Lê Hồng Lâm: Một chặng đường cùng điện ảnh Việt Nam | Vietcetera
Billboard banner
23 Thg 01, 2019
Sáng TạoĐiện Ảnh

Lê Hồng Lâm: Một chặng đường cùng điện ảnh Việt Nam

Lê Hồng Lâm, tác giả cuốn sách “101 Bộ phim Việt Nam hay nhất”, về lịch sử, thị trường phim Việt, và những ấp ủ của anh trong tương lai.
Lê Hồng Lâm: Một chặng đường cùng điện ảnh Việt Nam

Lê Hồng Lâm: Một chặng đường cùng điện ảnh Việt Nam

Niềm đam mê điện ảnh trong Lê Hồng Lâm bắt nguồn từ bộ phim “Mẹ Vắng Nhà” (1979) của đạo diễn Trần Khánh Dư, từ những rạp chiếu bóng lưu động đến những năm tháng thanh xuân gắn liền với phim ảnh và… băng đĩa lậu. Rồi từ chỗ xem phim, anh bắt đầu tìm đến những buổi trò chuyện của các đạo diễn, thi vào khoa Báo chí trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Lê Hồng Lâm nuông chiều ‘người tình điện ảnh’ bằng cách viết về nó, như người họa sĩ nuông chiều người tình với những bức tranh vẽ.

“Với tư cách là người làm báo lâu năm, có một cái nhãn quan về báo chí, cộng thêm tình yêu điện ảnh, tôi cho rằng những bài viết của mình cũng có chút phong cách và sắc sảo trong nhận định. Nó tạo nên một nét riêng, tôi gọi đó là phê bình phim ở góc độ báo chí.” – Lê Hồng Lâm kể chuyện sau nhiều năm làm báo, tình yêu điện ảnh rẽ lối anh viết về nó.

Lecirc Hồng Lacircm Một chặng đường cugraveng điện ảnh Việt Nam0
Lê Hồng Lâm và tác phẩm mới nhất, 101 Bộ phim Việt Nam hay nhất.

Quả không ngoa khi nói rằng điện ảnh kết nối tất cả mọi người, biết đến Lê Hồng Lâm lần đầu tiên qua lời bình sách “Tuyệt vọng lời” của đạo diễn nổi tiếng Woody Allen, chúng tôi tìm đến anh sau dự án xuất bản sách “101 Bộ phim Việt Nam hay nhất”. Gặp gỡ và trò chuyện cùng cây bút Lê Hồng Lâm, anh say mê chia sẻ với chúng tôi về mối duyên của mình với điện ảnh, về lịch sử và thị trường phim Việt cũng như những ấp ủ của mình trong tương lai.

“Điện ảnh giúp ta hình dung về các thời kỳ và giai đoạn lịch sử”

Lê Hồng Lâm xem rất nhiều những bộ phim Tây phương từ thị trường đến kinh điển, anh bảo nó tạo cho anh cái nền tảng vững vàng hơn về điện ảnh thế giới nhằm đối sánh với điện ảnh Việt Nam. Thế nhưng mối tình đầu bao giờ cũng làm người ta nhớ nhất, “khi xem phim Việt Nam mình thấy được tâm hồn, chân dung con người và bối cảnh lịch sử xã hội mà nó liên đới, nó chạm đến được tâm hồn mình. Đấy là lý do một bộ phim Việt Nam hay sẽ làm tôi cảm động hơn rất nhiều so với một bộ phim nước ngoài.”

Nói về dòng chảy của điện ảnh Việt, Lê Hồng Lâm tin rằng cái yếu kém ở Việt Nam là quá trình gìn giữ, bảo vệ tư liệu di sản trong điện ảnh. Vì lẽ đó anh quyết định xuất bản cuốn sách “101 Bộ phim Việt Nam hay nhất”. Anh muốn bạn đọc trẻ có một cơ hội hình dung về nền điện ảnh Việt Nam giai đoạn trước, có cái nhìn đầy đủ hơn trên từng thời kỳ, biết được thêm các tác phẩm kinh điển từng gây tiếng vang lớn tại các liên hoan phim quốc tế.

“Những giai đoạn thăng trầm của điện ảnh Việt”

Trên thực tế, điện ảnh Việt Nam có những giai đoạn thăng trầm mà chúng ta chưa biết đến. “Phim Việt ngày xưa khá là đa dạng, nhiều dòng, có những giai đoạn thật sự thăng hoa, mang nhiều sắc thái từ hiện thực đến thơ mộng, có những khi lại nhàm chán vì sự lặp lại liên tục của dòng phim mì ăn liền. Nhưng tựu trung, dòng chảy điện ảnh Việt Nam không hề đơn giản chút nào.”

Lecirc Hồng Lacircm Một chặng đường cugraveng điện ảnh Việt Nam1
“Dòng chảy điện ảnh Việt Nam không hề đơn giản chút nào.” – Lê Hồng Lâm.

Cùng với Lê Hồng Lâm, chúng tôi bắt đầu lục lọi, tua ngược thời gian để cùng bàn luận về lịch sử điện ảnh Việt từ những năm 70.

Những năm 70

Trước khi thống nhất, miền Bắc nổi tiếng với những bộ phim đậm chất sử thi như “Em bé Hà Nội” (1974), “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” (1972)… với nội dung và cốt truyện khá tốt, tập trung vào đề tài chiến tranh.

Trong khi đó, miền Nam bước vào giai đoạn thành công với việc kinh doanh điện ảnh phục vụ khán giả đại chúng với nhiều thể loại đa dạng. Từ thể loại kinh dị như “Con ma nhà họ Hứa” (1972-1973) đến những bộ phim hài như “Năm vua hề về làng” (1974), “Tứ quái Sài Gòn” (1973),… đều là những phim ăn khách, thu hút khán giả tới rạp. Cùng lúc đó, với sự hấp dẫn mạnh mẽ từ điện ảnh võ thuật Hồng Kông, một số nhà làm phim cũng đi theo xu hướng này.

Giai đoạn 80

Đây là thời kỳ của những bộ phim kinh điển phải kể đến “Cánh đồng hoang” (1979) của đạo diễn Nguyễn Hồng Sến, “Mẹ vắng nhà” (1979) của đạo diễn Trần Khánh Dư, và đặc biệt là đạo diễn Đặng Nhật Minh với bộ phim “Thị xã trong tầm tay” (1982) và “Bao giờ cho đến tháng Mười” (1984) được CNN bầu chọn là một trong những bộ phim Châu Á đáng xem nhất thời đại.

Sau năm 1975, miền Bắc và miền Nam thống nhất kéo theo những thay đổi của điện ảnh Việt Nam. Lúc bấy giờ các đạo diễn phải tìm cách thoát khỏi lối làm phim tài liệu cách mạng của thời kỳ trước mà tập trung nhiều hơn vào việc kể chuyện trên bối cảnh chiến tranh vừa kết thúc.

Lecirc Hồng Lacircm Một chặng đường cugraveng điện ảnh Việt Nam2
“Với những đạo diễn theo chủ nghĩa hiện thực như Đặng Nhật Minh, câu chuyện họ kể có cái gì làm cho mình xúc động, giúp mình thấy được cả dấu ấn của thời đại, tâm hồn của người Việt Nam.”

“Đến bây giờ xem lại, tôi vẫn thích nhất sự nhuần nhị, chắc chắn về mặt ngôn ngữ, về thủ pháp điện ảnh, và đồng thời về mặt diễn xuất của diễn viên thời bấy giờ. Đạo diễn Việt Nam giai đoạn đầu làm phim khá thô sơ nhưng đến những năm 80 đã bắt đầu trưởng thành. Họ thoát ra khỏi chủ nghĩa tuyên truyền mà tìm cách kể chuyện, cách nhìn mới về xã hội đương thời. Họ bắt đầu có những phản biện về xã hội, về thời đại họ đang sống,” – Lê Hồng Lâm chia sẻ.

Những năm 90

Điện ảnh phát triển khá đa dạng, có những dòng mì ăn liền, có những phim của nhà nước. Phim nhà nước giai đoạn đầu hậu chiến với những tác phẩm như “Đời cát” (1999), “Thung lũng hoang vắng” (2000), “Ngã ba Đồng Lộc” (1997),… gây được nhiều tiếng vang. Đặc biệt dòng phim của đạo diễn Việt kiều trở về nước làm phim như Trần Anh Hùng với “Mùi đu đủ xanh” (1993), “Xích lô” (1995) hay “Ba mùa” (1999) của đạo diễn Tony Bùi là những người mang lại làn gió mới khi được tiếp cận từ nền điện ảnh phương Tây. “Đấy là giai đoạn những năm 90, một giai đoạn khá nổi bật với điện ảnh Việt,” – Lê Hồng Lâm bổ sung.

Lecirc Hồng Lacircm Một chặng đường cugraveng điện ảnh Việt Nam3
Khi xem phim Việt Nam mình thấy được cái tâm hồn, cái con người, chân dung và bối cảnh lịch sử xã hội mà nó liên đới, nó chạm đến được tâm hồn mình.

“Điện ảnh Việt Nam đương đại rơi vào vòng khủng hoảng rất lớn vào những năm cuối 90 do sự dễ dãi của tư duy làm phim.” Quả không sai, thời kỳ đó theo Lê Hồng Lâm, khán giả không đến rạp xem phim nữa, vì phim làm ra khá dễ đoán, phim nhà nước bắt đầu thoái trào, những bộ phim về chiến tranh cũng bị khai thác quá đà. “Giai đoạn ấy các rạp chiếu phim gần như là biến mất, thành quán bar, vũ trường, thậm chí là quán bia hơi, quán nhậu nữa (cười). Trong vòng 6-7 năm những rạp cinema hầu như chết hết.”

Những năm 2000

“Nhưng mà đến những năm 2003-2004 điện ảnh đã bắt đầu phục hồi trở lại,” Lê Hồng Lâm hào hứng. Anh vui vẻ kể với chúng tôi, rằng anh vẫn nhớ mãi bộ phim “Gái nhảy” (2003) của đạo diễn Lê Hoàng đã gây một cơn sốt lớn. Điện ảnh Việt Nam bấy giờ nhận được sự ủng hộ, tài trợ của nhà nước nhưng không vì thế mà đạo diễn Lê Hoàng từ chối khai thác đề tài ‘gái nhảy’ – một đề tài khá nhạy cảm bấy giờ. Kết quả, bộ phim mang về doanh thu kỷ lục 12 tỷ đồng, cao nhất của điện ảnh Việt Nam giai đoạn sau Đổi Mới cũng như đưa tên tuổi của nữ diễn viên Mỹ Duyên, Minh Thư lên cao.

Lấy cảm hứng từ Lê Hoàng, làn sóng phim giải trí bắt đầu khởi sắc với những bộ phim từ đạo diễn Vũ Ngọc Đãng với “Những cô gái chân dài” (2004), những bộ phim phục vụ dịp Tết Nguyên Đán như “Khi đàn ông có bầu” (2005), “Đẻ mướn” (2006),…

“Như các bạn thấy bây giờ điện ảnh phát triển rất mạnh, thị trường thật sự rất rộng”. Có lẽ Lê Hồng Lâm đang nói đến sự xuất hiện của những rạp phim có vốn đầu tư nước ngoài như CGV hay Lotte Cinema cũng như những rạp phim Việt với BHD, Galaxy, MegaGS,…. Việt Nam đang là một đất nước có dân số trẻ, khán giả xem phim chiếm 80% người có độ tuổi từ 18 – 30, đây được xem là triển vọng của thị trường phim ảnh về mặt thương mại.

Lecirc Hồng Lacircm Một chặng đường cugraveng điện ảnh Việt Nam4
“Đây là thời đại phòng vé lập anh hùng” – Trương Nghệ Mưu.

“Đây là thời đại phòng vé lập anh hùng” – mượn ý một đạo diễn người Trung Quốc, Lê Hồng Lâm kết luận khi nói về thị trường phim hiện tại. Anh chia sẻ, “những đạo diễn và nhà làm phim đang chạy đua về box office, về doanh thu và kỷ lục quá nhiều. Để một bộ phim được xem là ‘bom tấn’ chỉ cần tập trung vào thị hiếu của khán giả, ứng dụng nhiều kỹ thuật hình ảnh, thêm chút hài hước là người ta vào rạp xem nườm nượp.”

“Tất nhiên cái dòng quan trọng nhất là dòng phim giải trí, còn gọi là mainstream, nó nuôi sống điện ảnh khoảng 80%. 20% còn lại vẫn phải có những dòng phim khác như phim nghệ thuật, phim tài liệu. Những bộ phim mang dấu ấn của người đạo diễn, có tính chất thể nghiệm sẽ làm cho không khí và môi trường điện ảnh được đa dạng và thú vị hơn. Đấy mới gọi là một nền điện ảnh lành mạnh, bây giờ thì nó phát triển theo hướng khá một chiều” – anh bổ sung.

“2018 là một năm bản lề cho điện ảnh Việt”

“Nhưng trong năm 2018, tôi nhận thấy thị trường điện ảnh Việt Nam cũng bắt đầu phân dòng, tạo được nhiều sự đa dạng hơn.” Bộ phim “Nhắm mắt thấy mùa hè” của đạo diễn Cao Thúy Nhi được Lê Hồng Lâm đánh giá có sự đột phá trong cách làm phim cũng như việc tiếp cận và sản xuất theo hướng độc lập. “Song Lang” của đạo diễn Việt Kiều Leon Quang Lê lại được cho là thành tựu trong năm nay từ sự duy mỹ trong cách xếp đặt bố cục hình ảnh cho đến câu chuyện về Sài Gòn một thời 80. Phim tài liệu “Đi tìm Phong” của đạo diễn Trần Phương Thảo và Swann Dubus lại là một mảng màu hiện thực mới mẻ cho thị trường điện ảnh Việt Nam bên cạnh những bộ phim thương mại thuần giải trí.

Lecirc Hồng Lacircm Một chặng đường cugraveng điện ảnh Việt Nam5
2018 là một năm bản lề cho điện ảnh Việt.

“Biết đâu năm 2018 lại là một năm bản lề, một năm chuyển hướng, và trong những năm tới chúng ta sẽ có những bộ phim như vậy nhiều hơn. Là một người theo dõi khá sâu sát điện ảnh Việt, tôi khá lạc quan khi nhìn vào những tín hiệu đấy. Khi thị trường phát triển đến một mức độ nào đấy thì cái gu thẩm mỹ của khán giả Việt Nam sẽ cao lên, lúc đó chắc chắn chúng ta sẽ có cơ hội xem nhiều dòng phim khác nhau,” – Lê Hồng Lâm nhận định.

Kết: “Phim ảnh cũng là một di sản văn hóa.”

Lại nói về cuốn sách “101 Bộ phim Việt Nam hay nhất”, lật sơ qua 492 trang giấy thơm phức mùi mực in, ta sẽ khám phá ra không chỉ những cái tên ăn khách quen thuộc như “Tháng năm rực rỡ” (2018), “Em chưa 18” (2017), “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (2015)…, và còn những tác phẩm có thể quen thuộc với thế hệ ông bà, cha mẹ. Tất cả được Lê Hồng Lâm chăm chút và trình bày tỉ mỉ với giọng văn ấm áp, giàu tình cảm không những giúp người đọc tìm đến những bộ phim xưa mà còn có cái nhìn toàn cảnh về dòng chảy phim ảnh sục sôi qua nhiều thế hệ.

Lecirc Hồng Lacircm Một chặng đường cugraveng điện ảnh Việt Nam6
“Không giống như những loại hình nghệ thuật khác, phim ảnh có thể nắm bắt, lưu giữ và ngăn chặn thời gian, gần như sở hữu nó vô tận. Một bộ phim chính là sự chạm khắc của thời gian.” – đạo diễn Andrei Tarkovsky.

Nói về những dự án tiếp theo, Lê Hồng Lâm sẽ tiếp tục làm thêm 2 dự án nữa về điện ảnh Việt Nam. Đề tài khảo cứu về điện ảnh Sài Gòn trước năm 75 theo Lê Hồng Lâm nhằm khuấy động lại những di sản văn hóa, những tác phẩm của người Sài Gòn sau sự kiện ngày 30/04/1975. Thứ hai, một cuốn sách Chân dung về những nghệ sĩ, diễn viên của điện ảnh Việt Nam của những giai đoạn trước. Anh chia sẻ, “tôi cảm giác họ không còn nhiều thời gian nữa, họ là nhân chứng của những thời đại xưa. Tôi muốn gặp họ, nghe họ kể những câu chuyện liên quan đến quá trình làm phim và kỷ niệm thời ấy. Họ đều là những nghệ sĩ rất giỏi, việc đưa họ vào trang sách cũng là một dạng bảo tồn và lưu giữ những ký ức đẹp của điện ảnh Việt”.

Xem thêm:

[Bài viết] Đạo diễn Leon Lê: Chuyện tình kết nối bởi tiếng song lang

[Bài viết] Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh: Bước tiến dài đến điện ảnh