Thị trường phim Việt đang... làng nhàng? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
10 Thg 05, 2022
Điện Ảnh

Thị trường phim Việt đang... làng nhàng?

Tổng doanh thu của 14 phim Việt phát hành từ Tết tới giờ cộng lại không bằng doanh thu của Bố già năm ngoái.
Thị trường phim Việt đang... làng nhàng?

Nguồn: Justin cho Vietcetera

Trong 4 tháng đầu năm ngoái, dù phải hứng chịu thiệt hại nặng nề vì đại dịch, thị trường điện ảnh Việt Nam vẫn ghi nhận 2 cú đột phá phòng vé lớn. Trong đó, doanh thu cao nhất mọi thời đại cho Bố già (420 tỷ đồng) và Lật mặt 5 với hơn 150 tỷ đồng.

Còn năm nay, sau 4 tháng, thị trường điện ảnh Việt mở cửa lại gần như hoàn toàn, với 14 phim Việt đã phát hành (bằng số lượng của cả năm ngoái). Tuy nhiên, không có bộ phim nội địa nào vượt được mốc doanh thu 100 tỷ đồng. Đó là chưa kể đến nhiều bộ phim hưởng lợi của hai dịp nghỉ lễ quan trọng là Tết Nguyên đán và 30/04 -01/05, cũng như không phải cạnh tranh với phim bom tấn của Hollywood.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải – Giám đốc nội dung của CGV, tổng doanh thu 4 tháng đầu năm 2022 của thị trường điện ảnh Việt Nam đạt khoảng 800 tỷ đồng, tức chỉ bằng 50% so với thời kỳ đỉnh cao trước dịch là năm 2019 và bằng 70% so với năm 2018. Con số này cũng thua xa năm 2020 và 2021, dù đây là hai năm thị trường điện ảnh Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.

Một vài nguyên do được đưa ra để lý giải cho sự xuống dốc này, ví dụ như tâm lý hay sự thay đổi thói quen của khán giả hậu đại dịch. Thế nhưng, việc thị trường thiếu những tác phẩm nổi trội về chất lượng và thị hiếu là lý do quan trọng nhất.

Nếu có tác phẩm tốt, thị trường vẫn nhanh chóng phục hồi. Bằng chứng rõ nhất là Doctor Strange in the Multiverse of Madness, bộ phim siêu anh hùng mới nhất của Marvel, đã ngay lập tức đạt doanh thu trên 100 tỷ đồng chỉ sau 5 ngày chiếu tại thị trường Việt Nam, dù phát hành sau lễ.

alt
Doanh thu cuối tuần của rạp phim Việt đa phần tới từ phim bom tấn Hollywood | Nguồn: Box Office Vietnam (10/05/2022)

Tổng doanh thu 14 phim Việt phát hành trong năm 2022 không bằng Bố già năm ngoái

Thị trường điện ảnh Việt Nam bắt đầu thay da đổi thịt trong khoảng một thập niên trở lại đây với nhiều kỷ lục mới được xác lập và nhanh chóng bị phá vỡ sau mỗi năm.

Dịp lễ 30/4 của năm 2017, bộ phim Em chưa 18 của đạo diễn Lê Thanh Sơn trở thành phim Việt đầu tiên đạt doanh thu cao nhất mọi thời đại với hơn 170 tỷ đồng. Nhưng chỉ hơn một năm sau, Cua lại vợ bầuHai Phượng thay nhau phá vỡ kỷ lục cũ để thiết lập kỷ lục mới với doanh thu xấp xỉ 200 tỷ đồng.

alt
Hai Phượng đã phá kỷ lục doanh thu phim Việt | Nguồn: Hai Phượng (2019)

Năm 2019 được xem là năm bùng nổ mạnh mẽ của thị trường điện ảnh Việt Nam khi tổng doanh thu vượt 4100 tỷ đồng, trong đó phim Việt chiếm tỷ lệ khoảng 30%, đạt hơn 1100 tỷ đồng. Trong năm này, có tới 5 bộ phim vượt mốc 100 tỷ đồng là Cua lại vợ bầu, Hai Phượng, Mắt biếc, Lật mặt 3: Nhà có kháchTrạng Quỳnh.

Tuy nhiên, đà tăng trưởng ấn tượng đó đã bị phá vỡ vì đại dịch Covid-19. Doanh thu thị trường nội địa trong 2 năm 2020 và 2021 lao dốc và số lượng phim Việt phát hành cũng giảm sâu so với con số trên 40 phim phát hành trước đại dịch.

Nhưng bất chấp tình hình đại dịch và số lượng phim phát hành giảm sút, thị trường điện ảnh Việt vẫn ghi nhận mức doanh thu đột phá của một số phim tốt và đáp ứng thị hiếu của khán giả.

Năm 2020, có 3 phim Việt vượt mốc doanh thu trên 100 tỷ đồng là Tiệc trăng máu (khoảng 180 tỷ đồng), Gái già lắm chiêu 3 (168 tỷ đồng) và Chị 13: 3 ngày sinh tử (khoảng 100 tỷ đồng).

Năm 2021, dù thị trường chỉ mở cửa 6 tháng, phim Việt ghi nhận doanh thu kỷ lục của Bố già, trong khi đó Lật mặt 5: 24 giờ cũng đạt doanh thu ấn tượng dù phải dời lịch chiếu vài lần vì dịch.

alt
Tiệc trăng máu nằm trong danh sách phim có doanh thu vượt 100 tỷ | Nguồn: Tiệc trăng máu (2020)

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, thị trường điện ảnh Việt được mở cửa trở lại gần như hoàn toàn từ tháng 02/2022, đúng dịp Tết Nguyên đán, nhưng không có phim “bom tấn” nào được ghi nhận về doanh thu, cả phim nội lẫn phim quốc tế.

Có đến 5 bộ phim Việt được phát hành trong dịp nghỉ lễ quan trọng nhất này của năm. Thế nhưng, không có bất kỳ bộ phim nào trong số này đạt mốc doanh thu 100 tỷ và đây là mùa phim Tết có doanh thu thấp nhất trong khoảng 5 năm trở lại đây.

Chìa khóa trăm tỷ, bộ phim remake của điện ảnh Hàn dẫn đầu mùa phim Tết với doanh thu khoảng 65 tỷ đồng, theo như Box Office Vietnam. Tương tự, Nghề siêu dễ, dù một mình một ngựa trong dịp nghỉ lễ 30/04 vừa qua, cũng chỉ đạt doanh thu trên 60 tỷ.

alt
Nghề siêu dễ là bộ phim được remake của Hàn ra mắt trong năm nay | Nguồn: Nghề siêu dễ (2022)

Bẫy ngọt ngào trở thành phim có doanh thu cao nhất từ đầu năm tính đến nay, với 83,2 tỷ đồng.

Gần như không có bộ phim Việt nào tạo được đột phá về mặt chất lượng hoặc gây được hiệu ứng truyền miệng cũng như tạo được xu hướng trên mạng xã hội. Điều này khiến thị trường điện ảnh rơi vào bẫy doanh thu trung bình.

Tổng doanh thu 14 phim Việt phát hành từ đầu năm tới giờ chỉ đạt khoảng 400 tỷ đồng, thấp hơn con số 420 tỷ đồng mà Bố già thu được trong năm ngoái.

Chất lượng thiếu đột phá dẫn đến doanh thu làng nhàng

Chỉ cần 5 ngày chiếu để Doctor Strange in the Multiverse of Madness vượt mốc doanh thu 100 tỷ tại Việt Nam, điều đó cho thấy, khán giả sẵn sàng bỏ tiền đến rạp chiếu phim nếu đáp ứng đúng thị hiếu của họ.

Lượng fan khổng lồ có sẵn của vũ trụ điện ảnh Marvel cộng với sự đột phá trong kể chuyện khiến hai phần tiếp theo của Spider-Man: No Way Home Doctor Strange 2 gây bùng nổ doanh thu phòng vé trong thời hậu đại dịch.

alt
Doctor Strange in the Multiverse of Madness đáp ứng được thị hiếu khán giả, thu về doanh thu khủng | Nguồn: TIME

Trong khi đó, hướng tiếp cận khá cũ với phần tiền truyện của Black Widow hay việc xây dựng các nhân vật quá mới, xa lạ như Shang-Chi and the Legend of the Ten Rings hay Eternal rõ ràng không tạo được sức hút với khán giả. Nó khiến 3 bộ phim này có doanh thu thấp nhất trong vũ trụ điện ảnh Marvel, tất nhiên có ảnh hưởng một phần bởi đại dịch và phương thức phát hành.

Thị hiếu khán giả thay đổi chóng mặt và xu hướng phân cực cũng trở nên rõ ràng hơn tại phòng vé. Một số bộ phim bom tấn đáp ứng được thị hiếu khán giả sẽ bùng nổ doanh thu, trong khi những bộ phim lỗi thời hoặc thiếu đột phá sẽ đối mặt với rất nhiều rủi ro về mặt thương mại. Những bộ phim làng nhàng sẽ dẫn đến doanh thu làng nhàng, thậm chí là thảm họa tại phòng vé.

Tại sao phải bỏ vé vào rạp xem những bộ phim làng nhàng hoặc tệ hại, trong khi sự bùng nổ của các kênh điện ảnh trực tuyến như Netflix, Apple TV+, Disney+, Amazon Prime… cung cấp cho khán giả vô số những bộ phim hoặc series chất lượng?

Xu hướng của thị trường điện ảnh Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng của thế giới. Sự phân cực trở nên rõ ràng hơn trong vài năm trở lại đây.

Đó là lý do chúng ta thấy có những bộ phim Việt Nam đạt doanh thu trăm tỷ, thậm chí vài trăm tỷ đồng. Nhưng chiếm nhiều hơn vẫn là những bộ phim thảm họa, chỉ đạt doanh thu khoảng vài trăm triệu đến vài tỷ đồng, tức chưa đủ tiền để marketing, mức độ rủi ro còn hơn cả… đánh bạc.

Nhìn vào các bộ phim phát hành từ đầu năm tới giờ cho thấy, chất lượng vẫn là điểm yếu cố hữu của điện ảnh Việt.

Bẫy ngọt ngào, bộ phim nội có doanh thu cao nhất tính đến thời điểm này, thành công nhờ sức hút của dàn diễn viên và phong cách đạo diễn khá thời thượng của đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư, nhưng điểm yếu của bộ phim vẫn nằm ở kịch bản khuôn mẫu.

Chìa khóa trăm tỷ và Nghề siêu dễ, hai tác phẩm remake từ điện ảnh Hàn nằm trong công thức giải trí an toàn, và có thể dễ dàng kiếm “trăm tỷ” thời trước đại dịch, nhưng cũng đang mất dần hiệu quả trong thời điểm hiện nay. Khán giả cần nhiều hơn chứ không đơn giản là những tiếng cười chỉ để giải trí.

Chuyện ma gần nhà (doanh thu khoảng 60 tỷ), Bóng đè (40 tỷ) và Nhà không bán (30 tỷ) thuộc nhóm phim kinh dị thu được lợi nhuận và đây vẫn là thể loại dễ kiếm tiền ở Việt Nam, nhưng cả ba bộ phim này chỉ đạt chất lượng từ trung bình đến yếu kém. Hiệu ứng tiêu cực của khán giả sau các suất chiếu cho thấy họ đang mất dần lòng tin vào thể loại này của phim Việt.

Đêm tối rực rỡ! (doanh thu 25 tỷ đồng) có thể coi là điểm sáng của dòng phim độc lập trong việc tiếp cận đề tài mang tính hiện thực của điện ảnh Việt trong vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, bộ phim này cũng bộc lộ không ít điểm yếu về kịch bản, về kể chuyện và xây dựng tâm lý nhân vật.

alt
Đêm tối rực rỡ! là điểm sáng của dòng phim độc lập | Nguồn: Đêm tối rực rỡ! (2022)

Nằm trong nhóm thảm họa phòng vé, có tới 5 bộ phim Việt thậm chí chỉ đạt doanh thu chỉ vài trăm triệu đồng và coi như mất trắng tiền đầu tư.

Sự thiếu vắng những nhà làm phim có chuyên môn vượt trội, có phong cách kể chuyện đột phá và dẫn đầu xu hướng, khiến điện ảnh Việt vẫn rơi vào tình trạng “ăn đong.”

Liệu thị trường điện ảnh Việt có phục hồi như trước đại dịch?

Câu trả lời hoàn toàn phụ thuộc vào chất lượng của những bộ phim Việt Nam và quốc tế phát hành trong thời gian tới, đặc biệt là mùa phim Hè và các phim lễ hội cuối năm.

Ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết với tốc độ phục hồi như hiện tại, đặc biệt là sau thành công của Doctor Strange 2, thị trường rạp chiếu phim Việt Nam sẽ phục hồi 90% vào cuối năm nay. Bên cạnh đó, thời gian tới cũng ra mắt nhiều bộ phim như Em và Trịnh, Thanh Sói (Việt Nam) và các bom tấn Hollywood như Top Gun: Maverick, Jurassic World Dominion, Minions: The Rise of Gru, Avatar 2

alt
Thị trường phim Việt đang dần phục hồi | Nguồn: Em và Trịnh (2022)

Nếu đạt được điều đó, thị trường sẽ hoàn toàn phục hồi vào quý 1 năm sau. Sau đó sẽ tiếp tục đà tăng trưởng của thị trường như giai đoạn trước đại dịch. Đó là một cái nhìn đầy tích cực về thị trường phim Việt, nhìn từ góc độ của một người quản lý.

Nhưng như đã nói, chất lượng của các bộ phim mới là câu trả lời cuối cùng cho kết quả của phòng vé.

Còn nếu không có tác phẩm đột phá và đáp ứng được thị hiếu và lòng tin của khán giả, điện ảnh Việt sẽ dễ dàng rơi vào cái bẫy doanh thu trung bình và thậm chí dần dần rơi vào suy thoái. Điều này tương tự như sự bùng nổ và sụp đổ của dòng phim mì ăn liền hồi thập niên 90.