“Một cuốn sách rất nặng” là bình luận của nhiều độc giả sau khi đọc xong Bức Xúc Không Làm Ta Vô Can, Tìm Mình Trong Thế Giới Hậu Tuổi Thơ hay Đại Dương Đen của tác giả Đặng Hoàng Giang. Bởi khi lật từng trang sách, mọi điều gai góc trong tâm hồn của một người bị trầm cảm, hay những vấn nạn xã hội đều được phơi bày một cách trần trụi.
Nhưng trong sự xù xì, thô ráp của những vũng đầm lầy không lối thoát, tác giả đã nhìn thấy được một vẻ đẹp lạ kỳ, bí ẩn mà anh phải giành nhiều năm dụng công mới khám phá ra được. Tất cả được anh lý giải thông qua tác phẩm mới nhất của mình, Vẻ Đẹp Của Cảnh Sắc Tầm Thường.
Trở lại Have A Sip sau 3 năm, tác giả Đặng Hoàng Giang mang đến cho khán giả, đặc biệt là những ai đang thờ ơ với thiên nhiên về sự kỳ diệu của hệ sinh thái tự nhiên, và cách thức để chúng ta cảm thụ được cảnh quan xung quanh bằng mọi giác quan của cơ thể.
Thay đổi suy nghĩ về mỹ cảm
Trong thời gian thực hiện cuốn sách, anh nhận thấy mọi người đang hời hợt trong chuyện cảm thụ thiên nhiên. Bởi cảnh quan dù có hùng vĩ đến mấy, cũng chỉ dùng làm phông nền cho những bức ảnh check-in và tự sướng.
Nhưng khi kết thúc chuyến đi về, mấy khi ta lấy ảnh ra chiêm nghiệm lại? Chúng ta chụp ảnh chỉ vì muốn chứng minh tôi đi chỗ này, chỗ kia, tôi có nhiều trải nghiệm, cuộc sống của tôi đang rất vui vẻ.
Vậy khi bỏ chiếc điện thoại xuống, làm thế nào để núi non trùng trùng điệp điệp không trở nên buồn tẻ? Phương pháp đầu tiên mà tác giả đề xuất đó là sử dụng nhận thức. Tức bản thân mỗi người cần trang bị, tìm hiểu kiến thức thông qua sách vở, phim ảnh.
Cách thức thứ 2 đó là sử dụng giác quan của cơ thể. Chúng ta chìm đắm vào thiên nhiên không thông qua cái nhìn mà qua những cái chạm, ngửi và lắng nghe.
Ví dụ như trước đây, khi bước ra vườn mỗi sáng, anh chỉ quan sát xem bông hoa nào đã nở, màu sắc thế nào để còn chụp ảnh. Nhưng bây giờ, dù vẫn đang ở trên giường, tác giả đã bắt đầu cảm nhận được đất trời hoà hợp thông qua tiếng chim hót ngoài vườn.
Cảm nhận thiên nhiên rồi từ đó rung cảm với những cái đẹp khác
Ngoài thiên nhiên, những phương thức này có thể mở rộng ra các lĩnh vực nghệ thuật khác. Một người nước ngoài mới nghe nhạc Trịnh Công Sơn thấy giai điệu này cũng hay đấy, nhưng mối quan tâm của họ chỉ dừng ở đó.
Chỉ khi anh ấy, cô ấy bắt đầu học tiếng Việt, hiểu được lời bài hát, hiểu hơn về bối cảnh mà nhạc Trịnh ra đời, cộng hưởng với cảm thụ về giai điệu, phối âm thì mới khiến cho cảm thụ âm nhạc sâu sắc hơn.
Chúng ta luôn cho rằng thưởng thức chỉ là chọn những thứ thoải mái, dễ chịu, dễ dãi như tiếp cận một bông hoa, ngắm nhìn một thung lũng. Nhưng có những cái đẹp thách thức và khó tiếp cận hơn, như những bộ phim về chiến tranh, bản trường ca, podcast hơn 4 tiếng, hay nặng đô hơn là vẻ đẹp của một xác động vật đang thối rữa, một video con kền kền đang ăn thịt con voi chết.
Nếu ta có thể xuyên qua sự thờ ơ ban đầu và chịu khó nghiền ngẫm, phần thưởng sẽ rất mỹ mãn. Khi nhìn vào những khung cảnh rùng rợn đó, ta như đang nhìn vào hệ sinh thái của một loài vật, xem vũ trụ vận hành như thế nào, từ cái chết biến thành sự sống ra sao.
Không cảm thụ, chúng ta vẫn sống được, nhưng tâm hồn lại nghèo nàn
Chúng ta sẽ đánh mất những di sản vì không quan tâm chúng có tồn tại không. Ta thích nghe nhạc, nhưng lại chỉ nghe nhạc sàn mà bỏ qua Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, nhạc cổ điển, jazz hay chèo, tuồng. Nếu chỉ di chuyển tới lui ở ốc đảo và trung tâm thương mại, chúng ta vẫn sống, thậm chí là thoải mái hơn so với phải đến một đầm lầy nhiều muỗi.
Khi đầm lầy được bê tông hoá để biến thành khu đô thị, mọi người cũng sẽ “Không có vấn đề gì cả. Vì đầm lầy chỉ có sình lầy, sú vẹt chứ có ý nghĩa gì đâu". Nếu không có những thứ đó, ta vẫn sẽ sống. Ta không chết khi không nghe nhạc, xem phim, xem kịch.
Nhưng đây sẽ là một cuộc sống tinh thần nghèo nàn. Để rồi khi bị xói mòn tâm trí, ta lại vô thức tìm đến thiên nhiên như một liều thuốc chữa lành. Nếu cuối cùng ta vẫn phải tựa vào hơi thở của núi rừng, biển cả, thì tại sao ta không tập cách cảm thụ nó ngay từ những phút đầu?