Nhạc của Đen Vâu hay, nhưng...
Tối 9/5, MV mới của Đen Vâu, hợp tác cùng nhạc sĩ Trần Tiến, được ra mắt. Nội dung và tinh thần của ca từ và hình ảnh tập trung chủ yếu vào tinh thần thể thao, hay cụ thể là niềm tự hào dân tộc trong các trận bóng đá.
Phù hợp với văn cảnh Việt Nam khai mạc SEA games 31 trong một vài ngày tới, Đi Trong Mùa Hè nhanh chóng lên top #1 trong danh mục âm nhạc thịnh hành trên YouTube.
Chất liệu trong âm nhạc của Đen Vâu thường là tinh thần lạc quan và tích cực. Với nhiều thính giả, câu từ của Đen gợi nên cảm giác cũ của những lần “đi bão” mỗi khi đội tuyển Việt Nam gặp thắng lợi.
Tuy nhiên, đối với một tác phẩm có tính chất cổ động, đơn hướng, và kích thích cảm giác mạnh, chúng ta - với tư cách khán giả có góc nhìn đa chiều, cần tạo không gian để nói “nhưng.”
Chữ “nhưng” này là băn khoăn đối với một số câu từ có ẩn ý về bạo lực (gia đình): "Và khi anh nói là Việt Nam muôn năm, mong em trật tự như một người thủ thư/ Lời em nói theo thống kê xác suất, tỉ lệ 1 phần triệu biến anh thành người vũ phu/Sách tử vi nói anh đại lâm mộc, nhưng xem bóng đá anh lại là lửa dễ lan/Em mà chuyển kênh, anh sẽ từ một cậu bé, hoá thân thành lực lượng vũ trang."
Theo tôi, tính bạo lực trong lyrics ở đây không xuất phát từ bản thân Đen, mà có nguồn gốc từ lối suy nghĩ hai cực trắng-đen rạch ròi vốn vô cùng phổ biến trong xã hội chúng ta. Kết quả, “đối thủ” trong Đi Trong Mùa Hè chỉ muốn “mình” bị chấn thương.
Và đáng chú ý hơn, tình huống thể thao cuồng nhiệt bỗng biến thành một ngoại lệ: “anh” sẵn sàng lược bỏ tính “ôn hoà” nếu như “em” dám “chuyển kênh,” vì khi đó “em” trở thành “vai phản diện.”
Tư duy nhị nguyên phân cực
Tư duy nhị nguyên phân cực (polarized thinking) theo kiểu “được ăn cả, ngã về không” là một kiểu biến dạng tư duy thường thấy mỗi lần dư luận “dậy sóng.” Kiểu tư duy này phổ biến vì nó có khả năng quy giản thực tiễn phức tạp của thế giới thành hai hướng giản đơn - theo hay chống.
Lý do lối tư duy này phổ biến là bởi vì nó “tiện.” Cuộc sống thật dễ dàng nếu thế giới chỉ chia đôi thành hai phe: “Ta” đối đầu với “Kẻ khác”, “Ta” đối đầu với “Giặc.” Xét trên khía cạnh tư tưởng, nếu như “ôn hoà” và “bảo thủ” là hai thái cực duy nhất, thì người dân chỉ cần chọn một trong hai, hoặc linh hoạt xê dịch quan điểm chính trị-xã hội của mình trong phổ nhị nguyên đó.
Hai cặp nhị nguyên then chốt trong MV của Đen gồm: “Mình vs. Đối thủ” và “Anh vs. Em.”
Mình vs. Đối thủ
Trong một sự kiện thể thao, vốn cần sự đoàn kết và khơi dậy niềm tự hào, tư duy nhị nguyên được áp dụng một cách triệt để. Đen đã vẽ cho chúng ta một bức tranh xã hội đơn giản, trong đó việc duy nhất phe ta cần làm là chiến thắng phe đối địch bằng mọi giá.
“Nhưng người tình thì mong cho mình khoẻ, còn đối thủ thì muốn mình chấn thương” - là điển hình của lối tư duy này trong Đi Trong Mùa Hè. Dù chỉ là vần điệu, xong nội dung câu hát có thể đi ngược lại tinh thần của thể thao.
Không xem nặng chuyện thắng thua, điều quan trọng nhất của thể thao là tôn vinh sức mạnh thể chất của con người, là giao lưu lành mạnh giữa các quốc gia, và tôn vinh tinh thần đoàn kết của chúng ta dưới tư cách giống loài.
Anh vs Em
Nhìn lại các tác phẩm trước của Đen Vâu, lối khai thác nhị nguyên, tương phản đã trở thành đặc sản của anh. Lời bài hát Lối Nhỏ được xây dựng nên từ các cặp nhị nguyên:
“... Em vào đời bằng đại lộ còn anh vào đời bằng lối nhỏ
Em vào đời từ cao tầng còn anh vào đời từ mái lá…”
Nhân vật “anh” và “em” trong nhạc của Đen được mô tả cứng với motif anh chàng nhà nghèo theo đuổi vai nữ chính là tiểu thư trâm anh thế phiệt. Điều này phần nào khắc họa cuộc đời gian truân mà anh đã trải qua khi chưa thành công, nhưng mặt khác cũng cổ vũ những định kiến giới có sẵn trong xã hội.
Motif có phần cũ kỹ này được sử dụng lại trong Đi Trong Mùa Hè, và đã nảy sinh vấn đề lớn khi “anh” và “em” được đặt vào không gian hơi hướng gia đình. Dù chỉ chiếm tỉ lệ “một phần triệu,” song “anh” vẫn có khả năng trở thành người “vũ phu” một cách “chính đáng” vì tinh thần thể thao cho phép “anh” tạo ra ngoại lệ.
“Ôn hoà” hay “Bảo thủ”? Câu chuyện xã hội rộng hơn bài hát của Đen Vâu
Đối diện với một tác phẩm nghệ thuật, tôi cho rằng phê bình người nghệ sĩ thôi là chưa đủ. Nếu vấn đề chỉ nằm ở việc lời bài hát của Đen mang nặng định kiến quá, thì chỉ cần anh sửa lại lời và vấn đề bỗng dưng biến mất.
Nhưng nghĩ một cách thực tiễn hơn, nếu Đen không cất giọng “mang tiền về cho mẹ,” không hát “về đây mà gầy là mẹ cho ăn đòn,” thì áp lực kiếm tiền của những người con xa xứ, và nề nếp gia đình Khổng giáo truyền thống không vì thế mà biến mất. Chúng chỉ bị giấu đi chứ không được giải quyết triệt để.
Tương tự, kể cả khi Đen không gán một xã hội bớt định kiến hơn với chữ “ôn hoà,” và một xã hội gia trưởng, phụ hệ với chữ “bảo thủ,” thì tình trạng lưỡng lự giữa hai lối sống phân cực này vẫn luôn tồn tại trong xã hội Việt Nam hiện đại.
Người sáng tạo, dù bay bổng hay thực tiễn, thì cũng chịu ảnh hưởng bởi văn cảnh xã hội xung quanh họ. Tác phẩm của Đen Vâu ánh xạ một khung cảnh xã hội đầy nhiễu tạp của thời đại chuyển dịch giữa xã hội cũ và xã hội mới. Ngay cả khi nhắc đến chi tiết “vũ phu,” Đen chỉ nói mình “đùa,” song bản thân câu đùa ấy không thoát khỏi những néo chằng của định kiến phụ quyền.
Trong thời đại chuyển giao này, với tất cả sự nỗ lực đến từ các nhà hoạt động xã hội cấp tiến, thành tựu bình đẳng giới hay quyền lợi của các nhóm yếu thế chỉ là những kết quả tạm thời. Sẽ luôn có những ngoại lệ khiến xã hội “lật kèo” và quay về trạng thái bảo thủ.
Vượt qua hai thái độ đối nghịch “ôn hoà” và “bảo thủ,” chúng ta hoàn toàn có thể mơ đến một thế giới nơi người ta vừa reo hò trước bàn thắng của đội tuyển nước nhà, nhưng cũng vừa tôn trọng người khác nếu họ không hứng thú với bóng đá. Thưởng thức một trận cầu với tâm thế hứng khởi là lựa chọn, không phải nghĩa vụ.
Tạm kết: Chúng ta cần phản hồi nghệ sĩ ra sao?
Đối với tôi, việc công chúng phản hồi lại tác phẩm trí tuệ là thực hành lành mạnh trong một xã hội đa dạng và đa chiều. Sự phản hồi ấy dĩ nhiên cần tinh thần tôn trọng và cầu tiến của cả hai phía. Bằng không, bản thân khán giả cũng rơi vào hai thái cực cực đoan: hoặc họ muốn loại bỏ tác phẩm, hoặc họ biến nghệ thuật thành vùng cấm bất khả phê bình.
Chúng ta có thể thấy “cấn” ở nội dung hoặc hình thức thể hiện tác phẩm vì nó đi ngược lại với hệ giá trị mình theo đuổi, và cũng có thể quá hâm mộ nghệ sĩ đến nỗi không thể phản biện với tâm thế khách quan. Hai thái cực này cần phải được cân bằng.
Từ đó, ta mới có thể nhìn thẳng vào mục đích then chốt của phản biện: không phải thay đổi câu từ của một bài hát, mà thay đổi tư tưởng của một xã hội. Nhiệm vụ này khó, nhưng có thể đạt được bằng cách có nhiều hơn một thái độ khi đối diện với tác phẩm nghệ thuật.
Song song với những băn khoăn về nội dung của Đi Trong Mùa Hè, ta cần công nhận rằng Đen Vâu đã lựa chọn một việc rất khó đấy là sáng tác nhạc cổ động dựa trên một loại hình âm nhạc rất mới với khán thính giả Việt Nam. Điều Đen cần tiếp thu từ ý kiến của cộng đồng là nhìn ra những định kiến xã hội bản thân mình đang có.