Cô gái kiếm tiền qua Tinder: Tranh luận văn minh thay vì mạt sát và bắt nạt | Vietcetera
Billboard banner

Cô gái kiếm tiền qua Tinder: Tranh luận văn minh thay vì mạt sát và bắt nạt

Dù có đồng tình với Kimmie hay không, thì việc góp ý mang tính xây dựng nên được đặt lên hàng đầu, thay vì nấp sau sự ẩn danh của mạng xã hội để "buông lời cay đắng."
Cô gái kiếm tiền qua Tinder: Tranh luận văn minh thay vì mạt sát và bắt nạt

Nguồn: Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera

1. Chuyện gì đang xảy ra?

Trong những ngày vừa qua, cộng đồng mạng lên án một đoạn clip nói về việc “kiếm tiền trên Tinder.” Đoạn clip này cắt ra từ video của Kimmie - một người làm nội dung trên YouTube.

Trong đó, cô nói rằng mình đã từng sống tại Hà Nội mà không có việc làm, không có nguồn thu nhập ổn định bằng việc xin tiền của những bạn hẹn Tinder trong những buổi gặp mặt. Lấy lý do không có tiền mặt để đi xe về, mỗi lần gặp cô thu về từ 200 tới 500 ngàn, và dù có nói là sẽ chuyển trả lại nhưng cô hoàn toàn không thực hiện. Kimmie còn chia sẻ rằng cô từng kiếm được 3 triệu đồng từ một bạn hẹn tới muộn nửa tiếng.

Tiếp tục tìm hiểu những video của cô, cộng đồng mạng chỉ ra rằng nhiều nội dung mà Kimmie thực hiện trên YouTube dường như đang cổ vũ sự giả dối và tâm lý ỷ lại trong cuộc sống nói chung, và trong việc đi làm nói riêng. Chính suy nghĩ và hành động theo kiểu "không làm mà cũng có ăn" là thứ bị lên án.

31mar2023120230330105553jpg
Trong một thời gian ngắn, những video của Kimmie nhận được lượng xem lớn. | Nguồn: Tuổi Trẻ Thủ đô

2. Công chúng phản ứng thế nào?

Hầu hết mọi người đều tỏ ra bất bình và không đồng ý với những nội dung mà cô gái đưa ra trong clip, cũng như trong các video của cô trên YouTube. Tuy nhiên, mọi người có những cách khác nhau để tỏ thái độ.

Khi đoạn cắt của video mới xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội, các tài khoản cá nhân dù không đồng ý với Kimmie nhưng đều đóng góp ý kiến một cách nhã nhặn. Tới khi đoạn clip trở nên nổi tiếng và thu hút nhiều người xem hơn, thì rất nhiều cá nhân đã lên án với thái độ mạnh mẽ, thậm chí tẩy chay và công kích Kimmie bằng những lời lẽ khiếm nhã.

Một số người khác không lập tức nhảy vào vòng xoáy thông tin, mà chậm rãi lùi lại để xem đầy đủ đoạn video có chứa phần clip bị cắt, thậm chí xem nhiều video khác của nữ YouTuber. Sau đó, họ đưa ra những nhận xét của riêng mình trên nền tảng lắng nghe và cố thấu hiểu.

3. Nhân vật có hoàn toàn đáng bị lên án ở mức độ như hiện tại?

Nếu Kimmie thực sự đã làm những gì mà cô nói, ta không phủ nhận tâm lý dựa dẫm và hành vi sai trái của cô. Việc bày tỏ thái độ và lên án là cần thiết, nhưng giống như một bộ phận công chúng chậm rãi ở trên, có lẽ ta nên bình tĩnh lại để tìm hiểu kỹ hơn về sự việc, các nguồn thông tin ta tiếp cận, và bối cảnh phát ngôn đầy đủ của người trong cuộc

Dù kể những câu chuyện phản cảm khiến nhiều người bất bình, nhưng trong các video, Kimmie thể hiện và nói rằng đó là con người cũ, lối sống cũ của cô. Theo Kimmie, việc chia sẻ thực chất không phải để kêu gọi mọi người làm theo, và cô cũng không muốn quay trở lại cách sống ấy.

Bên cạnh đó, dù những phát ngôn của cô có nhiều vấn đề, cho thấy những lỗ hổng trong kỹ năng sống và làm việc, nhưng Kimmie có thái độ tự tin, lạc quan, đồng thời bày tỏ nỗ lực muốn thay đổi dù ít hay nhiều.

4. Góp ý và tranh luận thế nào để không trở thành kẻ bắt nạt?

Sự lên án, tranh luận, và phản hồi của cộng đồng trước một sự việc hay hiện tượng là điều cần thiết. Thế nhưng nếu ta tranh luận không có mục đích, góp ý nhưng không có thành ý, và chỉ nói cho sướng mồm, ta dễ sa đà vào việc công kích cá nhân, đào bới đời tư của đối phương, và vô tình trở thành những kẻ bắt nạt trên mạng.

Thay vì chửi rủa và mạt sát đối phương, ta nên tập trung lời lẽ và hướng đối tượng chỉ trích vào hành động đáng được chỉ trích. Hãy cố gắng đưa ra những góp ý mang tính xây dựng, thay vì cùng hàng trăm nghìn người ẩn danh bêu rếu đối phương.

31mar2023image20230331160347389png
Một số góp ý mang tính xây dựng trong phần comment của video "Mình leo đến vị trí này từ đâu" trên kênh của Kimmie. | Nguồn: Vietcetera chụp màn hình

Bên cạnh đó, ta cần tìm hiểu kỹ càng nguồn cơn của sự việc trước khi đưa ra bất cứ nhận định nào mang tính phán xét. Nếu không, chúng ta vừa dễ làm tổn thương lẫn nhau vì những điều không đáng, vừa đưa cuộc thảo luận vào ngõ cụt vì không hiểu rõ chân tướng của sự việc.

5. Lại là tranh cãi về văn hóa đi làm của Gen Z?

Thông qua sự việc này, nhiều người đã mượn cớ để lên tiếng chỉ trích sự thiếu hụt kỹ năng sống và thái độ sống, thái độ làm việc của giới trẻ mà đặc biệt là Gen Z. Họ nhìn vào những biểu hiện trong những câu chuyện về nghề nghiệp và lối sống và Kimmie kể ra để khẳng định rằng Gen Z là một thế hệ lười biếng và chỉ biết đòi hỏi chứ không biết thấu hiểu và cống hiến.

Nhận định này có phần quy chụp bởi Kimmie chỉ là một trường hợp cụ thể và không thể đại diện cho bất cứ một cộng đồng nào, chưa nói tới cả một thế hệ như Gen Z. Thế nhưng, việc mọi người vẫn quy chụp và có suy nghĩ như vậy cho thấy khoảng cách và xung đột giữa phong thái của giới trẻ với môi trường làm việc và thị trường lao động là rất lớn.

Kimmie không ở trong độ tuổi Gen Z và cũng không có khả năng đại diện, nhưng có lẽ lý do khiến cô gái này bỏ những công việc ổn định trong quá khứ chính là khoảng cách và sự xung đột nêu trên. Để khắc phục điều này, ta nên nhìn đa chiều và thu thập thông tin từ tất cả các bên, thay vì chỉ coi một bên là nguồn cơn của mọi vấn đề.