Gaydar: Giác quan thứ sáu hay vỏ bọc định kiến? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Gaydar: Giác quan thứ sáu hay vỏ bọc định kiến?

Bạn có tự tin là mình có "năng lực gaydar" tốt không?

Gaydar: Giác quan thứ sáu hay vỏ bọc định kiến?

Nguồn: Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

1. Gaydar là gì?

Gaydar /ˈɡeɪ.dɑːr/ (danh từ) chỉ khả năng phán đoán xu hướng tính dục của người khác thông qua quan sát hoặc trực giác. Mọi người thường dùng giác quan thứ sáu này như một câu đùa vui, với mục đích phán đoán liệu ai đó có phải người thuộc cộng đồng LGBTQ+. 

2. Nguồn gốc của gaydar?

Theo từ điển Merriam-Webster, từ gaydar được sử dụng lần đầu vào năm 1982. Từ này được ghép bởi gay, chỉ người đồng tính, và radar, thiết bị được dùng để phát hiện và định vị các vật thể. 

Mặc dù “ra mắt” vào năm 1982, nhưng nghĩa của từ này đã xuất hiện trong Chiến tranh Thế giới Thứ II (1939 - 1945). Thời điểm đó, quân đội Mỹ cấm người đồng tính nhập ngũ. Vì vậy, họ thực hành nhiều bài kiểm tra để xác định xu hướng tính dục của một người. Tuy nhiên, những bài kiểm tra này thường dựa trên định kiến về người đồng tính lúc bấy giờ.

3. Gaydar phổ biến khi nào?

Gaydar được người trong cộng đồng sử dụng từ đầu những năm 2000. Đến năm 2017, từ này lại một lần nữa thịnh hành nhờ vào một phát minh của Tiến sĩ Michal Kosinski ở Đại học Stanford. 

Phát minh này là một hệ thống AI (trí tuệ nhân tạo) có khả năng phát hiện xu tính dục thông qua phân tích khuôn mặt. Kosinski cho máy học phân tích hơn 30.000 ảnh chân dung được lấy từ ứng dụng hẹn hò để xác định ai “thẳng”, ai “cong”. Nghiên cứu được thực hiện trên tỉ lệ 1:1. Kết quả nhận diện chính xác lên đến 81% trong trường hợp đồng tính nam và 74% đối với đồng tính nữ.

Tuy nhiên, kết quả nhanh chóng bị phản bác, bởi ngay từ cách thực hiện thí nghiệm đã xuất hiện tính áp đặt về xu hướng tính dục. Hơn nữa, nếu nghiên cứu được thực hiện trên tỉ lệ thực tế là 100:7 (cứ 100 đàn ông dị tính thì có khoảng 7 người đồng tính), thì kết quả này không còn chính xác. 

Bản thân các nghiên cứu này có định kiến về giới | Nguồn: Pexels

Gaydar có thật không hay chỉ là vỏ bọc định kiến? 

Nhà khoa học William Cox chia sẻ với tờ CNN, nếu ai đó được mọi người nói rằng họ có “năng lực gaydar”, họ sẽ có xu hướng phán đoán giới tính của người khác thường xuyên hơn.  

Nhiều người tin rằng, gaydar là một khả năng thiên bẩm, và người trong cộng đồng LGBTQ+ thì có khả năng phát hiện “đồng minh” tốt hơn. Nhưng thực tế, năng lực này lại thường dựa trên kinh nghiệm cá nhân. 

Gaydar thực chất là một dạng khuynh hướng khuôn mẫu - cho rằng thành viên của một nhóm xã hội sẽ có đặc điểm nhất định (tính cách, ngoại hình hoặc sở thích). Tuy nhiên những đặc điểm này có thể thiếu chính xác. Các nghiên cứu về gaydar thường cũng dựa trên một số khuôn mẫu giới tính, như người đồng tính nữ thường có giọng nói hơi trầm, phong cách tomboy, hay người đồng tính nam thường chăm chút vẻ ngoài. 

Một số người có thể sử dụng gaydar để mô tả ấn tượng đầu tiên của mình về ai đó. Tuy nhiên, nếu thật sự muốn biết về họ, thay vì liên tục phân tích cách họ đi đứng, ăn mặc, có lẽ hỏi trực tiếp (một cách lịch sự) sẽ là phương án phù hợp nhất. Nếu ngại, bạn có thể hỏi bạn thân của họ. 

4. Sử dụng gaydar như thế nào?

Tiếng Anh: 

A: Do you think the new guy is gay? He wears a pink shirt today. My gaydar is ringing! 

B: Why don’t we try asking him nicely instead of assuming? 

Tiếng Việt: 

A: Cậu có nghĩ anh nhân viên mới là gay không? Hôm nay anh đó mặc áo hồng. Gaydar của mình nhảy ting ting rồi.

B: Hỏi ảnh thử không? Chứ suy diễn như này không hay lắm.