Gạo là để nấu cơm, cớ sao lại phải học? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

Gạo là để nấu cơm, cớ sao lại phải học?

Học gạo là gì mà ai cũng từng ít nhất một lần học qua?
Gạo là để nấu cơm, cớ sao lại phải học?

Nguồn: Lợi Lợi cho Vietcetera

1. Học gạo là gì?

Nếu học tủ là chọn lọc phần kiến thức nhỏ trong một lượng kiến thức lớn để học thì học gạo, trái ngược hoàn toàn với học tủ, là học nhồi, học nhét, học thuộc được nhiều kiến thức nhất có thể. Mục đích chỉ yếu của học gạo thường chỉ để vượt qua các kỳ thi chứ không thực sự hiểu kiến thức.

Trước khi bàn đến việc một học sinh nên hay không nên học gạo, chắc chắn rằng, chúng ta ai cũng từng có ít nhất một lần ôm sách đọc “làu làu" cả đêm trước ngày thi.

2. Học gạo từ đâu mà có?

Hai từ “học gạo" trước đây vừa mang hàm ý châm biếm, chê bai, vừa mang hàm ý ngợi khen. Nó ra đời trong ngôn ngữ của những chàng học trò tài tử khi nhìn những anh bạn quê kệch, khắc khổ mà học hành lại hơn người.

Những anh bạn này chỉ chỉ chú mục duy nhất vào việc học, “phủ phục" xuống sách vở bất kể đêm ngày cốt để thi đỗ cho đổi đời. Nói cách khác, họ lấy học làm “cần câu cơm". Chữ “gạo" trong từ học gạo cũng từ đây mà thành.

Tuy vậy, ngày đó, những người học gạo cũng rất được ngưỡng mộ. Cụ Phan Bội Châu còn ca ngợi đó là “một sự quyết tâm tự thân, một nỗ lực ghê gớm, một sự hy sinh đến khổ hạnh". Họ lấy việc học như một sứ mệnh đổi đời nên rất miệt mài. Tinh thần tự lực và ý thức tự giác cá nhân của những người này được phát huy cao độ.

Ngày nay, học gạo không còn mang tinh thần đáng khen như vậy nữa. Cũng tương tự như học vẹt, học gạo được hiểu là học để đối phó với các kỳ thi. Trong nền giáo dục Việt Nam, tỷ lệ học sinh học gạo, học vẹt lên tới 70%.

3. Vì sao lại có chuyện học gạo?

Học gạo có nhiều nguyên nhân. Đầu tiên có thể kể đến nguyên nhân từ xã hội. Chương trình giảng dạy cũng như phương pháp dạy học còn nhiều bất cập dẫn đến việc nhiều môn học, đặc biệt là các môn lý thuyết nhiều như Văn, Sử, Địa, phải học gạo mới có thể đạt điểm cao. Ngoài ra, việc giáo dục chạy đua với thành tích cũng dẫn đến việc học sinh phải học thuộc càng nhiều kiến thức càng tốt để đạt điểm cao trong những kỳ thi nối tiếp nhau.

Nguyên nhân thứ hai có thể đến từ gia đình. Có nhiều bạn không hề đam mê với việc học nhưng vì bố mẹ ép học để đạt thành tích tốt mà cố học gạo. Đó cũng là cách học đối phó của nhiều bạn học sinh với những môn mình không yêu thích hoặc không coi là quan trọng.

alt
Nguồn: Vozz

Cuối cùng, học gạo cũng có thể đến từ việc chưa có phương pháp học tập hiệu quả. Khi chưa biết học như thế nào, đa số các bạn học sinh sẽ chọn phương pháp đơn giản là học gạo. Điều này thường xảy ra với những bạn học sinh chưa có sự chủ động trong học tập và thường chỉ biết làm theo khuôn mẫu từ bài giảng trên lớp của thầy cô.

Học gạo có thể mang lại điểm cao không? Câu trả lời là có. Nhưng học gạo có mang lại hiệu quả lâu dài? Trên thực tế, mọi thông tin bạn mới tiếp xúc đều sẽ được lưu vào khu trí nhớ ngắn hạn của não bộ. Nếu như không được nhắc lại, không sử dụng thường xuyên, các thông tin ấy sẽ bị đánh giá là vô dụng, và bị xóa đi rất nhanh. Chỉ sau một giờ, chúng ta quên đến hơn một nửa thông tin thu nạp. Và sau một tuần, chúng ta chỉ còn có thể nhớ khoảng 20%.

Chính vì vậy, có thể nói, học gạo chỉ mang lại kết quả ngắn hạn. Khi đạt được mục đích là hoàn thành một bài kiểm tra, những kiến thức bạn học gạo cho bài kiểm tra đó cũng nhanh chóng “bay màu".

4. Dùng học gạo như thế nào?

A: Mai kiểm tra Sử 1 tiết rồi mà mấy nay tôi chỉ lo học toán…

B: Thế thì đêm nay lo ôm sách Sử học gạo đi bạn ơi!