Gọi điện là được, sao phải livestream 'cãi nhau'? | Vietcetera
Billboard banner

Gọi điện là được, sao phải livestream 'cãi nhau'?

Xem livestream 'cãi nhau', vì sao lại hấp dẫn đến thế?
Gọi điện là được, sao phải livestream 'cãi nhau'?

Nguồn: Schannel

Giữa tháng 4, một nhận xét của Nathan Lee về Ngọc Trinh đã thổi bùng công cuộc 'khẩu chiếu' qua livestream. Đã rất nhiều lần người dùng Facebook Việt chứng kiến những cuộc chiến qua nền tảng này.

Điều gì khiến việc xem 'cãi nhau' qua livestream hấp dẫn đến vậy?

Livestream có phải nền tảng 'cãi nhau' vượt trội?

Nếu đặt một bài viết và một video livestream (với cùng nội dung là tranh cãi) trong cuộc chiến tương tác, livestream có rất nhiều khả năng chiến thắng!

Thuật toán của Facebook đang khiến cho các video livestream có khả năng xuất hiện trên newsfeed của người dùng nhiều hơn. Tính năng này đang được đẩy mạnh để theo kịp các đối thủ Snapchat, YouTube - những platform truyền thông mạnh về phần nghe và nhìn. Thậm chí, còn có hẳn một nút tắt dành riêng cho nền tảng này.

Báo cáo của Facebook cho biết số lượng người theo dõi video trực tiếp cao gấp ba lần những video không trực tiếp. Lý do cho sự ưa chuộng này có thể kể đến tính giải trí hay việc thỏa mãn sự tò mò ngay tức thì.

Chính vì sự ưa chuộng của người dùng dành cho livestream, Facebook ngày càng chăm chút nền tảng này hơn. Càng có nhiều tương tác, việc tạo nhiều nội dung để được 'nhấn nút like' của các Facebook-er càng lớn.

Gọi điện là được, sao phải tranh cãi trên livestream?

Quyền 'được nói'

Vì ở trong không gian mở, ít bị quản thúc về các hành vi, người livestream có xu hướng thỏa thích bày tỏ những gì họ không thể nói ở đời thực. Mạng xã hội mang lại cảm giác khiến họ cho mình được phép 'quá đà', thậm chí sẵn sàng vượt qua những chuẩn mực thông thường.

Với một đời sống thường nhật ít nhiều đều khiến con người ức chế, kiểu quyền lực này hệt như một phần thưởng.

Quyền lực của sự 'ra mặt'

Chúng ta đã sống trên nền tảng ẩn danh quá lâu. Ai cũng có thể viết một bài diễn văn trên Facebook, nhưng không phải ai cũng có đủ can đảm để cho cộng đồng thấy gương mặt và giọng nói của mình. Nhân vật công khai nhân diện và sẵn sàng 'nói thẳng', từ đó, trở thành 'chiến binh' trong mắt nhiều người.

Nếu những bài viết chỉ thỏa mãn mức độ cơ bản trong việc hấp thụ nội dung là 'đọc', video livestream lại thỏa mãn thêm phần nghe và nhìn. Tích hợp với tính chân thật (video dài hệt như một cuộc trò chuyện, không có cắt ghép), nền tảng này cho người xem cảm giác tin tưởng rất lớn.

Càng tin tưởng, càng ủng hộ. Bên dưới các video livestream với nội dung 'bóc phốt', hay 'cãi nhau' có rất nhiều lời đồng tình, thậm chí yêu cầu nghệ sĩ hay người nổi tiếng 'bóc' hộ đời sống của một ai đó mà họ tò mò, hoặc 'chửi giùm'.

Streamer giờ đây không đơn thuần là chỉ bày tỏ suy nghĩ của mình. Bởi dám ra mặt, họ trở thành một tiếng nói thay cho rất nhiều tiếng nói khác. Càng có can đảm nói những điều không ai nói, họ càng kéo được lượng theo dõi khổng lồ. Mà càng được tin tưởng, sự tự tin để đứng lên và phát biểu của người livestream cũng lớn theo.

Văn hóa buôn chuyện giúp gì cho chúng ta?

Buôn chuyện là đường tắt để làm quen, thậm chí là tăng khả năng gắn bó với mọi người trong cộng đồng. Việc này còn giúp giải phóng endorphins - một chất có tác dụng giảm đau được sản sinh khi hoàn thành một hoạt động thể chất bất kỳ. Ngoài ra, buôn chuyện cũng giải phóng dopamine - hormones hạnh phúc có tác dụng giảm căng thẳng và lo âu.

Việc nói và nghe về người khác, thật ra, đã có từ thời tiền sử. Bởi nó là một trong những cách xây dựng nên các chuẩn mực về đạo đức và hành vi của con người trong xã hội.

Khi nói chuyện về người khác, đặc biệt là những vụ bê bối của người nổi tiếng, hạt nhân caudate nằm trong não bộ (có liên quan đến việc kiểm soát hành vi của con người) được kích hoạt. Khi biết hành động nào sẽ dễ bị chỉ trích, hành động nào thường được khen ngợi qua các buổi nói chuyện phiếm, chúng ta sẽ tự giác điều chỉnh các hành vi của mình để phù hợp với chuẩn mực của xã hội.

Dù là buôn chuyện về người nổi tiếng hay là người khác, sự thỏa mãn cũng giống nhau. Tuy nhiên, vì không phải nhóm nào cũng có sẵn người quen chung, người nổi tiếng thường được đưa ra ‘hứng đạn’.

Xem 'cãi nhau' sao cho khỏe người?

Với người ngoài cuộc, chúng ta được quan sát cách người trong cuộc hành xử và thoải mái thỏa mãn sự phán xét của mình. Còn với nghệ sĩ trong cuộc, các scandal cũng là một cơ hội để được chú ý hơn (số lượng tìm kiếm dành cho từ Nathan Lee đã tăng vọt trong giai đoạn 18-24/04 - giai đoạn cuộc tranh cãi của anh và Ngọc Trinh bắt đầu nổ ra).

Dễ nhận thấy giai đoạn các sao cãi nhau, dù muốn dù không, newsfeed của bạn cũng tràn ngập những bàn luận về vấn đề này. Hiệu ứng đám đông có thể kéo bạn vào việc theo dõi những tin tức được cập nhật mới nhất.

Nhiều scandal của nghệ sĩ (chẳng hạn chuyện chia tay) mang tính riêng tư nhất định và có chiều hướng tiêu cực ngày càng cao (phán xét cách sống của đối phương). Theo dõi những tin tức tiêu cực cũng dẫn đến việc sức khỏe tinh thần bị ảnh hưởng.

Để trở thành người dùng mạng với tinh thần khỏe mạnh, bạn có thể:

  • Sử dụng một số phần mềm để tránh việc Facebook dùng thuật toán gợi ý cho bạn những nội dung lặp đi lặp lại như J2TEAM
  • Kiểm tra tần suất sử dụng mạng xã hội của mình để tránh việc bản thân bị sa đà vào ‘drama’ của người nổi tiếng bằng Digital Wellbeing, ActionDash…
  • Ngắt hẳn kết nối với mạng xã hội một thời gian, chờ cho mọi chuyện lắng xuống bằng Kill Newsfeed

“Hóng” và buôn chuyện thật ra đều có một số lợi ích cho sức khỏe tinh thần. Nó giúp bạn kết nối, tạo ra hormones hạnh phúc… Tuy nhiên, nếu hạnh phúc này nhiều khả năng dẫn đến việc phải liên tục tiêu thụ nội dung tiêu cực (các tranh cãi), luôn cần ‘phốt’ mới để thỏa mãn bản thân và dễ sập chiếc bẫy mang tên “tạo scandal để nhận được chú ý” của người nổi tiếng, thì hẳn là không đáng!