Con đường nào giúp Việt Nam xuất khẩu văn hóa? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

Con đường nào giúp Việt Nam xuất khẩu văn hóa?

Tại sao phim ảnh, đồ ăn và lối sống của người Việt chưa tạo nên làn sóng toàn cầu? Điều gì đang cản trở Việt Nam hiện đại trong công cuộc xuất khẩu văn hóa ra thế giới?

Con đường nào giúp Việt Nam xuất khẩu văn hóa?

Tôi đã từng sinh sống tại Việt Nam và liên tục dõi theo sự phát triển của đất nước này trong suốt 13 năm qua. Và tôi phải công nhận một điều rằng Việt Nam đang chuyển mình với tốc độ rất đáng kinh ngạc.

Chỉ trong vòng 30 năm trở lại đây, mảnh đất hình chữ S này đã khiến cho cả thế giới nhận ra một điều rằng bản sắc của nó không chỉ gói gọn trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Giờ đây, bản sắc ấy còn bao gồm cả nền ẩm thực & du lịch, và có thể đây sẽ là hình mẫu mới của một bản sắc dân tộc đang trong thời kỳ hội nhập.

Từ một dân tộc khép kín, văn hóa Việt Nam e lệ bước ra thế giới với sự tự tin chớm nở. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng Việt Nam cần phải biết đi trước khi biết chạy. Và lần này tôi nghĩ rằng cuối cùng Việt Nam cũng đang bước những bước đi đầu tiên.

Những cường quốc trong khu vực châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, và Đài Loan đã chạy được một đoạn đường dài. Và trong vòng một thập kỷ qua, những nước như Trung Quốc cũng đang bắt đầu chạy theo. Tham gia vào sân chơi thế giới, những quốc gia này tạo ảnh hưởng nhất định trên địa chính trị. Và sản phẩm văn hóa cũng như hàng xuất khẩu của họ được hàng triệu người dân ở các nước khác biết đến và sử dụng.

Việt Nam cần phải biết đi trước khi biết chạy Và lần này tôi nghĩ rằng cuối cùng Việt Nam cũng đang bước những bước đi đầu tiên Nguồn Internet
Việt Nam cần phải biết đi trước khi biết chạy. Và lần này tôi nghĩ rằng cuối cùng Việt Nam cũng đang bước những bước đi đầu tiên. | Nguồn: Internet.

‘Xuất khẩu văn hóa’ rốt cuộc là xuất khẩu cái gì?

Khi nhắc đến cụm từ ‘xuất khẩu văn hóa’, tôi nghĩ ngay đến Hàn Quốc. Đất nước này đã vực dậy từ một quốc gia bị chia cắt bởi chiến tranh để trở thành một trong những cái nôi của ngành truyền thông đại chúng. Nhìn vào sự phát triển của Kpop, thể thao điện tử và điện ảnh, nhận định rằng Hàn Quốc là Hollywood của châu Á cũng không phải là vô căn cứ.

‘Xuất khẩu văn hóa’ cũng nhắc tôi về Nhật Bản. Mặc dù có thời gian để phát triển trước cả Hàn Quốc, Nhật Bản cũng phải trải qua sự tàn phá của chiến tranh, từ đó vươn lên một tầm cao mới gắn liền với văn hóa anime, manga, và điện ảnh. Văn hóa Nhật Bản có tầm ảnh hưởng vĩ mô, thu hút đông đảo người hâm mộ từ khắp nơi trên thế giới. Và họ tự hào vì điều đó.

Vậy người Việt Nam có thể mơ một giấc mơ như người Nhật và người Hàn đã từng? Hay đó chỉ là một điều viển vông, không thể chạm tới và cũng không thể hiện thực hóa?

Người Việt Nam có thể mơ một giấc mơ như người Nhật và người Hàn đã từng Nguồn Internet
Người Việt Nam có thể mơ một giấc mơ như người Nhật và người Hàn đã từng? | Nguồn: Internet.

Nền công nghiệp giải trí phát triển có làm nên thành công xuất khẩu văn hóa?

Hàn Quốc và Nhật Bản đều thành công trong việc thương mại hóa bản sắc của nước họ một cách chuyên nghiệp. Chất lượng xuất khẩu văn hóa của cả hai nước này cao đến mức khiến cho những nước khác phải quan sát và học hỏi.

Đối với trường hợp Hàn Quốc, đó là nhờ sự hợp tác chiến lược từ các ban ngành liên quan. Nhà nước, các tổ chức, tập đoàn, người nổi tiếng, tất cả đều phối hợp nhịp nhàng để phát triển nền công nghiệp giải trí của nước nhà. Còn với thị trường anime & manga, có thể nói rằng Nhật Bản đang là nước duy nhất đi đầu trong ngành này. Chính vì thế nên nền văn hóa Nhật Bản luôn là một đề tài thu hút sự quan tâm của rất nhiều người từ khắp nơi trên thế giới.

Nếu bạn theo dõi nền công nghiệp giải trí và truyền thông của Việt Nam, bạn sẽ thấy chất lượng đang ngày một được nâng cao. Tiêu biểu là chất lượng sản xuất được cải thiện, gu thẩm mỹ của những người làm nghệ thuật được đa dạng hóa và hiện đại hoá. Khâu quản lý được làm chuyên nghiệp hơn, và thậm chí một số diễn viên còn được đặt chân đến kinh đô điện ảnh Hollywood.

Cốt lõi của ‘xuất khẩu văn hóa’ là xuất khẩu một bản sắc quốc gia mà mỗi người chúng ta đang tìm trong chính bản thân mình Nguồn Internet class
Cốt lõi của ‘xuất khẩu văn hóa’ là xuất khẩu một bản sắc quốc gia mà mỗi người chúng ta đang tìm trong chính bản thân mình. | Nguồn: Internet.

Nhưng nền công nghiệp giải trí chỉ là một phần của bức tranh tổng thể, bởi để xuất khẩu văn hóa ta không chỉ dựa vào diễn viên hay nghệ sĩ. Xuất khẩu văn hóa còn trông chờ vào những đầu bếp, triết gia, nhà văn, nhà chính trị và hơn thế nữa. Chúng ta phải cùng nhau định hình văn hóa trước khi chúng ta có thể xuất khẩu.

Văn hóa thành hình qua những điều cả xã hội cùng nhau bàn luận. Văn hóa là câu chuyện dân tộc chúng ta kể cho nhau và cho người ngoài. Cốt lõi của ‘xuất khẩu văn hóa’ là xuất khẩu một bản sắc quốc gia mà mỗi người chúng ta đang tìm trong chính bản thân mình.

Việt Nam: Một sợi dây lịch sử đầy gián đoạn

Với lịch sử độc lập kéo dài và địa lý cô lập với thế giới, Nhật Bản không gặp quá nhiều trở ngại trên con đường định hình văn hóa quốc gia. Lịch sử Nhật Bản là một sợi dây thép xâu chuỗi văn học, triết học và chính trị. Các nhân vật trong nước góp phần trong việc tạo ra thời kỳ Minh Trị, rồi hai cuộc chiến tranh thế giới, và nền công nghiệp hiện đại với sự xuất hiện của anime, trò chơi điện tử, và ôtô.

Ngược lại với Nhật Bản, lịch sử độc lập của Việt Nam đầy gián đoạn. Vị trí địa lý chiến lược mở ra cơ hội giao thương nhưng cũng khiến Việt Nam liên tục bị xâm lược bởi các quốc gia khác. Người Việt hết lần này tới lần khác bị ép phải thích nghi với những luồng ảnh hưởng quốc ngoại. Thật khó để kết luận cuối cùng đâu là bản sắc của một quốc gia khi tính thích nghi là bản lề của quốc gia đó. Văn hóa Việt Nam như miếng bọt biển thấm nước vào mình.

Chúng ta có thể lấy ví dụ về chữ Nôm, một hệ chữ mà phần lớn người Việt bây giờ đã lãng quên, mặc dù nó là ngôn ngữ gắn bó với người Việt qua hàng trăm năm. Đây cũng là hệ chữ được đại thi hào Nguyễn Du sử dụng để viết “Truyện Kiều”. Nhưng thử hỏi bây giờ còn lại bao nhiêu người có thể đọc và viết chữ Nôm một cách nhuần nhuyễn?

Tuyệt tác văn học của Việt Nam là Truyện Kiều của Nguyễn Du được viết bằng chữ Nôm Nguồn “Song of Kieu” của Tim Allen Nguồn Internet
Tuyệt tác văn học của Việt Nam là Truyện Kiều của Nguyễn Du được viết bằng chữ Nôm. | Nguồn: “Song of Kieu” của Tim Allen. | Nguồn: Internet.

Dưới ảnh hưởng của Pháp, chữ quốc ngữ khai sinh. Giờ đây chữ Nôm đã không còn hữu dụng và không còn được nhiều người dùng, vì thế nên không có lý do gì để người Việt tiếp tục sử dụng nó. Mặt khác, chữ Nôm cũng là một sợi dây kết nối người Việt với tổ tiên, với những câu chuyện về di sản được kế thừa. Những nét văn hóa này hoặc mất đi hoặc biến dạng, cũng như mối liên kết giữa Việt Nam hiện tại và quá khứ.

Những câu hỏi xây nên ‘chất Việt’

“Jiro Dreams of Sushi” (Nghệ nhân Sushi) là một bộ phim tiêu biểu gói gọn trong mình những nét tinh túy nhất của đất nước Nhật Bản. Jiro là một nghệ nhân làm món sushi, là bậc thầy của những người thầy. Ở ông toát lên những giá trị cao đẹp nhất của nước Nhật qua loại hình nghệ thuật mà ông đã gắn bó trong suốt cuộc đời của mình — ẩm thực.

Bộ phim được nhiều khán giả đón nhận bởi nó đưa chúng ta vào một thế giới không chỉ của những con người kì tài ở đất nước này, mà cả nền văn hóa mang đậm màu sắc Nhật Bản. Không phải ai cũng cảm nhận được sâu sắc ‘chất Nhật” nhưng chúng ta đều dành một sự nể trọng tinh thần của Jiro và hai người con trai ông.

Vậy bộ phim nào là “Jiro Dreams of Sushi” của Việt Nam?

Chất Việt nào đáng để thế giới biết đến và ngưỡng mộ? Phải chăng đó là những nghề truyền thống, thủ công mỹ nghệ? Là ẩm thực? Là âm nhạc? Thật sự rất khó để tìm ra câu trả lời chính xác bởi vì Việt Nam và bản thân con người nơi đây cũng đang tự đi tìm bản ngã văn hóa của chính mình.

Đâu là những điều Việt Nam lịch sử và Việt Nam hiện đại vẫn đang thầm thì với nhau Nguồn Internet
Đâu là những điều Việt Nam lịch sử và Việt Nam hiện đại vẫn đang thầm thì với nhau? | Nguồn: Internet.

Song song với đó, việc phát triển kinh tế quá nhanh, bỏ quên phát triển văn hóa cũng có những hệ quả nhất định. Quận 1 (Thành phố Hồ Chí Minh) phát triển nhanh đến mức khó mà nhận ra được nếu so với hình ảnh của nó 10 năm về trước.

Điều tương tự có đang xảy ra với người Việt hay không? Họ có quá vội vàng trong việc chạy theo những giá trị mới để rồi đánh mất giá trị của chính bản thân họ? Dĩ nhiên những bạn trẻ sẽ cảm thấy khá phiền khi cha mẹ luôn miệng hỏi họ về việc lập gia đình, nhưng suy cho cùng thì đây có phải là sự chạm trán giữa hai thế hệ Việt Nam cũ và mới? Hay là còn điều gì khác đang ẩn sâu bên trong?

Một cuộc bàn luận về bản sắc dân tộc có khả năng không đi đến đâu, vì văn hóa không phải khoa học tự nhiên. Nhưng chúng ta có thể cảm nhận được bản sắc này khi trải nghiệm nó.

Ngày nay, bước vào căn nhà Nhật với nội thất tối giản được làm từ vật liệu siêu nhẹ, chúng ta thấy được hàng trăm năm dân tộc này phải chống chọi với động đất, cùng văn hóa trà đạo tôn vinh lối sống thanh tịnh. Đó là kết quả của một sự trao đổi lành mạnh giữa quá khứ và hiện tại. Đâu là những điều Việt Nam lịch sử và Việt Nam hiện đại vẫn đang thầm thì với nhau?

Hiện tại Việt Nam được thế giới biết đến chủ yếu qua chiến tranh và nền du lịch, ẩm thực. Nhiều người chưa khám phá những mặt khác của Việt Nam bên trên những yếu tố này. Đây có thể là một điều tốt, vì nó có nghĩa là văn hóa Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng chưa khai thác.

Việt Nam cần tận dụng thời gian này để phát triển nguồn nhân lực văn hóa, dựng nên chất Việt để một ngày có thể thương mại hóa, nâng nó lên tầm quốc tế. Và tôi nuôi hi vọng rằng, một ngày không xa, Việt Nam sẽ thổi bùng ngọn lửa văn hóa của đất nước mình.

Dịch bởi: Khang Truong

Xem thêm:

[Bài viết] Di sản Trịnh Công Sơn và cuộc chuyển giao cho thế hệ trẻ

[Bài viết] 7 chuyên gia chia sẻ về xu hướng văn hóa Việt 2019