Cuộc phản đối chính sách tăng tuổi nghỉ hưu có phải câu chuyện của riêng nước Pháp? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Cuộc phản đối chính sách tăng tuổi nghỉ hưu có phải câu chuyện của riêng nước Pháp?

Những người phụ nữ hay lao động thu nhập thấp sẽ khó tích lũy đủ điều kiện để được hưởng mức lương hưu cơ bản lúc về già.
Cuộc phản đối chính sách tăng tuổi nghỉ hưu có phải câu chuyện của riêng nước Pháp?

Nguồn: Reuters

1. Chuyện gì đang xảy ra?

Ngày 16/3 vừa qua, chính phủ của Tổng thống Pháp Macron dùng quyền đặc biệt trong hiến pháp để thông qua luật tăng tuổi hưu mà không cần phê chuẩn của Hạ viện.

Cụ thể, luật cải cách hưu trí Pháp sẽ tăng tuổi nghỉ hưu ở nước này từ 62 lên 64 vào năm 2030, đồng thời yêu cầu người lao động làm việc ít nhất 43 năm để nhận đủ lương hưu.

Ngay sau đó một ngày, nhiều cuộc bạo loạn, căng thẳng đã nổ ra và leo thang ở Pháp. Tại Marseille, thành phố lớn thứ hai ở Pháp, một số cửa hàng bị cướp bóc trong lúc xảy ra biểu tình hỗn loạn. Ở các thành phố Nantes, Rennes và Lyon, đụng độ cũng nổ ra giữa đám đông biểu tình và lực lượng an ninh.

Nhiều công đoàn Pháp đã kêu gọi đình công và biểu tình hàng loạt, chỉ trích động thái phê chuẩn luật tăng tuổi hưu của chính phủ ông Macron là hành động "phủ nhận nền dân chủ." Đến ngày 20/3, căng thẳng ở Pháp sau sự kiện này vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

2. Vì sao luật cải cách hưu trí ở Pháp bị phản ứng dữ dội?

Lý do đầu tiên được đưa ra là luật tăng tuổi hưu khiến nhiều lao động phổ thông Pháp tức giận vì phải làm việc nhiều hơn. Trước đó, Pháp có lẽ là quốc gia trân trọng việc nghỉ hưu và tôn trọng cân bằng giữa công việc và cuộc sống, hơn mọi nước công nghiệp phương Tây.

Thậm chí, tờ New York Times còn nhận định, kế hoạch của chính phủ đã động chạm vào khía cạnh sâu sắc và nhạy cảm nhất trong xã hội Pháp.

Thứ hai, các công đoàn phản đối luật cải cách hưu trí vì cho rằng những quy định mới sẽ gây thiệt thòi cho người lao động chân tay thu nhập thấp. Họ thường bắt đầu tham gia thị trường lao động sớm nên theo luật mới, thời gian làm việc của họ sẽ dài hơn người có bằng đại học, đối tượng ít bị ảnh hưởng hơn.

alt
Người lao động nữ với khẩu hiệu phản đối chính sách tăng tuổi nghỉ hưu trên đường phố Lyon | Nguồn: Getty Images

Khi cuộc thăm dò về luật hưu trí được đưa ra vào năm ngoái, đã có nhiều cảnh báo về tác động tới các thành phần của xã hội Pháp, nhưng tầng lớp lao động phổ thông sẽ chịu hậu quả nặng nề hơn. Đặc biệt, với những người phụ nữ hay lao động thu nhập thấp sẽ khó tích lũy đủ điều kiện để được hưởng mức lương hưu cơ bản lúc về già.

Bên cạnh đó, với những ngành nghề độc hại và nặng nhọc như nhân viên vệ sinh môi trường, việc tăng tuổi nghỉ hưu lên thêm 2 năm khiến họ bị bào mòn cả về thể chất lẫn tinh thần.

Một số người cho hay, tính chất độc hại của công việc ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của họ, gây ra các bệnh nhức mỏi. Thậm chí, nhiều công nhân thu gom rác đã chết trước khi kịp nghỉ hưu.

Cuối cùng, văn hoá và sự gắn bó của người Pháp với nghỉ hưu rất phức tạp, liên quan tới lịch sử, bản sắc và niềm tự hào về các quyền lao động - xã hội khó khăn mới giành được. Người Pháp cũng tin rằng, cuộc sống không chỉ có công việc mà còn là thời gian dành cho gia đình, nghỉ ngơi, sáng tạo và tận hưởng cuộc sống.

Điều này càng được khẳng định rõ hơn sau hơn 2 thập kỷ làm việc với cường độ 35 giờ mỗi tuần, khiến năng suất lao động tại Pháp vươn lên đứng đầu châu Âu.

3. Quan điểm của chính quyền tổng thống Macron là gì?

Khi luật hưu trí mới được phê chuẩn, Tổng thống Macron đã giải thích rằng cải cách hưu trí là cần thiết để giữ hệ thống bền vững hơn. Ở Pháp, tỷ lệ làm việc trong độ tuổi 60-64 là 33%, trong khi ở Đức là 61% và Thụy Điển là 69%.

Trước đó, hội đồng Cố vấn hưu trí Pháp ước tính hệ thống hưu trí nước này thâm hụt thường niên khoảng 10 tỷ Euro (10,73 tỷ USD) từ năm 2022 đến 2032.

Theo số liệu của Bộ Lao động Pháp, những cải cách hệ thống hưu trí của Tổng thống Macron, nếu được thông qua, sẽ tạo ra thêm 19,1 tỷ USD mỗi năm cho ngân sách của nền kinh tế lớn thứ 3 châu Âu. Lương hưu của 30% người thuộc nhóm nghèo nhất sẽ tăng 2,5-5%.

alt
Tổng thống Macron đang ở trong thế tiến thoái lưỡng nan sau chính sách tăng tuổi nghỉ hưu | Nguồn: The Economic Times

Trong bối cảnh lạm phát, suy thoái và nền kinh tế của các quốc gia châu Âu đều bị ảnh hưởng bởi Covid-19, các chuyên gia cho rằng, nhu cầu cải cách hệ thống lương hưu và hạn chế chi tiêu công càng trở nên cấp thiết.

Không những thế, việc tăng tuổi nghỉ hưu còn là tín hiệu mạnh mẽ chính quyền tổng thống Macron gửi đến thị trường tài chính thế giới. Từ đó, giảm thiểu khả năng các chủ nợ nước ngoài tăng lãi suất đối với nước Pháp, khiến mức chi tiêu công vượt khỏi tầm kiểm soát của chính phủ.

4. Trước luật hưu trí, tín nhiệm của chính quyền tổng thống Macron ra sao?

Trước khi những phản đối và căng thẳng về luật hưu trí xảy ra, trong thời gian tổng thống Pháp Macron nắm quyền, rất nhiều những phong trào nổi dậy của người dân cũng được quan tâm.

Năm 2018, phong trào áo gile vàng đã diễn ra trong 26 tuần liên tiếp nhằm phản đối các chính sách kinh tế mà tổng thống Macron đưa ra.

Nội dung chủ yếu của các cuộc diễu hành nhằm phản đối kế hoạch tăng thuế xăng dầu của chính phủ, nhưng sau đó mở rộng sang chỉ trích Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đồng thời bày tỏ sự tức giận về mặt bằng thuế và chi phí sinh hoạt cao.

Đến đầu năm nay, các cuộc đình công của nhân viên vệ sinh cũng như lao động sản xuất, vận chuyển nguyên liệu đã gây ra không ít khó khăn cũng như ùn ứ trong xã hội nước Pháp. Chính quyền tổng thống Macron đã không tìm được tiếng nói chung với người dân nơi đây và mất sự tín nhiệm nghiêm trọng.

Báo chí Pháp đã từng lên án những chính sách công của tổng thống Macron thường không có lợi cho nhóm yếu thế và người lao động.

alt
Các chính sách của chính quyền tổng thống Macron những năm gần đây liên tiếp vấp phải sự phản đối của người dân | Nguồn: Le Monde

Năm 2023, sau rất nhiều biến động, cải cách hưu trí lại một lần nữa là phép thử lớn đối với ông Macron. Đặc biệt, nó gây tranh cãi vào thời điểm nhiều hộ gia đình Pháp đang phải vật lộn với lạm phát cùng giá năng lượng tăng cao.

Điều này có thể ảnh hưởng đến vị thế chính trị của ông Macron trong phần còn lại của nhiệm kỳ, ít nhất là đối với chính trường trong nước.

5. Luật hưu trí ở các quốc gia khác và Việt Nam đang như thế nào?

Pháp không phải là nước đầu tiên tăng độ tuổi nghỉ hưu trước áp lực già hoá dân số và mất cân bằng quỹ lương. Trước đó, 18 trong tổng số 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu đang phải tăng dần tuổi nghỉ hưu.

Từ những năm 1990, các nước Tây Âu đã bắt đầu gióng lên tiếng chuông báo động nguy cơ vỡ quỹ lương hưu trí. Trong gần 30 năm qua, hầu như nước nào cũng phải đề xuất cải cách luật.

Trong bối cảnh tuổi thọ trung bình gia tăng, ngoại trừ Thổ Nhĩ Kỳ, tuổi nghỉ hưu tối thiểu hiện nay trên khắp châu Âu là 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ.

Tuổi nghỉ hưu hiện tại là từ 65 tuổi trở lên ở hầu hết các quốc gia châu Âu. Đặc biệt, ở Hy Lạp và Đức, người dân phải làm đến năm 67 tuổi mới được nhận đầy đủ lương hưu.

Tại Việt Nam, tuổi nghỉ hưu của người lao động được điều chỉnh tăng theo lộ trình cho đến khi nam đủ 62 tuổi vào năm 2028 và nữ đủ 60 tuổi vào năm 2035.

Trên thực tế, việc áp dụng các chính sách hưu trí vào từng quốc gia cần quan tâm đến rất nhiều yếu tố về xã hội, kinh tế, văn hoá cũng như khả năng lao động, cống hiến của cả nam và nữ.

Bài toán khó nhất được đặt ra với mỗi quốc gia là việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần có tầm nhìn dài hạn và lộ trình phù hợp với tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, thất nghiệp, không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động.