Đi trekking cùng bố mẹ, tại sao không? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Đi trekking cùng bố mẹ, tại sao không?

Bạn đã bao giờ nghĩ đến chuyện rủ bố mẹ lên núi, vượt rừng với mình?
Đi trekking cùng bố mẹ, tại sao không?

Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Khi nhắc đến trekking (du lịch thám hiểm), chúng ta thường nghĩ đến những chuyến đi băng rừng, lội suối để đắm chìm vào không gian của thiên nhiên. Một chuyến trek có thể kéo dài vài ngày, vài tuần hoặc thậm chí vài tháng.

Những người đam mê loại hình du lịch này chủ yếu là những người trẻ ưa mạo hiểm, coi trekking như một hành trình, thử thách giúp rèn luyện sức khỏe và thỏa đam mê chinh phục của mình. Tuy nhiên, cũng chính bởi đặc thù về địa hình, thời gian và sức khỏe, trekking được cho là không dành cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người cao tuổi như bố mẹ.

Dù vậy, nếu đã biết về các bước để có trải nghiệm du lịch “liên thế hệ" đáng nhớ bên bố mẹ, bạn hoàn toàn có thể “nâng cấp" chuyến du lịch đó thành một chuyến thám hiểm và khám phá thiên nhiên.

Và tất nhiên, đi kèm đó là một vài lưu ý để chuyến trek của cả nhà diễn ra suôn sẻ.

Bước 1: “Mọi thứ đã được chuẩn bị, bố mẹ chỉ việc lên đường"

Trong điều kiện có phần kém tiện nghi như không có sóng điện thoại, không có mạng, thiếu điện… buộc mọi người phải giao tiếp với nhau nhiều hơn, trekking trở thành hoạt động giúp gắn kết bố mẹ và con cái. Bên cạnh đó, trekking cũng tạo điều kiện để bố mẹ được chiêm ngưỡng những vẻ đẹp ngoài tự nhiên mà cuộc sống thường nhật không có.

Tuy vậy, khác biệt thế hệ tạo nên những sự khác nhau trong “gu” du lịch. Bạn đam mê khám phá, trải nghiệm, bố mẹ thì thường lựa chọn nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó, với những người chưa đi trek, họ có những nỗi sợ vô hình như sợ khó, sợ ngã, sợ bẩn, sợ thiếu thốn… khiến họ không dám trải nghiệm loại hình du lịch này.

Nếu phụ huynh của bạn là những người ưa khám phá, việc rủ rê này sẽ dễ hơn nhiều. Nhưng nếu không, thì sao?

alt
Trekking là hoạt động giúp gắn kết bố mẹ và con cái.

Rủ rê bố mẹ đi trekking cũng giống như “ru ngủ", hãy kiên nhẫn. Đầu tiên, bạn nên bắt đầu từ việc cho bố mẹ xem những bức ảnh đẹp và chia sẻ những câu chuyện thú vị ở nơi bạn từng đi trekking, từ đó sẽ kích thích trí tò mò của bố mẹ.

Thứ hai, bạn phải là người hiểu rõ về trekking để tư vấn bố mẹ rằng trekking không khó như bố mẹ nghĩ và hoạt động này cũng chia “level" từ thấp đến cao. Nếu bố mẹ quá lo lắng về việc chuẩn bị để đi trekking, hãy mạnh dạn thuyết phục bố mẹ rằng: “Mọi thứ đã được chuẩn bị. Bố mẹ chỉ việc đi thôi".

Tiếp theo, bạn hãy cho bố mẹ thấy những giá trị của trekking như sức khỏe, thiên nhiên… Ví dụ, nếu thường ngày bố mẹ có đi bộ và đánh cầu lông để rèn luyện sức khỏe, hãy rủ bố mẹ thử một bộ môn mới là trekking, vừa tăng cường sức khỏe, vừa “đổi cảnh" cho việc rèn luyện thú vị hơn.

Nếu đến bước này, bố mẹ vẫn “say no" thì bạn hãy giở lá bài cuối cùng: book sẵn tour và “bố mẹ ơi, sự đã rồi, lên đường thôi”.

Tip bổ sung: Nếu một trong hai phụ huynh của bạn là người dễ “dụ” hơn, hãy “bỏ bùa" người phụ huynh đó trước rồi chờ đợi một thời gian, đâu sẽ vào đó.

Bước 2: Luôn bắt đầu từ “level" thấp

Khi đi trekking cùng phụ huynh, nếu là lần đầu, bạn nên ưu tiên những địa điểm ở “level" thấp - địa hình dễ đi, thời tiết thuận lợi, thời gian đi ngắn - và có sự tiện nghi nhất định. Ví dụ như đi leo đỉnh Fansipan, nếu leo đến đỉnh hoặc được nửa đường mà bố mẹ mệt thì bạn có thể chọn cho bố mẹ đi cáp treo nốt quãng đường còn lại.

alt
Khi đi cùng bố mẹ, bạn nên ưu tiên những địa điểm ở “level" thấp.

Bên cạnh đó, bạn cũng nên ưu tiên những địa điểm vừa dễ đi, vừa ngắm được nhiều cảnh đẹp như núi Lảo Thẩn (Y Tý), nếu thời tiết đẹp, bố mẹ có thể ngắm được cả bình minh và hoàng hôn trên biển mây. Những khung cảnh nên thơ như vậy sẽ phần nào chạm đến trái tim và khơi gợi niềm đam mê trekking trong bố mẹ.

Một chuyến đi ở “level" thấp lúc đầu vừa để bố mẹ thử sức, vừa để bạn đánh giá tình trạng sức khỏe của bố mẹ trước khi quyết định tham gia những chuyến trekking khó hơn.

Bước 3: Ưu tiên tour có cung cấp thiết bị và porter

Những hình thức trekking phổ biến bao gồm tự túc, book hướng dẫn viên địa phương và book đơn vị tổ chức tour. Nếu đi trekking cùng bố mẹ, bạn nên ưu tiên lựa chọn đơn vị tour có kinh nghiệm và sự uy tín nhất định để chuyến đi an toàn và trọn vẹn nhất có thể. Hãy nhớ một chuyến đi thành công là một chuyến đi an toàn.

Một đơn vị tổ chức tour chuyên nghiệp có đội ngũ hướng dẫn viên nhiều kinh nghiệm để đánh giá thể lực của từng thành viên trong đoàn, từ đó phân chia hợp lý đoạn nào nghỉ, đoạn nào đi. Họ cũng biết động viên, thúc đẩy để bố mẹ hoàn thành được hành trình và có kỹ năng chụp ảnh giúp lưu lại những khoảnh khắc đẹp của cả nhà.

alt
Bạn nên ưu tiên lựa chọn đơn vị tour có kinh nghiệm và sự uy tín nhất định để chuyến đi an toàn và trọn vẹn nhất.

Nhiều đơn vị có cung cấp trang thiết bị đầy đủ như gậy leo núi, balo chuyên nghiệp và có “porter” mang vác hành lý, đồ dùng cá nhân lên điểm dựng trại để bố mẹ chỉ cần đi người không. Những tour chuyên nghiệp còn có nghiên cứu về thực phẩm, làm sao để cung cấp đủ dinh dưỡng và năng lượng cho khách hàng, đồng thời có hỗ trợ y tế chu đáo.

Một vài đơn vị tour chuyên nghiệp có thể kể đến Vietnam Adventure, Travel Up (khu vực phía Bắc), Tổ Ong AdventureEverest Việt (khu vực phía Nam).

Bước 4: Cùng bố mẹ tận hưởng trọn vẹn hành trình

Khi những khâu chuẩn bị đã xong xuôi, hãy cùng bố mẹ lên đường với tâm thế thoải mái và tận hưởng thiên nhiên nhất.

Không phải tự nhiên người ta nói thiên nhiên có khả năng chữa lành. Những hoạt động đơn giản như ngắm nhìn một khung cảnh đẹp, ngắm sao, đốt lửa trại khi được làm cùng nhau sẽ có sức mạnh kéo mọi người lại gần nhau hơn.

alt
Hãy cùng bố mẹ lên đường với tâm thế thoải mái và tận hưởng thiên nhiên nhất.

Theo một nghiên cứu của Đại học California, Berkeley, thiên nhiên giúp chúng ta bao dung hơn. Bởi vậy, đây cũng là dịp để bạn và bố mẹ kể cho nhau nghe những câu chuyện chưa được kể, hoá giải những bất đồng và hiểu nhau hơn.

Đừng quên, bạn nên nắm rõ tình trạng sức khỏe của bố mẹ trước khi lên đường. Bố mẹ có bệnh lý gì đáng lưu ý không? Bố mẹ có đang điều trị bệnh mãn tính gì không? Chẳng hạn như người có bệnh về tim mạch hay xương khớp sẽ không nên tham gia trekking. Nếu bố mẹ có bệnh tiền đình hoặc tiêu hoá, hãy chuẩn bị đầy đủ thuốc và thông báo trước với các bạn hướng dẫn viên du lịch.