Mẹ của tôi trước đây là một người khá “tưng tửng,” sành điệu, và rất teen, giống như một người bạn mà tôi có thể trêu đùa về đủ thứ chuyện trên đời.
Từ khi theo Phật, “người bạn” đó bỗng trở nên “trưởng thành” hơn trong một thời gian ngắn, khiến tôi có phần ngỡ ngàng, hụt hẫng.
Trước kia, khi tôi nói mình không thích ai, mẹ sẽ hào hứng “nói xấu" cùng tôi thật nhiệt tình. Bây giờ, câu cửa miệng của mẹ là “Không nên ghét ai cả, con ạ” và cuộc hội thoại sẽ kết thúc ở đó.
Mẹ không còn hùa theo những lời bình luận có phần mỉa mai của tôi về người khác, đồng thời tỏ ý không bằng lòng mỗi khi tôi trở nên xấu tính khi mọi chuyện không như ý muốn.
Tôi cảm giác, mình đã mất đi một người bạn.
Mỗi năm, mẹ lại sắp xếp thời gian để tham gia Pháp hội của ngài Dalai Lama (Đạt Lai Lạt Ma) một lần. Pháp hội thường được tổ chức ở Ấn Độ, khi thì ở Bodh Gaya, nơi Đức Phật giác ngộ, khi thì ở Dharamshala, nơi nương náu của Ngài Dalai Lama bây giờ. Trong những buổi như vậy, Ngài sẽ giảng về lòng trắc ẩn, tình thương, và sự từ bi.
Vì là "bạn thân" nên tôi luôn đồng hành cũng mẹ trên những chuyến đi đó. Tuy nhiên, sự hậm hực vì mất đi người bạn thân “hợp rơ” theo tôi một thời gian dài, đến tận chuyến đi Dharamshala, Ấn Độ vào tuần trước.
Từ đầu chuyến đi, mẹ đã quyết định mặc chiếc áo dài nâu sồng kín mít từ đầu đến chân.
Tôi nghĩ thầm, mẹ có bao nhiêu quần áo đẹp, sao lại phải mặc bộ này cho nóng nực? Thêm vào đó, sao mẹ không đánh son nhỉ? Tại sao mẹ phải gọi một ông sư 37 tuổi đi cùng là “thầy" xưng “con,” lại còn cứ đòi xách hành lý cho người ta dù mẹ cũng chẳng khỏe mạnh gì?
Với những thắc mắc liên tục và dồn dập của tôi, mẹ chỉ im lặng hoặc dịu dàng giải thích: “Mẹ thích mặc như thế này, mẹ không thấy nóng. Sao con lại thấy nóng thay mẹ?” và “Mẹ nhận nhiệm vụ hỗ trợ Thầy mà.”
Cảm xúc ấm ức cứ thế trôi tuột ra thành rất nhiều câu hỏi "sao mẹ không...?" Lúc ấy, tôi không nhận ra rằng chuyến đi này có câu trả lời cho vô vàn những thắc mắc của tôi về mẹ.
Trong một buổi giảng Pháp nọ của thầy Sonam Dawa, có một người thắc mắc rằng: “Ở đây có rất nhiều người ăn xin, nếu con không cho thì sẽ cảm thấy tội lỗi, mà cho thì cũng không biết người ta có dùng vào mục đích đúng hay không. Con nên làm như thế nào?”
Thầy bèn trả lời: “Nếu mình muốn cho, thì hãy cứ cho đi. Đúng là có thể họ sẽ dùng tiền để mua rượu hoặc thuốc lá. Nhưng đó là điều mình không kiểm soát được, và cũng không nên cố gắng để kiểm soát."
Thầy nói thêm: “Nếu mình cứ bận tâm về hành động của người khác, mình sẽ mất cơ hội thực hành đức tính cho đi, đức tính rất cần thiết để giác ngộ."
Câu trả lời tưởng chừng không liên quan đã giúp tôi nhận ra rằng, bấy lâu nay tôi cứ cố gắng “kiểm soát" mẹ theo hình mẫu trong quá khứ. Trong khi đó, việc con người thay đổi là “tất lẽ dĩ ngẫu."
Mẹ đã và luôn chấp nhận, yêu thương con người ngỗ ngược của tôi năm cấp 3, cho đến phiên bản trưởng thành của hiện tại. Vậy nên, không có lý do gì tôi không thể chấp nhận tất cả các phiên bản của mẹ, từ phiên bản “vô thần" cho đến phiên bản “sùng đạo."
Đó là lúc tôi hiểu mình cũng cần phải thay đổi. Tôi học cách tôn trọng ý muốn của mẹ thay vì cố gắng áp đặt. Tôi cũng học cách lắng nghe mà không phán xét, không thắc mắc hay phản bác những điều mẹ nói, kể cả những thứ tôi cho là không hợp lý với mình.
Dần dần, tôi cũng hiểu ra rằng, nhiệm vụ của tôi không phải là để ý và phán xét hành động của mẹ. Thay vào đó là học cách chấp nhận những chuyện mình chưa thể hiểu, nhưng sẽ rồi hiểu bằng trái tim và cái đầu rộng mở.