Điều gì biến bạn thành người chơi hệ "mù đường"? | Vietcetera
Billboard banner
06 Thg 01, 2021
Cuộc SốngTâm Lý HọcBổ Não

Điều gì biến bạn thành người chơi hệ "mù đường"?

Nếu đã tốn thời gian xem bản đồ mà vẫn rẽ sai hướng tại một ngã tư nào đó, thì không nghi ngờ gì nữa, bạn chính là một thành viên của nhóm "mù đường".

Điều gì biến bạn thành người chơi hệ "mù đường"?

Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera.

#Bổ Não là series giải thích ngắn gọn những hiện tượng tâm lý đời thường nảy sinh do não bộ.

Việc tìm đường giờ đây không còn quá khó khăn khi chúng ta có công nghệ hỗ trợ. Nhưng trong trường hợp không thể vừa lái xe vừa nghe chị Google chỉ đường, nhiều người (đang đọc bài viết này) tốn thời gian xem bản đồ để rồi vẫn rẽ sai hướng tại một ngã tư nào đó. 

Lý do gì chúng ta không được như nhóm người khác, lúc nào cũng né được mọi đoạn đường ngược chiều và nhanh chóng đến nơi? Trước tiên cần hiểu về cách hoạt động của cảm giác phương hướng (sense of direction).

Cảm giác phương hướng là sự phối hợp của nhiều nhân tố

Trước hết, đương nhiên không thể thiếu năm giác quan chính (thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác và xúc giác). Ngoài ra, chúng ta còn cần sự hỗ trợ của những nhân tố khác (mà đôi khi không tự nhận biết được). Cụ thể là:

  • Cảm thụ cơ thể (proprioception): Cảm nhận về vị trí và chuyển động của các bộ phận cơ thể với môi trường xung quanh. Nhờ nó mà cho dù nhắm mắt bạn vẫn có thể đưa tay chính xác lên mặt chẳng hạn.
  • Phản hồi tiền đình (vestibular feedback): Cảm nhận về định hướng, chuyển động và sự cân bằng trong không gian.
  • Các yếu tố nhận thức: Như sự tự tin, tập trung, lo lắng. Chẳng hạn sự luống cuống khi đi trên một đoạn đường đông xe, ai cũng chen lấn và nhấn còi thúc giục sẽ khiến bạn khó phán đoán chính xác hơn.
  • Ảnh hưởng từ gen, môi trường sống.
  • Khả năng định hướng của não bộ.
Mù đường 1
Nếu như năm giác quan chính nhờ vào các bộ phận trên cơ thể, thì cảm giác về phương hướng lại cần sự phối hợp của nhiều giác quan khác nhau.

Khả năng của não bộ

Nhà khoa học John O'Keefe và hai cựu học sinh của mình là Edvard Moser và May-Britt Moser đã khám phá ra, con người xác định phương hướng nhờ hồi hải mã (hippocampus) và vỏ não nội khứu (entorhinal cortex). Phát hiện này đã giúp ông nhận giải Nobel Y sinh vào năm 2014.

Qua thí nghiệm trên loài chuột, họ tìm ra rằng trong những vùng não trên có 4 loại tế bào thần kinh:

  • Tế bào vị trí (place cells) ghi nhớ và xác định vị trí. Chúng được kích hoạt khi chúng ta bước vào một địa điểm cụ thể và “vẽ lại" bản đồ của nơi đó.
  • Tế bào lưới (grid cells) giống như một hệ thống định vị (GPS) trong não, cho biết chúng ta đã đi đâu so với vị trí trước đó.
  • Tế bào ranh giới (border cells) chú ý đến các ranh giới tồn tại ở từng phương hướng và khoảng cách giữa chúng ta với các ranh giới đó.
  • Tế bào hướng đầu (head direction cells) sẽ được kích hoạt khi chúng ta đang nhắm đến một phương hướng cụ thể – bao gồm việc nghĩ về nó hoặc quay mặt về hướng đó.

Tuy nhiên, những tế bào này liên kết với nhau và quyết định phương hướng thế nào thì vẫn chưa có lời giải cụ thể.

Vậy nguyên nhân chúng ta “mù đường" là?

Cảm giác về phương hướng là một mạng lưới phức tạp và cần sự hỗ trợ từ nhiều bên để hoạt động trơn tru. Vì thế, dù kết quả đều là “mù phương hướng" nhưng nguyên nhân ở mỗi người sẽ khác nhau.

Đó có thể là do tín hiệu của một trong 4 loại tế bào trên không tốt cho lắm, hoặc do ảnh hưởng tâm lý khi bạn đi đường. Ngoài ra, một nghiên cứu năm 2010 cho biết, thói quen phụ thuộc vào các ứng dụng định vị sẽ càng khiến chức năng này mai một theo tuổi tác.

Mức độ lo lắng về không gian (spatial anxiety), xuất phát từ sự lo lắng về an toàn của bản thân, cũng ảnh hưởng đến khả năng tìm đường của chúng ta tại một nơi mới lạ. Mà nữ giới thường có mức độ lo lắng này cao hơn nam giới.

Mù đường 2
Bởi vì có nhiều yếu tố tạo nên cảm giác về phương hướng, nên nguyên nhân "mù đường" của mỗi người cũng khác nhau.

Làm sao để việc xác định phương hướng bớt khó khăn hơn?

Theo lời các chuyên gia, bạn có thể phần nào “xóa mù đường" bằng cách:

  • Nhận biết đặc điểm trong cách bố trí của thành phố: Chẳng hạn nơi thường tập trung trường học, các cơ quan nhà nước, trung tâm thương mại,... Hoặc cách đánh số nhà (lẻ một bên, chẵn một bên),...
  • Chú ý và ghi nhớ các cột mốc bên đường: như biển hiệu cố định, cột điện, các cửa hiệu/toà nhà mà bạn quen thuộc.
  • Không quá phụ thuộc vào GPS: Nhưng không loại bỏ hoàn toàn, mà là điều chỉnh cách bạn sử dụng. Thay vì “nghe chỉ đâu đi đấy", bạn có thể tra cứu trước khi đi, hình dung vị trí trong đầu và liên hệ với đời thực khi bạn lái xe. Cách này giúp bạn hình thành “bản đồ nhận thức" trong đầu và rèn khả năng tự định hướng.
  • Thử những con đường khác nhau để đến cùng một địa điểm: Giúp bạn liên kết các khu vực xung quanh lại với nhau.
  • Chọn góc nhìn cho “bản đồ nhận thức": Góc nhìn như bạn đang đi đường – giống như cách Google maps hay chỉ đường (Từ điểm xuất phát, đi thẳng rồi rẽ phải vào đường A), hoặc góc nhìn “trên trời" – hình dung một tấm bản đồ phẳng trong đầu. Với những khu vực quen thuộc, chúng ta thường có được cả hai góc nhìn này.

#Bổ Não là series giải thích ngắn gọn những hiện tượng tâm lý đời thường nảy sinh do não bộ.