Đãi bôi: Đau tai người nghe, sướng mồm người nói | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Đãi bôi: Đau tai người nghe, sướng mồm người nói

Đằng sau đãi bôi là chằng néo của những cơ chế giao tiếp, của sự hiểu biết về bản thân mình và người khác, cũng như của mô hình xã hội phức tạp.
Đãi bôi: Đau tai người nghe, sướng mồm người nói

Nguồn: Pexels

Tại một nơi có nhiều quy tắc giao tiếp như Việt Nam, hẳn ai trong số chúng ta cũng từng đãi bôi, hay theo cách nói của Gen Z là nói lời thảo mai, nịnh bợ với người khác. Hành động đãi bôi không những không cổ vũ tinh thần người nghe, mà còn khiến họ cảm thấy bị xúc phạm, hay thậm chí bị tấn công.

Nếu nhìn vấn đề rộng hơn, ta sẽ thấy sự đãi bôi diễn ra một cách có chọn lọc. Nó xảy ra khi đối phương có vị thế xã hội cao hơn bạn và có quyền năng can thiệp sâu vào đời sống của bạn. Chính sự chênh lệch quyền lực đã đặt ra yêu cầu phải luồn cúi, giả dối, nịnh hót để kéo gần khoảng cách giữa hai bên.

Giống như biếu xén quà cáp và mặc cả, nhiều người coi đãi bôi như một thói quen xấu xí của người Việt. Họ còn lên án nó như một dạng thực hành văn hoá cần phải loại trừ. Tuy nhiên, một số quan sát kỹ lưỡng cho thấy đãi bôi là một thực hành phức tạp, thể hiện nhiều thứ về văn hóa giao tiếp của người Việt, chứ không đơn thuần là vài câu nịnh bợ và nụ cười giả dối.

Trong số Triết Xuất lần này, hãy cùng Vietcetera tìm hiểu lý do tại sao người ta nói lời hay ý đẹp với người khác dù thực tế không hề muốn vậy. Từ đó, chúng ta sẽ bóc tách mạng lưới của quyền lực xã hội trong giao tiếp ứng xử, cũng như tìm hiểu về cách mà hành động đãi bôi kiến tạo nên bản thân ta và hình ảnh của người khác trong ta.

Đãi bôi tạo nên cái tôi của con người

Chúng ta không phủ nhận tầm quan trọng của lời khen và sự khích lệ trong cuộc sống. Trong các phép xã giao thông thường, lời khen có thể hòa giải mâu thuẫn, làm tình huống giao tiếp đỡ phức tạp, và tạo tiền đề để cả hai bên cùng tìm tiếng nói chung.

Thế nhưng đãi bôi cũng có thể khiến người khác khó chịu. Giống như “của cho không bằng cách cho,” đối phương thấy khó chịu không phải vì nội dung lời khen, mà là thái độ của người khen.

Hầu hết những người phê phán việc đãi bôi đều nhắm vào yếu tố dối trá trong lời khen và sự không chân thật của người khen. Theo cách lập luận này, người nói đeo lớp mặt nạ ngôn từ để điều khiển cảm xúc của đối phương.

29sep2022hahuong215255732035002121131900jpg
"Em còn đang sợ ế đây này" - Chị Nguyệt thảo mai. | Nguồn: Phim Phía trước là bầu trời

Nhưng nói như vậy cũng có nghĩa ta đang giả định rằng nhân cách mà ta đưa ra khi xã giao chỉ là vỏ bọc, và ẩn dưới vỏ bọc là một con người thật, một cái tôi thật, một nhân cách thật.Qua hành động đãi bôi, chúng ta bỗng trở thành “hai trong một” gồm một con người giả dối luôn câu nệ và “làm trò,” cùng với một “mặt thật” như tờ giấy trắng tinh khiết.

Cách hiểu mang tính nhị nguyên này ám chỉ rằng chiếc mặt nạ ngôn ngữ ta đeo là xấu và là sản phẩm của xã hội, còn con người thật bên trong ta mới là thứ tốt, thứ bản chất. Trong thực tế, không thể có sự phân tách rạch ròi giữa “con người thật” và “con người xã hội.”

Trước hết bởi vì một người tỏ ra thật thà, ngông nghênh, ngổ ngáo, hay ngờ nghệch cũng có thể là đang biểu diễn. Tiếp nữa là bởi cả cái tôi “trung thực” cho đến cái tôi “giả dối” đều là sản phẩm kiến tạo của xã hội.

Giống như nịnh hót, thảo mai, thì chân thật và thẳng thắn cũng là một màn biểu diễn. Họ phải diễn những biểu hiện trông có vẻ giống như mình không nói dối, như không chớp mắt, ngẩng cao đầu thì người khác mới hiểu rằng, à, người kia không nói dối.

Mặt khác, “chân thực” và “giả dối” cũng chỉ là những định nghĩa của con người và biến đổi theo từng thời điểm, góc nhìn. Nếu không có ai định nghĩa cái gì là “trung thực” thì liệu ta có thể biết con người thực của mình là gì không? Vậy nên, lằn ranh giữa người đãi bôi và người thẳng thắn thực tế chẳng rõ ràng chút nào, đồng thời, chẳng kiểu biểu hiện nào “thật hơn” kiểu biểu hiện nào.

Nhà xã hội học Pierre Bourdieu từng nhấn mạnh rằng thứ định hình nhân cách con người là phép xã giao và các quy chuẩn xã hội, chứ không phải bất cứ thứ bản tính bên trong nào. Cách nói thảo mai, khách sáo, nịnh bợ mà ta đang phê phán cũng là một sản phẩm của một hoàn cảnh xã hội khổng lồ: xã hội Việt Nam, nơi người ta ít khi nói điều gì thẳng mặt nhau.

Quyền lực của việc đãi bôi

Đãi bôi là một thực hành văn hóa thường thấy tại Việt Nam và khu vực Đông Á, nơi lối giao tiếp bóng gió, “nói một hiểu mười” đã thân thuộc với cuộc sống hiện tại và cả từ quá khứ ngàn năm nay. Nhà nhân học Erin Meyer chỉ ra rằng Việt Nam là một đất nước có lối giao tiếp giàu ngữ cảnh, hay lối giao tiếp gián tiếp.

Khi một cộng đồng người tương tác khép kín với nhau trong nhiều thế hệ, hệ thống ngôn ngữ và tu từ của họ cũng sẽ giàu lên. Theo thời gian, nhiều thực hành ngôn ngữ và giao tiếp trở nên “tự nhiên,” đãi bôi và “nói một hiểu mười” cũng vậy. Người trong cộng đồng sẽ không mất thời gian để giải thích lối nói ẩn dụ của mình mà sẽ luôn giao tiếp như vậy, bởi đó là nếp giao tiếp gắn với cộng đồng.

Xã hội càng khép kín, cấu trúc quyền lực càng phức tạp. Người ta nói bóng gió, nói giảm nói tránh bởi vì họ không muốn có va vấp trong một hệ thống mà vị trí của họ là tĩnh tại, khó thay đổi. Những câu chuyện biếu xén, hối lộ, mặc cả… chỉ ra rằng đối đầu với người to hơn mình không phải lối đi duy nhất để tìm tự do.

Diễn giải điều này không phải để thanh minh hay nói tốt cho việc đãi bôi, hối lộ, hay mặc cả, mà để chỉ ra rằng bên dưới cuộc thảo luận thông thường về chuyện làm thế là tốt hay xấu, là những chỉ dấu cho thấy cách xã hội vận hành, và cách con người trong xã hội tương tác. Bởi trong xã hội, không phải cái gì cũng “kẻ ngang sổ thẳng” và chỉ có những người nắm quyền lực mới có thể tiếp cận vấn đề theo hướng đó.

Bên cạnh chiếc cửa chính to, nặng, và nếu đi sai, ta không có đường lùi, thì xã hội có vô vàn cửa phụ và đường tắt. Biết luồn lách, lươn lẹo, ta không bị cộc đầu khi chui vào lối nhỏ. Đó chính là cách mà đãi bôi bù đắp lại khoảng cách quyền lực giữa các bên để xã hội vận hành trơn tru mà không có bất đồng.

Kết

Đãi bôi, lươn lẹo, thảo mai… thực ra đều giống như mọi kỹ thuật sử dụng ngôn từ khác trên thế giới này có hiệu lực trong đời sống thực tế. Chúng thể hiện rằng giữa người với người có rất nhiều hàng rào và biên giới. Biên giới nghìn trùng nhất ta phải đối diện, suy cho cùng vẫn là ngôn ngữ.

Vì thế, để xây dựng một thế giới hoà bình hơn, ít bạo lực hơn, về cơ bản không phải cứ nói thẳng nói thật là xong. Đôi lúc ta phải chấp nhận rằng mình cần đóng những vở kịch vô tận hàng ngày, để tạo ra một thế giới mà mọi người đều chấp nhận được, dù đó không phải phiên bản họ cảm thấy ưa thích nhất.

Tất cả những phân tích trên về đãi bôi đã phần nào bóc tách được những lớp lang phức tạp đằng sau một hành động tưởng như tiêu cực trong đời sống hàng ngày. Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả khía cạnh của vấn đề này. Hãy tìm hiểu phần còn lại của câu chuyện đãi bôi trong Tập 3 của Podcast Chuyện bé xé to nhé!

Bài viết là phần mở rộng nội dung của Podcast Chuyện bé xé to, episode 3: Đãi bôi.