Với sự lên ngôi của công nghệ, câu chuyện “xách ba lô lên và đi” giờ đây chỉ gói gọn trong một vài nút chạm — từ đặt vé, lên lộ trình và chia sẻ trải nghiệm trên mạng xã hội.
Ngoài ra, không chỉ dừng lại ở những điểm đến quen thuộc, các tín đồ du lịch bắt đầu truyền tay nhau những điểm đến lạ hơn, những hành trình trước đây họ chưa từng thử qua, ví dụ như du lịch thám hiểm.
Để tìm hiểu về vai trò của công nghệ trong “thời đại mới" và những xu hướng sắp tới của ngành du lịch, TravelMag đã gặp gỡ các đại diện từ phía doanh nghiệp là Google và Booking.com, cũng như hai tiếng nói trẻ — travel blogger Matthew Mai và ca sĩ - diễn viên Băng Di.
Tammy T. Phan — Head of Marketing, Google Vietnam
Công nghệ đã thay đổi trải nghiệm du lịch như thế nào? Và các sản phẩm của Google được xây dựng như thế nào để mang đến trải nghiệm du lịch thông minh và an toàn hơn cho khách du lịch?
Để trả lời cho câu hỏi này, tôi nghĩ chúng ta nên bắt đầu từ thời điểm một cá nhân lên kế hoạch cho chuyến du lịch của mình. Quá trình này được tôi chia làm 3 giai đoạn chính:
Giai đoạn 1: khi bắt đầu nghĩ về chuyến đi
Nguồn cảm hứng: những bản in của Lonely Planet, YouTube, thông qua các blogger, influencer để xem họ đã đi qua những đâu và khám phá những gì trên thế giới.
Ví dụ, nếu muốn khám phá bản sắc Việt Nam, tham khảo playlist “Explore Vietnam #WithMe" tại kênh YouTube của Google Vietnam.
Giai đoạn 2: lên kế hoạch chi tiết và đặt vé
- Google Search: giúp tìm được những gói di chuyển và lưu trú ưu đãi.
- Google Travel: mang đến những thông tin hữu ích về thành phố du lịch.
Giai đoạn 3: khi đặt chân đến địa điểm du lịch
- Google Maps: giúp bạn tìm kiếm địa điểm.
- Google Translate: để bạn có thể vượt qua rào cản ngôn ngữ.
Nhìn chung, công nghệ nói chung và một nhóm các sản phẩm đến từ Google nói riêng đã giúp trải nghiệm du lịch của mọi người — từ khi bắt đầu đến khi kết thúc — trở nên dễ dàng và tiện lợi hơn.
Sau đại dịch, tâm lý và hành vi du lịch tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là tại Việt Nam, đang thay đổi như thế nào?
Gần đây, chúng tôi có đăng tải một bài viết về Tình trạng du lịch tại Châu Á - Thái Bình Dương, cập nhật tình hình hiện tại của ngành du lịch trong khu vực và các xu hướng để các doanh nghiệp có thể lên kế hoạch chuẩn bị.
Thông qua một khảo sát có quy mô toàn cầu, có đến: 25% người Việt Nam, Úc (2%), Nhật (4%) và Singapore (8%) chia sẻ rằng họ sẵn sàng đi du lịch trong nước trong vòng 3 tháng tới.
Dữ liệu tìm kiếm tại các thị trường Châu Á - Thái Bình Dương, mọi người bắt đầu tìm kiếm các từ khóa: “khu nghỉ dưỡng” và “khu nghỉ dưỡng trọn gói".
Khi được hỏi về những điều mà họ lưu tâm khi đi du lịch, đây là những câu trả lời mà chúng tôi nhận được:
- Vấn đề về an toàn và vệ sinh: liệu nơi lưu trú có cung cấp khẩu trang và nước rửa tay miễn phí không?
- Tối ưu chi phí: du khách có được nhận ưu đãi 25% khi đặt chuyến không?
- Sự linh động: giả sử họ muốn thay đổi hoặc hủy chuyến, họ có được hoàn tiền hay không?
Đây là những insight mà tôi nghĩ là các doanh nghiệp cần quan tâm để có thể xây dựng chiến lược phù hợp.
Chị có thể chia sẻ quan điểm về sự phát triển của ngành du lịch tại Việt Nam? Các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMBs), có thể làm gì để tiếp cận đối tượng khách hàng tiềm năng?
Về tiềm năng của du lịch Việt Nam, các dữ liệu từ Google Trends cho thấy người Việt đã sẵn sàng để du lịch trở lại. Khách du lịch ngày nay rất thành thạo công nghệ. Vì vậy, là một doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ, hãy tìm cách để doanh nghiệp của mình luôn xuất hiện trên các trang tìm kiếm.
Thông qua Google My Business — công cụ quản lý tìm kiếm doanh nghiệp trên Google Maps và Google Search. Việc xác minh thông tin doanh nghiệp trên Google My Business sẽ giúp du khách nhanh chóng tìm thấy trang web và vị trí của doanh nghiệp. Bạn còn có thể chia sẻ dịch vụ, giờ hoạt động, hình ảnh về địa điểm… tại đây.
Sắp tới, Google sẽ làm gì để tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch tại Việt Nam hồi phục và phát triển?
Vài năm trở lại đây, chúng tôi có chương trình mang tên Accelerate with Google, dành riêng cho các doanh nghiệp SMBs và phụ nữ muốn phát triển các kỹ năng vận hành doanh nghiệp trong thời đại số. Trước đây là những offline workshop, nhưng do ảnh hưởng của đại dịch, chúng tôi đã chuyển sang online với tần suất khoảng 6-7 ngày/tuần. Sắp tới, chúng tôi sẽ tổ chức nhiều sự kiện trực tuyến và ngoại tuyến hơn nữa để giúp các doanh nghiệp bước vào công cuộc số hoá.
Tim Duong — Former Area Manager, Vietnam của Booking.com
Anh có thể chia sẻ quan điểm cũng như kỳ vọng của mình về sự phát triển của ngành du lịch tại Việt Nam?
Trong vòng vài năm trở lại đây, Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của làn sóng khách du lịch trong nước và cả quốc tế. Vì thế, Việt Nam hiện đang là một thị trường quan trọng đối với Booking.com.
Ngoài ra, Việt Nam còn sở hữu một nền văn hoá đa dạng, ẩm thực phong phú cùng nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới. Có thể nói, Việt Nam hội tụ nhiều yếu tố để trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn trong khu vực Đông Nam Á.
Nhiều nơi trên thế giới đang dần hồi phục sau đại dịch. Điều này sẽ tạo ra những thay đổi gì trong hành vi và tâm lý du lịch?
Xu hướng mới:
- Du lịch nội địa - ‘staycation’ (du lịch tại chỗ) lên ngôi
- Các hoạt động ngoài trời, như đi biển và thám hiểm thiên nhiên được ưa chuộng.
Hậu đại dịch, cụ thể là vào thời điểm cuối tháng 4, Việt Nam là một trong những thị trường đầu tiên hồi phục, mọi người bắt đầu đi du lịch trong nước. Phần lớn các booking được thực hiện trên nền tảng của chúng tôi đến từ khách nội địa. Các điểm đến yêu thích là thành phố loại 1 hoặc có bờ biển đẹp như Nha Trang, Đà Lạt, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Phú Quốc.
Theo anh, công nghệ đóng vai trò như thế nào đối với tương lai của ngành du lịch?
Ngày càng có nhiều người sử dụng những ứng dụng thông minh khi đi du lịch. Đây không chỉ là cơ hội lớn cho các đơn vị công nghệ bước vào cuộc chơi 4.0 mà còn là chất men thúc đẩy họ không ngừng nghiên cứu và cải tiến để mang đến những tiện ích mới.
Vì diễn biến phức tạp của dịch bệnh, chính sách free cancellation (miễn phí huỷ đặt phòng) bên cạnh các mức giá ưu đãi sẽ khuyến khích mọi người thực hiện booking hơn. Các đánh giá thực tế (reviews) cũng rất hữu ích để khách hàng đưa ra cân nhắc. Cuối cùng, một địa điểm đảm bảo an toàn và cung cấp đầy đủ thông tin về quy chuẩn vệ sinh sẽ lộn ngược dòng chiến thắng khi về đích.
Booking.com ứng dụng công nghệ như thế nào để phân tích hành vi người dùng và phục vụ khách hàng tại từng điểm chạm?
Để đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của du khách, Booking.com không ngừng thử nghiệm các ứng dụng công nghệ khác nhau:
- Mô hình học máy (Machine Learning)
- Trợ lý du lịch (Booking Assistant)
- Booking Assistant bao gồm các tính năng chat trực tiếp, tự phục vụ (self-service) và nhắn tin trực tiếp với chủ địa điểm lưu trú một cách nhanh chóng và linh động.
Ngày nay, khách hàng đến với nền tảng Booking.com đều tương tác với công nghệ máy học, đồng thời chúng tôi nhận định, 50% lượt booking sẽ nhận được sự tương tác sâu sắc từ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Sự phát triển của AI, machine learning và khoa học dữ liệu đã, đang và sẽ giúp chúng tôi cá nhân hóa trải nghiệm của khách hàng và duy trì mối quan hệ thân thiết với họ trong tương lai.
Lời khuyên anh dành cho các doanh nghiệp trong ngành du lịch là gì?
Nâng cấp nền tảng tìm kiếm để tối ưu trải nghiệm của khách hàng. Ví dụ:
- Bổ sung các bộ lọc để đưa ra kết quả tìm kiếm phù hợp với nhu cầu của khách hàng như loại hình lưu trú - riêng tư hoặc nhà nguyên căn, khoảng cách và thời gian di chuyển từ nhà, loại hình du lịch - thiên nhiên, bãi biển, và chấm điểm sạch sẽ — điều mà khách du lịch lưu tâm nhất tại thời điểm này.
- Mang đến những mức giá linh động, cho phép khách hàng đổi hoặc hủy booking miễn phí trong thời điểm đầy bất ổn này. Tại Booking.com, chúng tôi có Genius Program - ưu đãi 10% đối với một số khách sạn, nhà ở nhất định.
- Giới thiệu các tính năng liên quan đến an toàn sức khỏe trên nền tảng của mình.
Băng Di — Diễn viên & ca sĩ
Theo bạn, xu hướng du lịch sẽ lên ngôi trong khoảng từ đây đến cuối năm 2020 là gì?
Di nghĩ rằng, thời gian tới, xu hướng du lịch sẽ là kết nối lại với thiên nhiên. Với nhận thức về các vấn đề môi trường ngày càng tăng, những người yêu du lịch sẽ tìm về với thiên nhiên để thêm hiểu và quý trọng cuộc sống của mình hơn. Ngoài ra, đây cũng là một hình thức du lịch hợp túi tiền cho nhiều bạn trẻ ưa khám phá.
Du lịch thám hiểm đang là lựa chọn hàng đầu của nhiều bạn trẻ. Bạn nghĩ sao về hoạt động này?
Trước khi tham gia Cuộc đua kỳ thú (Amazing Race Vietnam), Di chỉ thích đi du lịch nghỉ dưỡng và luôn nghĩ du lịch thám hiểm là một hoạt động “hành xác”. Sau cuộc thi, Di mới nhận ra giá trị của du lịch mạo hiểm nằm ở những người bạn đồng hành và sự nỗ lực vượt qua giới hạn bản thân.
Di đã có dịp được đi trekking rừng Nam Cát Tiên và gần đây nhất là chuyến khám phá hang động Tú Làn ở Quảng Bình, diễn ra vào đúng dịp sinh nhật của Di, nên mình đã ghi lại và đăng tải lên YouTube. Series này Di dành tặng cho những người yêu quý mình, cũng như những bạn đam mê hoạt động trekking tham khảo.
Là một người có sức ảnh hưởng, bạn sẽ tiếp tục đóng góp vào việc quảng bá các địa điểm du lịch tại Việt Nam ra sao?
Di nghĩ sự đóng góp của mình sẽ bắt đầu từ những điều đơn giản nhất. Trong thời gian tới, Di sẽ du lịch trải nghiệm nhiều hơn và chia sẻ cho mọi người. Mỗi khi tới một địa điểm mới, Di sẽ kể về câu chuyện của mình một cách chân thành, đặc biệt đối với những nơi mang đậm dấu ấn địa phương. Hi vọng mọi người sẽ đón nhận và ghé thăm những địa điểm mà mình chia sẻ.
Matthew Mai (Matttux) — Travel blogger
Theo bạn, xu hướng du lịch sẽ lên ngôi trong khoảng từ đây đến cuối năm 2020 là gì?
Đối với mình, năm 2020 là một bước ngoặt lớn thay đổi xu hướng đi du lịch của người Việt Nam. Trong ít nhất một năm tới, số lượng người Việt Nam đi tour nước ngoài sẽ giảm hẳn, thay vào đó sẽ là những chuyến đi nội địa tự túc.
Việt Nam là điểm đến của vô vàn cảnh đẹp thiên nhiên. Hai hang động lớn nhất và lớn thứ tư thế giới là Sơn Đoòng và Pygmy đã hoạt động trở lại. Miền Bắc tổ quốc cũng sắp đến mùa lúa chín Yên Bái, mùa hoa tam giác mạch Hà Giang, hay mùa hoa mận Mộc Châu.
Du lịch thám hiểm đang là lựa chọn hàng đầu của nhiều bạn trẻ để có thêm những trải nghiệm mới. Bạn nghĩ sao về hoạt động này?
Trước đây, Matt từng nghĩ cả đời sẽ chẳng bao giờ đi du lịch mạo hiểm. Nhưng mỗi bước đi, mỗi điểm đến đã thay đổi nhận thức của mình.
Đầu năm ngoái, mình cùng một vài người bạn đã chinh phục thành công một trong bốn cung đường trekking khó nhất Tây Bắc là đường tới thác Háng Tề Chơ ở Yên Bái. Giữa năm ngoái và đầu năm nay, trong vòng 3 ngày, mình đã chinh phục thành công hệ thống hang Pygmy. Càng vượt được giới hạn mới của bản thân, mình càng có thêm động lực để đối mặt với những thử thách trong cuộc sống.
Công nghệ có ý nghĩa như thế nào với trải nghiệm du lịch của bạn?
Thời đại công nghệ 4.0 đã khiến cho mọi thứ trở nên rất thuận tiện. Chỉ cần lên mạng, mình sẽ tìm kiếm được mọi thứ, từ thuê phương tiện, đặt phòng homestay, cho tới tìm quán ăn ngon địa phương.
Là một người có sức ảnh hưởng, bạn sẽ tiếp tục đóng góp vào việc quảng bá các địa điểm du lịch tại Việt Nam ra sao?
Đi nhiều nơi trên thế giới, nhưng tất nhiên không có một nơi nào đẹp bằng nơi cha mẹ mình sinh ra. Việt Nam còn quá nhiều nơi chưa được khám phá, vậy nên mình hy vọng từng bước chân mình đi sẽ đem lại dấu ấn mới mẻ cho độc giả và người theo dõi của mình.
Matt vẫn sẽ tiếp tục chia sẻ những câu chuyện ngắn về những người mình gặp và cảm xúc về những nơi mình đi. Hi vọng rằng điều này sẽ giúp quảng bá các địa điểm du lịch mới và thú vị ở Việt Nam, cũng như giúp mình lưu lại những kỷ niệm về một cuộc đời ý nghĩa khi nhìn lại sau này.