Tính nguyên bản là một trong những giá trị mà Pizza 4P’s luôn theo đuổi. Chúng tôi luôn tự hỏi và chiêm nghiệm về những điều thuộc về bản chất, bởi “tính nguyên bản" là khởi nguyên để tạo ra các tác phẩm và mang lại tính sáng tạo thực sự, thay vì chỉ tiếp cận nó một cách hời hợt hay chủ quan. “Tính nguyên bản" cũng là giá trị mà chúng tôi tìm kiếm và sẻ chia mỗi khi tiếp cận một nhà sáng tạo để đề nghị hợp tác.
Trong bài viết lần này của series “Đi tìm sự nguyên bản”, tôi xin giới thiệu anh Takeshi Yoshizawa, một người Nhật sống tại Hà Nội, là nghệ nhân nhuộm Shibori (một kỹ thuật nhuộm thủ công của Nhật Bản), và vợ anh, chị Thanh. Họ chính là những nghệ nhân đã tham gia vào một dự án nhuộm màu chàm tại chi nhánh Indochina Đà Nẵng của Pizza 4P’s, khai trương hồi tháng 12 năm ngoái.
Chúng tôi chưa bao giờ được thấy những bức tường khổng lồ nhuộm chàm đậm thế này. Anh đã làm như thế nào?
Tôi đã rất ngạc nhiên và vui mừng khi biết rằng Pizza 4P’s muốn sơn màu chàm tự nhiên lên những bước tường lớn có diện tích hơn 100 mét vuông. Nhà hàng mới này đi theo concept “nơi dậy men cảm xúc”, lấy cảm hứng từ quá trình lên men bột bánh pizza. Tôi nghe nói rằng nhà hàng tập trung vào các vật liệu tự nhiên và tái chế để thể hiện concept này. Tôi cảm thấy thật vinh dự khi cuối cùng cũng có người nhận ra giá trị to lớn của màu chàm tự nhiên.
Đồng thời tôi cũng cảm thấy lo lắng vì lần này, thay vì nhuộm màu chàm lên vải, tôi phải sơn nó lên một bức tường xi-măng thô ráp, điều mà tôi chưa từng làm trước đây. Với tôi, đó là một thử thách lớn vì tôi không thể lường trước tất cả các tình huống có thể xảy ra, dù đã bỏ công nghiên cứu rất nhiều. Có thể sẽ không thành công, nhưng dù gì tôi cũng muốn thử.
Đây có phải là một thử thách chưa từng có tiền lệ không?
Có một sự khác biệt lớn giữa thuốc nhuộm, chẳng hạn như thuốc nhuộm chàm, với bột màu, chẳng hạn như màu sơn. Về phần thuốc nhuộm, chất tạo màu được thẩm thấu vào các sợi như sợi vải và thớ vải, nhằm tạo nên trạng thái gọi là “được nhuộm”. Mặt khác, bột màu là màu vẽ trên một bề mặt, để cho khô, tạo nên một trạng thái gọi là “phủ lên lớp màu bên dưới”.
Trong lần thử đầu tiên, tôi chỉ quét nước nhuộm lên bức tường xi-măng, nhưng màu không “ăn” và không lên màu. Việc này đã được lường trước vì màu không thấm sâu vào bên trong được. Sau đó, tôi trộn màu với thạch cao vì nó thường được dùng làm nguyên liệu sơn tường. Tuy vậy, màu vẫn không lên được vì màu chàm nhuộm chỉ có thể lên màu khi bị oxy hóa trong quá trình tiếp xúc với không khí.
Rồi tôi nảy ra ý tưởng trộn chất lỏng được tạo ra trong quá trình làm nước nhuộm bằng thạch cao, sau đó trộn lại với nước nhuộm và quét lên tường. Sau đó, tôi liên tục thử nhiều cách khác nhau. 4 tuần trước khi nhà hàng khai trương, tôi tìm ra một cách có vẻ khả thi.
Mọi thứ có diễn ra như anh mong đợi không?
Chà, thực ra là không, lúc ấy màu không bám được vào tường. Dẫu vậy, tôi vẫn cố gắng nghĩ ra một cách khác. Tôi đặt hàng bùn nhuộm chàm từ Hà Nội về để tăng nồng độ thuốc nhuộm và quyết định sơn gấp đôi lượng thuốc nhuộm mà tôi dùng lúc thử nghiệm. Đó là một công việc tốn thời gian và công sức. Tôi không sơn được ngay. Thế nên, tôi phải thêm bùn nhuộm vào nước nhuộm, để yên nó trong vài giờ, rồi dùng ngay khi hỗn hợp vẫn còn ở trạng thái màu chàm. May mắn là tôi được thời tiết hỗ trợ, lúc ấy ánh mặt trời và nhiệt độ ở mức vừa phải, khiến màu chàm lên rất đẹp. Tôi mải miết làm việc đến sáng ngày khai trương, sơn tổng cộng 7 lần màu lên tường, tẩy đi và làm lại 3 lần.
Vậy còn phần rèm nhuộm chàm thì sao?
Tôi nghĩ màu chàm là một màu mạnh mẽ, định hình toàn bộ phong cách của một không gian, đặc biệt là không gian nột thất. Màu chàm đậm khiến căn phòng tối hẳn đi, còn màu chàm nhạt khiến việc nhuộm sao cho đều gặp khó khăn. Màu chàm dễ bị ảnh hưởng bởi ánh nắng mặt trời và dễ ngả màu. Tôi cần phải tạo ra một thiết kế phù hợp với một nhà hàng hiện đại, mang phong cách tối giản.
Lúc đầu, họ bảo tôi tốt nhất cứ nhuộm chuyển tiếp từ đậm sang nhạt, nhưng tôi đề xuất rằng nên đặt một tấm rèm màu chàm xen kẽ với một tấm rèm vải chưa tẩy, và dùng nhiều loại hoa văn tie-dye ở một số chỗ khi rèm được kéo lên.
Không hoa văn tie-dye nào trong số 14 tấm rèm giống nhau. Một số hoa văn lấy cảm hứng từ văn hoá của các dân tộc thiểu số tại Việt Nam tại Sapa, người dân tộc Lô Lô.
Điều gì đã thôi thúc anh lấy cảm hứng từ hoa văn mang đậm bản sắc của các dân tộc thiểu số tại Việt Nam?
Tôi đã làm việc trong ngành dệt may một thời gian dài, cũng như thường đến thăm các cơ sở nhuộm vải ở khắp các nước châu Á. Mỗi loại vải dệt truyền thống đều có cho mình một kỹ thuật riêng tuyệt hảo, được truyền từ đời này sang đời khác, và là một tài sản văn hóa quý giá. Nhưng tôi cũng từng chứng kiến những thứ giá trị như thế dần mai một, trong bối cảnh kinh tế phát triển chóng mặt sau thập niên 90s. Tôi cảm thấy lo lắng tột độ về vấn đề này và khởi động một dự án với các sản phẩm hữu cơ nguyên bản do do một dân tộc thiểu số sống ở miền núi phía Bắc Việt Nam tạo ra. Vì vợ tôi sinh ra và lớn lên ở Sapa, tôi nghĩ đây là cơ hội để mình thấu hiểu và gìn giữ văn hóa của họ.
Tình yêu với truyền thống của các dân tộc thiểu số trong anh bắt nguồn từ đâu?
Lần đầu đến Sapa, tôi thực sự ngạc nhiên khi tất cả đàn ông, phụ nữ, già trẻ lớn bé đều mặc trang phục dân tộc và vẫn gìn giữ tín ngưỡng vật linh cổ xưa cùng niềm tin truyền thống. Ở đó, len lỏi khắp mọi nơi là văn hóa nhuộm vải và ý thức về giá trị, cảm thức về thế giới, và thế giới tâm linh làm nền tảng cho văn hóa ấy. Nó thật tự nhiên… như không khí vậy.
Các dân tộc thiểu số sống ở Sapa như người H’Mong, người Dao Đỏ, người Tày, người Thái và Xá Phó (Phù Lá) có nền văn hóa, thế giới tâm linh và trang phục đặc sắc của riêng họ. Tôi cảm thấy ấn tượng bởi cách họ tự hào về các giá trị đó và sống một cuộc đời khiêm nhường, tự cung tự cấp, vô lo với nụ cười tươi trên môi dù hoàn cảnh nghèo khó. Lúc ấy, tôi nghĩ tôi sẽ gửi gắm suy nghĩ này đến tất cả các bạn hoặc đến tương lai.
Anh nghĩ chúng ta có thể làm gì để truyền lại những giá trị văn hóa như thế?
Tôi tin rằng vải và thuốc nhuộm của cha ông được lưu truyền qua bao đời nay không thể sánh được với các sản phẩm được sản xuất hàng loạt nhờ công nghệ khoa học hiện đại của thế kỷ 21. Nhưng giá trị ở đây là nằm ở thời gian, công sức, những trằn trọc suy tưởng, cùng với màu và mùi thuốc nhuộm đã quyện vào trong từng thước vải, được nhuộm từ những câu chuyện sử thi sinh ra ở miền Bắc, Việt Nam.
Giờ đây, vùng núi phía Bắc Việt Nam đã bắt đầu thay da đổi thịt. Sapa ngày xưa từng là một ngôi làng yên ả nhưng giờ đây nó trở thành một địa điểm du lịch quan trọng với vô số khách sạn cao cấp. Xu hướng này đã xảy ra ở các quốc gia khác và thật sự đã đến Việt Nam. Không ai có thể ngăn chặn nó. Lối sống thay đổi kéo theo sự tàn lụi của trang phục truyền thống ở miền ngược. Nếu người dân thiểu sổ ngày càng ít mặc trang phục dân tộc của họ, các kỹ thuật làm quần áo sẽ dần biến mất. Hiện nay, trong bối cảnh chỉ còn lác đác vài thợ thủ công lành nghề, sẽ rất khó để chúng ta khôi phục lại những thứ đã mất.
Mặc dù bây giờ chỉ còn lại vài ngôi làng, nhưng chúng tôi đã bắt đầu làm việc với các nghệ nhân lành nghề lâu năm tại đây, và nhìn thấy họ truyền lại kỹ thuật thủ công cho thế hệ tiếp theo. Hiện nay, thế hệ trẻ đang dần khám phá ý nghĩa của việc nối nghiệp cha ông theo góc độ kinh tế. Vì thế, việc để họ hiểu các tác phẩm họ làm ra đáng tự hào ra sao và chúng giá trị đến nhường nào là rất cần thiết. Việc của chúng ta là tôn trọng, động viên, đánh giá cao họ, và giúp đỡ khi họ cần.
Liệu chúng ta có thể kỳ vọng gì cho tương lai?
Vì thế giới ngày càng hứng thú với các chất liệu hữu cơ, nên ở Việt Nam, có khả năng nó sẽ tạo nên một làn sóng tương tự như vậy. Một số bạn trẻ tại các thành phố lớn đã bắt đầu có ý thức về giá trị và quay về tìm hiểu văn hóa Việt. Họ khoác lên người các trang phục truyền thống và vật phẩm làm từ tự nhiên như một món đồ thời trang, cố gắng tạo nên một xu hướng mới ở Việt Nam.
Với sự phát triển của mạng xã hội như hiện nay, đã đến lúc chúng ta chia sẻ những giá trị này với những người đồng điệu trên khắp năm châu, đồng thời, kết nối với thế hệ những nhà sáng tạo trẻ của Việt Nam. Nếu chúng ta có thể giúp họ tìm thấy niềm vui thú trong việc bảo tồn và duy trì các nghề truyền thống, những giá trị văn hoá này sẽ có cơ hội được trường tồn và phát triển cùng với xã hội hiện đại. Đó chính là vai trò thực sự của chúng ta.
Bạn có thể chiêm ngưỡng những bức tường và rèm cửa màu chàm đong đầy tâm huyết của họ tại Pizza 4P’s INDOCHINA Đà Nẵng hoặc tại cửa hàng do anh Yoshizawa và chị Thanh tại Hà nội.
Mong chờ bạn ghé thăm!
Indigo Store
Địa chỉ:33A Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Số điện thoại: +84 24 3719 3090
Giờ mở cửa:08:00~19:00