Khi chính quê hương cũng phân biệt giới tính | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Khi chính quê hương cũng phân biệt giới tính

"Tại sao lại phải khai quê quán? Những thủ tục hành chính và rắc rối do nó gây ra có đáng không?"
Khi chính quê hương cũng phân biệt giới tính

Quê hương là một từ thiêng liêng, nhưng nó sẽ trở nên vô nghĩa nếu là nguyên nhân kìm hãm ai đó vì phân biệt giới tính, vùng miền.| Nguồn: Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

Ngày 12/03, Facebooker tên N.H đã đăng tải bài viết với nhan đề “thủ tục hành chính mang định kiến giới”. Cụ thể, chị chia sẻ về việc em bé trong gia đình đã không được UBND Thành phố Hà Nội cho phép khai quê quán theo nơi sinh của mẹ. Hồ sơ của em nhỏ mới sinh bị trả lại. Cán bộ yêu cầu quê quán của bé phải theo nơi sinh của bố.

Đây không phải là trường hợp đầu tiên và duy nhất.

Luật pháp nói gì?

Trước đây, Bộ Công An dùng từ "nguyên quán" (nơi sinh của bố mẹ hoặc ông bà) cho chứng minh thư và hộ khẩu. Tuy nhiên, Bộ Tư Pháp lại dùng từ "quê quán" cho giấy khai sinh và lý lịch.
Sự nhập nhằng này gây ra nhiều rắc rối cho đến năm 2007, Chính phủ ban hành nghị định số 170/2007/NĐ-CP thống nhất chỉ dùng "quê quán".

Tin nhắn từ chối tiếp nhận hồ sơ của UBND Thagravenh phố Hagrave Nội Nguồn Facebook NH
Tin nhắn UBND Thành phố Hà Nội thông báo hủy hồ sơ | Nguồn: Facebook N.H

Luật hộ tịch (Điều 4, khoản 8) cho phép các em bé được dùng quê quán bố hoặc mẹ, tùy theo thỏa thuận của hai người.

Nếu cán bộ làm khó dễ, không cho phép em bé được theo quê quán của mẹ thì đó không những vi phạm luật pháp, xâm phạm quyền tự do lựa chọn của công dân, mà còn thể hiện tàn dư của tư tưởng phụ quyền, trọng nam khinh nữ.

Sâu hơn, chính cách thức thi hành luật cũng có phân biệt giới.

Đó là khi khai quê quán theo bố thì là nghiễm nhiên, không mấy cán bộ nào đòi hỏi phải chứng minh thỏa thuận, hầu như không có ai hỏi: "Vợ anh có đồng ý để con anh mang họ bố không?". Tuy nhiên, nếu bé khai theo quê mẹ, khả năng cao là cán bộ tư pháp sẽ yêu cầu phải có “chứng minh thoả thuận và đồng ý” của bố em bé.

Thỏa thuận này nếu không có cả hai bố mẹ cùng có mặt khi làm khai sinh thì nhiều khả năng phải đi công chứng mới được chấp nhận.

Như vậy, sự bất bình đẳng giới thể hiện ở chỗ: một gia đình sẽ tốn nhiều thời gian và công sức hơn nếu họ muốn con mình theo quê mẹ. Sự bất bình đẳng giới cũng thể hiện ở việc một người đàn ông không cần xin phép vợ để con theo quê nội. Tuy nhiên, một phụ nữ lại phải xin phép chồng nếu con theo quê ngoại.

Khi kê khai quê quán cũng là một câu chuyện phân biệt giới tính

Điều này cho thấy dù luật pháp đã nhân văn và hiện đại, nhưng chính những người thực thi pháp luật có thể tiếp tục cản trở tiến trình văn minh của xã hội. Trong câu chuyện này và những câu chuyện tương tự, ta thấy cả ba thành tố từ thấp đến cao:

A. Khuôn mẫu giới
(Stereotype- thói quen suy nghĩ):
Con cái thì THƯỜNG theo quê cha.

B. Định kiến giới
(Prejudice- phán xét tốt xấu):
Con cái không theo quê cha là SAI.

C. Phân biệt giới
(Discrimination- bộc lộ ra hành động). Ví dụ:

  • Con không theo quê cha thì bị TRẢ-HỒ-SƠ.
  • Con theo quê mẹ bị bắt phải TRÌNH-THỎA-THUẬN.
  • Cán bộ TỰ-TIỆN-GHI/hoặc THAY ĐỔI quê quán thành quê cha mà không có sự đồng ý, hoặc đi ngược lại, bất chấp nguyện vọng của cha mẹ.

Chúng ta thậm chí có thể nhìn việc kê khai "quê quán" sâu hơn là một câu chuyện phân biệt giới tính. Câu hỏi đặt ra là: "Tại sao lại phải khai quê quán? Những thủ tục hành chính và rắc rối do nó gây ra có đáng không?"

Theo bà Trịnh Thị Bích, trưởng phòng hộ tịch - lý lịch tư pháp - quốc tịch Sở Tư pháp TP.HCM: "Việc ghi quê quán là nhu cầu tình cảm của người dân. Do đó, cán bộ phải ghi theo yêu cầu của người dân".

Như vậy, thông tin về "quê quán" không hề có mấy giá trị về mặt quản lý và pháp luật. Nó chỉ có ý nghĩa về mặt tinh thần. Nó có vai trò nhắc nhở chúng ta nhớ về một vùng đất nơi ông bà, cha mẹ, dòng họ sinh sống.

Tuy nhiên, điều này chỉ đúng với quá khứ xa xưa, khi nhiều thế hệ cụ kị ông bà cha mẹ và chính chúng ta sinh ra và chết đi trên cùng một mảnh đất. Quê quán trở thành một "danh tính" như "dòng họ tôi ăn đời ở kiếp ở đất Hà Nội", "gia tộc nhà tôi bao đời này là người Đà Nẵng".

Tranh của họa sĩ Bugravei Xuacircn Phaacutei
Nơi ta "sinh ra và lớn lên" (Sài Gòn, miền Tây, Việt Nam...) đóng vai trò nhắc nhở về nguồn cội mạnh mẽ và chính xác hơn nhiều so với một vùng đất mà có khi chính ta chưa bao giờ đặt chân đến. | Tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái

Ngày nay, di cư là một phần của cuộc sống. Quê quán với tư cách "nhắc nhở về nguồn cội" không còn là điều đương nhiên nữa. Bởi đó không nhất thiết còn là nơi bản thân và gia đình ta sống đời ở kiếp. Với nhiều người, quê cha hay quê mẹ chỉ là một vùng đất xa xôi không liên quan, bởi chính cha mẹ họ đã di cư từ tấm bé và cũng có thể không hề gắn bó với nó.

Thay vào đó, nơi ta "sinh ra và lớn lên" (Sài Gòn, miền Tây, Việt Nam...) đóng vai trò nhắc nhở về nguồn cội mạnh mẽ và chính xác hơn nhiều so với một vùng đất mà có khi chính ta chưa bao giờ đặt chân đến.

Lại nữa, quê quán với tư cách là một "danh tính để kết nối nhiều thế hệ trong dòng tộc" cũng không còn. Cũng bởi di cư, trong một họ hàng dòng tộc ngày nay có thể xuất hiện hàng chục "quê quán" khác nhau.

Như vậy, "quê quán" là một thông tin không có mấy giá trị cả về mặt pháp lý cũng như quản lý. Nó chỉ có ý nghĩa về mặt tình cảm. Mà tình cảm thì chủ yếu ở trong trái tim, chứ không thể luật hóa bằng một dòng chữ trên giấy tờ. Các nhà làm chính sách nên cân nhắc bỏ qua quy định này để giảm thiểu các hậu quả không đáng có.

Như nhiều chuyên gia và lãnh đạo trong lĩnh vực này đã lên tiếng, việc kê khai "quê quán" vừa không rõ ràng, vừa thừa thãi, vừa gây rắc rối cho người dân, vừa tạo điều kiện cho những tàn dư phân biệt giới tính và nhất là phân biệt vùng miền tiếp tục bám theo một con người đến hết cả cuộc đời.

Trên các tấm hộ chiếu, bao gồm cả hộ chiếu Việt Nam, không phải "quê quán" mà "nơi sinh" mới là một thông tin quan trọng. Bất kể bạn là công dân nước nào, nơi sinh sẽ luôn là vùng đất bạn chào đời. Đó mới chính là quê hương của bạn.

Quê hương chỉ có ý nghĩa khi nó gắn với chùm khế ngọt mà bạn thực sự ăn, con đường phủ lá bạn thực sự dạo bước, những âm điệu giọng nói bạn thực sự nghe trong cuộc đời.

Quê hương là vô nghĩa khi nó xa rời những trải nghiệm thân thương của cảm xúc đời thường. Quê hương lại càng vô nghĩa khi nó bị ép buộc bởi quán tính khó bỏ của thói quen, cả trong luật pháp lẫn trong tư tưởng.