bò sát là một loại động vật có tri giác (sentimental being) vào hồi tháng 5.

Trước đây khi còn tham gia Liên minh EU, Vương quốc Anh cũng đã phải tuân theo luật động vật có tri giác phải được đối xử nhân đạo. Tuy nhiên hậu Brexit, Anh đã không còn chịu ảnh hưởng bởi luật pháp EU. Để lấp lại lỗ hổng luật pháp, họ phải xem xét lại các chính sách để đảm bảo tính nhân đạo cho động vật.

4. Động vật có tri giác tác động gì lên suy nghĩ của con người?

Theo như tiến sĩ Susan Monsó của Đại học Thú Y nước Áo, nếu chúng ta nhận thức được việc động vật có tri giác, chúng ta “nợ” chúng những sự cân nhắc về mặt đạo đức (moral consideration). Điều này tương tự như việc khi bạn biết được mối quan tâm của một con vật, bạn sẽ hiểu thêm về các mình nên đối xử với chúng.

Chính điều này sẽ tạo ra nhiều thay đổi trong rất nhiều lĩnh vực liên quan tới động vật. Những người phản đối dự luật này của Anh cũng đã đưa ra nhiều lý do trong đó nhắc tới việc dự luật sẽ ảnh hưởng tới việc sử dụng động vật trong nghiên cứu y tế, tiêu diệt động vật gây hại cho nông nghiệp hay nghi lễ giết mổ động vật vì tôn giáo.

5. Phân biệt đối xử loài là gì?

Chúng ta đối xử với động vật khác nhau, dựa trên nhiều tiêu chí riêng như sự thân cận hay trí thông minh. Điều này nảy ra nhiều mâu thuẫn như việc chúng ta cưng chiều chó mèo nhưng ăn thịt heo dù chúng cũng được cho là loại động vật thông minh. Đây là một vấn đề cơ bản của đẳng cấp loài - speciesism.

Speciesism là một dạng phân biệt đối xử khi ta ưu tiên con người hơn về mặt đạo đức so với những loài khác không phải người. Điều này cũng áp dụng cho sự thiên vị của con người khi coi trọng vật nuôi cảnh hơn là động vật ở trang trại.

alt
Ta có xu hướng thiên vị vật nuôi của mình hơn | Nguồn: Peta

Việc nhận thức rằng động vật cũng trải qua những cảm xúc như đau khổ như con người khiến chúng ta có thêm trách nhiệm trong việc thay đổi cách ta đối xử những loài này. Cơ bản nhất là mở rộng quyền bảo vệ động vật.

Trong thời gian gần đây tư duy ưu tiên quyền lợi loài người hơn có thể bắt gặp qua sự việc thiêu hủy 15 chú chó và 1 chú mèo. Xa hơn ta có vụ việc thiêu hủy 3 tấn mèo từ Trung Quốc, hay vụ việc chó không rọ mõm sẽ bị bắt và tiêu hủy sau 72 giờ nếu không có người thân nhận lại.

6. Vậy tại sao đã đến lúc ta quan tâm tới cả động vật giáp xác?

Khái niệm vòng tròn đạo đức (moral circle) cho thấy ta đặt những mối quan tâm và ưu tiên của mình dựa trên 3 mức độ quan tâm khác nhau: quan tâm nhiều, quan tâm vừa phải và ít quan tâm.

alt
3 Vòng của ranh giới đạo đức | Nguồn: University of Queensland

Các nhà tâm lý học đã làm một cuộc kiểm tra vào năm 2016, qua đó họ nhận thấy rằng thang đo đạo đức của nhiều người đang thay đổi và mở rộng ra hơn. Nhiều người bắt đầu thể hiện sự quan tâm tới quyền lợi của cả cá, hay bạch tuộc và bắt tay vào nghiên cứu để tạo ra thay đổi. Nhiều học giả cho rằng, khi các nhu cầu cơ bản của con người đáp ứng, chúng ta bắt đầu quan tâm nhiều hơn những gì xảy ra xung quanh. (Vox, 2019)

alt
Sự mở rộng của vòng tròn đạo đức theo thời gian | Nguồn: Vox

7. Luật pháp Việt Nam có nói gì về phúc lợi động vật?

Luật chăn nuôi Việt Nam 2018 đã có nhiều thay đổi và tập trung vào cách ta đối xử với động vật nuôi một cách nhân đạo, thay vì chỉ tập trung vào bảo vệ động vật quý hiếm như trong quá khứ.

Tuy nhiên, phúc lợi động vật tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong áp dụng thực hành. Theo như PGS.TS Trần Sáng Tạo (Đại học Nông Lâm Huế), tình trạng giết mổ động vật tàn bạo vẫn diễn ra. Việc giảng dạy về vấn đề này vẫn chưa được đưa vào ở nhiều trường lớp và chỉ mới xuất hiện ở khoa thú y.

Việc đảm bảo phúc lợi động vật có thể tạo ra cơ hội kinh tế trong việc xuất khẩu thịt ra thế giới như tại EU, nơi có ý thức cao về quyền lợi của động vật. Tuy nhiên nếu sự thay đổi xuất phát từ lợi ích kinh tế thay vì ý thức, việc áp dụng chính sách phúc lợi vẫn sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Nhất là khi những hủ tục cũ như chém lợn vẫn còn tồn tại tới bây giờ.