Chúng ta có thật sự cô độc? | Vietcetera
Billboard banner
14 Thg 10, 2019
Cuộc SốngTâm Lý Học

Chúng ta có thật sự cô độc?

Khi tất cả chúng ta đều "độc nhất vô nhị", thì liệu sự cô độc có là một thực tế tuyệt đối, hay chỉ một góc nhìn trong cuộc sống?

Chúng ta có thật sự cô độc?

Chúng ta có thật sự cô độc?

Ta thường cho rằng mỗi người là một cá thể riêng biệt, rằng những cảm xúc và trải nghiệm cá nhân là của và chỉ thuộc về cá nhân đơn lẻ ấy mà thôi. Nếu nói như vậy, sẽ chẳng bao giờ có một trải nghiệm giống nhau, không bao giờ ta chia sẻ được cảm giác đang chảy trong trái tim này đến với người khác. Khao khát mong muốn được chia sẻ với niềm hy vọng người khác cũng có cùng cảm nhận với mình chỉ là một ảo tưởng nho nhỏ, mà chẳng bao giờ thành hiện thực.

Như vậy, tất cả chúng ta đều cô độc trong sự độc nhất của chính mình.

Tính độc nhất này là chất liệu quan trọng của danh tính mỗi người. Nó là yếu tố quyết định bản sắc cá nhân, giúp phân biệt mình với người khác. Đôi lúc, khi ta thử so sánh bạn này với bạn kia, những người bị so sánh cảm thấy không hài lòng. Cái cảm giác cào bằng khiến mình cảm thấy lạc lõng.

Tất cả chúng ta đều cô độc trong sự độc nhất của chính mình
Tất cả chúng ta đều cô độc trong sự độc nhất của chính mình.

Trong sự cào bằng ấy, ta bị tước đi những giá trị bản thân và không được phép là chính mình. Chúng ta phải trở thành một phần tử của một tập hợp lớn hơn, tồn tại vì mục đích và những giá trị quy định bởi tập hợp đó.

Do vậy, ta sẽ gặp một vài bạn luôn tìm cách cố gắng khẳng định bản thân mình, để rồi khi gặp những khó khăn trong cuộc sống, họ lại vấp ngã và cảm thấy bị cô lập, rằng mình vốn từ trước giờ chỉ có một mình, không có ai bên cạnh cả.

Nhưng có thật rằng mỗi chúng ta đều độc nhất trong cái nghĩa mà từ “độc nhất” thể hiện? Liệu từng dòng cảm xúc trong ta đều chỉ của riêng ta thôi ư?

Vậy thì điều gì xui khiến ta vỗ tay mà nhìn nhau mỗi khi một bản trình diễn kết thúc? Điều gì khiến ta gào thét trong vui mừng và cảm giác phiêu bồng trong những đêm nhạc hội hè? Điều gì khiến ta cùng nhau thảng thốt trước khung cảnh rộng lớn mênh mông của bầu trời mùa hè có nắng vàng nhuộm cả con đường đông đúc? Điều gì khiến ta yêu nhau?

Có phải trong những giờ phút đó, một sợi dây vô hình của những điều sơ khai liên kết chúng ta lại? Và rằng trong tất cả chúng ta đều chia sẻ những điểm chung?

Dù cách sắp xếp khác nhau chúng ta được tạo nên từ một số chất liệu giống nhau
Dù cách sắp xếp khác nhau, chúng ta được tạo nên từ một số chất liệu giống nhau.

Cứ giống như dãy bit trong ngôn ngữ lập trình chẳng hạn, hãy tưởng tượng rằng mỗi chúng ta đều có hai ký tự 0 và 1, điều làm nên sự khác biệt là sự sắp xếp hai con số này. Nhưng dù sự sắp xếp đấy có khác nhau như thế nào đi nữa, mỗi người chúng ta đều được cấu thành từ 0 và 1: chúng ta được tạo nên từ một số chất liệu giống nhau.

Và nếu ta nhìn trong cuộc sống này trên diện rộng, đôi khi ta sẽ bắt gặp những điểm chung không ngờ tới mà lúc đầu tưởng chừng hoàn toàn khác biệt. Lấy phương Tây và phương Đông làm ví dụ chẳng hạn.

Dòng nhạc lo-fi bắt đầu từ những năm 1950 ở Mỹ và dần phát triển thành một trong những dòng nhạc đại chúng. Điểm nổi bật của dòng nhạc này là sự không hoàn hảo một cách cố tình khi thu âm hoặc lúc trình diễn bao gồm lẫn tạp âm, đánh sai nốt, chất lượng thu âm thấp, hay có tiếng rè. Tuy vậy, điểm hay của dòng lo-fi nằm ở sự chấp nhận cái không hoàn hảo này và tìm kiếm cái đẹp trong nó.

Tương tự, ở Nhật Bản, có khái niệm “wabi-sabi” thường gặp trong trà đạo, nghệ thuật làm gốm, nội thất, hay thậm chí lối sống của nhiều người. Wabi-sabi tìm thấy vẻ đẹp trong những thứ thô sơ, không hoàn hảo như chiếc bát vỡ được hàn lại hay nền nhà xây thô không lát gạch. Nó chấp nhận sự không hoàn mỹ của cuộc sống, và tôn vinh vẻ đẹp trong sự khiếm khuyết của vạn vật.

Cả wabisabi và nhạc lofi đều tìm thấy vẻ đẹp trong sự thô sơ không hoàn hảo
Cả wabi-sabi và nhạc lo-fi đều tìm thấy vẻ đẹp trong sự thô sơ, không hoàn hảo.

Ngay cả những nền văn hóa gần như đối lập cũng tìm ra trong nhau những điểm tương đồng. Vậy những cá thể khác nhau có thể làm điều tương tự? Nếu chúng ta không sống trong cơ thể của người khác, sao chúng ta có thể biết được những gì họ cảm thấy, hiểu được những nỗi đau mà họ phải trải qua, thấu được cái tình cảnh mà họ đang chịu đựng?

Nếu con người có một mẫu số chung, thì đó rất có thể là khổ đau. Chúng ta đều có những vết hằn, dù hình thù chúng khác nhau. Những vết hằn giúp chúng ta thấu cảm. Và từ lòng thấu cảm đó, chúng ta biết mình không đơn độc.

Bài viết được thực hiện bởi Phạm Văn Tâm.

Xem thêm:

[Bài viết] Khủng hoảng lựa chọn: Hãy đi bước tốt nhất ở thời điểm hiện tại

[Bài viết] Khi thế giới quá bận rộn để lắng nghe bạn