Hạnh phúc nhất của một cán bộ tư vấn là khi cuộc gọi giảm đi | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu

Hạnh phúc nhất của một cán bộ tư vấn là khi cuộc gọi giảm đi

Chị là cán bộ tư vấn cho trẻ em, chủ yếu là trẻ em gái bị xâm hại bạo hành, ở Tổng đài 111 (Tổng đài điện thoại Quốc gia Bảo vệ Trẻ em) đến nay đã mười năm.

Hạnh phúc nhất của một cán bộ tư vấn là khi cuộc gọi giảm đi

Nguồn: Chị Mai Quyên

logo

Chị là cán bộ tư vấn cho trẻ em, chủ yếu là trẻ em gái bị xâm hại bạo hành, ở Tổng đài 111 (Tổng đài điện thoại Quốc gia Bảo vệ Trẻ em) đến nay đã mười năm. Chị sinh ra trong một gia đình có rất nhiều chị, em gái. Xã hội thời điểm ấy vẫn nặng quan điểm trọng nam khinh nữ, nhưng bố hay các bác của chị luôn giữ vững phương châm: “Con gái là để yêu chiều”. 

Có lẽ bởi vì được sinh ra trong tình yêu thương vô bờ, lại thêm theo ngành Tâm lý học, nên chị cũng chọn một công việc có thể lan tỏa tình yêu đến nữ giới.

Nhiều người nghĩ công việc của chị chắc đơn giản lắm, chỉ cần nghe máy “A lô” và khuyên nhủ vài câu là xong. Nhưng nếu như có một em nhỏ gọi đến mà không nói gì cả, thậm chí chỉ có khóc nức nở thôi, thì phải làm gì đây? 

Mọi người trong tổng đài được học cả một lớp về kỹ năng này, tên của nó là “phá vỡ sự im lặng”. Ngoài ra, chị còn được học về kỹ năng lắng nghe tuyệt đối, hay các kỹ năng khác để giúp cho thân chủ biết mình là nơi an toàn và họ có thể tâm sự.

Một trong những yêu cầu của tư vấn viên là phải luôn thật bình tĩnh. Vì con người ta khi căng thẳng thường có xu hướng "chạy trốn", chẳng hạn cách "chạy trốn" của chị là nói thật nhanh. Nhưng nói nhanh sẽ dẫn đến quyết định cũng nhanh chóng, dễ mắc sai lầm.

Thế là chị luôn phải cầm theo cuốn sổ và cây bút để ghi lại mọi suy nghĩ của mình. Lúc ngòi bút bắt đầu tăng tốc, nghĩa là chị đang căng thẳng, và phải tìm mọi cách để mình chậm rãi lại. 

Mới gần đây, chị nhận được một ca phụ huynh bắt gặp con mình suýt bị xâm hại. Bé mới năm tuổi. Chị có bảo rằng mọi chuyện đã có cảnh sát lo, đây là thời điểm nên tập trung vào các ảnh hưởng tâm lý của trẻ. Nhưng mẹ bé quá chú tâm vào việc phải đưa người kia ra tòa. Chị ấy chỉ nói: “Chắc không sao đâu cô ạ”, rồi cúp máy. 

Khoảng thời gian sau đó, cảnh sát lấy thông tin liên tục, hàng xóm và họ hàng thì hỏi đi hỏi lại bé. Lúc gọi lần thứ hai, chị ấy khóc, bảo rằng bé cứ thấy người kia là khóc toáng lên. Sự kiện kia đã là một lần khiến trẻ bị sang chấn, nhưng khi bị mọi người liên tục nhắc lại về nó, trẻ sẽ càng tổn thương hơn. 

Thế mới nói, dù có nhiều phụ huynh đã để ý hơn đến chuyện con mình bị xâm hại, nhưng vấn đề tâm lý của trẻ vẫn chưa được quan tâm đến. 

Mười năm làm cán bộ tư vấn, chị đã thấy một sự thay đổi lớn. Những cuộc gọi từ thưa thớt đến ngày một nhiều hơn. Các phụ huynh không xem những lời nói của con về việc bị người khác đụng chạm là một thứ không đáng để tâm nữa. Những chương trình giáo dục giới tính cho các em nhỏ cấp Một, thậm chí mẫu giáo cũng dần phổ biến. Nếu là ngày xưa, mọi người chỉ nghĩ là giáo dục giới tính nên bắt đầu từ cấp Hai, cấp Ba mà thôi.

Nhưng thật ra, nhận thức về cơ thể của các bé nên được bắt đầu thật sớm. Bởi chỉ khi tất cả các em đều biết cách tự bảo vệ mình, mọi người mới có thể ngăn chặn sự việc trước khi nó xảy ra.

Mọi người trong tổng đài rất hạnh phúc khi nhận được nhiều cuộc điện thoại. Nhưng hạnh phúc nhất của người làm tư vấn là ngày càng thấy các cuộc gọi thưa dần. Không phải vì họ ngại, không dám gọi. Mà đó là vì tất cả đều có ý thức ngăn chặn mầm mống của việc xâm hại tình dục, trước khi nó kịp bén rễ.

Những cố gắng của chị lúc này, đều là cho viễn cảnh tươi đẹp ấy.

Plan International là tổ chức nhân đạo phát triển về quyền trẻ em và bình đẳng giới với hơn 80 năm kinh nghiệm và hiện đang hoạt động tại 75 quốc gia trên toàn thế giới. Chiến dịch Girls Get Equal (Em gái Bình đẳng) do Plan và thanh thiếu niên khởi xướng nhằm hỗ trợ các em gái tự tin học tập, lãnh đạo, quyết định và phát triển cuộc sống và tương lai của chính mình.

An toàn trên mạng cho trẻ em gái là mục tiêu năm 2021 của chiến dịch Girls Get Equal. Năm 2020, Plan International lắng nghe chia sẻ từ 26,000 em gái trên toàn thế giới về tác động của tin giả, tin sai lệch - 9 trên 10 em cảm thấy vấn đề này ảnh hưởng tới cuộc sống của mình. Tất cả trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái cần kỹ năng và kiến thức để bảo vệ bản thân trước thông tin sai lệch trên không gian số. Chiến dịch #AnToànTrênMạng kêu gọi cộng đồng cùng nâng cao giáo dục kỹ thuật số cho trẻ em, góp phần xây dựng một môi trường an toàn để trẻ em được kết nối, học tập và chia sẻ. Cùng ký vào thư ngỏ đồng hành cùng Plan trong chiến dịch này tại đây.