Vốn dĩ là hoạt động chủ chốt thúc đẩy hành vi mua sắm của khách hàng, marketing trong thời trang (Fashion Marketing) truyền tải phong cách và câu chuyện mà thương hiệu xây dựng, khơi gợi sự đồng cảm và nguồn cảm hứng trong mỗi khách hàng.
Tuy nhiên, đối diện với đại dịch, những vấn đề xã hội và một tương lai u ám của nền kinh tế thế giới, thời trang cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Tâm lý và xu hướng tiêu dùng cũng từ đây mà thay đổi liên tục, đòi hỏi các doanh nghiệp phải tìm cách chuyển mình và đáp ứng với khách hàng. Đó là lúc mà marketing khẳng định vai trò là công cụ hữu hiệu nhất giúp kích cầu, đưa doanh nghiệp thời trang vượt qua khó khăn và dành lấy niềm tin yêu trong lòng khách hàng.
Trong bài viết dưới đây, hãy tìm hiểu về tính chất của ngành Fashion Marketing cùng tác giả — một người có kinh nghiệm nhiều năm làm việc trong lĩnh vực marketing, xây dựng và truyền thông thương hiệu.
Bước chân vào lĩnh vực thời trang năm 2018, chị đã phụ trách bộ phận marketing cho một số thương hiệu trong và ngoài nước. Với đam mê và mong muốn xây dựng ngành thời trang Việt Nam chuyên nghiệp hơn, chị hy vọng những chia sẻ từ kinh nghiệm cá nhân của mình sẽ giúp ích cho các fashion marketers tương lai.
Vai trò của marketing trong thời trang
Marketing là những hoạt động xây dựng mối quan hệ giữa thương hiệu và khách hàng. Trong thời trang, đây là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi: thương hiệu tạo ra giá trị cho người tiêu dùng (đáp ứng nhu cầu mang mặc và mong muốn xây dựng hình ảnh cá nhân) và nhận lại giá trị từ họ (mua hàng, tạo ra cộng đồng khách hàng gắn bó).
Ngoài việc áp dụng chiến lược phù hợp để kết nối với đúng đối tượng khách hàng, một fashion marketer phải thấu hiểu sản phẩm và thương hiệu, từ đó mang thông điệp chọn lọc và chính xác nhất đến tệp khách hàng mong muốn.
Họ cần có sự cân bằng giữa bộ óc kinh doanh nhạy bén và con mắt thẩm mĩ tinh tế. Nếu vẫn còn xa lạ, dưới đây là 4 nhóm kiến thức cơ bản để chuẩn bị cho sự nghiệp marketing thời trang:
1. Tìm hiểu các phân khúc thị trường thời trang, lịch sử thời trang và phong cách thiết kế của các thương hiệu
Thị trường thời trang được chia ra thành nhiều phân khúc, mỗi phân khúc lại có những đặc tính riêng. Nắm rõ vị trí của thương hiệu, người làm marketing sẽ đề xuất những chiến lược phù hợp, hiệu quả.
Hơn nữa, fashion marketer cần hiểu về lịch sử và các phong cách thời trang. Thông thường, mỗi thương hiệu, mỗi bộ sưu tập được xây dựng trên một định hướng thiết kế/thẩm mỹ đặc trưng. Tìm hiểu sự ra đời và phát triển, đặc trưng của từng phong cách sẽ giúp bạn hiểu khách hàng, xu hướng thị trường và nhanh chóng nắm bắt tinh thần thiết kế của thương hiệu hay bộ sưu tập mà mình sẽ quảng bá sau này.
Học thế nào? — Thường xuyên quan sát và phân tích phong cách thời trang của các thương hiệu cũng những người bạn tiếp xúc hàng ngày để củng cố kiến thức.
2. Nắm rõ kiến thức về thiết kế và nhiếp ảnh trong thời trang
Đừng nghĩ rằng chỉ có nhiếp ảnh gia và nhà thiết kế mới cần biết chụp hình và phối đồ. Là một người làm marketing thời trang, bạn cần đóng góp ý kiến và đảm bảo hình ảnh, thiết kế phải đúng với tinh thần thương hiệu. Trong thời trang, hình ảnh chính là công cụ truyền tải tinh thần thiết kế hiệu quả nhất. Thông thạo về những kỹ năng sáng tạo này là một lợi thế vượt trội khi bước chân vào lĩnh vực marketing thời trang.
Kiến thức về nhiếp ảnh và thiết kế còn giúp bạn giao tiếp và truyền đạt ý tưởng hiệu quả, giúp chu trình làm việc diễn ra suôn sẻ, tránh gây hiểu nhầm. Đặc biệt, trong nhiếp ảnh, những hiểu biết về góc chụp, tư thế mẫu hay ánh sáng cũng sẽ giúp cuộc trao đổi giữa hai bên rõ ràng và dễ hiểu hơn và cho ra những bộ hình như ý.
Học thế nào? — Ngoài kiến thức từ những trang thông tin bổ ích,hãy thường xuyên dùng smartphone để chụp hình và sử dụng các phần mềm đồ hoạ để cải thiện thẩm mỹ, tăng hiểu biết lý thuyết cũng như kinh nghiệm chuyên môn.
3. Tìm hiểu các kênh truyền thông đại chúng
Ngày nay, mạng xã hội là công cụ quảng bá không thể thiếu trong tất cả các lĩnh vực. Để khai thác sức mạnh của các nhóm kênh truyền thông, người làm marketing chắc chắn cần hiểu rõ về mục đích và ứng dụng của mỗi nhóm để tiếp cận từng tệp khách hàng khác nhau.
Tại Việt Nam, Facebook không chỉ là kênh xây dựng hình ảnh mà còn là một kênh kinh doanh hiệu quả. Theo báo cáo tháng 1 năm 2020 của We are social và Hootsuite, có đến 67% dân số sử dụng mạng xã hội, và công cụ quảng cáo trên Facebook tiếp cận thành công 61 triệu người. Mặc khác, Instagram là kênh thông tin tập trung vào hình ảnh, tiếp cận thành công 5.4 triệu người, với 61.1% là phụ nữ. Nếu biết xây dựng và phân bổ nội dung hợp lý, thương hiệu sẽ tạo ra hiệu ứng truyền thông tuyệt vời.
Học thế nào? — Dành thời gian tìm hiểu về cơ chế hoạt động, cách đo lường hay nghiên cứu hành vi của người sử dụng mạng xã hội, cũng như cập nhật các chiến dịch truyền thông thành công.
4. Làm quen với visual merchandising
Visual merchandising hiểu đơn giản là cách trưng bày sản phẩm tại cửa hàng. Visual merchandising được mệnh danh là “the silent art of selling” (nghệ thuật bán hàng im lặng) bởi nó ảnh hưởng trực tiếp thị giác và tâm lý khách hàng, và có tác động lớn đến quyết định mua hàng.
Tuy không trực tiếp đảm nhận công việc visual merchandising, người làm marketing vẫn cần lưu tâm đến loại hình nghệ thuật sắp đặt này. Tuỳ vào mặt hàng mà mỗi phương pháp trưng bày sẽ tạo ra một hiệu ứng khác nhau. Chẳng hạn như repetitive merchandising sẽ bày xếp sản phẩm dưới dạng lặp lại theo hàng dọc hoặc ngang, trong khi focal point (hay pyramiding) sẽ tập trung vào một sản phẩm chủ đạo nằm ở trung tâm.
Học thế nào? — Nghiên cứu và tìm hiểu những kiến thức cơ bản về visual merchandising trong thời trang, đồng thời quan sát cách các cửa hàng bày xếp sản phẩm mỗi khi đi mua sắm.