“Đường đua” vào đại học top đầu: Cần chuẩn bị gì từ trên ghế nhà trường? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

“Đường đua” vào đại học top đầu: Cần chuẩn bị gì từ trên ghế nhà trường?

Hiện nay các trường đại học Mỹ không còn ưu tiên kết quả thi SAT hay ACT. Vậy học sinh cần chuẩn bị những gì từ những năm tháng học phổ thông?
“Đường đua” vào đại học top đầu: Cần chuẩn bị gì từ trên ghế nhà trường?

Cô Alexandra Lockett, Hiệu trưởng trường Cate (trái) và thầy Charlie Cahn, Hiệu trưởng Học viện Suffield (phải). | Nguồn: Mạnh Khang

Với các bậc phụ huynh gửi gắm con du học, đường đua đến các trường đại học lớn luôn là đề tài được thảo luận sôi nổi. Điều này càng được quan tâm hơn khi nhiều trường đại học tại Mỹ không còn ưu tiên điểm từ các kỳ thi chuẩn hóa như SAT hay ACT. Câu hỏi đặt ra ở đây là, từ khi còn trên ghế nhà trường, học sinh cần chuẩn bị gì để có một bộ hồ sơ thật ấn tượng?

Trong tập EduStation lần này, chúng tôi có dịp trò chuyện cùng cô Alexandra “Alex” Lockett, Hiệu trưởng trường Cate và thầy Charlie Cahn, Hiệu trưởng Học viện Suffield. Đây là 2 trong số các trường nội trú mang tính chọn lọc cao nhất tại Mỹ. Đặc biệt, 60% trong các học sinh tốt nghiệp trường Cate theo học tại 25 trường đại học, cao đẳng hàng đầu đất nước này.

Vậy các trường trung học tại Mỹ chuẩn bị cho học sinh trên “đường đua” vào đại học thế nào? Cùng lắng nghe chia sẻ từ hai vị hiệu trưởng trong bài viết dưới đây.

Khuyến khích học sinh tự khám phá chính mình

Học sinh trung học ở độ tuổi mới lớn, có nhu cầu rất lớn muốn khám phá bản dạng của chính mình. Vì vậy một chương trình giáo dục phù hợp sẽ tập trung vào “xây dựng” học sinh từ bên trong, giúp các em hiểu thêm về bản thân để có một nền móng vững chắc. Điều này quan trọng hơn cả việc đạt điểm cao hay có thành tích chơi thể thao ấn tượng.

Nghệ thuật là một yếu tố rất tốt giúp các em làm điều này. Theo cô Alex Lockett, việc học âm nhạc, hội họa hay kịch nghệ đều mang lại cho học sinh sự tự do và sáng tạo trong tư duy, bất kể các em có năng khiếu hay không. Vì vậy không chỉ Toán hay Ngữ văn, mà nghệ thuật cũng nên là môn học được chú trọng trong chương trình giáo dục phổ thông.

Một yếu tố quan trọng khác là cách trường học dành thời gian cho các hoạt động ngoại khóa. Những buổi đọc sách, chơi trò chơi tập thể, hay đơn giản là ngồi xuống cùng chia sẻ về một ngày của chính mình đều góp phần xây dựng sự kết nối giữa các em học sinh. Chính từ những hoạt động này, các em hiểu hơn về chính mình, về thầy cô và các bạn.

12jan2024cateschooloverviewjpg
Trường Cate là một trong các trường trung học hiếm hoi ở Mỹ có khuôn viên rộng lớn và các hoạt động ngoại khóa phong phú. | Nguồn: Cate School

Xây dựng trải nghiệm phong phú và đời thực

Khi làm các bài tập trắc nghiệm, có lẽ chúng ta đã quen với việc chọn đáp án đúng hay sai cho mỗi câu hỏi. Tuy nhiên không phải lúc nào cuộc sống cũng vận hành như vậy. Có những vấn đề ta không thể nhìn nhận theo hướng đúng hay sai, trắng hay đen, mà phải nhìn rộng ra bức tranh lớn và linh hoạt trong từng bối cảnh khác nhau.

Đây cũng là điều nhiều trường trung học tại Mỹ đang hướng đến. Học sinh được đưa vào những tình huống thực tế, chứ không chỉ trên một tờ bài tập.

Chẳng hạn tại Học viện Suffield, học sinh tham gia vào công tác tình nguyện tại các trại dưỡng lão, bếp ăn từ thiện hoặc trợ giảng cho các em tiểu học. Đây là học phần bắt buộc trong chương trình của trường, giúp học sinh sớm nhận thức được các vấn đề đời thực, cũng như xây dựng những kỹ năng mềm cần thiết để đương đầu với thử thách sau này.

Còn tại trường Cate, ngoài giờ lên lớp, học sinh nào cũng phải tham gia dọn vệ sinh, phân loại rác và sinh hoạt điều độ theo đúng kỷ luật. Đây là những điều các em có thể không thích chút nào, nhưng lại là một hình thức học tập rất thiết thực. Các em học được rằng không phải lúc nào cuộc đời cũng vận hành theo cách mình mong muốn, và mình sẽ tìm được cách “tận hưởng” kể cả khi phải làm những công việc này.

Trang bị kỹ năng đối đầu với áp lực

Khi các kỳ thi chuẩn hóa “thất thủ” cũng là lúc chúng ta nhận ra rằng, điều các trường đại học hàng đầu tìm kiếm ở những sinh viên tương lai không chỉ nằm trên một tờ kết quả thi. Thay vào đó, nó phải được thể hiện trên cả một quá trình học tập và phấn đấu của các bạn từ khi còn trên ghế nhà trường.

Vì vậy nhiều trường trung học Mỹ hiện đã tập trung vào chuẩn bị kỹ càng cho học sinh trên “đường đua” vào đại học. Các lớp học AP (advanced placement) là một ví dụ điển hình. Đây là một trong 3 hình thức lớp học tại các trường phổ thông Mỹ, bên cạnh lớp Standard (cơ bản) và Honors (nâng cao).

12jan2024suffieldjpeg
Tại Học viện Suffield, học sinh được khuyến khích học các lớp AP trái ngược với thế mạnh của mình. | Nguồn: Suffield Academy

Trong các lớp AP, học sinh phải theo một chương trình học nghiêm ngặt theo chuẩn đại học, đầu tư nhiều thời gian vào tìm tòi, nghiên cứu và xây dựng sự chủ động trong cách giải quyết vấn đề. Hình thức này có phần khá áp lực, nhưng sẽ giúp các em sớm làm quen với cách học ở đại học, thậm chí được miễn trừ một số yêu cầu đầu vào.

Một điểm đáng chú ý về chương trình AP tại Học viện Suffield là các em được khuyến khích chọn lớp AP… trái ngược với thế mạnh của mình. Theo thầy Charlie Cahn, điều này giúp các em bồi dưỡng thêm phần kiến thức mình còn khuyết thiếu, từ đó học giỏi đều các môn.

Chẳng hạn các học sinh châu Á có sẵn thế mạnh về Toán sẽ được khuyên học lớp AP Tiếng Anh, Văn học hay Lịch sử Mỹ - những môn các em chưa được học khi còn ở quê nhà. Ngược lại với học sinh Mỹ, các em được khuyến khích tham gia lớp AP về Toán và Khoa học tự nhiên. Như vậy, tất cả các em đều có được thế mạnh khi đăng ký vào các trường đại học.

Ngoài ra, áp lực cũng là điều được các trường trung học Mỹ lưu ý. Một chút áp lực sẽ giúp học sinh có thêm động lực cố gắng tiến xa hơn nữa, nhưng áp lực quá lại khiến các em “đóng băng”.

Vì vậy, mấu chốt của vấn đề là làm việc với từng học sinh để tìm ra lượng áp lực phù hợp với mỗi em, và tìm cách giúp các em cân bằng giữa mục tiêu chinh phục cánh cửa đại học và làm những điều mình thích. Bởi sau khi tốt nghiệp đại học các em vẫn còn cả một tương lai phía trước, nên những gì các em học được phải hữu dụng trên một chặng đường dài.

EduStation từ tập 20 đến tập 24 là phiên bản đặc biệt được ghi hình tại Mỹ. Đây sẽ là cuộc trò chuyện giữa host Hùng Võ cùng 10 hiệu trưởng thuộc 10 trường trung học nội trú hàng đầu tại xứ sở cờ hoa. “Phiên bản Mỹ” của EduStation hứa hẹn sẽ mang đến góc nhìn độc đáo về cách mà một trong những nền giáo dục tốt nhất thế giới hoạt động.

Bạn có thể đón xem trên kênh YouTube của Vietcetera hoặc Spotify.