Đạo diễn Hà Lệ Diễm, trong nỗ lực tìm lại tuổi thơ đã mất  | Vietcetera
Billboard banner
30 Thg 01, 2023
Sáng TạoĐiện Ảnh

Đạo diễn Hà Lệ Diễm, trong nỗ lực tìm lại tuổi thơ đã mất 

"Tôi tò mò về khoảng thời gian, khi mà tuổi thơ của mỗi người biến mất lúc làm bộ phim Những đứa trẻ trong sương."
Đạo diễn Hà Lệ Diễm, trong nỗ lực tìm lại tuổi thơ đã mất 

Nhà làm phim độc lập Hà Lệ Diễm. | Nguồn: Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Hà Lệ Diễm (1991) tốt nghiệp chuyên ngành Báo chí - Truyền thông năm 2013, rồi bắt đầu sự nghiệp với công việc... làm phim tài liệu độc lập. Niềm vui, sự tò mò, cảm giác thích thú đứng sau máy quay khiến Diễm càng muốn theo đuổi nghề này.

Sau khóa học làm phim tại Trung tâm hỗ trợ Phát triển tài năng Điện ảnh (TPD) năm 2012, Diễm hoàn thành phim tài liệu đầu tay Con đi trường học. Bộ phim giành giải Cánh diều bạc năm 2013 hạng mục phim ngắn (không có Cánh diều vàng). Sau đó, Diễm tham gia Trại sáng tác phim tài liệu Varan Vietnam 2016.

Phim dài đầu tay, Những đứa trẻ trong sương (Children of the mist) đưa cô gái người Tày Hà Lệ Diễm đến với nhiều LHP quốc tế. Trong đó, Diễm giành giải Đạo diễn xuất sắc và thắng giải đặc biệt của ban giám khảo dành cho hạng mục phim đầu tay tại LHP Tài liệu Quốc tế Amsterdam (IDFA.) Phim cũng lọt vào danh sách đề cử rút gọn của hạng mục Phim tài liệu xuất sắc của Oscar 2023.

Ngược lại 10 năm trước, lũ chúng mình tò mò đi học làm phim tài liệu nhưng chỉ có mỗi Diễm theo đuổi đến cùng?

Bản thân tớ lúc đó cũng tò mò như mọi người thôi mà.

Nhưng khoảnh khắc nào khiến Diễm nhận ra mình sẽ trở thành một nhà làm phim?

Thực ra hồi đó bọn mình học cũng nhiều. Học rồi cũng quên đi. Anh Phương ở TPD có chiếu phim ở trường và tớ nhớ là mình đã rất vui ngày hôm đó.

Lúc đầu ở lại vì vui nhưng đến bộ phim thứ hai thì tớ làm với tâm thế tò mò. Một người tò mò về mọi thứ trước mắt nhưng lại nhát cáy. Chiếc máy quay chặn ngay trước mặt khiến tớ tự tin hơn rất nhiều.

Với chiếc máy quay đó, tớ thấy mình được quan sát. Tớ thích như thế, tò mò nhưng vẫn giữ một khoảng cách nhất định để ngắm nhìn, quan sát.

Lý do thực sự khiến Diễm đứng sau chiếc máy quay, dành nhiều năm để thực hiện một bộ phim là gì?

Ngoài tò mò ra thì tớ là đứa vốn thích hóng hớt. Hồi xưa khi ông nội ngồi nói chuyện với mọi người, lúc nào tớ cũng ngồi cạnh, "hóng" xem mọi người nói chuyện gì? Ở miền núi, chuyện ma là một trong những chủ đề hay được trò chuyện. Ngồi bên lắng nghe tuy sợ nhưng tớ vẫn cứ thích sáp lại gần.

Lúc làm bộ phim đầu tay Con đi trường học, tớ thấy một điều kỳ diệu. Với một chiếc máy quay trong tay, tớ mặc sức kể chuyện. Tớ cũng thích nhìn ngắm những màu sắc trong những khuôn hình mà mình quay được.

Đến một lúc nào đó, tớ nhận ra mình không muốn làm báo, mặc dù mình tốt nghiệp ngành Báo chí. Làm báo vốn nhiều áp lực, không thực sự phù hợp với tớ.

alt
Nhà làm phim Hà Lệ Diễm. | Nguồn: Chu Ng.

Xin phép cắt ngang, vậy làm phim không áp lực sao?

Làm phim được chơi cậu ơi. Những lúc không lên hiện trường dường như tớ chỉ có... chơi. Ví dụ như khi quay phim Con đi trường học, mỗi khi không quay phim tớ lại ngồi chơi với con trai của nhân vật. Những lúc không quay, tớ cũng ngồi trò chuyện, chơi đùa với nhân vật của mình.

Làm sao để Diễm tách bạch giữa chơi và làm việc khi quay phim?

Tớ thích kiểu vừa làm vừa chơi với nhân vật. Điều đó mang lại rất nhiều niềm vui, cả cho người làm phim cũng như nhân vật. Sự gần gũi, thân thiết cũng nảy nở từ đó. Điều này cũng khiến mình cảm thấy không bị căng thẳng vì cho rằng mình đang phải làm việc.

Tất nhiên làm phim cũng có rất nhiều áp lực. Ví dụ như kiếm đâu ra tiền để sống? Nhưng làm phim với tớ luôn là niềm vui, không bị gò bó vào bất cứ điều gì. Cậu tin không, điều tớ sợ nhất là phải về Hà Nội và nghĩ đến chuyện phải... đi làm hoặc không làm gì cả.

Diễm học được gì từ tác phẩm đầu tay của mình?

Lúc làm bộ phim đó mình chỉ nghĩ là mình thích làm phim về chị ấy thôi. Mình thấy cảm động về con người và cuộc đời của chị ấy. Hình ảnh chị ấy cõng con trai mình qua suối đi học thấy thương lắm.

Lúc thực hiện xong bộ phim, mọi người cũng chúc mừng này kia nhưng thực ra, tớ đã hoàn thành từ một năm trước đó. Những lời chúc mừng thường có độ trễ nhất định. Tớ nhận ra cuộc sống của mình vẫn như thế; luôn có cảm giác mình tách biệt hoàn toàn với một bộ phim mà tớ làm ra.

Cũng giống như khi bộ phim Những đứa trẻ trong sương (Children of the mist) được báo chí đưa tin và tớ nhận được những lời chúc mừng, thực ra tớ đã hoàn thành xong từ trước đó khá lâu.

alt
Đạo diễn Hà Lệ Diễm trò chuyện với bạn bè | Nguồn: Chu Ng.

Tớ có cảm giác đó là mình nhưng đồng thời cũng không còn là mình ở đấy. Tớ vẫn đang sống, đang hít thở và đang ở đây với mọi người. Nhưng mọi người lại nghĩ tớ là một cái gì đó khác, là đạo diễn của bộ phim Những đứa trẻ trong sương tách biệt với mọi người.

Tớ nghĩ rằng điều mình học được từ bộ phim là cách kể chuyện. Những bài học xa hơn, tớ nghĩ là không có và không cần thiết.

Nhiều năm theo đuổi phim độc lập, đâu là triết lý làm phim của Diễm?

Không hẳn là triết lý nhưng cách làm phim của tớ là được ở với nhân vật của mình càng lâu càng tốt. Mình có thời gian tiếp xúc với họ, được nghe giọng nói của họ, được hiểu phần nào con người họ. Và họ cũng có một sự phản hồi lại với bản thân mình.

Nhiều khi tớ cũng chẳng biết mình định quay cái gì. Tớ sẽ hỏi nhân vật của mình, bây giờ mình quay cái gì nhỉ? Và nhiều khi nhân vật sẽ gợi ý cho mình cảnh quay tiếp theo.

Hoặc có đôi lúc mình nảy ra một ý tưởng trong đầu nhưng chưa chắc chắn về cách thực hiện, mình cũng sẽ tiếp tục hỏi. Chỉ cần mình đặt câu hỏi hoặc nhờ sự giúp đỡ, sẽ luôn có một ai đó chỉ ra cho mình. Cũng có trường hợp, mình tự chỉ cho mình phải làm gì tiếp theo.

Nhiều lúc, mình phải biết rõ mình sẽ làm cái gì. Lúc đó mình biết tất cả những điều quan trọng đối với nhân vật, cũng biết điều gì quan trọng đối với tác phẩm. Mình biết điều nhân vật không biết và tìm cách lôi nó ra rồi ghi lại vào những thước phim.

Diễm miêu tả làm phim cứ như tình yêu vậy. Nếu làm phim cũng giống như yêu, làm sao để duy trì tình yêu đó?

Nhiều lúc tớ cũng thấy chán chứ. Nhưng mình đâu thể bỏ cuộc được. Ý chí phải làm xong bộ phim chính là động lực để kiên trì theo đuổi đến cùng.

Ví dụ như khi làm phim đầu tay của tớ Con đi trường học, tớ biết mình phải hoàn thành. Nếu lúc đó mình bắt đầu một cái mới mình vẫn phải làm cơ mà. Tại sao mình lại không hoàn thành bộ phim này?

Bởi nếu mình không làm đến cùng, làm sao mình có thể làm tiếp những bộ phim khác. Nếu vẫn không thể tiếp tục thì chỉ còn một cách là bỏ nghề, làm việc khác, không dính dáng gì đến phim ảnh nữa.

Theo đuổi một bộ phim là việc mình cứ lặp đi lặp lại một công việc. Vì thế, sẽ có lúc mình sẽ thấy chẳng có gì để quay nữa. Nghịch lý bộ phim của mình lại chưa thấy đâu. Tớ cũng tự đặt câu hỏi: Phải làm như thế nào đây? Phải làm gì tiếp theo?

alt
Nguồn: Nguyễn Trà My.

Thế Diễm làm thế nào để theo đuổi đến cùng khi trong lòng còn phân vân?

Tớ nghĩ đã bắt đầu đầu rồi thì cứ làm tiếp thôi. Nhiều lúc tớ cũng chỉ nghĩ là làm tiếp; tự dặn mình là cố thêm một tí nữa, cố thêm một tí nữa. Đến một lúc không thể tiếp tục thì mình cho phép được nghỉ ngơi rồi lại tự nhắc nhở bản thân, cố thêm một tí nữa.

Có cảm giác rằng, vài chục phút trong bộ phim là phần tinh túy nhất trong hàng trăm nghìn phút quay vậy?

Nguyên tắc của người làm phim là không được xóa hay bỏ một cái gì hết, kể cả những file quay hỏng hay bị mắc một lỗi gì đó. Trong quá trình hậu kỳ, tớ và người dựng phim sẽ phải xem lại. Từ đó, bọn tớ phải ngồi cắt tỉa và gọt giũa.

Quay trở lại vẫn là việc muốn kể gì trong câu chuyện của mình mà thôi. Thực tế, tớ là người ghét ngồi trong phòng dựng phim. Đừng hỏi làm sao tớ vượt qua được ải này, bởi vì tớ có một người dựng phim tuyệt vời. Dù là người quyết định cuối cùng nhưng tớ luôn được tham khảo, lắng nghe ý kiến từ các cộng sự của mình.

Lý do Diễm thích vác máy quay đến hiện trường vì cứ ngồi một chỗ là cảm thấy mệt?

Đúng rồi, tớ thích lên hiện trường hơn. Bởi vì ở đó tớ được nói chuyện, đi lại; chân tay tớ phải luôn được hoạt động. Dạo gần đây tớ có cảm giác bị tù túng vì không được ra ngoài hiện trường, không được gặp người này người kia, không được cầm máy quay phim.

alt
Nguồn: Hà Kiều Vân.

Ngoài việc chán ngồi trong phòng dựng, tớ còn chán khi phải làm những công việc liên quan đến phát hành, dù là bộ phim của mình. Tớ thích quay phim của tớ và cũng thích quay phim cho người khác. Tớ thoải mái với việc cầm máy quay và tiến thẳng ra hiện trường.

Nhưng ở phim đầu tay, nhân vật chính là một phụ nữ bị HIV. Việc ăn dầm ở dề để quay phim có khiến cậu sợ?

Chị ấy giữ lắm. Chị ấy tự ý thức được việc bảo vệ cho mọi người. Ví dụ như lúc ăn cơm, chị có đũa riêng. Chị ăn riêng và không nhúng đũa vào đồ ăn của tớ và con trai chị ấy.

Có lần tớ phải lội qua suối để quay, đúng hôm nước lớn khiến quần bị ướt hết một bên. Vì một chiếc ủng bị thủng nên tớ phải bỏ ra để đi chân đất và quay phim. Chị ấy thấy tội quá nên bảo tớ lấy quần chị ấy thay tạm. Nhưng vừa nói xong thì chỉ tự giật mình và bảo, thôi không mặc quần của chị ấy nữa.

Ngay cả lúc tớ quay trên nhà Di (Những đứa trẻ trong sương), gia đình Di cũng rất quan tâm. Nhân vật của tớ sau cùng đều trở thành những người thân quen. Mọi người đều có cách riêng để bảo vệ mình. Nhân vật của mình cũng bảo vệ mình.

Thế các trở ngại khác thì sao. Điều gì thôi thúc cậu vượt qua để tiếp tục làm phim?

Thì cứ... làm thôi. Ví dụ như lạnh như thế này nhé, cậu một tay cầm ô, một tay cầm máy quay. Cái máy quay nặng tầm 3kg thì mình tì một bên vai cho đỡ nặng mà quay. Rồi cứ thế, tớ đi theo Di và quay lại những thước phim.

Mệt nhất phải kể đến lúc là những lúc trẻ đi chơi xuân. Có những hôm lũ trẻ con đi bộ đến tận 40km. Tớ còn nhớ năm 2018, tớ còn đi bộ theo Di 3 ngày liên tục đến mức ốm luôn. Sau đó tớ phải nằm nghỉ nguyên một ngày sau đó, trong khi đó Di vẫn tiếp tục đi chơi xuân.

Cũng nhờ những ngày quay phim như thế mà tớ biết chăm lo sức khỏe và giữ cho bản thân không bị ốm hay lây chấy rận… Bố Di từng nói rằng, tớ có thể sống sót ở đó. Vì thế, mà gia đình Di sau đó đã cho tớ ở lại nhà để quay phim.

Nhưng mà việc bất đồng ngôn ngữ có khiến Diễm khó khăn khi quay phim?

Bản thân tớ không cảm thấy khó chịu khi không hiểu một thứ ngôn ngữ khác. Mọi người cứ làm việc của mọi người và mình làm việc của mình. Nhiều khi, tớ dựa vào cảm giác của mình để quay phim. Lúc đó tớ nhìn vào mặt hình ảnh nhiều hơn là mặt ngôn ngữ mà mọi người đang nói.

alt
Nguồn: Hà Kiều Vân.

Tất nhiên là tớ phải có suy đoán của riêng mình. Sau khi đã quay xong tớ sẽ ngồi lại và hỏi mọi người câu chuyện vừa rồi, sao mà vui mà buồn như thế, dựa trên cảm giác mà mình cảm nhận được trước đó.

Sau này, tớ đi đến các vùng khác nhau, nơi mọi người nói tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Ý.... tớ cũng không cảm thấy khó chịu.

Có người dùng chụp ảnh, có người dùng vẽ, có người lại dùng nấu nướng để thể hiện sự quan tâm đến người khác. Với tớ, có lẽ quay phim và kể chuyện là cách tớ thể hiện sự quan tâm và khiến tớ thoải mái nhất.

Đâu là lúc khó khăn nhất khi làm một bộ phim?

Mỗi lần xem một bộ phim kiểu làm mình mê đắm ấy, tớ luôn có cảm giác không thể rời ra được. Tớ nghĩ cuộc đời mình không còn gì vui vẻ, thú vị, hay đau khổ nếu không làm phim. Vì thế, tớ nghĩ việc khó khăn nó đã bắt đầu từ rất lâu rồi, từ lúc nhận ra mình siêu thích làm phim.

Nhưng nếu nói khoảng thời gian khó khăn nhất thì có lẽ là năm 2018. Lúc đó tớ thấy mình cứ làm một mình nên cũng hơi tủi thân. Ý muốn của mình là muốn làm về tuổi thơ và sự biến mất tuổi thơ của một bé gái nhưng để kể nó như thế nào thì tớ không chắc chắn.

Lúc đó, tớ hoang mang lắm nên nhà sản xuất của mình khuyên rằng nên nghỉ một năm. Nhưng nếu bắt đầu một cái mới thì tớ vẫn phải làm phim thôi.

Khi mình hoang mang không biết làm gì cũng là lúc đau khổ. Tuổi thơ biến mất như thế nào? - Làm sao để kể được điều đó ra? Tớ đặt ra liên tục nhưng câu hỏi như thế để tiếp tục tìm cách kể chuyện.

Vậy Diễm muốn kể điều gì trong Những đứa trẻ trong sương?

Với Những đứa trẻ trong sương, câu chuyện mà tớ muốn kể nhất là tuổi thơ, sự biến mất của tuổi thơ và nỗi sợ hãi khi lớn lên, trưởng thành.

Diễm có trauma (chấn thương) gì về tuổi thơ biến mất không?

Có chứ. Vì thế mỗi lúc quay Những đứa trẻ trong sương tớ lại hiểu bản thân mình hơn một tí. Tớ thấy mình lớn dần lên. Tuổi thơ biến mất lúc nào mình không biết cho đến lúc... ta lớn lên. Khi quay lại, những khoảnh khắc vô tư đã không còn nữa.

Đây cũng là một nỗ lực tìm lại tuổi thơ của tớ. Tớ cũng tò mò về khoảng thời gian tuổi thơ của mỗi người biến mất như thế nào? Làm sao mà tuổi thơ của mình biến mất được nhỉ?

Tớ nhận ra tuổi thơ của mình biến mất khi bà nội qua đời. Khi tớ phải làm những công việc cho mấy đứa em nhỏ của mình để chúng nó không sợ hãi. Mình phải vượt qua những sợ hãi để làm tất cả những điều đó. Có lẽ khi mình mất một thứ gì đó quý giá khi còn nhỏ, tuổi thơ của mình cũng bắt đầu biến mất vào lúc đó.

Khi làm phim, tớ quay về một người cụ thể nhưng điều tớ muốn kể thì lại rất trừu tượng. Vì thế tớ đã hoang mang kinh khủng. Đó cũng là một bí ẩn, không thể tìm ra một câu trả lời cụ thể nào cả.

Làm phim cứ như giải một bài toán vậy?

Tớ quyết định ngừng quay Di khi tớ nhận ra cô bé đã trở thành người lớn dù không biết phim của mình đã ổn hay chưa? Bởi tớ biết lúc đó, Di đã có một thế giới riêng của cô ấy.

Tớ đã rất xúc động khi xem bản phim đầu tiên dài 20 phút vì tất cả nhiều tớ muốn kể, về tuổi thơ và về sự biến mất. Tớ xúc động còn bởi chợt nhận ra, Di đã lớn đến nhường nào? Phải đến lúc đó, tớ mới tin là mình đã làm được.

alt
Nguồn: Hà Kiều Vân

Cũng lúc đó tớ cũng mới đủ tự tin để làm phim dù trước đó, nó giống như một cuộc thử nghiệm. Ban đầu, tớ làm gì biết đáp án. Vì thế tớ cứ đi tìm thôi.

Việc quan trọng khi bắt đầu làm phim chính là việc đặt ra một câu hỏi đúng?

Cũng không hẳn như vậy. Như khi tớ làm phim Con đi trường học, tớ cảm động khi một người mẹ bị HIV vẫn ngày ngày đưa con đi học. Sự nỗ lực, cố gắng của chị ấy khiến tớ rung cảm.

Tớ nghĩ câu hỏi quan trọng hơn ở đây là: tại sao mình lại chọn câu chuyện đó chứ không phải là một câu chuyện khác? Đôi khi nó đến từ một hình ảnh, một người mẹ cõng con qua suối mà khiến mình làm một bộ phim.

Hay như tớ có một dự án khác về hai bạn trẻ đang sinh sống ở Sài Gòn. Hai cậu ấy quê ở Vĩnh Phúc, chở giường tủ đi bán khắp Sài Gòn. Hai cậu ấy có ước mơ về quê xây nhà, lấy vợ. Đó là một ước mơ rất đáng yêu, dù tuổi đời của cả hai chỉ vừa 19, 20. Lúc gặp mặt, hai đứa giống hệt mấy đứa em trai ở quê khiến mình thấy thân thuộc.

Hay như lúc thấy Di đang chơi, tự nhiên tớ cảm thấy mến trẻ con vì ngày xưa tớ cũng có áp lực trở thành người lớn rất nhanh. Nhưng mà thế giới của người lớn rất khác.

Tớ nghĩ, đầu tiên muốn làm phim phải có gì đó khiến tớ rung cảm. Nếu không có điều đó, sẽ rất khó để tớ có thể bắt đầu làm một một phim. Tất nhiên làm một bộ phim không chỉ vì cảm động. Nếu chỉ có sự cảm động thôi, nó chỉ có thể và nên dừng lại ở phim ngắn.

Và làm phim cũng cần trách nhiệm, sự tử tế và có ích chứ?

Có lần phim Những đứa trẻ trong sương chiếu tại một LHP ở Thổ Nhĩ Kỳ, một khán giả đến xem rồi đi thẳng một mạch ra về. Vị khán giả này cảm thấy những điều xảy ra trong phim quá bạo lực với cảm xúc của ông ấy. Nếu xét ở góc độ này, có lẽ tớ là một người làm phim không tử tế.

Ý nghĩa của một bộ phim còn tùy thuộc vào cảm xúc của từng người xem. Khi làm phim, mình muốn kể câu chuyện của mình. Nhưng khi đã ra mắt khán giả, rất khó để nói rằng nó là có ích hay không có ích được.

Tớ thích làm phim tài liệu ở chỗ, mình có thể xem đi xem lại nhiều lần. Mỗi lần xem lại nhận ra một cái mới, rất khác với khi xem phim truyện điện ảnh.

Phim đã tham dự rất nhiều liên hoan phim quốc tế. Với Diễm, hành trình này như thế nào?

Với tớ... đó là được xem nhiều phim khác, của nhiều đạo diễn khác. Ví dụ như mới đây tớ cứ băn khoăn tại sao lại sang Bỉ tham dự LHP trong những ngày cận Tết? Nhưng tớ nhận ra, sang Bỉ mấy ngày và xem nhiều bộ phim khác, tìm hiểu cách mọi người làm phim cũng rất hào hứng.

Nếu cậu có cơ hội đi xem phim, cậu sẽ giật mình vì nhiều phim tài liệu hay như phim truyện. Như lần gần đây tớ đi LHP ở châu Âu, có cả Xuân và My, bọn tớ đã khóc thu lu ngay trong rạp.

alt
Bạn thân bay sang Séc để chúc mừng Hà Lệ Diễm. | Nguồn: Nguyễn Trà My.

Vì thế, mỗi lần đi LHP tớ lại nhận ra những sự khác biệt, học được rất nhiều điều. Có những dòng phim tài liệu khiến mình há hốc và sửng sốt. Nếu yêu thích phim nào, tớ sẽ xin gặp người làm ra bộ phim đó.

Tham dự nhiều LHP, tớ nhận ra một nhận định sai lầm của một số người rằng, tại sao lại cứ làm phim về cái xấu của nước mình? Thực ra mọi người làm phim đều tìm cách kể những vấn đề mà họ đang gặp phải.

Mọi người xem phim của tớ có thể nhìn thấy đói nghèo, hoặc điều gì đó. Nhưng nếu chỉ có thế, thì không hẳn đúng. Phải có một vấn đề gì đó sâu hơn đói nghèo mà mình nhìn thấy, mà mình tìm cách kể nó ra.

Có một liên minh của các nhà làm phim tài liệu trẻ trên thế giới hay không?

Tớ nghĩ là có. Các nhà làm phim độc lập dường như tự kết nối với nhau là chủ yếu theo các nhóm nhỏ. Các nhóm lớn dường như chỉ gặp nhau tại các bữa tiệc của các nhà sản xuất, nhà phát hành mà thôi.

Diễm cảm thấy sao khi phim Những đứa trẻ trong sương lọt vào danh sách rút gọn của Oscar 2023?

Khi phim lọt vào danh sách rút gọn của Oscar, tớ muốn "hạ nhiệt" mọi người, để nó không phải là một tin sốt dẻo. Tớ lo ngại việc một bộ phim quá thành công có thể ảnh hưởng đến đời sống nhân vật của tớ, về vùng đất cũng như truyền thống đó.

Những thứ hiện tại mà tớ có đã quá đủ để đi tiếp con đường mà mình đã chọn. Tớ không muốn mọi thứ thổi phồng lên quá. Tớ cũng không muốn mọi người hay cụ thể là nhân vật của tớ bị áp lực quá vì sự nổi tiếng của bộ phim. Và tớ cũng không muốn mọi người cảm thấy lọt vào danh sách rút gọn của Oscar là một sự hào nhoáng.

Tớ nghĩ làm phim không hẳn là thay đổi một điều gì đó. Quan trọng hơn, từ bộ phim đó mà mọi người tự thay đổi, sao cho phù hợp và tốt nhất. Và tớ cũng cần sự yên tĩnh để tiếp tục làm nghề, theo đuổi con đường của mình. Cuộc đời của một người làm phim tài liệu, theo tớ, không ai biết đến thì tốt hơn.

Tuy nhiên, cũng có một số việc tốt như Bảo tàng Phụ Nữ mời tớ đến nói chuyện, trao đổi. Lúc đó, mình có thể làm một số việc nhỏ như giới thiệu một số đặc sản, hay sản phẩm mà Di hay những người khác đang làm mỗi ngày. Hay một số workshop nhuộm chàm ở Mù Căng Chải tớ có thể giới thiệu để mọi người biết nhiều hơn.

alt
Nguồn: Hà Lệ Diễm.

Kế hoạch tiếp theo của Diễm là gì?

Tớ đang lên kế hoạch phát hành bộ phim Những đứa trẻ trong sương vào đầu tháng 03/2023. Và như đã kể, tớ sẽ tiếp tục vào Tây Nguyên để khảo sát cho bộ phim tài liệu mới.