Bảo vệ môi trường cũng cần phải có lý do | Vietcetera
Billboard banner

Bảo vệ môi trường cũng cần phải có lý do

Mối quan tâm về môi trường được chia làm 3 nhóm. Nhóm nào đúng với bạn?

Bảo vệ môi trường cũng cần phải có lý do

Nguồn: Freepik

‘Phân loại rác’, ‘Nói không với túi nilon’, ‘Sử dụng bình nước cá nhân’,... là những lời kêu gọi vì môi trường không còn quá xa lạ trong cuộc sống của chúng ta.

Tạm chia những người bận tâm về môi trường làm ba nhóm: nhóm một chấp hành không hề lăn tăn, nhóm hai cố gắng nhưng với cảm giác “một cây không làm nên cánh rừng” và nhóm ba không quan tâm. Sở dĩ đa số mọi người vẫn nằm trong nhóm hai và ba là vì những chiến dịch về môi trường vẫn chưa chạm đến đúng mối quan tâm của họ.

Theo nghiên cứu của Stern và Dietz, các mối bận tâm về môi trường được chia làm ba, bao gồm: 

  • Mối quan tâm sinh quyển (biosphere concern): các sinh vật sống trên Trái Đất (động vật, thực vật và sinh vật biển) là nguyên nhân thúc đẩy họ bảo vệ môi trường. 
  • Mối quan tâm vị kỷ (egoistic concern): họ bảo vệ môi trường vì những lý do cá nhân (tương lai, sức khỏe, phong cách sống).
  • Mối quan tâm vị tha (social-altruistic concern): họ bảo vệ môi trường vì lợi ích của xã hội (bạn bè, con cái, cộng đồng). 

Với mong muốn cổ vũ nhóm hai tiếp tục tin tưởng vào điều mình làm và tạo động lực cho nhóm ba, bài viết này sẽ đề cập đến những lý do chúng ta nên bảo vệ môi trường.

1. Cá lớn ăn cá bé chứ không ăn nhựa — Mối quan tâm sinh quyển

Bảo vệ môi trường cũng cần phải có lý do0

Rác thải nhựa đang đe dọa đến sự sống của nhiều loài sinh vật biển. | Nguồn: Unsplash.

Hằng năm, hơn 300 triệu tấn nhựa được sản xuất trên thế giới để sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Đại dương chính là điểm đến cuối cùng của 8 triệu tấn rác thải nhựa. Việc này dẫn đến thương vong hoặc thậm chí tử vong cho các loài sinh vật biển vô tình nuốt hay vướng phải chúng. 

Hình ảnh của chú rùa biển bị chiếc ống hút nhựa 12cm cắm vào mũi hay chú cá voi chết vì 40kg rác thải nhựa trong bụng hẳn đã khiến không ít người rùng mình. Hình ảnh này khắc hoạ rõ nét một tình trạng: sự sống của nhiều loài động vật trong hệ sinh thái đang bị đe dọa bởi rác thải nhựa nói riêng và ô nhiễm môi trường nói chung. 

Bạn có thể thích thú nhìn con hổ khom mình rình mồi, chú cá voi đang bơi trong đại dương khi xem chương trình thế giới động vật. Hay có thể bạn đang vuốt ve một chú mèo lúc đọc bài viết này. Nếu bạn coi trọng giá trị của những sinh vật trên hành tinh, đây là lý do để bạn hành động. 

2.  Bảo vệ sức khỏe, túi tiền và xây dựng phong cách sống tối giản — Mối quan tâm vị kỷ

Bảo vệ môi trường cũng cần phải có lý do1

Sống tối giản để tiết kiệm và bảo vệ môi trường. | Nguồn: Unsplash.

Các ứng dụng đặt thức ăn đang lên ngôi bởi sự tiện lợi khó lòng chối từ. Theo ước tính của tập đoàn Euromonitor, thị trường giao thức ăn tại Việt Nam đạt 38 triệu đô la trong năm 2020. Ứng dụng giao thức ăn giải quyết cho bạn những vấn đề như giá cả (nhờ khuyến mãi), công sức đi mua và thời gian chờ đợi tại quán. Tuy nhiên, số lượng rác thải ra sau mỗi đơn hàng không hề nhỏ, bao gồm: túi nilon, hộp đựng thức ăn, cốc, ống hút, đũa và thìa.

Thay vào đó bạn có thể tự nấu ăn tại nhà để kiểm soát được dinh dưỡng, cách chế biến và chất lượng thực phẩm. Hạn chế việc đặt thức ăn là một mũi tên trúng nhiều đích: giúp bạn bảo vệ sức khỏe, hạn chế rác thải và tiết kiệm túi tiền. 

Bên cạnh đó, thời trang cũng là một ngành công nghiệp luôn bị chất vấn về mức độ tổn hại đến môi trường: từ lượng carbon thải ra cho quá trình vận chuyển, nguồn nước bị ô nhiễm do thuốc nhuộm vải đến nguyên liệu hóa thạch được sử dụng để chế tạo polyester (một loại sợi tổng hợp). Trước khi quyết định rút hầu bao cho một món đồ, bạn có thể cân nhắc những yếu tố sau: 

  • Độ vừa vặn: nó có vừa với cơ thể không?
  • Chất lượng: chất liệu vải có dễ bị sờn sau vài lần giặt?
  • Khả năng kết hợp: mình có thể kết hợp nó với những bộ đồ sẵn có?
  • Tần suất sử dụng: mình có thể mặc nó vào dịp nào?

Áp dụng tư duy tối giản vào các quyết định mua sắm của mình đồng nghĩa với việc bạn đang xây dựng một phong cách sống lợi cả đôi đường: vừa lành mạnh và tiết kiệm, vừa thân thiện với môi trường.

3. Chẳng vì lý do gì hết

Bảo vệ môi trường cũng cần phải có lý do2

Bảo vệ môi trường từ những hành động nhỏ hằng ngày. | Nguồn: Unsplash.

Nhưng thật ra lại là mối quan tâm vị tha. Đó là khi bạn làm việc tốt đơn thuần với mục đích giúp đỡ hoặc đóng góp chứ không xuất phát từ nghĩa vụ hay lợi ích cá nhân.

Từ chối túi nilon, sử dụng bình nước cá nhân, tắt điện nước khi không sử dụng, phân loại rác trước khi vứt đều là những việc làm với ý nghĩa như thế. Có những việc chúng ta làm một cách vô thức trước khi kịp nhận ra (tắt điện nước), có những việc chúng ta làm vì thấy người khác làm và muốn làm theo (từ chối túi nilon), có những việc đôi khi còn mang đến sự bất tiện nhất định cho ta (tự mua bình nước và nhớ mang theo). 

Làm việc tốt không phải lúc nào cũng xuất phát từ những lý do “đao to búa lớn”, đôi khi chúng ta làm đơn thuần chỉ vì ta có thể và muốn làm.

Kết

Bảo vệ môi trường được định nghĩa thế nào, phương pháp ra sao, lợi ích là gì, và lý do thực hiện — bạn sẽ dần tìm ra lý tưởng đúng đắn nhất với mình. Trong lúc đó hãy bắt đầu với những việc dễ như hạn chế nhựa trong sinh hoạt, mua sắm có ý thức hoặc chỉ đơn giản là nhớ tắt điện nước sau khi sử dụng. Khi đã xác định mục đích đúng với bản thân nhất và cam kết thực hiện nó thì việc bảo vệ môi trường sẽ trở thành một phần cuộc sống của bạn.