Yêu cũng cần phải học? | Vietcetera
Billboard banner
14 Thg 06, 2021
Thương

Yêu cũng cần phải học?

Yêu thương là một hành trình bền bỉ cần phải “học”. Học để tình yêu thương của bạn được tiếp nhận và bền chặt. 

Yêu cũng cần phải học?

Nguồn: Prudential

Prudential

Từ xưa đến nay tình yêu thường được mặc định là một thứ gì đó rất tự nhiên và nên thuận theo tự nhiên. Tuy nhiên, việc hiểu và xây dựng hạnh phúc lâu dài lại không phải tự nhiên mà có.

Yêu thương là một hành trình bền bỉ cần phải “học”. 

Tại sao phải học yêu?

Nếu cho rằng “yêu” phụ thuộc hoàn toàn vào cảm xúc, đồng nghĩa bạn cũng đang tự đặt tình yêu của mình vào tình thế không kéo dài mãi mãi. Yêu là chuyện "có qua - có lại", "cho đi - nhận lại".

Nếu không hiểu đối phương, liệu bạn có thể cho đi thứ họ muốn, họ cần? Và liệu bạn có nhận lại được điều tương tự? 

Học yêu để hiểu chính xác về nhau, để quãng đường đồng hành của bạn cùng đối phương được dài thêm. Học yêu để tình thương của bạn được tiếp nhận và bền chặt. 

Các bậc phụ huynh học yêu để vượt qua những nỗi sợ, để hiểu, để cho con chính xác điều con cần. Vợ chồng học yêu để trở thành tri kỉ, để vun đắp mái ấm. 

"Yêu" là một kỹ năng có thể rèn luyện bằng cách xây dựng và duy trì kết nối 2 chiều. 

Một khi "đọc - hiểu" được người thương, họ sẽ biết bản thân nên có những hành động cụ thể nào và tình yêu trong lòng nên thể hiện ra sao. 

Về cơ bản, học yêu là quá trình hiểu và áp dụng "thành thạo" sự thấu cảm: thu nạp suy nghĩ, cảm nhận được tâm trạng và biết làm gì để ủng hộ, giúp đỡ.  

Nắm bắt suy nghĩ và hiểu được tâm trạng của đối phương 

Một trong những lí do khiến chúng ta thấy hiểu một ai đó sao khó quá là vì thói quen phỏng đoán, tự cho rằng và tin theo những nhận định chung.

Ví dụ, trong chuyện chăm lo gia đình, quan niệm chung là các ông bố thường mặc định rằng người mẹ (bằng một cách tự nhiên nào đó) luôn nuôi con nhuần nhuyễn hơn. Vì thế, họ "để đó" cho vợ.  

Nhưng trên thực tế, không người mẹ nào sinh ra đã biết nuôi dạy con. Như các ông bố, họ loay hoay vô cùng. Chăm con là một công việc có "khoá thực tập" dài hạn yêu cầu nhiều công sức, thời gian và cả sự hi sinh. 

Các ông bố cần quan sát để thấy được sự cực nhọc. Các ông bố cần lắng nghe để hiểu được những khó khăn, mệt mỏi.

Từ đó họ suy ngẫm, đặt bản thân vào các tình huống và cảm nhận được các cung bậc cảm xúc của vợ mình. Để rồi họ nhận ra ngay lúc này, việc đỡ đần san sẻ vốn giá trị hơn bao lời yêu thương.  

Vì thế, đừng tin rằng, đừng cho rằng và đừng tự mặc định. Để hiểu một ai đó, bạn cần học yêu, bắt đầu từ quan sát, lắng nghe và cảm nhận. Đây thuộc về 2 dạng thấu cảm: thấu cảm nhận thức và thấu cảm cảm xúc. 

Chấp nhận sự khác biệt và sự thay đổi của nhau

Học yêu là chấp nhận điều chỉnh, thay đổi ở từng giai đoạn để ở bên nhau dài lâu.

Tình yêu bản năng khiến các ông bố, bà mẹ chỉ mãi giữ con sát gần mình, buộc con lại bằng "những điều tốt nhất". Họ quên mất "những điều con cần nhất" và không nhìn con như một cá thể độc lập. 

Từ đó, tình yêu thương dần dà trở thành sự trói buộc. 

Tình thương bố mẹ dành cho con cái là điều hiển nhiên. Nhưng yêu thương như thế nào để đứa trẻ tiếp nhận, hạnh phúc lại là vấn đề khác. 

Bố mẹ nên thử nhìn con ở một "góc rộng" hơn, nhiều chiều hơn.

Trong quá trình trưởng thành, con trẻ luôn cần sự tin tưởng và không gian để tư duy và quyết định. Đây là cách để các bậc cha mẹ hiểu con hơn, có cơ hội được đồng hành cùng con. 

Tương tự ở phía con cái, các bạn nên học cách quan sát để không chỉ nhìn thấy, mà còn để hiểu về tình thương bố mẹ dành cho mình. Với bố mẹ, việc bạn đặt mình vào suy nghĩ và biết cách chấp nhận, trò chuyện với họ đã là cách thể hiện yêu thương thực tế rất đáng trân trọng rồi. 

Học Yêu
Đi đường xa chắc chắn sẽ có những đoạn gập ghềnh. Chúng ta cần trao nhau sự chấp nhận, bao dung để vững bước trên chặng đường dài. | Nguồn: Prudential. 

Trong tình yêu đôi lứa cũng thế, khó tránh khỏi suy nghĩ chủ quan.

Lối yêu bản năng khiến các cặp đôi mù quáng tin vào các cung bậc cảm xúc mãnh liệt lúc mới yêu. Và nó khiến họ mặc định mọi thứ tốt đẹp nhất mình cho đi, người ấy cũng sẽ (phải) cảm nhận tương tự.  

Có thể bạn trai nghĩ rằng yêu thương là vun đắp tình cảm bằng sự no đủ, cho nhau sự tự do. Trong khi người bạn gái cho rằng yêu thương là cả hai phải luôn kề cạnh.  

Rõ ràng ở đây có sự khác biệt về góc nhìn và nguyện vọng. Nó sẽ dần trở thành mâu thuẫn nếu cả hai không lắng nghe và dành cho nhau sự thấu hiểu, bao dung.

Người bạn trai mệt mỏi vì bị gò ép bởi việc phải"sắp xếp thứ tự ưu tiên", người bạn gái hụt hẫng khi chứng kiến mối quan hệ không còn khắng khít như lúc đầu. 

Tình yêu khi đó trở thành gánh nặng.  

Một mối quan hệ lâu dài cần hai bên đầu tư, thay phiên nhau trở thành chỗ dựa cho người còn lại, không phải phân chia vai trò là “alpha", “beta”

Cảm xúc là chất xúc tác, không phải là yếu tố chủ chốt để "kết dính". Chuyện yêu thương luôn là sự hài lòng, ủng hộ hai chiều. 

Thấu cảm thắt chặt sự gắn kết. Còn việc áp dụng lên đối phương bằng cái nhìn chủ quan là sự trói buộc, cắt đứt sự gắn kết. 

Kết 

Trong hành trình dài tình yêu của 1 mối quan hệ, bên cạnh những thời điểm hạnh phúc, sẽ có đôi lúc chúng ta không hiểu nhau, có những mâu thuẫn khiến mối quan hệ xa cách.

Học yêu để thấu hiểu nhau, để điều chỉnh bản thân, và để mối quan hệ được gắn kết bền chặt trên chặng đường dài.

Talkshow Học Yêu by Prudential chia sẻ những câu chuyện về tình yêu thương trong gia đình một cách chân thật và gần gũi. Mỗi chia sẻ là những bài học rất đời thường nhưng hữu ích về cách học yêu những người thân yêu trong gia đình, giúp chúng ta hiểu nhau hơn, cùng làm vì nhau để luôn hạnh phúc dài lâu.

Talkshow Học Yêu by Prudential sẽ được phát sóng cố định vào thứ 7 tuần thứ 3 mỗi tháng trên 2 kênh Facebook của Prudential và Vietcetera.

Tìm hiểu thêm tại: https://www.facebook.com/Prudential.pva/