Có nhất thiết phải tiêu hủy đàn chó mèo không? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

Có nhất thiết phải tiêu hủy đàn chó mèo không?

Tại sao lại có người có nhiều lòng trắc ẩn với động vật hơn?
Có nhất thiết phải tiêu hủy đàn chó mèo không?

Nguồn: Ảnh chụp lại từ tài khoản Tiktok @doanthanhson123

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Vừa qua, một gia đình 4 người và 16 thú cưng (14 chú chó, 1 chó con đã được chủ cho đi trên đường đi và 1 mèo) đã vượt qua 300km đi xe máy từ Long An tới Cà Mau để về quê tránh dịch. Tới đêm 08/10, gia đình này đã cập bến an toàn tới trạm y tế tại Cà Mau và nhận được kết quả dương tính với COVID-19.

Đối với đàn chó mèo, ban quản lý trạm cho rằng những người nuôi không quản lý được vật nuôi sẽ dễ làm lây lan dịch bệnh. Vì không đưa ra được giải pháp tối ưu để xử lý vấn đề, lãnh đạo ở đây đã chọn cách mà họ cho là dễ dàng hơn: tiêu hủy đàn chó mèo 15 con.

Hành trình của đại gia đình này vốn đã thu hút một lượng lớn sự quan tâm của nhiều phương tiện truyền thông. Vậy nên, quyết định tiêu hủy này cũng đã tạo nên nhiều tranh cãi trái chiều trong cộng đồng.

2. Quyết định này có đúng về mặt luật pháp?

Theo tiến sĩ Võ Trung Tín của Đại học luật Thành phố Hồ Chí Minh, để xử lý trường hợp này cần được xác định rõ 2 câu hỏi:

  • Liệu đàn chó mèo này có truyền bệnh hay mang nguy cơ tiềm ẩn về dịch hay không?
  • Việc di chuyển chó mèo với số lượng lớn có phải hành vi cần xử lý hay không?

Việc trong trường hợp chủ của chó có vi phạm hành chính, thuộc trường hợp buộc tiêu hủy, thì cũng cần được nêu rõ là theo quy định nào và cách thức ra sao. Trích dẫn từ báo Tuổi Trẻ cũng nhấn mạnh rằng "Hiện nay chưa có quy định nào về việc xử lý, tiêu hủy chó mèo do dịch bệnh COVID-19. Nếu chỉ vì lý do (tự nghĩ) rằng có thể lây dịch COVID-19 là hoàn toàn không có cơ sở khoa học dịch tễ và không có cơ sở pháp lý."

UBND xã Khánh Hưng trong một phỏng vấn với Zing đã thừa nhận: “Anh em xã tiêu hủy đàn chó là gấp, có sai sót, sẽ rút kinh nghiệm và sửa sai, mong bà con thông cảm.”

3. Động vật có khả năng truyền COVID-19 không?

Theo Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh Mỹ, có ít bằng chứng cho thấy vật nuôi (chó, mèo) đóng vai trò lớn trong việc lây lan virus COVID-19. Các trường hợp lây lan từ động vật sang người cũng rất hiếm xảy ra. Ngoài ra, đa số những trường hợp ghi nhận được về vật nuôi nhiễm COVID-19 đều có nguồn lây là từ con người.

Theo như SMCP đưa tin, chuyên gia thú y của Hong Kong cũng đưa ra kết luận tương tự rằng vật nuôi rất khó nhiễm bệnh và lây sang người. 54 con vật (chó, mèo và hamster) dương tính với COVID-19 đã được cách ly và theo dõi từ tháng 2 tới tháng 9. Đa số vật nuôi đều không có biểu hiện bệnh và đã được trả về với chủ sau khi có kết quả âm tính.

4. Nên xử lý như thế nào trước vật nuôi của người nhiễm bệnh?

Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, vấn đề về phúc lợi động vật đã được đem ra bàn luận rất nhiều khi thú nuôi có khả năng cao bị bỏ rơi vì dịch bệnh.

Mỗi quốc gia lại có những cách xử lý khác nhau. Tại Trung Quốc, 3 chú mèo đã bị tiêu hủy sau khi được xét nghiệm là dương tính với COVID-19. Theo như Weibo của chủ nhân 3 chú mèo, các nhân viên cộng đồng nói rằng không có phương pháp chữa trị nào cho mèo và chúng buộc phải bị tiêu hủy.

Còn tại Hàn Quốc, thú nuôi sẽ được xét nghiệm miễn phí trên diện rộng. Thú nuôi nhiễm bệnh sẽ được yêu cầu cách ly tại nhà hoặc tại khu riêng biệt.

Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, chánh văn phòng Sở Y Tế thành phố Hồ Chí Minh, vật nuôi của người nhiễm bệnh thường sẽ được gửi cho người thân và bạn bè chăm sóc. Quyết định xử lý vật nuôi ra sao cũng phải được sự cho phép của chủ.

5. Khi nào được tiêu hủy động vật vì dịch bệnh?

Trường hợp duy nhất mà động vật bị tiêu hủy số lượng lớn nhằm hạn chế sự lây lan của COVID-19 là ở Đan Mạch. Các trang trại nuôi chồn ở đây xuất hiện biến thể cho thấy có sự lây lan từ người sang chồn và từ chồn sang người. Điều này đã dẫn tới việc tiêu hủy 17.000 con chồn được nuôi công nghiệp để lấy lông (NBCN, 2020).

alt
Hố chôn chồn bị nhiễm bệnh | Nguồn: Ritzau Scanpix/AFP via Getty Image

Tuy nhiên, khó có thể so sánh trường hợp của chồn với vật nuôi như chó mèo khi chúng mang đặc điểm sinh học khác nhau. Tại Việt Nam, điều 7 Nghị định 90/2017/NĐ-CP quy định rằng, động vật đem đi tiêu hủy phải mang mầm bệnh; chết do bệnh, mẫn cảm với bệnh dịch. Ngoài ra, bệnh dịch này cũng phải được quy định rõ trong danh mục bệnh động vật (ví dụ như cúm gà H5N1, cúm lợn H1N1).

6. Tại sao có người lại thông cảm với động vật hơn?

Anthrozoös Journal đã đăng bài liên quan tới một thử nghiệm giả định về việc chọn cứu động vật hay con người trong tình huống nguy hiểm. Kết quả chỉ ra rằng 40% sẽ chọn cứu vật nuôi của mình. Tuy nhiên đối với một con chó lạ thì tỷ lệ này lại thấp hơn. Yếu tố cảm xúc và gắn kết đóng vai trò quan trọng trong tình huống này (Psychology Today, 2013).

alt
Tỷ lệ chọn cứu chó của mình cao hơn so với cứu một con chó xa lạ | Nguồn: Psychology Today

Một nghiên cứu khác của Viện Động vật và Xã hội (2017) cũng chỉ ra rằng ta dễ dàng cảm thấy thương cảm hơn khi nghe tin một chú chó bị đánh hơn là một người bị đánh. Tuy nhiên thực tế cho thấy, động vật tương tự như chú khỉ Harambe cũng đã từng bị bắn bỏ để bảo vệ cho em bé rơi vào chuồng.

Theo như The Conversation, việc dự đoán hành vi của con người trước một tình thế tiến thoái lưỡng nan về mặt đạo đức có thể được đánh giá dựa trên “Vòng tròn mối quan tâm về đạo đức” gồm 3 vòng.

Mỗi vòng được đánh giá dựa trên mức độ quan tâm và quan điểm đạo đức: quan tâm nhiều (vòng trong cùng), quan tâm vừa phải (vòng giữa) và ít quan tâm (vòng ngoài cùng). Những gì ta không quan tâm sẽ được đặt ngoài 3 ranh giới này.

alt
3 tầng của vòng tròn đạo đức.

Việc làm bài kiểm tra để xác định 3 mức độ quan tâm của mỗi người sẽ giúp chúng ta giải thích được tại sao một số người lại quan tâm tới động vật hơn. Hoặc đơn giản tại sao lại có người chọn hy sinh bản thân mình vì một cá thể khác loài/cùng loài.

7. Tại sao ta cần lòng trắc ẩn với động vật?

Sự đồng cảm với động vật thường là tiền đề cho nhiều sự thay đổi. Đây là thứ ta có và nhận được từ sự thay đổi tư tưởng của nhiều thế hệ. Điều này tương tự như việc vòng tròn đạo đức của con người ngày càng mở rộng ra với nhiều sinh vật hơn.

Dễ thấy nhất là việc khi lớp trẻ chọn quan tâm và không ăn chó mèo. Việc họ đặt loài động vật này vào trung tâm của vòng tròn đạo đức tạo ra sự thay đổi tích cực lên luật pháp. Hàn Quốc một nước ăn thịt chó đã đưa ra luật thay đổi. Khi sự đồng cảm trong cộng đồng được lan rộng và chiếm ưu thế, sự thay đổi trong luật pháp đi theo mặc cho những ý kiến trái chiều.

Tác giả Nicholas Kristof, trong bài viết Ta có nên chọn động vật thay vì con người? của New York Times cũng đã chia sẻ rằng sẽ là sai lầm nếu cứ phải để quyền động vật và con người cạnh tranh với nhau. Vì về cơ bản lòng trắc ẩn cho loài khác nuôi dưỡng sự trắc ẩn giữa người và người. Và đây không phải bài toán có tổng bằng 0.