Đã có ứng dụng hẹn hò, vì sao nhiều người vẫn cầu duyên? | Vietcetera
Billboard banner

Đã có ứng dụng hẹn hò, vì sao nhiều người vẫn cầu duyên?

"Phận là con gái, chưa một lần yêu ai" - Duyên phận có ý nghĩa như thế nào trong đời sống văn hóa Á Đông, đến nỗi khiến nhiều người vẫn nô nức đi cầu duyên?
Đã có ứng dụng hẹn hò, vì sao nhiều người vẫn cầu duyên?

Nguồn: Wecheckin

Tết Nguyên đán vừa rồi, tôi được bạn mình dẫn đến một ngôi chùa kỳ lạ. Chùa khá cổ, lại nằm trong một con hẻm nhỏ, vậy mà có rất đông khách đến viếng. Thì ra chỉ có tôi là “tấm chiếu mới”. Bao gồm cả bạn tôi, đám đông đến đây đều có chung một mục đích. Họ muốn cầu duyên.

Để cầu duyên, họ sẽ nối đuôi nhau mua những “set” cúng, gồm trái cây, dầu ăn, giấy ghi lời khấn nguyện. Người bán sẽ nói giá tiền, đưa lễ vật, hướng dẫn các bước làm lễ. Nếu muốn tăng thêm phần linh nghiệm, thì mời bạn mua thêm trang sức bằng đá phong thủy - được bán ngay quầy đối diện. Khoảng thời gian ở đó, chưa bao giờ tôi thấy xung quanh vắng người.

Thế là tôi thắc mắc. Giờ đây dù chiếc điện thoại hoàn toàn có thể giúp “kết duyên” miễn phí, nhiều người vẫn tìm đến các ngôi chùa nổi tiếng để “mua” duyên. Điều này nên hiểu thế nào?

Chữ “duyên” trong văn hóa các nước Á Đông

Khó có từ tiếng Anh nào có thể dịch chính xác chữ “duyên”, vì đây vốn là một khái niệm bắt nguồn từ các nước Á Đông. Giống như khái niệm “nghiệp”, duyên được cho là hình thành từ kiếp trước, có liên quan mật thiết đến luật nhân quả trong đạo Phật.

Nghiên cứu về vai trò của duyên trong đời sống xã hội Trung Hoa, các học giả Yang Kuo-shu và David Ho cho rằng, duyên giúp mang đến niềm tin rằng có nhiều thứ vượt ngoài tầm kiểm soát của con người. Do đó, khi tin vào duyên phận, nhiều người sẽ tránh được xung đột, duy trì được các mối quan hệ và hòa khí chung của xã hội.

Duyên có nhiều loại, duyên vợ chồng, duyên mẹ con, hay đơn giản là duyên giữa những người cùng ngồi chung chuyến tàu. Mở rộng ra, có người tin rằng duyên cũng xuất hiện trong sự gặp gỡ giữa một cá nhân với một con vật, món đồ, sự kiện nào đó. Về cơ bản, chúng ta tin rằng duyên giúp mang đến những mối quan hệ tốt đẹp được trời định. “Yêu từ cái nhìn đầu tiên” hay tình yêu nam nữ nói chung, vì thế mà được gắn với chữ duyên nhiều nhất.

titleCauduyen1 Cauduyen1
Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản... là những nước có tập tục cầu duyên vào dịp lễ tết. | Nguồn: Lê Nam/Thanh Niên

Duyên có nhiều loại, và tình yêu cũng vậy

Tương tự chữ duyên, chữ yêu cũng có nhiều hơn một ý nghĩa. Đơn cử, người Hy Lạp cổ đại dùng nhiều từ khác nhau để gọi tình yêu. Dựa vào các ghi chép của Plato và Aristotle và quyển sách Colors of Love của nhà tâm lý học John Alan Lee, tình yêu được cho là có đến 7 cách gọi (Nguồn: Psychology Today).

Như ‘eros’ là từ để chỉ tình yêu lãng mạn, nồng cháy giữa các cặp đôi. ‘Storge’ nghĩa là tình yêu thương giữa những người trong gia đình. ‘Ludus’ nói về tình yêu không mang nhiều cam kết, thường thuần về thể xác. Hay ‘pragma’ là kiểu tình yêu hình thành trên cơ sở nghĩa vụ, vì những lợi ích lâu dài cho cả hai bên.

Do vậy, với mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng, mỗi nền văn hóa, tình yêu sẽ có “màu” riêng. Theo nhiều nghiên cứu liên văn hóa đã cho thấy, kiểu yêu của người châu Á so với người phương Tây là rất khác nhau. Đến từ nền văn hóa Á Đông, chúng ta có xu hướng yêu theo kiểu ‘pragma’ và ‘storge’. Trong khi đó, các bạn đến từ phương Tây đa phần sẽ yêu theo kiểu ‘eros’.

Sự khác biệt này, theo các nhà khoa học nhận định, rất có thể đến từ các quy chuẩn đạo đức thuộc về Khổng giáo, cũng như niềm tin vào chủ nghĩa tập thể ở nhiều nước Á Đông.

Vì vậy, cũng là duyên và yêu, mỗi người sẽ có cách tiếp cận khác nhau. Nếu như chữ duyên bắt nguồn từ nền văn hóa giàu tính tập thể ở Á Đông, nên việc cầu duyên cốt là để tìm được mối duyên tốt để lập gia đình. Thì ứng dụng hẹn hò, vốn xuất phát từ nền văn hóa Tây phương, đưa vào tay mỗi người cơ hội để họ tự tìm kiếm tình yêu cho mình. Và tình yêu lúc này sẽ có tính cá nhân nhiều hơn tính tập thể.

titleCauduyen2 Cauduyen2
Đa phần người phương Tây yêu cho chính mình, còn người châu Á yêu cho những thứ lớn hơn bản thân mình. | Nguồn: Samuel Chan/Unsplash

Tin vào duyên số là một cơ chế đối phó trước các áp lực xã hội

Nghiên cứu của Yang Kuo-shu và David Ho có chỉ rõ, duyên số cũng được dùng như một lý do để hợp lý hóa việc một người chưa tìm được một mối quan hệ như mong đợi. Ví dụ, khi một phụ nữ đã qua tuổi lấy chồng, cô ấy có thể tự nhủ và nói với những người xung quanh rằng mình chưa có duyên với người phù hợp, hoặc không có duyên kết hôn. Chữ duyên lúc này sẽ là “lá chắn” bảo vệ thanh danh của cả cô và gia đình.

Bên cạnh đó, xã hội châu Á vốn có truyền thống “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”. Chữ duyên lúc này giúp củng cố niềm tin vào những cuộc hôn nhân sắp đặt, giải thích một cách khách quan vì sao một nam được gán ghép với một nữ. Nói cách khác, qua niềm tin vào duyên, chuyện sắp đặt hôn nhân được bình thường hóa và duy trì, giúp đảm bảo sự vận hành trơn tru của một cộng đồng có tập tục này.

Tuy nhiên, cũng vì duyên là một yếu tố khách quan và không thể kiểm soát, những người tin vào điều này có thể trở nên bị động trong cuộc sống. Phó thác số phận của mình cho chữ duyên, tức cho “định mệnh”, một người (thường là phụ nữ) sẽ có xu hướng buông xuôi trước những vấn đề mình gặp phải. Khái niệm duyên số lúc này trở thành một cơ chế đối phó (coping mechanism), đưa một người đi đến chỗ nhún nhường, chịu đựng trước những đau khổ và bất công.

Kết

Đến nay vẫn có nhiều người đi cầu duyên vì duyên số vốn là một khái niệm đã cắm rễ trong văn hóa Á Đông, gắn liền với mưu cầu hạnh phúc lứa đôi của nhiều người. Người lên chùa cầu duyên, người chọn cách chủ động lên ứng dụng hẹn hò tìm nửa kia của mình. Mỗi người có mục đích và nguyên nhân sâu xa khác nhau, nhưng nhìn chung đều bị tác động bởi yếu tố khách quan là gia đình và xã hội.

Tuy vậy, điểm chung ở họ và cả chúng ta là chưa bao giờ thôi khao khát yêu và được yêu. Đó là lý do vì sao cách tìm kiếm tình yêu mỗi thời mỗi kiểu, nhưng đang không ngừng tiến hóa.