1. Phèn nghĩa là gì?
“Phèn” hay “còn phèn”, chỉ người có phong cách lỗi thời, quê mùa, ăn mặc luộm thuộm. Ngoài ra, phèn còn được dùng để châm chọc ngoại hình hay tính cách của ai đó.
2. Nguồn gốc của phèn?
Cách dùng từ “còn phèn” để chỉ sự quê mùa, lạc hậu đã xuất hiện rải rác từ lâu. Nhưng chỉ đến khi chuyên gia trang điểm Nam Trung phát ngôn trong Vietnam’s Next Top Model mùa 2017, phèn mới chính thức trở thành từ khóa trending.
Cụ thể, anh cho rằng các thí sinh mới còn thiếu kinh nghiệm (còn phèn), nên cần được đào tạo từ từ.
Nam Trung còn là người đứng sau những câu nói viral như “Tôi quá mệt mỏi rồi”, “Tôi phát điên”, “Vietnam Next Top Ngất Xỉu”.
3. Phèn phổ biến khi nào?
Dù viral từ năm 2017, đến nay từ khóa này vẫn được tái sử dụng liên tục. Năm 2019, hội bạn thân Youtuber Giang Ơi tham dự một sự kiện thời trang của Gucci, tuy nhiên họ lại bị cộng đồng mạng chê bai, đánh giá thấp gu ăn mặc. Một fanpage về thời trang còn dùng từ “rải phèn” để cà khịa.
Vậy nhưng, không phải lúc nào phèn cũng mang nghĩa xúc phạm. Khi trào lưu đăng ảnh dậy thì thành công nổi lên, nhiều người gắn caption “hồi còn phèn” vào ảnh để tự châm chọc bản thân.
Các fanti tại Việt Nam cũng rất thích dìm hàng hoặc đá xoáy thần tượng. Một trong những “hoạt động thường niên” của họ là đào lại ảnh quá khứ, video thời “còn phèn” của idol. Lúc này, phèn là một từ vô hại và mang sắc thái hóm hỉnh.
Vì sao phèn được nhiều người yêu thích và sử dụng?
Có nhiều hơn một lý do để phèn trở nên viral. Đầu tiên, sẽ có người nhầm lẫn khái niệm phèn trong những từ như: nước nhiễm phèn, đất phèn, phèn chua hay đường phèn.
Nước nhiễm phèn là nước đục, có mùi hôi tanh, vị hơi chua. Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này là do đặc tính thổ nhưỡng của đất phèn.
Phèn chua là tinh thể màu trắng ngà, vị chua và chát, thường dùng để lọc nước đục, hoặc làm chất cầm màu khi nhuộm. Còn đường phèn được sản xuất từ mía. Về cơ bản, đường phèn và phèn chua không có “dây mơ rễ má” với nhau.
Giống như còn cái nịt, phèn phổ biến và được đón nhận còn nhờ vào cấu tạo ngữ âm và bối cảnh ra đời.
Nhà tâm lý học Chris Westbury chỉ ra, có 2 yếu tố khiến một từ nghe vui tai: ý nghĩa và cấu tạo từ. Thông thường, ta dễ bật cười khi nghe những từ thuộc 6 hạng mục: giới tính (vú, dương vật), chức năng cơ thể (ngáy, ợ, xì hơi), tiệc tùng (quẩy, đi đu đưa), động vật (heo nái, lợn sề), miệt thị (ba trợn, rồ hoa mướp, chập mạch, đần độn), chửi thề. Trong đó, phèn rơi vào nhóm từ miệt thị.
Về mặt cấu tạo từ, mỗi ngôn ngữ sẽ có một số phụ âm, nguyên âm tạo cảm giác vui tai, như trong tiếng Anh có ‘k’ (puke, fink) hoặc ‘oo’ (boob, poop). Trong tiếng Việt, một số âm như ‘èn’ (phèn), ‘ẹp’ (ướt nhẹp), ‘ép’ (bép xép) cũng mang sắc thái hài hước.
Westbury nói thêm, những từ hiếm gặp cũng dễ gây tiếng cười hơn những từ phổ biến. Phèn thường xuất hiện trong phèn chua, đường phèn, nhưng không thường dùng để chỉ người. Cách chuyển nghĩa mới lạ, cộng với tính tượng hình vốn có của từ, đã đưa phèn đến với công chúng theo một cách rất riêng.
4. Cách sử dụng từ phèn?
Người hỏi: Các thí sinh năm nay vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm, không biết Nam Trung sẽ huấn luyện các bạn như thế nào?
Nam Trung: Với những người mới, Trung nói từ này đi cho thẳng luôn: “Còn phèn”. Thì phải làm sao? Phải ngâm từ từ mà rửa.