Donald Trump trở thành vị cựu Tổng thống Mỹ đầu tiên bị truy tố | Vietcetera
Billboard banner

Donald Trump trở thành vị cựu Tổng thống Mỹ đầu tiên bị truy tố

Sự kiện này sẽ ảnh hưởng thế nào tới chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2024 của ông Trump?
Donald Trump trở thành vị cựu Tổng thống Mỹ đầu tiên bị truy tố

Nguồn: AP

1. Chuyện gì đang xảy ra?

Ngày 3/4/2023, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tới thành phố New York trên chiếc chuyên cơ riêng. Mục đích của chuyến đi này là để trình diện trước tòa án cũng như Văn phòng Công tố quận Manhattan. Tại đây, ông sẽ nhận được bản cáo trạng của mình, sau đó chờ đợi xem liệu tòa án sẽ cho ông tại ngoại hay yêu cầu tạm giam.

Ông Donald Trump trở thành cựu Tổng thống Mỹ đầu tiên bị truy tố vào ngày 30/3 vì hành vi chi 130 ngàn USD cho ngôi sao khiêu dâm Stormy Daniels để che giấu mối quan hệ của hai người trong giai đoạn ông Trump tranh cử Tổng thống năm 2016. Vị cựu Tổng thống khẳng định mình vô tội và gọi quyết định truy tố là “đàn áp chính trị và can thiệp bầu cử ở cấp độ cao nhất trong lịch sử.”

Là một nhân vật nhiều tai tiếng và tăm tiếng, ông Donald Trump có rất nhiều người theo dõi, ủng hộ không chỉ tại Mỹ mà cả các quốc gia bao gồm cả Việt Nam. Vụ truy tố của ông đặt trong bối cảnh chính trị phức tạp hiện nay sẽ là một câu chuyện mà truyền thông và công chúng theo dõi sát sao.

2. Ông Trump phải đối mặt với những cáo buộc nào?

Nếu muốn biết chính xác các tội danh đang chờ đợi vị cựu Tổng thống, chúng ta sẽ phải chờ kết quả buổi diện kiến của ông Trump tại New York. Trong khi các kênh truyền thông phần lớn tập trung vào bê bối với Stormy Daniels, thì bản cáo trạng của ông Trump còn có nhiều tội danh khác. Theo CNN, ông có thể phải nhận hơn 30 cáo buộc về gian lận kinh doanh.

04apr2023trumpnewyork50661680581452jpg
Vị cựu Tổng thống tại New York vào ngày 3/4. | Nguồn: AP

Theo Vox, ngoài hành vi bưng bít nêu trên, ông Trump phải đối mặt với ba tội khác. Trước tiên là vai trò của vị cựu Tổng thống trong vụ bạo loạn tại đồi Capitol vào ngày 6/1/2021, sau đó là việc ông giữ tài liệu mật sau khi đã thôi làm Tổng thống, và cuối cùng là hành vi gian lận bầu cử tại bang Georgia trong cuộc tranh cử với Hillary Clinton vào năm 2020.

3. Cáo buộc nào nghiêm trọng nhất?

Những sự việc trên không mới, mà đã là các chủ đề chính trị nổi bật trong những cuộc thảo luận chính trị và tư pháp tại Mỹ. Bản thân việc truy tố ông Trump cũng không bất ngờ, mà là một khả năng được bỏ ngỏ trong một thời gian dài, đặc biệt là từ khi có kết quả cuộc điều tra về vụ bạo loạn đồi Capitol.

Sự kiện bạo loạn đó cũng là vấn đề lớn nhất mà vị cựu Tổng thống phải giải quyết, bởi cáo buộc này gần như tương đương với tội phản quốc. Đã có nhiều tài liệu, bằng chứng, và kết quả điều tra cho thấy vai trò kích động và kêu gọi bạo loạn của ông Trump, từ đó gián tiếp kết nối ông với động cơ lật đổ chính phủ.

Đó là một vụ việc vô cùng nghiêm trọng bởi quy mô và sự cực đoan mà nó thể hiện. Đằng sau cáo buộc này là mức án tù tối đa 35 năm và hơn 500 ngàn USD tiền phạt.

Bên cạnh đó, cáo buộc nắm giữ tài liệu mật cũng sẽ khiến ông Trump và các luật sư phải đau đầu. Cụ thể, FBI tìm thấy nhiều tài liệu tuyệt mật tại nhà riêng của ông ở Florida khi ông đã hết nhiệm kỳ. Không dừng lại ở đó, bên điều tra còn đưa ra luận điểm cho thấy vị Tổng thống Mỹ thứ 45 đã cố tình ngăn cản cơ quan điều tra tìm và thu hồi những tài liệu này - chỉ riêng cáo buộc này đã có thể khiến ông đi tù tối đa 20 năm.

04apr202330dcinvestigate3jumbojpg
Bức ảnh của Bộ Tư pháp Mỹ chụp lại những tài liệu thu được tại nhà riêng của ông Trump.

4. Nước Mỹ và các đảng phái nói gì?

Donald Trump là một gương mặt nổi bật của Đảng Cộng hòa, cũng là một ứng cử viên Tổng thống trong cuộc tranh cử sắp tới vào năm 2024. Các hoạt động luận tội, nhận cáo trạng diễn ra ngay trong giai đoạn các ứng viên đang chuẩn bị nguồn lực và tìm kiếm sự ủng hộ chính trị. Thậm chí, phiên xét xử và điều trần của ông Trump có thể sẽ diễn ra sát ngày bầu cử trong năm 2024.

Các thành viên Đảng Cộng hòa và những người ủng hộ ông Trump đều bày tỏ thái độ bất đồng và không dung thứ. Họ gọi chiến dịch luận tội vị cựu Tổng thống là kế hoạch đàn áp chính trị của Đảng Dân chủ, là sự vu khống, lợi dụng cá nhân và hệ thống tư pháp để thúc đẩy nghị trình chính trị và chính trị đảng phái.

Phe ủng hộ cựu Tổng thống còn có cả những cử tri Cộng hòa, với một bộ phận cử tri trung thành với ông Trump. Nhiều người đã tới dinh thự Mar-a-Lago của ông vào ngày có quyết định truy tố để thể hiện sự ủng hộ.

Ở chiều ngược lại, phe Dân chủ và các cử tri của đảng này coi vụ việc như một nỗ lực chứng minh không ai có thể đứng trên pháp luật. Đối với họ, vụ việc này không làm tổn hại tới hình ảnh và niềm tin của dân chúng vào ngành tư pháp, mà còn là việc cần làm để khiến hệ thống khỏe mạnh hơn.

Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, sự việc đang chia rẽ nước Mỹ trong một bối cảnh chính trị, kinh tế vốn đã đủ phức tạp.

5. Liệu ông Trump có phải đi tù?

Về lý thuyết, khả năng ông Trump bị giam giữ là có bởi danh sách dài những cáo buộc nhắm vào ông và mức độ nghiêm trọng của chúng. Tuy nhiên, nếu xét tới truyền thống tư pháp của Mỹ cũng như những nguồn lực mà ông Trump nắm trong tay, thì có lẽ ông sẽ được hưởng tại ngoại nếu như có bị kết tội.

Các chuyên gia chỉ ra rằng luật pháp tại các bang của Mỹ có những quy định khác nhau về việc giảm nhẹ cáo buộc. Bản thân công tố viên Alvin Bragg - người yêu cầu luận tội ông Trump - cũng đã giảm hơn một nửa cáo buộc từ “trọng tội” xuống “tội nhẹ.”

Kể cả nếu phải đi tù, thì ông Trump vẫn có thể tranh cử Tổng thống từ trong tù. Đây là một sự việc đã từng diễn ra trong lịch sử nước Mỹ: ông Eugene Debs từng 5 lần tranh cử Tổng thống Mỹ vào đầu thế kỷ trước. Ông bị bắt vào năm 1918, nhưng vẫn tham gia tranh cử Tổng thống trong cuộc tranh cử năm 1920.