Để thắng Oscars, làm phim hay là chưa đủ | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
12 Thg 03, 2023
Điện Ảnh

Để thắng Oscars, làm phim hay là chưa đủ

Vì sao Oscars và những giải thưởng điện ảnh không bao giờ nên là yếu tố định nghĩa "thành công" của một bộ phim.
Để thắng Oscars, làm phim hay là chưa đủ

Nguồn: Twitter

Trải qua 95 năm lịch sử, Oscars đã định danh bản thân như “giải thưởng điện ảnh danh giá nhất hành tinh.” Đêm trao giải Oscars hằng năm được xem như một lễ hội để vinh danh môn nghệ thuật thứ 7, nơi chỉ có những bộ phim hay nhất, những con người xuất sắc nhất trong điện ảnh mới có thể đứng trên sân khấu Dolby và nâng cao tượng vàng danh giá.

Có thật sự như thế không? Liệu một bộ phim hay có thật sự là tất cả những gì cần thiết để sở hữu “giải thưởng điện ảnh danh giá nhất hành tinh?” Câu trả lời ngắn gọn nhất đã nằm ở trong tiêu đề của bài viết, cùng Vietcetera tìm hiểu vì sao.

Để tham dự Oscars, bạn phải “hiểu” chính trị

Là một giải thưởng điện ảnh Mỹ, Oscars sẽ không thể nào xem hết tất cả những bộ phim từ tất cả những đất nước trên thế giới để lựa chọn ra giải thưởng “Bộ phim Quốc tế xuất sắc nhất.” Thay vào đó, mỗi quốc gia sẽ có một hội đồng riêng biệt để lựa chọn một bộ phim duy nhất tham dự Oscars.

Câu chuyện chính trị bắt đầu từ đây khi đa số các hội đồng này đều là những tổ chức trực thuộc chính phủ. Điều này trở thành một vấn đề đặc biệt lớn đối với những quốc gia nơi chính phủ tại đây có những chính sách không công bằng trong cách chọn lựa phim tham gia.

Một trong những ví dụ điển hình cho vấn đề này là mối quan hệ giữa chính quyền Iran và đạo diễn hai lần chiến thắng Oscar, Asghar Farhadi.

Đạo diễn Asghar Fahardi nâng cao tượng vàng Oscars | Nguồn: Tehran Times

Golshifteh Farahani, diễn viên nữ đã từng làm việc cùng Farhadi và hiện đang sinh sống tại Pháp vì lệnh trục xuất của chính phủ Iran đã miêu tả Farhadi là vasat-baz, một người chơi với cả hai phía. “Ông ấy không phải một phần của chính phủ độc tài, nhưng ông ấy đang có những thỏa thuận với chính phủ đó. Tất nhiên, tất cả nghệ sĩ tại đây đều phải làm vậy để tồn tại, nhưng tới mức nào?”

Vào năm 2011, khi bộ phim A Separation giành giải thưởng cho Phim nói tiếng nước ngoài Xuất sắc nhất, bộ trưởng bộ điện ảnh Iran đã trả lời phỏng vấn, “Chúng tôi lên kế hoạch, thậm chí đút lót, để chuyện này xảy ra.” Trước đó, vào năm 2009, bộ điện ảnh Iran đã mời một phái đoàn Hollywood, bao gồm 4 thành viên của hội đồng chủ khảo Oscars đến tham quan Iran trong 11 ngày.

Tháng 10/2021, bộ phim A Hero được lựa chọn để tranh giải Oscar bởi Bộ Điện ảnh Iran, tuy bộ phim này vẫn đang đứng giữa một phiên tòa xác định chủ quyền ý tưởng tác phẩm giữa đạo diễn Farhadi và Masihzadeh, một học trò của ông.

Mehdi Ashgarpour, một trong 9 người trong hội đồng đưa ra quyết định này giải thích rằng “những giám khảo tại Oscars đều rất già, họ không thích xem phim” nên chiến thuật của Iran là lựa chọn bộ phim được làm bởi đạo diễn có tiếng tăm nhất, với hi vọng rằng bộ phim sẽ ít nhất được xem. Từ đó, gián tiếp từ chối cơ hội được công nhận của những nhà làm phim Iran khác.

Sau đó một tháng, đứng trước nhiều luồng chỉ trích về việc ông đang “ủng hộ và phản đối chính phủ cùng một lúc,” Farhadi đã gửi một bức tâm thư và đăng lên Instagram. Trong bức thư này, Fahardi lần đầu tiên lên tiếng chỉ trích chính quyền độc tài Iran và nói rằng ông không quan tâm A Hero có được tham dự Oscars hay không.

Một cảnh trong bộ phim A Hero | Nguồn: Roger Ebert

Tháng 8/2022, Bộ Điện ảnh Iran thông báo rằng họ sẽ sớm cấm một vài nhà làm phim Iran tiếp tục sản xuất điện ảnh. Fahardi nói với từ New Yorker rằng ông biết ông có tên trong danh sách đó. Cho đến thời điểm hiện tại, giữa cuộc đấu tranh cho quyền con người của những người phụ nữ Iran, Fahardi đã công khai ủng hộ phong trào đả đảo chính phủ này trên nhiều phương tiện truyền thông và quay trở lại Iran.

Mối quan hệ phức tạp của đạo diễn Fahardi và chính phủ Iran chắc chắn không phải mối quan hệ duy nhất thể hiện rõ ràng sự bất công trong cách làm việc giữa nhà nước và nhà làm phim trong quá trình thực hiện và công nhận giá trị của một tác phẩm điện ảnh.

Để chiến thắng Oscars, bạn phải “lấy lòng” giám khảo

Vào năm 2016, Variety ước tính một hãng phim bỏ ra trung bình từ 3 triệu đô đến 10 triệu đô để “lấy lòng” những giám khảo Oscars. Năm 2017, tờ New Yorker ước tính con số này có thể lên đến hơn 15 triệu đô.

Những con số khổng lồ này được đổ vào một chiến dịch với cái tên “For Your Consideration” (tạm dịch Hãy Cân Nhắc). Đây có thể là những biển quảng cáo, poster được đặt xung quanh Hollywood, kêu gọi những thành viên của hội đồng bình chọn Oscars cân nhắc trao giải cho bộ phim của họ.

Tuy nhiên, chiến dịch FYC (For Your Consideration) không dừng lại tại đây. Chiến dịch này còn bao gồm những buổi chiếu phim, buổi tiệc sang trọng với sự tham gia của các thành viên trong hội đồng ban giám khảo. Tại đây, những giám khảo được tiếp đón nồng nhiệt và gặp gỡ những ngôi sao nổi tiếng nhất tại Hollywood.

Những buổi tiệc hạng sang này trở thành một thông lệ đến mức diễn viên Denzel Washington đùa cợt về chúng trong một bài phát biểu nhận thưởng tại Quả Cầu Vàng: “(Nhà sản xuất nói với tôi)... Anh sẽ đi tham dự buổi tiệc này, họ sẽ xem phim, chúng ta sẽ cho họ ăn. Khi họ đến, anh sẽ chụp hình với tất cả mọi người, cầm tờ báo, cười tươi và anh sẽ thắng giải. Năm đó tôi thắng giải.”

Denzel Washington (trái) nhận giải tại Quả Cầu Vàng | Nguồn: HelloBeautiful

Tuy Oscars đã đặt ra nhiều luật lệ để phòng tránh những chiến dịch có thể gây ảnh hưởng đến quyết định của hội đồng giám khảo, đã có nhiều bộ phim vi phạm những luật lệ này mà không phải chịu bất kì hậu quả nghiêm trọng nào.

Gần như tất cả những bộ phim đã từng làm mưa làm gió tại Oscars đã không ít thì nhiều vi phạm những luật lệ này bằng những cách như gửi thư và email trực tiếp đến giám khảo với nội dung kêu gọi bình chọn, thậm chí chỉ trích những đối thủ cùng hạng mục (12 Years A Slave, Green Book, Three Billboards Outside Ebbing, Missouri), tặng quà (The Trial of The Chicago Seven, The Aviator),...

Tuy nhiên, tất cả những bộ phim kể trên đều được tiếp tục tranh giải mà không hề nhận được bất kì hình phạt gì ngoài một lá thư cảnh cáo từ Viện Hàn lâm.

Suy cho cùng, Oscars là một cơ hội kiếm tiền...

Tờ New York Times trích dẫn một nghiên cứu từ IBISWorld vào năm 2011, báo cáo rằng một bộ phim khi nhận được đề cử sẽ nhận được thêm khoảng 22% doanh thu bộ phim, và với những bộ phim thắng giải, con số đó sẽ tăng lên vào khoảng 37%. Những con số này vẫn giữ được giá trị của chúng đến thời điểm hiện tại với sự tăng vọt doanh thu sau Oscars của Green Book, Shape Of Water,...

Oscars là giải thưởng mang tính quyết định uy tín và danh tiếng của Viện Hàn lâm. Điều này thể hiện rõ ở những thay đổi cực kì nhanh chóng trong cách chọn lựa đề cử cũng như những phim thắng giải sau phong trào #OscarsSoWhite. Oscars cần phải cho khán giả thấy Viện Hàn lâm đang đi cùng với phong trào điện ảnh đương thời và vẫn có đủ uy tín để tiếp tục trở thành “giải thưởng điện ảnh danh giá nhất hành tinh.”

Một buổi họp mặt của những cá nhân liên quan đến Oscars vào năm 2016 | Nguồn: NPR

Lột bỏ vỏ bọc lấp lánh mang tên “vinh danh giá trị nghệ thuật,” Oscars là một sự kiện tạo cơ hội kiếm tiền, quyền lực, danh vọng. Viện Hàn lâm đặt ra một tiêu chí chọn lựa phim để giữ vững danh tiếng Oscars, hãng phim và những cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thực hiện những bộ phim theo tiêu chí này (Oscar Bait) với hi vọng kiếm giải để tăng doanh thu và thu nhập.

Không chỉ riêng Oscars, tất cả những giải thưởng điện ảnh nói riêng và nghệ thuật nói chung sẽ luôn có một tiêu chí, những lối đi hành lang, những mánh khóe khác nhau để giành được những giải thưởng ấy.

...và những giải thưởng nghệ thuật vẫn nên tồn tại

Một bộ phim hay là chưa đủ để thắng Oscars, và quyết định chọn ra bộ phim hay nhất chưa bao giờ nằm ở Viện Hàn lâm. Quyết định quan trọng này đã và vẫn sẽ luôn là quyết định của mỗi người khán giả. Tất cả những giải thưởng điện ảnh từ đó, chỉ nên đóng vai trò đề xuất, tạo cơ hội cho những bộ phim đi đến khán giả dễ dàng hơn.

Đây cũng chính là lí do để Oscars và tất cả giải thưởng nghệ thuật khác tiếp tục tồn tại mặc cho những hạn chế của chúng. Phép màu của những giải thưởng nghệ thuật có lẽ nằm ở hai từ “cơ hội” mà chúng mang lại cho những sản phẩm, những cá nhân làm việc trong môi trường khắc nghiệt này.

Đó có thể là cơ hội để những diễn viên da màu có được chỗ đứng trong Hollywood, cơ hội thứ hai cho những diễn viên như Quan Kế Huy, Brendan Fraser. Đó có thể là cơ hội sống của những bộ phim nghệ thuật kén khán giả, cơ hội để những bộ phim như Vị, những cá nhân như Trần Thanh Huy, những câu chuyện như Những Đứa Trẻ Trong Sương có được sự công nhận mà họ xứng đáng có được.

Thế giới điện ảnh vốn là một thế giới không công bằng. Oscars và tất cả những giải thưởng điện ảnh khác nên tồn tại khi và chỉ khi chúng có thể góp phần nào đó để cân bằng cán cân lệch ấy.