Gặp gỡ Stephen Turban — Cựu sinh viên Harvard bắn tiếng Việt từ chương trình Người Ấy Là Ai | Vietcetera
Billboard banner
02 Thg 07, 2020
Sáng TạoTruyền Thông

Gặp gỡ Stephen Turban — Cựu sinh viên Harvard bắn tiếng Việt từ chương trình Người Ấy Là Ai

Với phong thái dễ chịu, vẻ ngoài điển trai cũng như tiếng Việt sành sỏi của mình, chàng cựu sinh viên Harvard nhanh chóng phủ sóng mạng xã hội sau khi xuất hiện trên chương trình hẹn hò Người Ấy Là Ai.

Gặp gỡ Stephen Turban — Cựu sinh viên Harvard bắn tiếng Việt từ chương trình Người Ấy Là Ai

Gặp gỡ Stephen Turban — Cựu sinh viên Harvard bắn tiếng Việt từ chương trình Người Ấy Là Ai

Bước vào văn phòng Vietcetera trong một chiếc áo Hawaii và một nụ cười tươi sáng, Stephen Turban làm chúng tôi ấn tượng với năng lượng của anh.

Với phong thái dễ chịu, vẻ ngoài điển trai cũng như tiếng Việt sành sỏi của mình, chàng cựu sinh viên Harvard nhanh chóng phủ sóng mạng xã hội sau khi xuất hiện trên chương trình hẹn hò Người Ấy Là Ai. Ít ai biết rằng, hơn cả một hiện tượng truyền thông, Stephen còn là thành viên của Ban điều hành Fulbright University Việt Nam, chịu trách nhiệm gây quỹ và xây dựng chương trình tiếng Trung của trường.  

Khi được hỏi liệu anh có muốn “lấn sân" làm dẫn chương trình hay người đưa tin, Stephen chỉ cười và bảo anh có những dự định khác, như học Tiến sĩ tại Harvard Business School, nên tương lai trở thành ngôi sao có vẻ còn xa vời. 

Hãy cùng Vietcetera trò chuyện với Stephen để nghe anh kể về tình yêu Việt Nam, sự nghiệp trong ngành giáo dục, và những điều anh muốn mọi người nhớ đến về mình. 

Gặp gỡ Stephen Turban — Cựu sinh viên Harvard bắn tiếng Việt từ chương trình Người Ấy Là Ai 0

Đây là lần thứ hai anh đến Việt Nam sinh sống và làm việc. Điều gì đã thôi thúc anh quay trở lại? 

Có ba điều là: cơ hội, con người và văn hoá.

Lần đầu đến Việt Nam, tôi đã bị choáng ngợp bởi nguồn năng lượng dồi dào toả ra từ con người nơi đây. Dường như ai cũng có tinh thần lập nghiệp — luôn phấn đấu để cải thiện cuộc sống của mình và những người xung quanh, tựa như một phiên châu Á của “Giấc mơ Mỹ” vậy.

Cơ hội làm việc tại Việt Nam cũng là một lý do khiến tôi trở lại. Tôi cảm động trước sứ mệnh của Fulbright University Việt Nam, đại học khai phóng (liberal arts) tư thục đầu tiên tại Việt Nam. Những năm tháng ở Harvard đã thay đổi cuộc đời tôi, và tôi mong mình có thể góp phần xây dựng một ngôi trường như Harvard tại đất nước mà tôi yêu mến. 

Một điểm cộng nữa là khiếu hài hước của người Việt Nam, cách họ đùa và châm chọc nhau. Tôi rất thích nét văn hoá này. Đây chính là động lực để tôi quay trở lại.  

Gặp gỡ Stephen Turban — Cựu sinh viên Harvard bắn tiếng Việt từ chương trình Người Ấy Là Ai 1

Anh có thể kể về chủ trương giáo dục khai phóng của Fulbright University Việt Nam được không?  

Tôi rất bất ngờ khi biết giáo dục khai phóng đã trở nên phổ biến ở Việt Nam và được đón nhận bởi các sinh viên của chúng tôi. Cho những ai không quen thuộc với giáo dục khai phóng, đây là một phương pháp giáo dục cho phép sinh viên tiếp cận với kiến thức của nhiều bộ môn trước khi chọn một ngành học. 

Chúng tôi đã đạt được nhiều thành công với mô hình này tại Fulbright. Sinh viên được khám phá những chủ đề và ý tưởng khác lạ, giúp họ thu nạp kiến thức mới nhanh hơn và có một cái nhìn cởi mở và sâu sắc hơn về thế giới.  

Là một người làm trong ngành giáo dục, anh nghĩ thế nào về sức ảnh hưởng của cha mẹ và xã hội với người Việt trẻ trong việc chọn ngành học và công việc?  

Dạo gần đây tôi hay suy nghĩ về các phong cách nuôi dạy con, cả ở phương Tây lẫn châu Á. Tôi đúc kết được rằng điểm khác biệt lớn nhất giữa hai bên là cách mà người làm cha mẹ nhìn nhận bản thân trong mối quan hệ với con cái.

Tôi nghĩ nhiều phụ huynh Việt Nam xem mình như những “nhà đầu tư”— họ đã sinh ra “thành phẩm" là người con, nên họ có quyền đưa ra những quyết định ảnh hưởng đến cuộc sống và tương lai của con. Giống như một nhà đầu tư đưa ra lời khuyên cho một CEO khởi nghiệp, họ sẽ bảo vệ quan điểm của mình nếu họ nghĩ đó là vì lợi ích của công ty.

Ngược lại, các bậc cha mẹ phương Tây đóng vai trò bảo trợ, tức sau khi con cái tự lập, cả hai không còn lệ thuộc vào nhau. Họ chỉ mong khoản bảo trợ của mình sẽ được con cái sử dụng một cách hợp lý, tôn trọng ước nguyện của cha mẹ. Họ không xem con cái là tài sản, nên sẽ ít đưa ra những quyết định thay con mình.  

Xin phép trả lời câu hỏi của bạn bằng một câu hỏi của riêng tôi: Nếu được chọn thì, bạn muốn có nhà đầu tư hay người bảo trợ? Tôi nghĩ là lựa chọn nào cũng sẽ có ưu điểm và khuyết điểm cả. 

Gặp gỡ Stephen Turban — Cựu sinh viên Harvard bắn tiếng Việt từ chương trình Người Ấy Là Ai 2

Anh đã đạt được danh tiếng nhất định ở Trung Quốc và Đài Loan. Anh có nghĩ mình sẽ đạt được thành công tương tự tại Việt Nam? 

Hẳn là bạn đã nghiên cứu kỹ về tiểu sử của tôi!

Tôi không nghĩ là tôi nổi tiếng đến vậy ở Việt Nam, và tôi cũng không có ý định trở thành người nổi tiếng như ở Trung Quốc hay Đài Loan. Tuy vậy, tôi vẫn thích làm việc với truyền thông và muốn khai thác những trải nghiệm của tôi ở Việt Nam để sáng tạo nội dung, làm video chẳng hạn. 

Anh có chia sẻ rằng hiện tại anh đang “yêu xa". Anh có lời khuyên gì để giúp các cặp đôi vượt qua những trở ngại từ khoảng cách không? 

Yêu xa thật sự khó khăn, nhưng không phải không thể. Lời khuyên của tôi là hãy xây dựng một nền tảng vững chắc cho mối quan hệ của bạn thông qua những hành động thiết thực. Tôi và bạn gái chẳng hạn, chúng tôi gọi cho nhau mỗi ngày, không trật nhịp nào! Thói quen này tạo ra sự ổn định và củng cố tình cảm của chúng tôi, ngay cả trong giai đoạn bấp bênh hiện tại.

Là đồng tác giả của sách 'Your Relationship GPA’ (Chấm điểm mối quan hệ), trong đó, anh nói rằng ai cũng nên có những phẩm chất xuất sắc để được mọi người nhớ đến. Những phẩm chất sẽ khiến mọi người nhớ đến anh là gì?

Vươn xa - tôi luôn thử thách chính mình.

Gắn bó - tôi làm mọi thứ cùng mọi người và vì mọi người.

Phát triển - tôi liên tục phấn đấu để cải thiện bản thân.

Trong buổi phỏng vấn với HerCampus cách đây 5 năm, anh có nói rằng anh chưa rõ mình sẽ làm gì trong tương lai, nhưng anh “hy vọng rằng mình bớt ích kỷ, đối xử tốt với bạn bè hơn, và chủ động hơn trong cuộc sống". Anh có thấy mình đã đạt được như mong muốn?

Tôi còn phải cố gắng nhiều lắm. Nhưng, cảm ơn bạn đã nhắc nhở tôi nhé, tôi lại có thêm động lực để phấn đấu!