Vì sao các từ viết tắt LGBT+ ngày một nhiều thêm? Liệu có cần thiết? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Vì sao các từ viết tắt LGBT+ ngày một nhiều thêm? Liệu có cần thiết?

Các từ viết tắt LGBT+ và sứ mệnh của chúng trong công cuộc đấu tranh cho cộng đồng đa bản dạng giới của Việt Nam nói riêng và toàn thế giới nói chung
Vì sao các từ viết tắt LGBT+ ngày một nhiều thêm? Liệu có cần thiết?

Vì sao các từ viết tắt LGBT+ ngày một nhiều thêm? Liệu có cần thiết?

Những cuộc tranh luận gần đây về đa dạng giới và xu hướng tính dục đã mở ra một loạt “khái niệm mới" về cộng đồng LGBT+ mà trước đây chưa được phổ biến. Càng tìm hiểu, nhiều người bắt đầu bối rối không hiểu vì sao từ LGBT lại dần trở thành LGBTQ+, LGBTQIA+, thậm chí là LGGBDTTTIQQAAPP.

Liệu có cần nhiều khái niệm như vậy? Do mọi người đang nhạy cảm thái quá, thiếu nhất quán, hay vì một lý do nào khác? Hãy cùng khám phá hành trình của cụm từ viết tắt LGBT+ và sứ mệnh của chúng.

Coacute rất nhiều thuật ngữ vagrave khaacutei niệm cho sự đa dạng về giới vagrave xu hướng tiacutenh dục Higravenh ảnh bởi Tragrave Nhữ
Có rất nhiều thuật ngữ và khái niệm cho sự đa dạng về giới và xu hướng tính dục. | Hình ảnh bởi Trà Nhữ.

Nguồn gốc của LGBT+

Ngày nay, từ viết tắt của cộng đồng LGBT không chỉ là L,G,B,T mà ngày càng mở rộng hơn, như LGBT+, LGBTQ+, LGBTQIA+,... Dấu cộng + đứng cuối cùng đại diện cho những nhóm thiểu số về giới và xu hướng tính dục khác, thể hiện sự đa dạng của cộng đồng LGBT+.

Quay ngược về những năm 80 trên thế giới, phong trào vận động quyền của cộng đồng LGBT+ bắt đầu lan tỏa ở quy mô quốc gia. Tại thời điểm đó, thuật ngữ “gay” đại diện cho người đồng tính nói chung. Đến giữa và cuối thập niên 80, cuộc vận động quyền của nhóm đồng tính nữ và song tính phát triển mạnh mẽ hơn, đánh dấu sự ra đời của cụm từ LGB chỉ nhóm thiểu số về tính dục.

Phải đến những năm 90, người chuyển giới mới được hiện diện với chữ cái T. Các chữ viết tắt cho những ký tự mới cũng dần theo sau. Đặc biệt, chữ viết tắt “Q” của từ “Queer” vốn mang nghĩa “lạ”, “kì dị”, hàm ý kì thị cộng đồng LGBT+ dần phổ biến hơn với sắc thái trung lập.

Sự xuất hiện của các tên gọi này cho thấy xã hội đang nhận thức sự tồn tại của đa dạng cảm nhận về bản sắc (sense of identity), bao gồm bảng dạng giới, xu hướng tính dục lẫn thể hiện giới. Bao quát hơn, đó là sự bất quy chuẩn trong mọi khía cạnh. Từ đó, những người có điểm chung với nhau quy tụ thành một cộng đồng, nơi họ thừa nhận và định danh cho mình.

Có thể nói hai yếu tố chính hình thành nên các từ định danh là: Sự nhận thức cá nhân và tính kết nối cộng đồng. Đây cũng là hai yếu tố quan trọng thể hiện giá trị của các tên gọi LGBT+ và sức ảnh hưởng của chúng.

Vì sao chúng ta cần định danh cụ thể về đa dạng giới và xu hướng tính dục?

Đại diện cho sự thấu hiểu và chấp nhận bản thân

Ngay từ khi còn nhỏ, chúng ta đã tiếp xúc với những khuôn mẫu gói gọn trong hệ nhị nguyên giới. Con gái thường được dặn phải dịu dàng, đảm đang; con trai phải mạnh mẽ, độc lập. Dù là người thuộc cộng đồng LGBT+ hay người dị tính thì đều có những trải nghiệm tương tự về định kiến giới.

Những người nhận thấy mình không phù hợp với định kiến giới sẽ cảm thấy e ngại, sợ hãi hoặc chối bỏ điểm khác biệt của mình. Họ sẽ có nhu cầu định nghĩa về mình: Mình là ai, tại sao mình như thế, nó có ý nghĩa gì? Lúc này, các tên gọi chính là nền tảng để họ nhận thức, thấu hiểu và chấp nhận bản thân.

Liên kết cộng đồng

Qua việc hiểu được sự khác biệt của mình và định danh căn tính của mình, họ mới tìm được những cá nhân khác có cùng cảm nhận. Lúc này, tên gọi tạo ra điểm chung để các cá nhân đó quy tụ lại với nhau. Việc liên kết thành cộng đồng cũng hỗ trợ cho quá trình xác định và chấp nhận bản thân, giúp mỗi cá nhân nhận ra rằng mình không đơn độc.

Caacutec tecircn gọi tạo ra điểm chung để caacutec caacute nhacircn coacute cugraveng cảm nhận quy tụ lại với nhau gắn kết thagravenh một cộng đồng
Các tên gọi tạo ra điểm chung để các cá nhân có cùng cảm nhận quy tụ lại với nhau, gắn kết thành một cộng đồng.

Nâng cao nhận thức về các vấn đề về giới và xu hướng tính dục

Đối với truyền thông, các tên gọi và khái niệm cụ thể giúp cho các khái niệm về giới và tính dục vốn đa dạng, phức tạp trở nên dễ hiểu, dễ truyền đạt với đại chúng hơn. Nó cho phép những cá nhân trong cộng đồng LGBT+ hiện diện như một chủ thể rõ ràng trước xã hội. Điều này rất quan trọng trong quá trình vận động quyền của cộng đồng LGBT+ trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng.

Hiểu về bản sắc giới và xu hướng tính dục theo các tên gọi nhất định là điều không thể thiếu trong quá trình hoạch định chính sách và ban bố luật. Nhờ có tên gọi chi tiết, các nhà chức trách mới biết được chủ thể/đối tượng đang nói đến là ai, họ có đặc điểm gì và vì sao họ lại cần những chính sách, quyền lợi đó.

Kết

Cụm từ LGBT+ kết thúc sứ mệnh của mình là khi mỗi người không còn bị rập khuôn rạch ròi, mà chỉ còn lại mỗi cá thể tự do là mình, tự do yêu. Là khi LGBT+ không còn được sử dụng để chỉ một nhóm người yếu thế và thiểu số, mà chỉ còn những cộng đồng đa dạng và bình đẳng về giới và xu hướng tính dục. Là khi xã hội không quan tâm hay ép buộc bạn là nam hoặc nữ, bạn yêu ai – người đó thuộc giới nào.

Cụm từ LGBTQ+ được sinh ra với sứ mệnh tạo ra sự hiện diện của một cộng đồng trong bối cảnh những nhận thức hay quyền lợi cho họ chưa được công nhận. Khi sự nhận thức đạt đến ngưỡng cao nhất, quyền lợi được đảm bảo, sứ mệnh của cụm từ định danh này rồi cũng sẽ kết thúc, trở thành một dấu mốc trong tiến trình vận động quyền con người.