Đừng đợi bị phạt tiền triệu mới ‘soi’ túi rác và tập phân loại rác thải | Vietcetera
Billboard banner

Đừng đợi bị phạt tiền triệu mới ‘soi’ túi rác và tập phân loại rác thải

Bởi từ sau ngày 25/08, nếu làm sai bạn sẽ “được” phạt từ 500.000 - 1 triệu đồng.
Đừng đợi bị phạt tiền triệu mới ‘soi’ túi rác và tập phân loại rác thải

Nguồn: Báo Dân Trí

1. Không phân loại rác thải sẽ bị phạt tiền triệu?

Từ ngày 25/08 tới đây, hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt, không sử dụng bao bì chứa rác thải theo đúng quy định sẽ bị phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng.

Đây là điều nằm trong nghị định 45/2022 của Chính phủ, "Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường”. Nghị định này còn làm rõ về xử phạt hành chính đối với doanh nghiệp, chủ dự án đầu tư, ban quản lý đô thị, chung cư, tòa nhà văn phòng… về vấn đề bảo vệ môi trường.

2. Phân loại rác thì có ích lợi gì?

Kể cả trước khi có nghị định 45/2022, phân loại rác thải vẫn là một hành động mang đến nhiều lợi ích. Việc phân loại rác thải tại nguồn vừa bảo vệ môi trường hiệu quả hơn, vừa giảm chi phí trong quá trình thu gom, xử lý hay tái chế.

Một số đợt thí điểm ở Hà Nội trước đây cho thấy việc phân loại rác sẽ giúp giảm 30% tổng lượng rác thải phát sinh. Bên cạnh đó, việc phân loại rác thải nguồn giúp thu gom dễ dàng hơn, mang lại giá trị kinh tế vì nhiều loại rác có khả năng tái chế cao, làm phân bón, điện rác… Từ đó, cũng giảm đáng kể lượng rác thải chôn lấp, đổ ra môi trường.

Việt Nam xả rác nhựa nhiều thứ 4 thế giới nhưng lại chi hàng tỷ USD/năm để nhập khẩu phế liệu. Đẩy mạnh thu gom, tái chế giúp giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu và tránh lãng phí. Việc phân loại rác của mỗi cá nhân, gia đình… sẽ giúp cho quá trình này diễn ra thuận lợi hơn.

3. Phân loại rác thải - cái khó có ló cái khôn?

Từ năm 2017, Hà Nội từng thí điểm thu gom, phân loại rác thải nguồn. Tuy nhiên, sau khi dự án kết thúc, việc phân loại không được duy trì. Bên cạnh đó, một số các thành phố như TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ... cũng từng thí điểm phân loại rác tại nguồn nhưng không đạt kết quả hoặc không thể duy trì.

Sau những "thất bại" này, một số giải pháp đã được đưa ra gồm: Tuyên truyền, hướng dẫn cách phân loại rác thải sinh hoạt cho mọi người và đồng bộ hóa từ khâu phân loại đến thu gom, xử lý.

Trong một khảo sát trước đây cho chiến dịch Giải Rác, Vietcetera đã tìm thấy động lực của việc phân loại rác ở cấp độ từng cá nhân:

  • Quan ngại về vấn đề môi trường.
  • Công ty/trường học/khu dân cư vận động phân loại rác.
  • Muốn ảnh hưởng tốt nhất đến người xung quanh.
  • ĐƯợc hướng dẫn phân loại rác từ người khác.

Thực ra phân loại rác hay bảo vệ môi trường nói chung cũng cần phải có lý do. Nếu bạn không có lý do cho riêng mình, rất khó để đạt được mục tiêu đó. Bạn có thể tìm hiểu qua bài viết này, để giải thích phần nào đó về việc sẽ bắt đầu phân loại rác từ ngày hôm nay.

4. "Soi" túi rác và phân loại thế nào?

Mọi người vẫn thường quen với những khái niệm rác hữu cơ/vô cơ hay rác có thể hoặc không thể tái chế. Tuy nhiên, nếu "soi" túi rác nhà mình, bạn có thể chia thành 3 loại gồm:

Rác hữu cơ dễ phân hủy để mang đi làm phân bón cho cây trồng. Loại rác này có thể là vỏ rau củ quả, thức ăn thừa, lá cây.

Rác có khả năng tái sử dụng để mang đi tái chế. Vỏ chai nhựa, vỏ lon nhôm, vỏ hộp sữa, giấy... nên cho vào túi này. Tại Việt Nam, khoảng ⅓ số rác thải nhựa được tái chế mỗi năm.

Rác bao bì gần như không thể tái chế nếu còn chất thải thực phẩm bên trong. Để được “tái sinh”, những chiếc lon nhôm, chai nhựa và hộp sữa giấy cần bạn giúp phân loại và vệ sinh.

Các loại rác còn lại để mang tới khu xử lý như bãi thải hoặc lò đốt/bãi chôn lấp. Loại rác này có thể là tã, vải, cao su. Ngoài việc phân loại, bạn có thể hạn chế sử dụng hoặc tái sử dụng khi có thể đối với loại rác thải này.

Có nhiều yếu tố cản trở bạn sống xanh và bảo vệ môi trường. Nhưng việc phân loại rác thải là điều có thể hoàn toàn nằm trong tầm tay của bạn.

5. Liệu Việt Nam có bớt rác thải hơn trong thời gian tới?

Trong năm 2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra lộ trình cấm nhựa sử dụng một lần. Trong đó nêu rõ các kế hoạch tăng cường quản lý, xử lý, tái chế, tái sử dụng và giảm thiểu chất thải nhựa.

Việt Nam được xem là một trong những nước nhập khẩu rác phế liệu lớn trên thế giới. Tuy nhiên, nhà nước đang ngày càng quản lý chặt chẽ hơn, có chế tài xử phạt nặng hơn và phải ký quỹ bảo vệ môi trường trong lĩnh vực này.

Nhà máy điện rác với quy mô 7.000 tỉ đồng vừa đi vào hoạt động tại Hà Nội, và chính thức hòa lưới điện quốc gia. Điều này không chỉ giúp xử lý rác thải mà còn mở ra triển vọng khai thác kinh doanh nếu nghiệm thu an toàn.

Nếu những việc phía trên là quá "đao to búa lớn", bạn vẫn có thể tự yêu môi trường theo cách của mình. Nếu cần thanh lý rác một cách thanh lịch, thì đây là cẩm nang dành cho bạn. Và hãy thử làm từ hôm nay!