Tôi không biết thông tin về vụ cháy quán karaoke ở 231 Quan Hoa, Hà Nội, cho đến khi đọc thấy đôi dòng của Đỗ Đức Việt - một trong ba chiến sĩ phòng cháy chữa cháy đã hy sinh khi làm nhiệm vụ.
Tôi lướt qua tài khoản Facebook và thấy một phần đời sống của cậu lướt qua trước mắt tôi. Thật ám ảnh khi biết người chiến sĩ đã hy sinh và mình bằng tuổi nhau. Ở tuổi này, bà nội tôi vẫn chuẩn bị cơm cho tôi mang đi làm mỗi sáng, và giục tôi đi ngủ sớm ban khuya…
Tôi bình luận, “Yên nghỉ nhé!” trên bài viết người bạn đồng trang lứa chia sẻ về ý định đi tu. Chẳng biết thật hay đùa, vì đầu óc tôi cũng thường quẩn quanh ý định này mỗi lần tôi gặp chuyện khó. Tiền bạc, tiếng tăm… tất cả dường như đều xa vời quá, trong khi mọi cuộc đời đều đến đích tại cùng một điểm.
Rồi ai cũng sẽ phải học bài học về sự vô thường, vậy tạm dừng dòng chảy của những ham muốn cá nhân và lên núi để tìm bài học này, tôi cần phải hoàn thành những gì trước? Đạt tới ước mơ, có thành tựu, trở thành người quan trọng, hay được nhớ đến?
Việt có một ước mơ, từ nhỏ cậu đã muốn làm lính cứu hoả. Và rồi cậu đã hy sinh như một người lính cứu hoả.
Tôi tự hỏi, từ bao giờ mình đã không mơ, chỉ lo thôi chứ không hề mơ? Bên cạnh tài chính, tôi lo giành lấy một định danh, một chỗ đứng trong xã hội chỉ vì tất cả mọi người đều làm như vậy. Thật khó để nghĩ về một cuộc sống không chỉ vì bản thân mình, điều mà ngày còn nhỏ nhiều người trong số chúng ta thực tế đã có khả năng nghĩ đến.
Ngày bé, tôi cũng từng có ước mơ làm lính cứu hoả. Tôi ngưỡng mộ sự dũng cảm của những con người sẵn sàng lao vào đám cháy, dù trong tâm thức hiểu rằng mình có thể không bước ra, nhưng không ngần ngại nhận nhiệm vụ. Thế rồi cuộc đời không cho tôi đủ sức khoẻ vật lý để đứng vững khi khoác lên mình chiếc áo người chiến sĩ, nên tôi lại ước mơ trở thành y tá để chăm sóc sức khoẻ cho những người bị thương…
Nhưng tôi đã hiểu sai bản chất của công việc cứu người. Tôi ngày nhỏ chỉ nghĩ đến chuyện sẽ được lên TV, báo đài, chứ không nghĩ đến chuyện mình sẽ hoàn thành nhiệm vụ thế nào, và cống hiến cho người khác ra sao.
Chẳng có mấy người hùng lao đầu vào việc chỉ vì muốn được tôn vinh. Họ làm bởi vì họ phải làm. Bởi vì trước, trong, và sau những sự kiện đem lại cho một người sự khen ngợi, thì một công việc trên hết nuôi sống ta hàng ngày. Làm anh hùng không có nghĩa là phải loại bỏ mong cầu của bản thân. Điều khiến ai đó xứng đáng được tôn vinh là họ sẵn sàng làm nhiều hơn những gì họ có thể nhận lại.
Tôi biết mình không phải người sẵn sàng cống hiến nhiều đến vậy. Ước mơ lớn lao thuở bé mờ nhạt dần, qua thời gian khi tôi đã lớn, những gì tôi mong muốn chỉ còn là nuôi sống bản thân mình và gia đình. Điều đó yêu cầu tôi có thêm một tấm bằng và mỗi tuần ngồi phòng máy lạnh 40 tiếng, chứ không phải sự dũng cảm.
Khi viết tới dòng này, tôi vẫn dằn vặt bản thân rằng mình phải mơ lớn hơn thế, phải tìm lại hình ảnh mình ngày bé tự tưởng tượng về bản thân.
Nhưng tôi ngừng nghĩ xem trước khi đi tu, mình sẽ làm được điều lớn lao gì, khi chăm chú ngắm nhìn tấm ảnh Việt chụp cùng những chú chó cậu đã cứu khỏi một trận hoả hoạn. Và cả tấm ảnh chụp cậu giúp gánh hàng rong cho một cụ già. Tôi hiểu thêm về cuộc đời này khi đọc về những tin nhắn cuối của Phúc, chiến sĩ trẻ nhất hy sinh trong vụ cháy, và về gia đình của trung tá Quân.
Tất cả đều có những cuộc sống rất bình thường, cố gắng vì những điều bình thường, lo lắng cho những mục tiêu bình thường, tận hưởng những niềm vui bình thường. Đó là những điều khiến ta thấy cuộc đời này vẫn còn lý do để phấn đấu, dù ta không phải tuyên bố điều này ra thành lời.
Tôi hiểu ra điều mình cần phải làm trước khi đi tu. Không cần phải là những thứ đao to búa lớn, tôi cần trân trọng bữa cơm bà nội chuẩn bị cho hàng sáng, và lời nhắc ngủ sớm mỗi đêm khuya. Tôi tin rằng người bạn đồng trang lứa của mình đã yên nghỉ, đã sẵn sàng chạm tới điều cậu sẽ nhận được nếu đi tu, vì trước đó, cậu trân trọng những khoảnh khắc bình thường nhất của cuộc sống.