Chúng ta đang "làm ngơ" với thảm họa đã tới?  | Vietcetera
Billboard banner

Chúng ta đang "làm ngơ" với thảm họa đã tới? 

Ta cảm nhận được sóng nhiệt, hạn hán, lũ lụt... nhưng biến đổi khí hậu thì cứ như ở đâu đó ấy nhỉ? 
Chúng ta đang "làm ngơ" với thảm họa đã tới? 

Nguồn: SCOP.

1. COP27 bàn thảo vấn đề gì?

Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu Liên Hiệp Quốc 2022 (COP27) diễn ra tại Ai Cập, từ ngày 07-18/11. Hội nghị năm nay thu hút của lãnh đạo hơn 200 quốc gia cùng nhiều tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng tham gia.

COP27 tập trung thảo luận trên các lĩnh vực bao gồm: Giảm phát thải; Hỗ trợ các nước chuẩn bị và đối phó với biến đổi khí hậu; Đảm bảo hỗ trợ kỹ thuật và kinh phí cho các nước tham gia vào các hoạt động chống biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch (than đá,) thiết lập thị trường carbon cũng như vấn đề mất mát và thiệt hại tài chính, ngân sách hỗ trợ các nước phục hồi từ tác động của biến đổi khí hậu tại COP26 tiếp tục được đưa ra bàn luận.

Các phiên họp từ ngày 09-17/11 sẽ tập trung thảo luận nhiều chủ đề khác nhau, bao gồm Ngày Tài chính; Ngày Khoa học; Ngày về thanh niên và các thế hệ tương lai; Ngày về “khử carbon;” Ngày thích ứng và nông nghiệp; Ngày về giới; Ngày về nước; Ngày năng lượng; Ngày đa dạng sinh học; Ngày về các giải pháp.

Tại phiên họp cuối cùng diễn ra ngày 18/11, hội nghị sẽ thảo luận và xem xét thông qua tuyên bố chung.

2. Việt Nam thảo luận điều gì tại COP27?

Việt Nam tham gia COP27, khẳng định chuyển đổi năng lượng là yếu tố then chốt để thực hiện mục tiêu đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050 như đã cam kết tại Hội nghị trước đó.

Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi này, Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn. Chuyển đổi năng lượng sạch (năng lượng tái tạo) đòi hỏi nguồn lực rất lớn. Trong khi đó Việt Nam vẫn cần đảm bảo an toàn lưới điện quốc gia, và để phát triển kinh tế...

Đồng thời, nước ta cũng đề nghị Vương quốc Anh, EU và G7 hỗ trợ chuyển giao các công nghệ tiên tiến như điện gió, điện mặt trời, lưu trữ điện năng để thực hiện thành công quá trình chuyển đổi năng lượng.

Đại diện COP27 hoan nghênh cam kết chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ của Việt Nam nhằm giảm phát thải khí nhà kính, tiếp tục đàm phán để đi đến thống nhất, đảm bảo lợi ích của các bên.

3. Có những ý kiến trái chiều nào xung quanh?

Bên cạnh góc nhìn thực tế và cấp thiết cũng như kỳ vọng thúc đẩy chống biến đổi khí hậu, COP27 vẫn gây ra một số ý kiến trái chiều.

COP27 tổ chức tại Ai Cập cũng tạo ra nhiều ý kiến gây tranh cãi như một số người không thể tham dự hội nghị; Hay vấn đề hàng triệu người dân châu Phi đang đối mặt với mất an toàn lương thực do hạn hán.

Nhà hoạt động môi trường, chống biến đổi khí hậu trẻ tuổi Greta Thunberg cho rằng, COP27 là sự "tầy xanh" (greenwashing,) gian lận và lừa dối." Thunberg không phải là người hâm mộ của COP27 và ám chỉ đó chỉ là hội nghị cũng những người không-hoạt-động gì cho môi trường, biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, COP27 cũng khiến bàn dân thiên hạ tranh cãi bởi một số lý do khác. Theo Guardian (Anh,) Coca-Cola, công ty sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sản xuất hàng tỷ chai nước ngọt bằng nhựa mỗi ngày là một trong những nhà tài trợ của hội nghị.

Trước đó, COP26 diễn ra tại Glasgow, Vương Quốc Anh đã cho công ty dầu khí Santos một gian trưng bày tại hội nghị. Chưa kể, một nhà tài trợ cho hội nghị COP26 lại là một công ty than.

4. Tại sao chúng ta làm ngơ với biến đổi khí hậu?

Các hình thái thời tiết nhiễu loạn đang tăng lên và khó lường trong những năm gần đây. Sóng nhiệt gây chết người và lũ lụt lịch sử diễn ra ở châu Âu, các quốc đảo bị ảnh hưởng bởi mực nước biển tăng lên... là điều có thể nhìn thấy và cảm nhận. Tuy nhiên, bàn luận và hành động chống biến đổi khí hậu thì cứ như đang ở đâu đó?

Có nhiều hiểu nhầm xung quanh về biến đổi khí hậu toàn cầu tạo ra rào cản trong việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Thiếu kiến thức khoa học, đổ lỗi… cũng là một trong những mẹo mà chúng ta đang làm để “lười” chống biến đổi khí hậu, ít nhất là ở cấp độ cá nhân.

Có thể chúng ta làm ngơ với biến đổi khí hậu, với tương lai nhuốm màu sắc tận thế bởi tâm lý phản kháng (reactance.) Điều này có nghĩa là, chúng ta cảm thấy sợ hãi và từ chối tin (và phủ nhận) nỗi sợ biến đổi khí hậu.

Theo Soci, tương lai u tối của biến đổi khí hậu hẵng còn quá xa mà ta lại không ưu tiên những thứ không cấp thiết. Vì thế, ta cứ "ngó lơ" với biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, chúng ta có thể tái sử dụng thứ này, hạn chế thắp đèn chỗ kia... nhưng lại không thể ngừng lên máy bay du lịch, hoặc vì công việc. Đôi khi thật khó để có thể vẹn toàn mọi thứ mà góp phần chống biến đổi khí hậu.

Một cá nhân góp phần chống biến đổi khí hậu thường mang về ít lợi ích cho chính người đó. Tái sử dụng rác thải nhựa, hạn chế bật đèn, sử dụng phương tiện công cộng... không phải lúc nào cũng hoàn hảo. Tất nhiên, chúng ta vẫn giữ niềm tin đang góp phần chống biến đổi khí hậu.

5. Vì sao ta nên xem lại Don't Look Up bây giờ?

Không có gì thú vị hơn khi vừa theo dõi về COP27 và vừa xem... Don't Look Up (Đừng nhìn lên.) Vì sao lại là Don't Look Up?

Bộ phim Don't Look Up của đạo diễn Adam McKay đủ đen tối về viễn cảnh tận thế nhưng đủ hài hước để chọc khoáy tất thảy chúng ta, những người vừa theo dõi COP27, vừa hành động nhỏ và ngó lơ chống biến đổi khí hậu.

Bộ phim đặt ra một thông điệp liệu thảm họa toàn cầu có thật nào trong tương lai gần sẽ hủy diệt nhân loại? Nếu không phải là một vụ đâm thiên thạch vào trái đất thì đó là gì? Biến đổi khí hậu, chiến tranh hạt nhân hay dịch bệnh? Tất cả đó đều là câu trả lời đúng và hợp lý.

Điều khiến Don't Look Up thú vị và cũng khó chịu chính là việc trả con người về lại đúng vị trí vốn có. Và có lẽ, bộ phim sẽ là một gợi mở đủ hài hước và đủ cay đắng về sự thờ ơ với những thảm họa đã đến mà ta từ chối hiểu và hành động.