Điều gì làm nên một "trải nghiệm toàn cầu" trong khuôn viên trường học? | Vietcetera
Billboard banner

Điều gì làm nên một "trải nghiệm toàn cầu" trong khuôn viên trường học?

Ngoài IQ và EQ, trí thông minh văn hóa (CQ) trở thành yếu tố quan trọng giúp người trẻ phát huy năng lực trong bối cảnh toàn cầu hóa. Vậy học sinh trung học cần làm gì đề xây dựng kỹ năng này?
Điều gì làm nên một "trải nghiệm toàn cầu" trong khuôn viên trường học?

Thầy Anthony Jaccaci, Hiệu trưởng Học viện Tabor và thầy Pieter Mulder, Hiệu trưởng Trường Berkshire. | Nguồn: Mạnh Khang

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, “công dân toàn cầu” dường như là từ khóa được các phụ huynh quan tâm hơn cả khi chọn trường cho con mình. Một người có trí thông minh văn hóa (CQ) hiểu biết và đánh giá cao những nền văn hóa khác, có tư duy cởi mở và hợp tác tốt trong môi trường đa dạng văn hóa.

Ở độ tuổi 14 đến 18, học sinh có nhu cầu khám phá bản dạng và tìm hiểu thế giới rất lớn. Vậy ở môi trường trung học, học sinh nên được trang bị những gì để trở thành công dân toàn cầu trong tương lai?

Trong tập EduStation lần này, chúng tôi có dịp trò chuyện cùng thầy Pieter Multer, Hiệu trưởng trường Berkshire và thầy Anthony “Tony” Jaccaci, Hiệu trưởng Học viện Tabor. Đây là 2 trường trung học có lượng lớn du học sinh quốc tế, với tỷ lệ lần lượt là 18% và 24%.

Cùng lắng nghe hai vị Hiệu trưởng chia sẻ quá trình xây dựng chương trình học, thiết kế trải nghiệm toàn cầu và quản lý một trường học đa văn hóa trong bài viết dưới đây.

Học sinh cần có nền tảng vững chắc trước khi vươn ra thế giới

Với thế hệ trẻ ngày nay, internet và mạng xã hội vừa là công cụ hiệu quả, giúp tìm kiếm thông tin nhanh chóng và xây dựng một “hồ sơ” trực tuyến đậm bản sắc cá nhân.

Nhưng việc phải tiếp xúc và xử lý lượng thông tin lớn trong thời gian ngắn ngủi có thể khiến các em choáng ngợp, đặc biệt khi nhân sinh quan của các em chưa rõ ràng. Chính vì vậy, nhà trường sẽ đóng vai trò định hướng, trang bị cho các em những kỹ năng cần thiết để “bơi” được trong thế giới lớn hơn, cả trên mạng lẫn ngoài đời.

Theo thầy Tony Jaccaci, đây cũng là điều Học viện Tabor chú trọng khi thiết kế chương trình học tập trung vào 4 giá trị cốt lõi: Care (quan tâm), collaboration (hợp tác), courage (sự can đảm) và curiosity (trí tò mò). Trong đó, yếu tố courage (can đảm) được ứng dụng trong nhiều trải nghiệm quốc tế tại đây.

Thầy Tony Jaccaci nhận định, can đảm là không sợ thất bại, sẵn sàng thử những cái mới, đón lấy cơ hội khi nó đến với bạn. Nhiều bạn trẻ ngày nay không dám đối diện với thất bại vì quan niệm nó ảnh hưởng xấu đến bản dạng họ cố gắng tạo dựng. Trên thực tế, tư duy này khiến hành trình vào đại học cũng như bước ra thế giới của các bạn gặp nhiều trở ngại hơn.

Vì vậy mỗi mùa hè, học sinh Tabor được khuyến khích tham gia Tabor Boy - hải trình đã gắn bó với học viện từ năm 1954. Chuyến đi 7 tuần này đặc biệt ở chỗ hành khách là những học sinh mới, còn thủy thủ đoàn là các học sinh cũ và 1-2 nhân viên của trường.

Các thủy thủ có trách nhiệm chèo lái con tàu và chăm sóc các em khóa mới, và ngược lại các tân binh cũng chủ động làm quen với các “tiền bối” mà họ sẽ gắn bó trong những năm tiếp theo. Đây có thể coi là một trải nghiệm khá độc đáo để học về sự can đảm.

19jan2024dsc0739jpeg
Trong kỳ nghỉ hè, học sinh Học viện Tabor có một “học kỳ” đặc biệt trên biển. | Nguồn: Tabor Academy

Thầy Tony cũng chia sẻ, việc học giỏi hay chơi thể thao hay không nên là những tiêu chuẩn duy nhất để định nghĩa một học sinh “xuất sắc”. Thay vào đó, mỗi học sinh nên được ghi nhận vì những khả năng độc đáo riêng, và nhà trường nên đóng vai trò giúp các em phát triển tài năng đó tốt nhất có thể. Điều này giúp các em xây dựng bản dạng của mình một cách rõ ràng hơn.

Kết hợp cách tiếp cận Đông - Tây trong giáo dục

Thầy Tony Jaccaci từng theo học chuyên ngành về nghiên cứu châu Á tại Đại học Harvard và công tác nhiều năm tại Trung Quốc. Vì vậy khi trở thành Hiệu trưởng tại Học viện Tabor, thầy đã có góc nhìn khá độc đáo khi kết hợp đường lối giáo dục của phương Đông và phương Tây trong chương trình học của trường.

Thầy Tony nhận định, giáo dục Trung Quốc và phương Đông nói chung xem trọng yếu tố truyền thống. Điều này xây dựng tính kỷ luật và hợp tác cho học sinh, song lại hạn chế sự sáng tạo. Ngược lại giáo dục Mỹ tập trung vào sự tự do, cho học sinh khả năng tư duy phản biện nhưng lại thiếu đi sự kỷ luật.

Vì vậy kết hợp những ưu điểm của cả hai hệ thống này, Học viện Tabor xây dựng một chương trình học đa dạng trải nghiệm. Học sinh có thể lựa chọn môn họ có thế mạnh, và tham gia các hoạt động ngoại khóa xây dựng tính kỷ luật và hợp tác. Qua đây các em học được rằng, cuộc sống không phải một ván game mà một bên thắng thì bên kia phải thua.

Ngay cả trong một cuộc tranh luận trên lớp, các em có thể vừa phản biện, vừa tôn trọng ý kiến của đối phương. Bởi các bạn học đến từ nền văn hóa khác sẽ nhìn nhận tình huống theo cách khác, vì vậy các em phải học cách hợp tác để cùng nhau giải quyết vấn đề.

Trải nghiệm quốc tế ngay trong chính khuôn viên trường

Berkshire là một ngôi trường nhỏ với 425 học sinh, nhưng có tới 18% trong số này là học sinh quốc tế. Nhờ sự đa dạng này mà mỗi thành viên trong gia đình Berkshire, từ học sinh đến cán bộ nhân viên, đều có được trải nghiệm đa văn hóa ngay trong nhà trường.

Việc học nội trú đồng nghĩa các em được tiếp xúc với ẩm thực, ngôn ngữ, trải nghiệm sống của các bạn nước khác trong các cuộc trò chuyện hằng ngày. Và khi không ở cùng gia đình, các em phải tự đưa ra một số quyết định, và chắc chắn sẽ có những quyết định sai lầm. Lúc này nhà trường sẽ đóng vai trò định hướng, giúp các em rút ra bài học từ những sai lầm đó.

19jan2024berkshireschoolc9e3myive348w4kcg08owogow1122jpg
Tại Berkshire, học sinh được tiếp xúc với môi trường đa văn hóa ngay trong khuôn viên trường. | Nguồn: Berkshire School

Theo thầy Pieter Mulder, đây cũng là môi trường lý tưởng giúp học sinh xây dựng kỹ năng lãnh đạo, sống hòa hợp trong một cộng đồng đa dạng. Với sự trợ giúp của nhân viên nhà trường, các em được chủ động tổ chức sự kiện, làm dự án trên lớp và tại ký túc xá. Điều không chỉ mang lại “quả ngọt” cho các em, mà còn cho toàn bộ cộng đồng mà các em là một phần quan trọng.

Học sinh hiểu thêm về chính mình khi ở môi trường xa lạ

Theo thầy Pieter Mulder, khi học sinh ở trong một môi trường văn hóa khác, các em cũng hiểu hơn về văn hóa của chính mình bên cạnh văn hóa nước sở tại. Đây là một trải nghiệm tích cực, bởi việc nhìn nhận văn hóa của mình với con mắt “người ngoài” là nền móng giúp các em xây dựng góc nhìn đa chiều, từ đó nhìn nhận mọi việc một cách khách quan hơn.

Điều này đôi khi dẫn đến khác biệt giữa nhu cầu của học sinh và phụ huynh. Bởi khi học sinh đã ở Mỹ một thời gian, các em sẽ hiểu rõ hơn về mong muốn của chính mình, về chuyên ngành muốn theo học ở đại học.

Điều này có thể khác với nguyện vọng của phụ huynh các em ở quê nhà - những người chỉ có thể tìm thông tin về các trường, ngành học và xếp hạng qua internet. Vì vậy, việc ghi nhận và giải đáp mối quan tâm của phụ huynh cũng quan trọng không kém việc giáo dục con cái họ thành những công dân toàn cầu.

Theo thầy Pieter Mulder, mối quan hệ giữa học sinh, nhà trường và phụ huynh giống như cái kiềng ba chân, thiếu đi một trong số đó đều ảnh hưởng không tốt đến học sinh. Việc hiểu rõ bối cảnh văn hóa và nhu cầu của từng em học sinh, cũng như mối quan tâm của phụ huynh các em là tất yếu để đảm bảo trải nghiệm học tập và sinh hoạt tối ưu cho các em.

EduStation từ tập 20 đến tập 24 là phiên bản đặc biệt được ghi hình tại Mỹ. Đây sẽ là cuộc trò chuyện giữa host Hùng Võ cùng 10 hiệu trưởng thuộc 10 trường trung học nội trú hàng đầu tại xứ sở cờ hoa. “Phiên bản Mỹ” của EduStation hứa hẹn sẽ mang đến góc nhìn độc đáo về cách mà một trong những nền giáo dục tốt nhất thế giới hoạt động.

Bạn có thể đón xem trên kênh YouTube của Vietcetera hoặc Spotify.