Giảm điểm ưu tiên khi vào Đại học liệu có tìm được người tài? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

Giảm điểm ưu tiên khi vào Đại học liệu có tìm được người tài?

Liệu đây có phải là giải pháp cho việc thí sinh dù đạt 30 điểm vẫn trượt đại học?
Giảm điểm ưu tiên khi vào Đại học liệu có tìm được người tài?

Nguồn: Hồng Ngọc

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Cộng điểm ưu tiên đại học luôn là bài toán khó trong những kỳ thi đại học gần đây. Nhất là khi trong những năm vừa qua, vì điểm ưu tiên mà nhiều thí sinh dù đạt 30 điểm vẫn trượt đại học! Đó là chưa kể tới có nhiều trường hợp thí sinh dù đậu cao nhờ điểm ưu tiên, nhưng lại có kết quả học đại học thấp.

Để "giải" bài toán khó này, Bộ giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2022 lần thứ hai với một số quy định mới về cách tính điểm ưu tiên cho thí sinh dự thi.

Thay vì cộng điểm ai cũng như nhau, số điểm ưu tiên sẽ được tùy chnhr theo mức điểm các em đang được, cụ thể như sau:

  • Nếu đạt dưới 22,5 điểm, các em vẫn được cộng tối đa điểm ưu tiên.
  • Trong trường hợp thí sinh đạt trên 22,5 điểm, số điểm ưu tiên sẽ giảm tuyến tính theo công thức:

Điểm ưu tiên = [(30 - Tổng điểm đạt được)/7,5] x Mức điểm ưu tiên (khu vực và đối tượng).

Số điểm 22,5 tương đương với điểm 7,5 trên thang 10 điểm. Cùng với đó, quy chế mới sẽ được áp dụng với tất cả các phương thức xét tuyển hiện nay. Các trường cần phải quy đổi ra thang điểm tương đương để xác định mức điểm ưu tiên phù hợp cho thí sinh.

2. Dự thảo mới có gì khác?

Một tin vui mà dự thảo này mang lại so với dự thảo ban đầu đó là thí sinh tự do cũng được cộng điểm ưu tiên. Chỉ khi nào thí sinh tự do thi lại sau hai năm trở lên mới không được tính thêm điểm.

alt
Kỳ thi tốt nghiệp đang tới gần | Nguồn: Giang Huy

Dự thảo này cũng giúp "cải tiến" các trường hợp đặt hộ khẩu chui để gian lận điểm như trong quá khứ. Thay vì xác định cộng điểm dựa trên hộ khẩu, cách xác định mới sẽ dựa trên nơi đặt trường THPT.

3. Thay đổi mới có tạo ra vấn đề mới?

Hiệu ứng rắn hổ mang được nhà kinh tế học Horst Siebert phát minh ra đề cập đến hiện tượng khi mà giải pháp có thể dẫn tới một kết quả tệ hơn. Đây cũng là điều mà nhiều chuyên gia lo ngại về điểm cộng ưu tiên.

Nhà Nghiên cứu giáo dục Phạm Hiền cho rằng, dự thảo mới nhất có tác động như một hiện tượng “bất bình đẳng ngược”, khi xuất phát với mục tiêu giảm thiểu bất bình đẳng nhưng lại tạo ra một kiểu bất bình đẳng mới.

Hiểu đơn giản, những thí sinh nỗ lực, chăm chỉ để đạt điểm cao sẽ không được cộng nhiều điểm ưu tiên như những thí sinh đạt dưới 22,5 điểm. Trong khi trên cuộc chạy đua marathon đến các trường Đại học, dù 0,1 hay 0,2 điểm đã có thể thay đổi cục diện.

Trước những luồng ý kiến về tính công bằng của dự thảo, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, chế độ cộng điểm ưu tiên cũng giống như các chính sách hỗ trợ khác, thay vì cào bằng thì phải căn cứ vào mức độ khó khăn và điều kiện của từng khu vực.

4. Các nước khác cộng điểm ưu tiên như thế nào?

Úc là đất nước tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho thí sinh ở vùng khó khăn qua các chính sách của nhiều trường đại học. Chương trình “Regional Entry Scheme” từ trường đại học Macquarie có chính sách ưu tiên cộng từ 5 đến 9 điểm, tùy theo mức độ khó khăn tại nơi thí sinh sinh sống.

alt
Đại học Macquarie của Úc có chính sách ưu tiên cộng điểm tùy theo mức độ khó khăn | Nguồn: BME Group

Hay thoải mái hơn như trường đại học Western Sydney cộng 5 điểm ưu tiên cho chính những em đến từ vùng Western Sydney.

Trong khi đó, với mong muốn gia tăng sự công bằng của kỳ thi, tỉnh An Huy (Trung Quốc) sẽ hủy chính sách cộng điểm ưu tiên cho các sĩ tử đến từ vùng khó khăn và đối tượng yếu thế từ năm nay. Quyết định này đã nhận được sự ủng hộ từ các chuyên gia cũng như sĩ tử, thậm chí nhiều người còn mong muốn chính sách này sẽ lan rộng ra toàn quốc gia.

5. Ngoài ưu tiên điểm cộng, còn "ưu tiên" nào cần được quan tâm?

Không chỉ ưu tiên điểm cộng mà còn rất nhiều "ưu tiên" khác mà chúng ta cần quan tâm trong lĩnh vực giáo dục:

Ưu tiên phân hóa đề thi

Những cơn mưa điểm 10 liên tục xuất hiện trong những năm trở lại đây, khiến không ít người băn khoăn về tính phân hóa của đề thi.

Theo thống kê, trên cơ sở công bố phổ điểm các môn thi giai đoạn 2018 - 2021 của Bộ Giáo dục & Đào tạo, tỷ lệ bài thi đạt điểm 8 trở lên ngày càng tăng ở tất cả các môn.

Vì thế, nhiều chuyên gia cho rằng phân hoá đề thi là cách phân hóa thí sinh tốt hơn thay vì cắt giảm điểm ưu tiên của các em học sinh.

Ưu tiên các chính sách hỗ trợ trong đại học

Những chương trình cấp học bổng, hỗ trợ học phí cho học sinh nghèo vượt khó, có thành tích học tập xuất sắc không còn xa lạ trong các trường đại học trên thế giới.

Giáo dục Việt Nam có thể đẩy mạnh triển khai, phát triển các chính sách tương tự, nhằm thúc đẩy tinh thần học hỏi của các em, cũng như đảm bảo tính công bằng trong quy trình trao các hỗ trợ đặc biệt.

Ưu tiên cải thiện điều kiện học tập vùng khó khăn

Thay vì chỉ mãi cộng điểm ưu tiên, việc tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng học tập của những học sinh vùng sâu, vùng xa cũng nên được quan tâm.

Để đạt được điều này, cần có sự đầu tư vào cơ sở vậy chất, giáo án và bài giảng. Đây có thể sẽ trở thành giải pháp có tác động lâu dài đến các thế hệ học sinh mai sau.