Để những câu chuyện nguyên bản của điện ảnh Việt tiếp tục đi xa hơn | Vietcetera
Billboard banner
02 Thg 06, 2022
Sáng TạoĐiện Ảnh

Để những câu chuyện nguyên bản của điện ảnh Việt tiếp tục đi xa hơn

Làm sao để điện ảnh Việt Nam có thêm nhiều bộ phim "nguyên bản" và chạm được vào khán giả Việt Nam, sau nhiều năm nữa?
Để những câu chuyện nguyên bản của điện ảnh Việt tiếp tục đi xa hơn

Các phim Song lang, Mùa len trâu, Chuyện của Pao

Năm buổi tối liên tiếp, tôi được thưởng thức lại trọn vẹn năm tác phẩm điện ảnh mà tôi chọn cho chương trình Imaginary Series. Mặc dù đã xem chúng nhiều lần, nhưng việc tuyển chọn và đặt năm bộ phim này vào một chủ đề xuyên suốt: tính nguyên bản, tôi mới nhận ra vẻ đẹp thực sự của chúng.

Tính nguyên bản trong từng bộ phim suốt năm đêm chiếu

Ban đầu, tôi chỉ nghĩ đến tính nguyên bản trong việc khai thác những nét văn hóa "authenticity", "originality" đặc sắc nhất của các vùng miền Việt Nam xuyên suốt trong cả một thế kỷ đã qua. Sau đó mới đến các cuộc hành trình đơn độc của những nhân vật chính, để đi tìm bản sắc cá nhân họ, trong sự biến đổi bể dâu giữa thời cuộc và đắm mình vào mỗi nền văn hóa đó.

Khi xem lại phim và giao lưu với những nhân vật khách mời, tôi nhận ra nhiều điều hơn thế về tính nguyên bản của những bộ phim này.

Trước hết, phải nói về kịch bản, thứ nền móng, nguyên liệu quan trọng nhất để tạo nên một bộ phim hay. Cả 5 bộ phim này đều có một lợi thế rất lớn để tìm ra những chất liệu "authentic" nhất. Ba bộ phim được chuyển thể từ những tác phẩm văn chương từ ba nhà văn thành danh từ các vùng miền văn hóa mà họ chuyển tải.

Đó là vẻ đẹp của sự hoang dã vùng sông nước miền Tây trong truyện của Sơn Nam (Mùa len trâu). Rồi cả sự phân rã của làng quê ở nông thôn miền Bắc, trong quá trình đô thị hóa qua truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp (Thương nhớ đồng quê). Cuối cùng là cái nhìn mới mẻ về sự lựa chọn hạnh phúc của phụ nữ H'Mong vùng Tây Bắc, trong truyện của nhà văn Đỗ Bích Thúy (Chuyện của Pao).

Hai bộ phim còn lại, Đến hẹn lại lênSong lang đã khai thác hai chất liệu văn hóa quá đặc sắc của Việt Nam là hát quan họ của vùng Kinh Bắc và cải lương của Sài Gòn. Cả hai đều được tạo nên bởi những biên kịch có nhiều trải nghiệm và đam mê với chất liệu "folk culture" của văn hóa Việt Nam.

alt
Nguồn: Lê Hồng Lâm

Kịch bản, do vậy, là thế mạnh đầu tiên để tạo nên sự nguyên bản của 5 bộ phim này. Đạo diễn của chúng cũng vậy. Từ hai tên tuổi lớn của điện ảnh thế hệ cũ có một sự nghiệp lớn và có nhiều tác phẩm hay là Trần Vũ và Đặng Nhật Minh đến hai đạo diễn Việt kiều.

Họ vì đam mê văn hóa truyền thống của Việt Nam nên trở về nước làm phim và gây tiếng vang từ bộ phim đầu tay là Nguyễn Võ Nghiêm Minh và Leon Lê. Đó là những nhà làm phim tài năng thực thụ.

Sự tài năng đó làm nên chất nguyên bản tuyệt vời trong các bộ phim của họ. Tôi phải để Ngô Quang Hải ra riêng, bởi trong bộ phim Chuyện của Pao, dù còn bộc lộ nhiều điểm vụng về và non tay của một diễn viên chuyển sang làm đạo diễn, bộ phim này vẫn trụ lại được với thời gian. Có lẽ vì nó vẫn giữ được vẻ đẹp của sự hồn nhiên trong sáng của một tác phẩm đầu tay.

Những "hành trình đơn độc" để chìm đắm vào nội tâm và tìm ra chính mình

Rất tiếc, vì nhiều lý do, chúng tôi không thể mời bất cứ một đạo diễn hay biên kịch nào của năm bộ phim này đến giao lưu với khán giả. Nhưng sự xuất hiện của những diễn viên - "linh hồn" của các bộ phim cũng mang lại cho khán giả nhiều chia sẻ thú vị, về quá trình thực hiện những bộ phim đó. Quan trọng nhất là nghe họ kể về điện ảnh đã thay đổi cuộc đời của họ như thế nào.

Quả thật lúc xem lại năm bộ phim này, tôi mới phát hiện ra một sự trùng hợp ngẫu nhiên và cũng tuyệt vời. Đó đều là những vai diễn đầu tiên hoặc thứ hai trong con đường điện ảnh của các diễn viên chính của các bộ phim, ở tuổi đời còn rất trẻ (trên dưới 20 tuổi).

Đó đều là năm bộ phim về hành trình trưởng thành của nhân vật trong cuộc vật lộn với số phận, định mệnh, sự thay đổi thời cuộc, và cả rất nhiều sự tổn thương để tìm ra con người thật của họ.

alt
Nguồn: Lê Hồng Lâm

Những cuộc hành trình đó, dù không có chất "thần thoại" như tác giả Joseph Campbell từng phân tích trong "cuộc hành trình anh hùng" mà ông diễn giải, nhưng tôi cũng tìm thấy nhiều điểm chung. Họ đều trải qua hai giai đoạn cơ bản: phân thân và trở về. Tất cả, cũng đều là những "hành trình đơn độc" để được chìm đắm vào nội tâm và tìm ra chính mình.

Giống như Campbell nói, "những cá nhân muốn nhận thức sâu sắc về bản thân họ thì phải luôn tách mình ra khỏi cuộc sống hàng ngày và tìm một nơi cách xa cộng đồng." Nhờ sự tách mình ra khỏi cộng đồng và sự biến thiên của thời cuộc, mà Nết (Như Quỳnh) trong Đến hẹn lại lên mới tồn tại lâu đến thế. Sau đó, cô trở thành một biểu tượng của tính nữ trong điện ảnh Việt Nam.

Với tôi, nhân vật nữ đẹp nhất của điện ảnh Việt Nam là chị Duyên (Lê Vân) trong Bao giờ cho đến tháng Mười. Nhưng Như Quỳnh mới là nữ diễn viên đi xa nhất và bền nhất trong lịch sử điện ảnh Việt Nam, có lẽ bởi "sự tách mình ra khỏi cộng đồng" và "tính nữ" của chị.

Chị Ngữ (Thúy Hường) trong Thương nhớ đồng quê, cũng có một cuộc hành trình thật đẹp với điện ảnh Việt. Ở ngay bộ phim đầu tiên, nhờ con mắt xanh của Nhuệ Giang (phó đạo diễn) và đặc biệt là đạo diễn Đặng Nhật Minh, chị đã có một vai diễn "để đời."

Cô gái quan họ lúng liếng vùng Kinh Bắc ấy đã vào vai chị Ngữ trong Thương nhớ đồng quê thật đẹp, ngay cả trong sự kìm nén, nỗi muộn phiền và cay đắng của một người vợ "hờ" bởi chồng bỏ đi biền biệt, để lại chị trong sự mệt nhọc và chua xót của ruộng đồng.

alt
Nguồn: Lê Hồng Lâm

Tôi yêu điện ảnh Việt (xưa) vì những chị Nết, chị Duyên, chị Ngữ... như thế. Họ quá đẹp - vẻ đẹp thuần hậu của tính nữ và tâm hồn Việt Nam một thời chưa xa.

Cô Pao của Đỗ Thị Hải Yến cũng rất đẹp ở cuộc hành trình thứ hai đến với điện ảnh và khác xa đến 180 độ so với vai chính trong bộ phim đầu tiên là Người Mỹ trầm lặng. Yến đã trở thành Pao - cô gái H'Mong mới lớn với những rung động đầu đời, nhưng quyết định thực hiện cuộc hành trình đơn độc để tìm ra bí mật của gia đình.

Cuối chặng hành trình đó, cô lớn lên và nhận ra, không có gì là mãi mãi. Ai cũng phải lựa chọn hạnh phúc cho riêng mình, để "sống cho hết cuộc đời nhiều gian truân hơn niềm vui dưới ánh mặt trời này.”

Điện ảnh Việt Nam có phải đang “âm thịnh dương suy?”

Xem lại 5 bộ phim này, tôi nhắc lại một điều mà tôi đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần khi nói về điện ảnh Việt: "âm thịnh dương suy."

Quả thực là vậy, những diễn viên nữ luôn đẹp hơn, đi xa hơn trên màn ảnh, diễn xuất của họ cũng thường khiến ta có cảm giác họ chạm được vào tâm hồn nhân vật hơn diễn viên nam. Điều này, đạo diễn Phan Đăng Di cũng đã nói thật hay trong cuộc giao lưu phim Chuyện của Pao.

Vì vậy mà điện ảnh Việt có Như Quỳnh như một biểu tượng. Hay Thúy Hường chỉ là rẽ ngang sang điện ảnh thôi mà có vai diễn để đời. Còn Đỗ Thị Hải Yến cũng bước vào điện ảnh tình cờ, nhưng có những vai diễn đầy đặn và luôn là "mỹ nhân" xuất hiện nhiều nhất trên thảm đỏ của những LHP quốc tế quan trọng.

Ngay cả những Kiều Trinh, đặc biệt là Ánh Hoa (trong Mùa len trâu) cũng có những vai diễn thật đẹp, thật đáng nhớ trong bộ phim này và nhiều bộ phim khác nữa. Nghĩa là họ đi xa và vẫn trụ lại được với điện ảnh.

alt
Nguồn: Lê Hồng Lâm

Còn diễn viên nam thì sao? Thực ra trong 5 bộ phim mà tôi tuyển lựa lần này, có sự "cân bằng" rất rõ, thậm chí còn thiên về góc nhìn của nhân vật nam.

Đó là ba cuộc hành trình của Nhâm (Thương nhớ đồng quê), Kìm (Mùa len trâu) và Dũng "Thiên lôi" (Song lang.) Cả ba nam diễn viên trẻ này, ngay từ vai chính đầu tay, đã có ba màn hóa thân thật đẹp và sâu, cứ như họ đã chạm được vào tận tâm hồn của nhân vật vậy.

Thế nhưng, cuộc hành trình điện ảnh của họ từ bộ phim đầu tay thành công lại không mở ra con đường lớn, ngược lại khiến họ chênh vênh khi bước tiếp. Tạ Ngọc Bảo (vai Nhâm) và Lê Thế Lữ (vai Kìm), gần như biến mất khỏi màn ảnh trong sự tiếc nuối của nhiều người. Chắc chắn trong đó có tôi.

Nhiều năm về trước, khi còn ở Hà Nội, tôi đã từng tìm đến Tạ Ngọc Bảo để phỏng vấn, cho bài viết nói về "Đại lộ của giấc mơ tan vỡ.” Đại lộ ý là điện ảnh, và giấc mơ tan vỡ là những khát vọng không thành của họ.

Tôi đã nghe nhiều giấc mơ tan vỡ như thế. Từ Lê Văn Lộc sau Xích lô đến Tạ Ngọc Bảo sau Thương nhớ đồng quê. Sau này còn có Lê Thế Lữ của Mùa len trâu và vài diễn viên khác nữa. Nhưng cuối cùng bài viết của tôi đổ bể, vì Bảo, sau cuộc gặp, cứ nhắn đi nhắn lại cho tôi, tha thiết "anh đừng viết được không?"

Tôi biết, sau Thương nhớ đồng quê hay những LHP quốc tế (Thương nhớ đồng quê chắc là phim tham dự LHP quốc tế nhiều nhất, khoảng 60 LHP), Bảo trở về và chìm lại vào vùng vô danh. Tôi nghe nói anh phải vật lộn, làm nhiều thứ để tồn tại với điện ảnh, nhưng vẫn không thành.

Lê Văn Lộc cũng thế. Tôi định bay ra Đà Nẵng để gặp anh, và anh chối từ: "khuya nay anh đi Lào rồi, lái xe đường dài nên không biết khi nào về đâu.” Còn Lê Thế Lữ, tôi có nghe nhiều chuyện phong thanh về anh, nhưng không có gì là chắc chắn.

Ngay cả đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh, khi nhắn tin cho tôi cũng nói rằng Lữ bị bệnh sau khi làm Mùa len trâu nên không tiếp tục làm phim nữa. Nhưng anh cũng không chắc thông tin đó có chính xác hay không?

Tạ Ngọc Bảo trong Thương nhớ đồng quê, Lê Văn Lộc trong Xích lô, Lê Thế Lữ trong Mùa len trâu và Dũng "Thiên lôi" trong Song lang, với tôi là 4 diễn viên nam "đẹp" nhất và có những vai diễn hay nhất trong điện ảnh Việt Nam đương đại.

alt
Nguồn: Lê Hồng Lâm

Với tôi, cái đẹp, cái nam tính của diễn viên nam là họ phải chạm vào được tâm hồn của nhân vât, khơi gợi cho khán giả thấy được vẻ đẹp bên trong của họ. Dù cho đó là vẻ đẹp của sự hoang dã, vô minh, tổn thương và vỡ nát mà các nhân vật này phải trải qua, để tìm ra chính mình.

Trong số các diễn viên nam ấy, chỉ có một anh chàng duy nhất là Liên Bỉnh Phát vẫn còn tiếp tục với điện ảnh, thậm chí còn "đắt sô" trong ngành giải trí. Thế nhưng, tôi cũng cảm nhận được cái "vũng lầy" showbiz mà anh dấn vào và muốn thoát ra, để tiếp tục tìm được một vai diễn như Dũng "Thiên lôi.”

Đó là vai diễn đẹp đến mức, khi Song lang kết thúc, tôi nghe nhiều tiếng sụt sịt. Sau đó quay lại thì nhìn thấy những gương mặt khán giả nhòa lệ, vẫn như chưa thoát ra khỏi cái kết bi ai, của Mỵ Châu trên sân khấu và của Dũng "Thiên lôi" trước nhà hát sân khấu.

Một bộ phim hay và "nguyên bản" là vậy đó. Nó chạm vào ta và khiến ta day dứt, khiến ta không thể quên nó được, dù có xem đi xem lại bao lần đi nữa. Nhiều khán giả trong đêm Song lang cũng đã thừa nhận như thế. Thậm chí có người đã xem năm, sáu lần, mà đến đoạn kết, vẫn thảng thốt, day dứt khôn nguôi.

Để những viên ngọc của điện ảnh Việt Nam đi xa hơn

Tôi gọi 5 bộ phim mà chúng tôi tuyển chọn trong Tuần phim Việt lần này là "những viên ngọc" của điện ảnh Việt Nam, dù một vài phim trong số đó vẫn còn thô ráp, chưa thực sự tinh xảo. Thế nhưng, cả 5 bộ phim đó đều là những tác phẩm mang được vẻ đẹp "nguyên bản" của Việt Nam - một từ khóa mà tôi xài hoài vẫn không chán.

Làm sao để điện ảnh Việt Nam có thêm nhiều bộ phim "nguyên bản" và chạm được vào khán giả Việt Nam như thế, sau nhiều năm nữa? Câu hỏi này tôi để dành cho những người làm phim và các đạo diễn trả lời.

Để mong rằng, những câu chuyện "nguyên bản" của điện ảnh Việt được tiếp tục đi xa hơn.