Cảm xúc hình thành và chi phối chúng ta thế nào? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
05 Thg 12, 2022
Chất Lượng Sống

Cảm xúc hình thành và chi phối chúng ta thế nào?

Theo Mark Manson, cảm xúc chỉ đơn giản là một cơ chế phản hồi của não bộ. Để không phụ thuộc vào cảm xúc, chúng ta cần biết cách quản trị chúng.
Cảm xúc hình thành và chi phối chúng ta thế nào?

Nguồn: Bart Larue @ Unsplash

Được chuyển ngữ từ bài viết “How to Understand Your Emotions” đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.


Cảm xúc là gì và có tác dụng gì?

Trải nghiệm về cảm xúc gần giống với những năm tháng trung học. Khi còn đi học, thầy cô và bạn bè là cả thế giới của bạn. Nhưng khi tốt nghiệp, bạn tự hỏi mình đã làm gì trong suốt thời gian đó.

Trong nhiều năm qua, tôi đã viết không ít bài chỉ trích sự phụ thuộc của chúng ta vào cảm xúc. Thậm chí đã có lúc, tôi so sánh cơn thịnh nộ của con người với con cún đang “bĩnh” ra thảm (xin lỗi nếu cách so sánh này có hơi quá). Nhưng tóm lại là cảm xúc có vai trò cực kỳ quan trọng.

Cảm xúc là phương tiện giúp não bộ thông báo rằng, một việc tốt hay xấu đang xảy ra với bạn. Hay nói cách khác, cảm xúc là một dạng thông tin phản hồi. Chỉ vậy thôi. Không có tín hiệu vũ trụ nào nói với bạn rằng bạn cần đi học thạc sĩ, cũng chẳng có định mệnh nào kéo bạn khỏi mối quan hệ với người ấy cả. Chúng thuần túy là những gì bạn tưởng tượng trong đầu.

Cảm xúc chỉ đơn giản là cơ chế phản hồi được thiết kế để thông báo cho bạn biết mọi việc có đang ổn hay không. Còn bạn làm gì với thông tin đó thì lại là một câu chuyện khác.

Cảm xúc cũng không phải mục đích. Chúng chỉ giúp bạn đạt được mục tiêu, hoặc tìm thấy mục tiêu bạn đang muốn hướng tới. Đây chính là điểm khiến nhiều người nhầm lẫn. Vì cho rằng cảm xúc là mục tiêu cuối cùng, họ quan trọng hóa chúng trên mức cần thiết. Trong khi đó, cảm xúc chỉ có nhiệm vụ đến, ở đó rồi đi để nhường chỗ cho một cảm xúc khác.

01dec2022pexelsjanselferma3949457jpg
Cảm xúc chỉ có nhiệm vụ đến rồi đi, chứ không phải là mục tiêu cuối cùng. | Nguồn: Pexels

Nếu sống cả đời dựa trên cảm xúc, bạn sẽ ở trong vòng luẩn quẩn không lối thoát. Bạn sẽ tự mâu thuẫn với chính mình và thay đổi suy nghĩ liên tục chỉ để tìm kiếm và duy trì cảm giác “high” tiếp theo. Và đây chắc chắn không phải cách sống lý tưởng.

Cảm xúc đến từ đâu?

Não bộ có hai cơ chế hoạt động phối hợp để tạo ra cảm xúc. Tôi sẽ tạm gọi chúng là Kế toán viên cảm xúc và Người đánh thuế cảm xúc.

Kế toán viên có nhiệm vụ tính toán những cái được và mất mà bạn trải qua trong đời. Bạn có thể hình dung, nó tạo một cái bảng tính (spreadsheet) trong não để theo dõi mọi thứ: Đội bóng bạn yêu thích ghi bàn (được), cãi nhau với người yêu (mất) và cốc trà sữa trân châu để bạn bình tĩnh lại (được). Cứ như vậy, bảng tính này kiểm đếm số “tiền” bạn được và mất trong cuộc sống.

Khi bạn đạt được điều gì đó, kế toán viên sẽ thông báo để bạn vui mừng. Còn khi bạn thất bại, anh ta cũng sẽ thông báo để bạn thấy tồi tệ. Anh ta làm việc 24/7, kể cả khi bạn đang ngủ (chẳng hạn lúc bạn gặp ác mộng), khi đang đi nghỉ và cả khi đang “xếp hình” với ai đó.

Chung quy là vai trò của kế toán viên cũng đơn giản thôi: Gián tiếp tạo ra sự phấn khích hoặc nỗi sợ. Nhưng đấy là ở cấp độ não bò sát. Còn ở cấp độ não người, thì Người đánh thuế cảm xúc mới là nhân tố tạo ra sự khác biệt.

Người này sẽ đánh giá những khoản lãi và lỗ về cảm xúc trong đời bạn, và quyết định xem bạn có xứng đáng với chúng không. Chẳng hạn nếu cho rằng bạn xứng đáng với một khoản lãi, anh ta sẽ giữ lại sự phấn khích để bạn biến nó thành hạnh phúc. Nhưng nếu thấy bạn không xứng với khoản lãi này, anh sẽ trừng phạt bạn bằng loại thuế cảm xúc tên là tội lỗi.

Đến mấy khoản lỗ thì còn tệ hơn. Nếu thấy bạn xứng đáng với một mất mát bạn đã trải qua, anh ta sẽ đánh thuế bạn bằng nỗi buồn. Còn nếu thấy bạn không đáng với mất mát đó, anh sẽ nói bạn cần được bồi thường. Cảm giác muốn được bồi thường đó chính là sự tức giận. Nếu vẫn chưa hiểu lắm, bạn có thể nhìn sơ đồ này:

02dec2022chart1jpg

Tất nhiên đây không phải toàn bộ các cảm xúc của con người. Và bạn cũng không chỉ trải qua các cảm xúc liên quan đến bản thân. Bởi Kế toán viên và Người đánh thuế cũng hoạt động trong não những người khác nữa. Chúng ta có nhiều ý kiến về những gì họ được/mất và việc họ có xứng đáng với chúng hay không. Ví dụ:

  • Tình yêu là cảm giác vô điều kiện rằng một ai đó (hoặc chính bạn) xứng đáng đạt được điều gì đó trong cuộc sống.
  • Hận thù là cảm giác vô điều kiện rằng một ai đó (hoặc chính bạn) xứng đáng bị mất thứ gì đó trong cuộc sống.

Làm sao để quản trị cảm xúc tốt hơn?

Các chuyên gia tâm lý dành vô số thời gian để liệt kê danh sách cảm xúc và tranh luận xem cái nào tốt hơn. Nếu từng thắc mắc các nhà tâm lý làm gì, chắc bạn cũng không thể ngờ câu trả lời lại là “xuất bản những nghiên cứu hàng nghìn trang để tranh cãi xem hối tiếc có phải một cảm xúc hay không.”

Vậy là đến các chuyên gia cũng chưa nhất trí cái gì được coi là cảm xúc, dù họ cũng trải nghiệm chúng trong từng khoảnh khắc. Thế nên tôi sẽ chỉ nói về 6 cảm xúc đơn giản và quan trọng nhất: Niềm hạnh phúc, nỗi buồn, cơn tức giận, nỗi sợ hãi, sự xấu hổ và tình yêu. Đây là 6 cái mà đại đa số coi là cảm xúc, và chúng ta sẽ phân tích từng cái để bớt phụ thuộc vào chúng hơn.

Chúng ta đều trải nghiệm những cảm xúc này ở các mức độ khác nhau. Nó cũng giống việc một số người có năng khiếu bơi nhiều hơn chạy, hay chơi bóng rổ giỏi hơn tennis. Một số người rất giỏi kiềm chế cơn giận, nhưng lại tệ hại khi xử lý nỗi buồn. Số khác giỏi duy trì hạnh phúc, song không thể đối phó với sự xấu hổ. Tôi sẽ nói sơ lược về từng cảm xúc, và đưa ra vài gợi ý cơ bản về cách quản trị khi chúng xảy ra.

Nhưng bạn cần nhớ rằng, chúng ta sẽ không cố gắng loại bỏ các cảm xúc tiêu cực và tạo ra cảm xúc tích cực. Việc này không những bất khả thi, mà còn phản tác dụng nữa.

01dec2022pexelscottonbro7341894jpg
Chúng ta không thể loại bỏ hoàn toàn các cảm xúc tiêu cực. | Nguồn: Pexels

Mọi cảm xúc tồn tại đều có lý do của nó, và đều có ích cho chúng ta theo một cách nào đó. Nhiệm vụ của chúng ta đơn giản là học cách quản trị từng loại để có được lợi ích tối đa. Đây cũng chính là con đường dẫn tới sự trưởng thành về cảm xúc.

Điều này rất quan trọng với các cảm xúc tiêu cực. Vì chúng không vui tí nào, nên tốt nhất hãy tìm cách khai thác lợi ích nào đó từ chúng. Dù vậy, việc khai thác lợi ích từ các cảm xúc tích cực cũng phức tạp không kém.

Còn tiếp…