Tiếp nối bài viết “Cảm xúc hình thành và chi phối chúng ta thế nào?”, dưới đây là phần tiếp theo của bài viết “How to Understand Your Emotions” đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.
Hạnh phúc
Trong các loại cảm xúc, đây có lẽ là cảnh giới, nỗi ám ảnh và khao khát mà ai cũng muốn đạt được. Tôi đã viết không ít bài về hạnh phúc. Và dù tôi đang liệt kê nó là một cảm xúc, sẽ có người không đồng tình và cho rằng, hạnh phúc thực ra chỉ là sự thiếu vắng những cảm xúc khác. Nó là trạng thái mặc định khi bạn không mong muốn có một thay đổi nào trong đời.
Gần như mọi cảm xúc khác (đặc biệt các cảm xúc tiêu cực) hình thành dựa trên một thay đổi so với quá khứ, hoặc một điều bạn muốn thay đổi trong tương lai. Chẳng hạn, sự tức giận thể hiện mong muốn sửa đổi điều sai trái bạn đã gặp phải. Nỗi buồn phản ánh nguyện vọng trở về quá khứ trước khi xảy ra mất mát. Tội lỗi mang theo mong muốn trừng phạt bản thân. Tình yêu là niềm hy vọng một người được tôn vinh, còn sự xấu hổ là nguyện vọng thoát khỏi chính mình.
Sau tất cả, hạnh phúc chỉ đơn giản là… được tận hưởng khoảnh khắc hiện tại.
Nhiều khi người ta quá tập trung vào theo đuổi cái cảm xúc họ gọi là “hạnh phúc” mà họ quên dành thời gian để tận hưởng chính nó. Hiểu một cách đơn giản, nếu có một thứ khiến bạn theo đuổi không ngừng, thì có nghĩa bạn đang muốn thay đổi điều gì đó trong cuộc sống. Điều này cho thấy bạn đang bất mãn với khía cạnh đó, và như vậy thì không thể gọi là “hạnh phúc”.
Thế nên thay vì định nghĩa hạnh phúc là gì, tôi nghĩ chúng ta nên liệt kê những thứ không phải, và cũng không nên được coi là hạnh phúc.
Đầu tiên, hạnh phúc khác với niềm vui. Niềm vui (hay thú vui) là những gì bạn theo đuổi và gắn bó để giải thoát bản thân khỏi nỗi buồn, đau đớn và thất vọng - những cảm xúc rất bình thường của cuộc sống. Nếu muốn vui, bạn chỉ cần chơi đá và hút cần. Sau khi tỉnh cơn phê, hãy cho tôi biết bạn có hạnh phúc hay không?
Hạnh phúc cũng không phải là tích cực. Nó không phải một cảnh giới thần thánh hay trạng thái tuyệt vời vĩnh hằng mà bạn đạt được sau khi vượt qua 7749 cửa ải của những cảm xúc khác.
Đúng là có một số nguyên tắc chung bạn có thể áp dụng để tăng thêm hạnh phúc cho cuộc sống, nhưng không cái nào đúng 100% trong mọi trường hợp. Không phải cứ gạch hết các việc trong danh mục to-do list của bạn (ví dụ được thăng chức, đến được đất nước bạn thích, “đu” được thần tượng thành công…) là bạn đạt cảnh giới hạnh phúc vĩnh cửu. Mỗi thành tựu đều giúp bạn hạnh phúc hơn, song bản thân chúng không phải hạnh phúc.
Hầu như ai cũng nghĩ hạnh phúc được định hình bởi mục tiêu họ đang theo đuổi, và họ chỉ có được hạnh phúc khi đạt được mục tiêu. Tuy nhiên nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, hạnh phúc không mấy liên quan đến con đường bạn chọn. Nó liên quan nhiều hơn đến mức độ kiểm soát cuộc sống của bạn trong hành trình chinh phục mục tiêu này.
Nỗi buồn
Quan niệm phổ biến cho rằng nỗi buồn là phiên bản cảm xúc của sự thất bại. Khi cảm thấy tệ vì bất cứ lý do gì, họ nghĩ chắc chắn bản thân mình có điều gì đó “sai sai” (mà không hiểu rõ cái gì đã sai ở đây).
Kỳ thực thì nỗi buồn là cách não bộ báo cho bạn rằng, bạn vừa mất đi một người hoặc một thứ quan trọng với mình. Chúng ta buồn khi chia tay người yêu, khi mất đi người thân, khi bị ai đó từ chối hoặc khi không được mời đến bữa tiệc sinh nhật của crush.
Nói cách khác, nỗi buồn là cảm giác bạn đã đánh mất cái gì đó. Suy nghĩ theo cách này, mọi nỗi buồn (đặc biệt những nỗi buồn không thể giải thích) đều là cơ hội giúp bạn làm rõ các giá trị của mình. Và đây thực ra lại là điều tốt.
Để “tận dụng” nỗi buồn như một cơ hội tự vấn, thử cố gắng đào sâu vào nỗi mất mát của bạn. Mối quan hệ cũ có gì khiến bạn trân trọng nó đến vậy? Có gì trong câu nói của người bạn ấy khiến bạn phải buồn phiền cả ngày? Nó đã xát muối vào vết thương lòng (sự tự nhận thức) của bạn thế nào mà khiến bạn đau xót mãi không thôi?
Việc hình thành thói quen này rất quan trọng, vì chúng ta nhiều lúc buồn mà không rõ lý do. Sự thực là khi bạn buồn, đúng là có điều gì “sai” xảy ra thật mà bạn chưa nhận ra. Nỗi buồn chính là một chỉ số thể hiện sự thiếu thốn, nó báo hiệu để bạn nhận ra lỗ hổng ấy và tìm cách lấp đầy.
Sự tức giận
Khi gặp mối đe dọa, cơ thể bạn sẽ kích hoạt phản ứng chiến hay chạy (fight-or-flight response). Hiểu nôm na thì tức giận là yếu tố “chiến” và nỗi sợ là yếu tố “chạy” (tôi sẽ giải thích thêm về nó ở phần sau). Sự tức giận thường đến khi bạn cảm thấy bị đe dọa, và cảm thấy được trao quyền để phản ứng lại mối đe dọa đó.
Thử lấy một ví dụ đơn giản như sau: Một đứa trẻ ngỗ nghịch đánh vào đầu bạn và nói sẽ giết bạn. Bạn tức giận vì không tin nổi đứa nhỏ này có thể hỗn láo đến thế, và phản ứng bằng cách tét vào mông nó. Nhưng nếu thay đứa trẻ bằng King Kong… thì tôi nghĩ bạn sẽ không dám làm vậy, mà sẽ chạy trốn bởi “ba mươi sau kế, chuồn là thượng sách”.
Với đứa trẻ, bạn cảm thấy mình có đủ quyền lực để tạo ra sự thay đổi. Bạn tức giận, bởi cảm xúc này cho bạn động lực sửa chữa cái mà bạn đang cho là sai. Nhưng với King Kong, tình thế bị đảo ngược. Bạn trở thành người yếu thế và quyền lực nằm trong tay gã khổng lồ, do đó bạn trở nên sợ hãi.
Tức giận không hẳn là một cảm xúc tệ - thực tế nó cho ta khá nhiều lợi ích. Chẳng hạn nếu bị ai dọa đánh, nó giúp bạn ngăn họ sử dụng bạo lực. Nếu bị lăng mạ, nó giúp bạn vạch ra ranh giới về những gì bạn có thể chịu đựng. Còn nếu người kia vẫn đi quá giới hạn, thì cơn giận trở thành động lực giúp bạn đứng lên chống lại sự bất công cho chính mình.
Nhưng giống như mọi cảm xúc khác, sự tức giận dễ bị đặt nhầm chỗ. Nếu bạn dùng cơn thịnh nộ để phản ứng với một mối de dọa giả (điều bạn cho là nguy hiểm với bản thân, nhưng thực ra không phải), thì rất dễ bị phản pháo.
Những người dễ mất bình tĩnh thường cảm thấy họ không kiểm soát được các khía cạnh khác quan trọng hơn trong đời. Nhưng thay vì tìm cách giải quyết chúng, họ nổi đóa với những vấn đề nhỏ nhặt hơn họ có thể điều khiển.
Chẳng hạn bạn nổi đóa với phục vụ bàn vì ghi nhầm order của bạn. Trong nhiều trường hợp, cơn giận chỉ là lớp vỏ ngoài cho thấy, bạn đang thiếu kiểm soát với một vấn đề khác (như sếp, khách hàng hay gia đình). Bạn bất lực vì không thể giải quyết được nó, nên bạn “giận cá chém thớt” lên đầu người phục vụ dù họ không cố ý làm sai.
Chìa khóa để quản trị cơn giận là tận dụng nó theo cách hiệu quả hơn. Cách này nghe thì lạ, nhưng thực ra không mới lắm.
Như tôi khi bị bạn gái đầu tiên “đá”, tôi giận lắm. Tôi tổn thương, tôi buồn bã. Nhưng tôi cũng sợ việc phải đối mặt với người cũ trong cơn giận. Vì vậy tôi quyết định chuyển hóa nó theo cách khác: tôi khiến bản thân trở nên thật tuyệt vời. Như vậy khi người cũ nhìn vào sẽ nhận ra rằng, “đá” tôi là quyết định sai lầm nhất trong đời cô ấy.
Vậy là tôi có động lực cải thiện bản thân từ suy nghĩ muốn “trả thù” người cũ. Tôi dậy từ 6 giờ sáng, tập trung học và đạt điểm cao mọi kỳ thi, mua sắm quần áo mới và chăm sóc bản thân tốt hơn bao giờ hết. Bài học tôi nhận ra là, sự tức giận có thể cực kỳ hữu ích - nếu như bạn biết cách diễn giải và tận dụng nó.
Còn tiếp…