Chưa đến giờ nghỉ trưa, tôi đã tất tả chạy khỏi văn phòng. Lên vội một chiếc taxi, đến vội tiệm làm tóc quen thuộc. “Cắt tóc cho em, cắt ngắn hết mức”. Khi nói câu này, tôi run rẩy.
Khái niệm “đi làm tóc”, với mẹ, chỉ là thợ cầm kéo ‘xẻo’ một ít tóc, rồi bà sẽ la lên “Sao ngắn vậy? Dừng lại, dừng lại”. Ba chỉ thích con gái để tóc thẳng ngang lưng, màu đen tuyền. Mỗi lần đi cắt tóc, mẹ hay liếc nhìn đủ thứ loại máy uốn nhuộm, liếc nhìn mái tóc ngắn thời thượng của những cô hàng xóm, rồi thở dài.
Năm lớp 5, tôi ôm quả tóc tém - một sai lầm của bác cắt tóc - vào lớp. Mái tóc trời sinh đã xù, giờ lại không thể cột được. “Cạo đầu đi, nhìn em như bà điên ngoài chợ”. Trong một hôm bực tức, vì chuyện gì không rõ, thầy chủ nhiệm đã nói như vậy. Tôi vào nhà vệ sinh, vừa khóc vừa cố nén chặt mớ tóc trên đầu mình. Một đứa con nít 10 tuổi không bao giờ lý giải được vì sao thầy lại nóng giận về quả đầu của mình. Tôi tự cho rằng vì… mình xấu.
Năm 24, tôi dọn về sống với bạn trai. Cả hai khác hẳn tính, cãi nhau liên miên. Nhưng trong những lúc hiếm hoi im lặng ngồi cạnh nhau, anh hay vuốt mái tóc dài của tôi, thật nhẹ nhàng.
Hôm nay tôi cãi nhau với sếp. Thật lạ! Vì từ nhỏ đến lớn, tôi chưa bao giờ dám mở miệng nói trái lời ai. Chắc vì hôm trước mẹ gọi điện khóc vì lại cãi nhau với ba, mà đa phần là nghe ông nói và im lặng chịu trận. Chắc vì, hôm nay bạn trai tôi dọn khỏi nhà.
Lúc anh thợ lia nhát kéo thứ nhất xẹt ngang đuôi tóc, tim tôi hẫng đi một nhịp. Lọn tóc thứ nhất rơi xuống cùng lời mắng “tóc tai như bà điên” của thầy tôi. Lọn tóc thứ hai rơi xuống cùng ba tôi chất vấn mái tóc lỡ ngắn hơn lưng một chút của mẹ. Lọn tóc thứ ba rơi xuống, cùng tiếng bạn trai vang bên tai “anh thích em để tóc dài”. Lọn tóc thứ tư, thứ năm. Rồi đến lọn tóc cuối cùng.
“Của em 2 triệu”. Anh thợ cắt tóc nói gọn lỏn, sau khi đã uốn nhuộm đủ thứ trên đầu cô khách hàng. Tôi bước ra khỏi tiệm với vẻ ngoài mà bản thân cũng giật mình. Mớ tóc dài đã bỏ lại sau lưng. Như tháng năm loay hoay tìm cách làm vui lòng những người xung quanh mình, rồi tự cho rằng đó là một biểu hiện của “tình yêu thương”, của “sự chuyên nghiệp”. Như những ngày run cầm cập vì bản thân “dám” thích những thứ không ai cho phép: một công việc mình say mê nhưng lương trót không cao (theo lời ba mẹ), một ngày nghỉ đúng nghĩa, một mái tóc có màu.
Mọi người bảo, những cô gái khi đau khổ thường có một màn cắt tóc đi vào lịch sử. Chi phí bỏ ra cho tiệm cắt tóc không phải là để níu lại bất kỳ mối tình nào. Cũng không phải để tìm bất kỳ sự khen ngợi nào. Họ chỉ đang bỏ đi những kỷ niệm không nên có. Để đón chào một bản thân mới hơn, xứng đáng với những điều tốt đẹp hơn.
Tôi bỏ 2 triệu, bỏ cả những ngày không-sống-cho-mình.
#ĐángTiền là series về những khoản chi tiêu mang lại nhiều giá trị nhất trong cuộc sống của bạn.