Thời trang là ngành công nghiệp khổng lồ được tạo thành từ sự sáng tạo không ngừng của các nhà thiết kế. Thời trang nhắm đến mọi đối tượng, và cũng là mảnh đất giàu tiềm năng của những nhà kinh doanh thời trang. Để dễ dàng tiếp cận cho cả hai bên cung — cầu, thị trường thời trang được phân mảnh thành Fashion Hierarchy — Phân cấp thời trang. Fashion hierarchy bao gồm 5 phân khúc: Haute Couture & Couture, High-End Fashion, Middle Market, Mass Market và Value Market.
Value Market — Phân khúc thời trang giá rẻ
Value Market là thị trường bao gồm các công ty chuyên sản xuất thời trang đại trà nhằm tạo ra lợi nhuận. Vì tập trung vào số lượng, các nhà sản xuất thường sử dụng các nguyên vật liệu giá rẻ, chất lượng thấp nhằm giảm giá thành của sản phẩm.
Trong những năm gần đây, Value Market đã chuyển đổi nhằm thích nghi với xu hướng tiêu dùng. Thay vì chỉ tập trung vào quần áo cơ bản, các thương hiệu chuyển hướng sản xuất các thiết kế đa dạng hơn. Đồng thời, phân khúc này cũng đầu tư vào các chiến dịch ý nghĩa giúp mở rộng thị trường tiêu thụ, tiêu biểu như George at ASDA hay Sainsbury's Tu clothing.
Mass Market — Thời trang nhanh
Mass Market, hay còn gọi là thời trang nhanh, là phân khúc phổ biến và chiếm đông đảo nhất thị trường. Mass Market được xem là nơi mang thời trang cao cấp vào đời thường dưới một mức giá phù hợp. Thuật ngữ “thời trang nhanh” được phát triển rộng rãi ở Mỹ từ những năm 80s, đến nay đã lan rộng toàn cầu và khiến thời trang tăng tốc.
Mass Market kích cầu bằng cách liên tục ra mắt các thiết kế mới, đánh vào tâm lý “có mới nới cũ" của người tiêu dùng. Đây là một cuộc đua của cả nhà bán và người mua — liên tục cập nhật xu hướng và sản phẩm hoặc bị bỏ lại phía sau.
Trong phân khúc này, bạn sẽ gặp những cái tên quen thuộc như GAP, Zara, H&M hay UNIQLO. Chính nhờ chất lượng tương đối và giá thành hợp lý đã giúp thời trang nhanh mỗi lúc một phát triển hơn.
Tuy nhiên, thời trang nhanh lại mang đến nhiều bất cập từ việc đạo nhái ý tưởng sáng tạo, những quy trình sản xuất kém bền vững hay nạn bóc lột lao động giá rẻ ở một số nước như Bangladesh, Ấn Độ và cả Việt Nam.
Middle Market — Thời trang tầm trung
Ranh giới giữa thời trang cao cấp và thời trang trung cấp là thị trường thời trang tầm trung. Trong phân khúc này, các sản phẩm có chất lượng tốt và ít số lượng so với hàng ở các phân khúc thấp hơn.
Thời trang tầm trung hiện là thị trường tiêu thụ phù hợp cho thế hệ Millennials bởi số lượng giới hạn của mỗi thiết kế, giúp họ xây dựng phong cách một cách riêng biệt hơn. Calvin Klein, Tommy Hilfiger... là những thương hiệu đặc trưng cho phân khúc này.
High-end Fashion — Phân khúc thời trang xa xỉ
Một chiếc túi xách Chanel, bộ váy Dior hay chiếc đồng hồ Rolex sắc sảo đều là những biểu tượng kinh điển mang tên thời trang xa xỉ. Các sản phẩm trong phân khúc này thường được thiết kế và chế tác một cách tinh xảo, tạo nên nét sang trọng trong từng món đồ.
Khác với Value hay Mass Market, High-end Fashion vốn không hướng tới số đông. Không đánh vào truyền thông đại chúng, thời trang xa xỉ tiếp cận với thế giới qua các tuần lễ thời trang New York, London hay Milan với các show diễn của nhà thiết kế.
Họ tập trung vào nhóm khách hàng nhỏ nhưng sẵn sàng rút hầu bao mà không quan tâm đến giá thành của sản phẩm. Bên cạnh tầng lớp thượng lưu, High-end Fashion cũng đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của nhóm người tiêu dùng mới: Millennials và thế hệ Z.
Về khâu phân phối, ngoài những cửa hiệu chính khắp thế giới, các thương hiệu xa xỉ còn thông qua những đơn vị phân phối chọn lọc nhằm tăng tính độc quyền. Hai ông lớn của thời trang xa xỉ là LVMH — sở hữu các thương hiệu như Fendi, Bulgari, Dom Pérignon và Givenchy, Dior, và Kering — công ty mẹ của Gucci, Saint Laurent và Bottega Veneta, đang là hai đối trọng cạnh tranh nhau trong lĩnh vực này.
Haute Couture & Couture
Haute Couture bắt nguồn từ tiếng Pháp và được xem là một loại hình nghệ thuật cao nhất của thời trang. Haute Couture ra đời nhằm tôn vinh sự sáng tạo và nét lãng mạn của thời trang. Tất cả các chi tiết trên trang phục đều được làm thủ công bằng tay, không sử dụng máy móc để đảm bảo độ hoàn hảo và độc nhất. Đến nay, thế giới vẫn còn những nhà nghề Haute Couture hàng trăm năm tuổi tồn tại nhằm gìn giữ nghệ thuật này.
Để trở thành một nhà Haute Couture, thương hiệu thời trang phải là thành viên của Chambre Syndicale de la Haute Couture (Nghiệp đoàn may đo cao cấp) thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp tại Paris, Pháp. Các thành viên phải có đội ngũ hơn 15 người và ra mắt các bộ sưu tập 2 lần trong năm. Hiện tại, chỉ có 9 thương hiệu được xem là thành viên chính thức của Haute Couture, bao gồm Chanel, Christian Dior, Jean Paul Gaultier, Frank Sorbier hay Stephane Rolland.
Thông thường, khách hàng phải trực tiếp liên hệ với nhà Haute Couture để đặt may. Một món Haute Couture sẽ mất rất nhiều giờ để hoàn thành, từ 500 đến 6000 giờ. Chính sự tỉ mỉ, số giờ công lớn và niềm yêu mến của người nghệ nhân gửi gắm vào trang phục mà Haute Couture mang giá trị hàng trăm ngàn USD.
Ảnh bìa: Bộ sưu tập Haute Couture SS20 của Dior. Nguồn: LVMH