Cờ LGBTIQ+ xuất hiện tại World Cup 2022, nhưng nó lạ lắm... | Vietcetera
Billboard banner

Cờ LGBTIQ+ xuất hiện tại World Cup 2022, nhưng nó lạ lắm...

Một kỳ World Cup lịch sử với nhiều sự đổi mới, nhưng cũng nhiều lùm xùm không đáng có.
Cờ LGBTIQ+ xuất hiện tại World Cup 2022, nhưng nó lạ lắm...

Nguồn: Stop Homophobie

1. Chuyện gì đang xảy ra?

Mới đây, tổ chức Stop Homophobie - một hiệp hội đấu tranh chống lại phân biệt đối xử với người đồng tính - đã kết hợp với Viện màu sắc Pantone để tìm ra một cách “lách luật” tại Qatar.

Qatar - nước đăng cai giải World Cup 2022 là một nước Hồi giáo. Nước này có những điều luật nghiêm ngặt; một trong số đó liên quan tới việc cấm LGBTIQ+.

Thay vì sử dụng lá cờ LGBTIQ+ thông thường, hai đơn vị này đã biến những màu sắc trên cờ thành các mã code trong bảng màu Pantone. Đây là một phần của chiến dịch “Colors of Love” do chính Stop Homophobie và Pantone phát động. Phiên bản cờ độc đáo này còn xuất hiện trên một số áo thun, băng rôn của chiến dịch để khán giả xem World Cup tại Qatar có thể “vượt mặt” cảnh sát.

14nov2022drapeaulgbtblancpantonecoupedumondegg11920x1080jpg
Lá cờ "có màu" nhưng không có màu. | Nguồn: Stop Homophobie

2. Qatar còn cấm cửa điều gì nữa ở kỳ World Cup 2022?

Là một nước Hồi giáo, Qatar có những điều luật nghiêm ngặt liên quan tới tôn giáo của mình. Việc cấm lá cờ LGBTIQ+ là bởi đạo luật Hồi giáo của nước này vừa không ủng hộ người đồng tính, vừa có những hình phạt rất nghiêm khắc nếu phát hiện công dân thực hiện những hành vi đồng tính.

Ngoài lá cờ cầu vồng, Qatar cấm cổ động viên mang rượu, các sản phẩm làm từ thịt lợn, các loại sản phẩm khiêu dâm, đồ chơi tình dục, và cả… thuốc lá điện tử vào lãnh thổ của mình. Không dừng lại ở đó, nước này còn cấm thể hiện tình cảm ở nơi công cộng.

Có lẽ lệnh cấm khó tuân thủ nhất trong mùa World Cup là lệnh cấm… cởi trần ăn mừng. Qatar có quy định rất nghiêm ngặt về trang phục, và chỉ riêng việc mặc quần áo để lộ nhiều phần cơ thể cũng đã có thể khiến bạn bị phạt, chưa nói gì tới việc cởi đồ. Nhưng dưới sức nóng của lễ hội bóng đá lớn nhất hành tinh, có lẽ lệnh cấm này rồi cũng sẽ bị vi phạm.

14nov2022ronaldolapkylucbodaonha2jpg
Có ghi bàn thì cũng đừng cởi trần nha anh Bảy ơi, không là mất tiền oan đó. | Nguồn: Web Thể Thao

3. Có những vấn đề gì trong khâu tổ chức?

Kể từ khi Qatar được chọn làm nước đăng cai World Cup 2022, đã có nhiều ý kiến quan ngại về việc quốc gia này không phù hợp để tổ chức vòng chung kết. Điều này không chỉ tới từ những đặc điểm về khí hậu và cơ sở vật chất, mà nhắm vào những vi phạm quyền con người và những hành động gây ô nhiễm của đế quốc dầu mỏ.

Qatar đã phải thuê hơn 30 ngàn nhân công nước ngoài chỉ để xây sân vận động, chứ chưa nói tới việc vận hành sự kiện. Theo ước tính của The Guardian, tới năm 2021, đã có khoảng 6500 người từ Ấn Độ, Pakistan, Nepal, Bangladesh thiệt mạng trong việc xây dựng sân đấu.

Quốc gia này cũng nổi tiếng với việc không đối xử tốt với người làm thuê. Nhiều vụ việc vi phạm khác nhau tại Qatar đã được ghi nhận bởi các tổ chức theo dõi quyền con người.

Nhưng cáo buộc nghiêm trọng nhất nhắm vào Qatar là việc nước này được cho là đã hối lộ các quan chức của FIFA và nhiều chính trị gia để giành quyền đăng cai World Cup 2022. Bên cạnh đó, theo New York Times và The Guardian, có nhiều dấu hiệu của tham nhũng và vi phạm tài chính trong cách mà nước này quản lý dòng tiền tài trợ và đầu tư vào việc tổ chức World Cup.

4. Tại sao người Đan Mạch phản đối Qatar tổ chức World Cup 2022?

Vào tháng 9 năm nay, đội tuyển quốc gia Đan Mạch cho ra mắt đồng phục thi đấu với thông điệp lên án những vi phạm về quyền con người của Qatar. Đan Mạch đã nhận sự chỉ trích lớn từ nước chủ nhà, vốn luôn phủ nhận những cáo buộc nhắm tới những sự tiêu cực và lũng đoạn trong khâu tổ chức.

14nov2022220929103437denmark2022worldcupkitsjpg
Trang phục thi đấu màu đen thể hiện sự thương tiếc với những công nhân đã thiệt mạng và bị bóc lột tại Qatar World Cup 2022. | Nguồn: CNN

Trong lúc luyện tập, các cầu thủ Đan Mạch mặc chiếc áo in dòng chữ "Human Rights for All," cũng nhằm để chỉ trích Qatar. Thế nhưng trang phục này đã bị FIFA cấm vì lý do không được thể hiện thông điệp chính trị.

Ngoài ra, một làn sóng tẩy chay World Cup đang dấy lên tại Đan Mạch. Điều này không chỉ tới từ thái độ của Qatar và lệnh cấm của FIFA, mà bắt nguồn từ câu hỏi: có hay không nên ủng hộ và theo dõi một sự kiện có nhiều sai phạm như World Cup 2022?

5. World Cup 2022 còn khác biệt vì điều gì nữa?

Vòng chung kết World Cup tại Qatar chứng kiến nhiều sự thay đổi về việc điều hành giải đấu nói chung và từng trận đấu nói riêng. Đầu tiên, mỗi đội bóng được đăng ký tối đa 26 cầu thủ thay vì 23 cầu thủ như tại World Cup 2018 ở Nga. Thêm vào đó, mỗi đội sẽ có 5 quyền thay người thay vì 3, và được thêm một quyền thay người nữa nếu trận đấu bước vào hiệp phụ.

Qatar là đất nước có diện tích nhỏ nhất từng tổ chức World Cup. Tất cả các sân vận động đều nằm cách thủ đô Doha không quá 50km. Điều này khiến cho World Cup 2022 là kỳ World Cup “chật chội” nhất từng được tổ chức, nếu so với việc tổ chức các trận bóng ở nhiều thành phố, hay thậm chí là nhiều quốc gia khác nhau trong lịch sử giải đấu.