Hơn một tuần nay, bản thân tôi và page Hoán Đổi Giới Tính nhận được một số lời chia sẻ của các bạn học sinh trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM) về vấn đề đồng phục.
Theo tôi được biết, năm học này, ban giám hiệu trường Bùi Thị Xuân đưa ra quy định mới về đồng phục. Theo đó, trong khi các nam sinh chỉ cần có một bộ đồng phục, các nữ sinh sẽ cần tới ba bộ: áo dài, váy, và quần.
Dù có lý do là để các bạn nữ có thêm lựa chọn, “tha hồ làm điệu”, nhưng cách trường thực hiện thì lại có điều cần bàn.
Đó là dù có thêm lựa chọn và cơ hội làm điệu, lựa chọn đó thực chất là luật lệ phải tuân theo. Cả những bạn nữ không muốn làm điệu cũng phải làm điệu vì đó là luật lệ.
Luật lệ đó như sau: Nữ sinh mặc áo dài thứ hai, mặc váy thứ ba, thứ năm, và mặc quần các ngày còn lại như nam sinh.
Quy định mới này gặp phải nhiều ý kiến trái chiều. Trường Bùi Thị Xuân ghi nhận nhưng vẫn chưa chính thức thay đổi quyết định của mình.
Câu chuyện đồng phục này phản ảnh định kiến giới sâu sắc.
Khi đẹp trở thành đặc quyền của phái nữ và thiệt thòi của phái nam
Thứ nhất, nhiều nam sinh cũng có khao khát được nhìn trông bảnh bao. Tại sao vì là con trai mà những cá nhân đó bị mất đi quyền được có thêm cơ hội làm đẹp?
Thứ hai, "quyền" làm đẹp đã biến thái thành "trách nhiệm" phải làm đẹp, và trách nhiệm đó chỉ dồn vào vai người phụ nữ.
Đó là khi dù không muốn, các bạn nữ cũng phải làm đẹp. Quyền đó biến thành trách nhiệm không thể chối từ khi họ phải mặc áo dài để lưu giữ truyền thống dân tộc, phải trông nữ tính bằng chiếc váy ngắn, và phải hoà đồng với nam sinh bằng chiếc quần đồng phục.
Như vậy, từ “quyền làm điệu” thành “trách nhiệm làm đẹp” là đánh tráo khái niệm. Đó bản chất là câu chuyện của định kiến giới.
Quy định đó đi ngược lại tinh thần bình đẳng về “cơ hội” (có nhiều cơ hội lựa chọn trang phục) và bình đẳng về “quyền” (có quyền lựa chọn hoặc từ chối) của cả nam sinh và nữ sinh.
Sẽ có những nam sinh bị từ chối quyền làm đẹp, trong khi có những nữ sinh bị bắt phải làm đẹp.
Đó là chúng ta còn chưa dám bàn đến những vấn đề phức tạp hơn như transgender (những bạn cơ thể làm nữ nhưng tâm hồn là nam, và ngược lại); hay non-binary (những bạn không tự xác định mình là nam hay nữ.
Thuế đàn bà (pink tax) là gì?
Sự phân biệt đối xử này đánh thẳng vào hầu bao phụ huynh học sinh. Việc yêu cầu nữ sinh mặc áo dài là một quy định có tính phân biệt đối xử. Nó khiến các gia đình có con gái phải gánh chịu thêm một khoản chi phí để lưu giữ truyền thống dân tộc mà không hề có sự trợ giúp tài chính nào từ chính quyền của dân tộc ấy.
Tại trường Bùi Thị Xuân, sự phân biệt đối xử ấy còn cao hơn một bậc. Nữ sinh ngoài quyền và trách nhiệm mặc áo dài thì còn có quyền và trách nhiệm mặc váy.
Nam sinh mua 2 bộ đồng phục, theo giá của trường Bùi Thị Xuân, thì sẽ tốn 770 nghìn cho một năm học.
Nhưng nếu là nữ sinh, bạn cần 2 cái áo, 1 cái váy, 1 cái quần, tổng cộng là 760-800 nghìn, tuỳ size. Cộng thêm tiền may áo dài, kết quả, bố mẹ nữ sinh sẽ tốn khoảng 1,6 triệu cho đồng phục của con gái, gấp 2 lần đồng phục nam.
Đấy là tính tằn tiện, chỉ 1 váy 1 quần. Đúng thực tế, phải 2 váy, 2 quần, 2 áo dài. Lỡ không sẵn thì không lẽ nghỉ học?
Như vậy, số tiền đồng phục nữ là tầm 2-3 triệu, gấp 3-4 lần đồng phục nam.
Vấn đề này được gọi là pink tax - thuế đàn bà - tức là khoản tiền mà phụ nữ phải trả cao hơn cho những sản phẩm chỉ bởi vì họ là phụ nữ. Ví dụ, dầu gội đầu chất lượng tương tự như nhau, đóng vào mẫu mã khác nhau và marketing là sản phẩm dành cho phụ nữ sẽ có giá cao hơn 13-48% so với sản phẩm cho nam giới.
Tuy nhiên, thuế đàn bà không đơn giản chỉ là giá khác nhau cho cùng một sản phẩm. Pink tax bao gồm cả những sản phẩm mà phụ nữ buộc phải mua chỉ vì họ là con gái. Băng vệ sinh hay tampon là một ví dụ.
Chiến dịch xoá bỏ băng vệ sinh khỏi danh sách những mặt hàng bị đánh thuế cao (luxury goods) gần đây chiến thắng vang dội tại Mỹ, giải phóng được kha khá chi phí sinh hoạt cho phụ nữ. Một số nước Bắc Âu thậm chí đã cấp băng vệ sinh/tampon miễn phí. Điều này không những xoá bỏ pink tax, mà còn phấn đấu cho mục tiêu "sinh ra là phụ nữ không có nghĩa là đương nhiên bạn và bố mẹ bạn phải chịu một cuộc sống đắt đỏ hơn".
Áp dụng vào đồng phục áo dài. Giả sử áo dài chỉ có nữ giới phải mặc, giả sử ta buộc phải coi áo dài là sản phẩm thuần 100% giới tính (tương tự như băng vệ sinh). Nếu đặt giả thiết như vậy thì áo dài phải được cấp miễn phí cho nữ sinh thay vì vừa bắt họ mặc, vừa bắt cha mẹ họ phải trả tiền.
“Cái giá” của thuế đàn bà
Mỗi năm, phụ nữ phương Tây tốn khoảng 1.300 đô la cho thuế đàn bà.
Một nghiên cứu cho biết đồng phục của nữ sinh Anh cao hơn của nam sinh 12%. Điều này làm dấy lên một chiến dịch vận động để loại bỏ thứ pink tax này.
So sánh với Việt Nam, có lẽ là do thói quen và thiếu cân nhắc nên các trường và sở giáo dục mới bắt nữ sinh phải mặc áo dài mà không đả động gì đến nam sinh.
Đó là gần 1 triệu đồng/bộ đánh thẳng vào túi tiền của phụ huynh, nâng mức thuế đàn bà của các gia đình có con gái lên không chỉ 12% như ở Anh mà là gấp 200-300% chi phí cho các em trai. Ở trường Bùi Thị Xuân, mức thuế pink tax này gấp 300-400%.
Mấu chốt của vấn đề là, đồng phục có mục đích "tạo sự bình đẳng", vậy có oái oăm không khi công cụ để tạo bình đẳng lại là thủ phạm "gây ra bất bình đẳng"?
Đâu là giải pháp cho vấn đề này?
Vấn đề nằm ở hai phạm trù cơ bản nhất của bình đẳng giới: "Cơ Hội" và "Quyền chọn lựa cơ hội".
Thứ nhất là cơ hội. Ví dụ, nam sinh và nữ sinh có cơ hội tương đương trong vai trò "lưu giữ truyền thống" không? Họ có tương đương các cơ hội để mặc đẹp không?
Nếu nam sinh chỉ có một cơ hội chọn đồng phục, nữ sinh có tới ba. Như vậy là bất bình đẳng và phân biệt đối xử với nam sinh.
Thứ hai là quyền. Nam sinh và nữ sinh có quyền từ chối hoặc chấp nhận những cơ hội đó không?
Khi trường Bùi Thị Xuân nói các nữ sinh có thêm "cơ hội" làm điệu, họ có "quyền" từ chối cơ hội đó nếu bản thân không muốn làm điệu không? Nếu có “cơ hội” mà không có “quyền chọn lựa” thì “cơ hội” không còn là cơ hội. Và bị tước quyền từ chối là phân biệt đối với nữ sinh.
Cuối cùng, chi phí cho gói sản phẩm cuối cùng của cả hai giới có tương đương nhau không? Nếu nữ sinh phải trả nhiều hơn nam, hoặc ngược lại, thì tức là "cơ hội" (nguyên tắc 1) sẽ ít hơn cho những gia đình khó khăn.
Ví dụ một giải pháp cụ thể: Nam sinh mặc áo tấc và nữ sinh mặc áo dài thứ hai. Các ngày còn lại cả hai giới mặc sơ mi trắng. Nam có quyền lựa chọn mặc quần dài hoặc quần soóc, nữ lựa chọn quần dài hoặc váy. Các gia đình khó khăn được trợ cấp. Đồng phục sau khi ra trường được khuyến khích tặng lại cho các khoá sau.
Cảm hứng tiên phong từ Bùi Thị Xuân
Bùi Thị Xuân từ nhỏ đã không ăn mặc theo lối truyền thống mà tự chế kiểu áo các nữ hiệp để mặc. Bà là Đô đốc nhà Tây Sơn, văn võ và trí dũng song toàn.
Tại sao chúng ta phải nhắc lại câu chuyện của Bùi Thị Xuân? Bởi bạn học sinh giấu tên đã tâm sự: “Trường mang tên nữ tướng mà lại kỳ thị nữ giới.”
Khi Bùi Thị Xuân khi ra trận, không ai yêu cầu bà phải truyền thống, phải mặc váy, phải nữ tính thì mới được xông lên đánh giặc. Vậy tại sao những thế hệ phụ nữ cả mấy trăm năm sau lại phải truyền thống, nữ tính và xinh đẹp thì mới được có mặt trong trận chiến chinh phục kiến thức?
Rất mong trường Bùi Thị Xuân cân nhắc chính sách đồng phục để tránh vô tình làm hằn sâu định kiến và phân biệt giới tính, đi ngược lại tinh thần bình đẳng và di sản của vị anh hùng dân tộc.
Tuyệt vời hơn, mong trường dám đối chất với quy định của Sở. Nếu nữ sinh có cơ hội và trách nhiệm mặc áo dài để lưu giữ truyền thống thì nam sinh cũng nên có cơ hội và trách nhiệm tương tự.
Như vậy thì trường mới xứng đáng với tinh thần tiên phong của Bùi Thị Xuân. Bà dù sống trong xã hội trọng nam khinh nữ nhưng đã dám phá rào, thay đổi luật lệ. Là hậu duệ của một dũng tướng bất chấp định kiến xã hội để toả sáng, trường có thể đi tiên phong, xóa bỏ pink tax, thách thức lối mòn, trở thành ngôi trường đầu tiên ở Việt Nam thực hiện bình đẳng giới triệt để trong vấn đề đồng phục.