Health anxiety - Liệu bạn có “mắc bệnh” trong tư tưởng? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
24 Thg 10, 2024
Chất Lượng Sống

Health anxiety - Liệu bạn có “mắc bệnh” trong tư tưởng?

Lo lắng cho sức khỏe của chính mình là tốt, nhưng khi lo lắng quá độ thì sẽ phản tác dụng.
Health anxiety - Liệu bạn có “mắc bệnh” trong tư tưởng?

Nguồn: Sofia Alejandra @ Unsplash

Nếu nghe tin người thân, bạn bè hoặc người quen mắc một bệnh hiểm nghèo nào đó, bất kể bệnh ở giai đoạn nào, chúng ta đều thấy sốc và buồn. Thông tin này ảnh hưởng tới chúng ta cả về thể chất lẫn tinh thần. Đặc biệt nếu đó là người thân, bạn có thể sẽ lo lắng bệnh có yếu tố di truyền, đôi khi dẫn đến lo lắng quá độ.

Thậm chí có không ít người dù thể chất hoàn toàn khỏe mạnh, nhưng luôn nghĩ họ mắc bệnh gì đó. Trong tâm lý học, hiện tượng này còn gọi là lo âu sức khỏe (health anxiety).

Health anxiety là gì?

Còn có tên gọi khác là illness anxiety disorder hay hypochondriasis, đây là hiện tượng một người lo lắng quá độ về việc mắc một bệnh lý nghiêm trọng nào đó. Trong Phân loại quốc tế về bệnh tật (ICD-10), nó được xếp là một rối loạn về tâm thần và hành vi (1).

Biểu hiện của health anxiety?

Đi khám liên tục, hoặc trốn tránh đi khám

Đây là hai thái cực đối nghịch của người gặp lo âu sức khỏe. Theo nghiên cứu của Jennifer French & Sajid Hameed, họ có thể liên tục đi khám bệnh và làm các xét nghiệm để chắc chắn mình không sao (2). Nhưng họ cũng có thể trốn tránh việc khám bệnh vì không tin tưởng bác sĩ, hoặc vì lo sợ “cứ đi khám là ra bệnh”, rằng họ sẽ mắc một bệnh nghiêm trọng nào đó.

11aug2024bloodsample62000111920695x463jpg
Một trong các biểu hiện của lo âu sức khỏe là liên tục muốn làm các xét nghiệm. | Nguồn: Dimensions.co.uk

Tự chẩn bệnh bằng “bác sĩ” Google

Bạn có từng lên Google tìm kiếm vì bị đau đầu, đau bụng… rồi ra kết quả là một căn bệnh ung thư nào đó? Không ít người trong chúng ta từng làm điều này, và rồi lo lắng một cách thái quá. Dù thực tế đúng là đau đầu hay đau bụng có thể là dấu hiệu một bệnh lý nghiêm trọng, nó cũng có thể chỉ là biểu hiện cảm cúm hay thời tiết thay đổi.

Hiện tượng này thực ra khá phổ biến, thậm chí đã được các nhà khoa học đặt tên là cyberchondria (3). Trong thời đại internet, việc tìm kiếm thông tin ở đây tuy nhanh và tiện lợi hơn, nhưng không phải lúc nào cũng chính xác. Đặc biệt với những thông tin liên quan đến sức khỏe, bạn vẫn nên đến bác sĩ để được chẩn đoán và có phương án điều trị phù hợp.

Tự ý uống thuốc mà không theo chỉ định bác sĩ

Đây có thể là hệ quả của việc tự “chẩn bệnh”, hoặc do lo âu quá mức dẫn đến suy nghĩ chưa thấu đáo, nghe theo lời khuyên từ những nguồn tin chưa xác đáng. Vì vậy trừ khi là thuốc không kê đơn, việc tự ý uống thuốc mà chưa có hướng dẫn từ bác sĩ có thể dẫn đến nhiều hệ quả không mong muốn.

Lo lắng với những biểu hiện bình thường của cơ thể

Với người gặp lo âu sức khỏe, những biểu hiện bình thường nhất của cơ thể như đổ mồ hôi, trung tiện, ợ hơi hay thậm chí kinh nguyệt cũng khiến họ cảm thấy lo lắng, khó chịu, hoặc cho rằng đó là biểu hiện bệnh lý.

Nguyên nhân dẫn đến health anxiety?

Cho đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa nắm rõ nguyên nhân cụ thể dẫn đến health anxiety. Nhưng theo nghiên cứu của Jennifer French & Sajid Hameed (2), nếu ở trong các trường hợp dưới đây, bạn có nguy cơ hình thành nỗi lo âu quá mức về sức khỏe:

  • Lớn lên trong gia đình thường xuyên bàn thảo, hoặc quá lo ngại các vấn đề sức khỏe.
  • Có người thân mắc bệnh hiểm nghèo hoặc mãn tính, hoặc bản thân từng bị bệnh nghiêm trọng khi còn nhỏ.
  • Căng thẳng quá mức trong cuộc sống, hoặc có sẵn các vấn đề về sức khỏe tinh thần (như trầm cảm, lo âu).
  • Dành quá nhiều thời gian đọc các tài liệu về sức khỏe trên internet. Một nghiên cứu đăng tải trên National Center for Biotechnology Information cũng cho thấy có mối liên hệ trực tiếp giữa doomscrolling (hành vi liên tục lướt & đọc tin tức tiêu cực trên internet) và những ám ảnh về sức khỏe tinh thần, bao gồm cả nỗi lo âu sức khỏe (4).
11aug2024doomscrollingpic2jpg
Giữa doomscrolling và lo âu sức khỏe có mối liên hệ trực tiếp. | Nguồn: MultiCare

Health anxiety tác động gì đến sức khỏe của bạn?

Tác động dễ thấy nhất là căng thẳng và lo âu kéo dài không cần thiết, ảnh hưởng đến các mối quan hệ và tài chính của bạn (do phải đi khám và làm xét nghiệm quá nhiều).

Đó là còn chưa kể, việc làm xét nghiệm nhiều chưa chắc đã tốt. Trong sách Overdiagnosed: Making People Sick in the Pursuit of Health, ba bác sĩ H. Gilbert Welch, Lisa Schwartz và Steven Woloshin khẳng định việc tiến hành quá nhiều xét nghiệm không cần thiết có thể gây những bất lợi nhất định về sức khỏe (5).

Ngoài ra, việc quá lo sợ mà uống thuốc không có chỉ định bác sĩ cũng có thể dẫn đến hệ quả nghiêm trọng. Theo Carl Llor và Lars Bjerrum, nếu lạm dụng kháng sinh có thể dẫn tới kháng thuốc kháng sinh (6).

Nên làm gì để sống an tâm hơn?

Gặp triệu chứng, trao đổi với bác sĩ

Nếu gặp triệu chứng khác thường mà bạn nghi ngờ, có thể theo dõi trong vài ngày rồi đi khám hoặc trao đổi với bác sĩ qua điện thoại. Hạn chế tối đa việc tự tìm kiếm triệu chứng trên mạng, bởi nó có thể khiến bạn tự “chẩn đoán” sai bệnh, dẫn đến lo âu không cần thiết.

Thực hành chánh niệm để tập trung hơn vào hiện tại

Thiền, yoga hay tập thở đều là những bài tập hữu hiệu giúp bạn hạn chế suy nghĩ quá độ, từ đó tập trung hơn vào hiện tại. Tuy nhiên nếu mới bắt đầu, bạn nên nhờ sự trợ giúp của chuyên gia để tránh bị chấn thương hoặc gặp các vấn đề sức khỏe không mong muốn khác.

14may2024aminsujan5292421375883jpg
Yoga là một hình thức chánh niệm giúp bạn giải tỏa căng thẳng, tập trung vào hiện tại. | Nguồn: Unsplash

Chủ động đầu tư cho sức khỏe

Lo lắng cho sức khỏe của chính mình là tốt, nhưng khi lo lắng quá độ thì sẽ phản tác dụng. Vì vậy để nắm được tình hình sức khỏe của mình, bạn nên đi khám định kỳ và trao đổi với bác sĩ nếu có sẵn bệnh nền, hoặc có tiền sử gia đình mắc các bệnh nguy hiểm. Khi nắm rõ những thông tin này, họ sẽ giúp bạn điều chỉnh lối sống sao cho phù hợp nhất.

Bên cạnh đó, bạn có thể tầm soát thường xuyên và tiến hành dự phòng sớm với một số tác nhân gây bệnh nguy hiểm ở người: HPV, virus gây u nhú ở người, virus hepatitis B gây viêm gan B… Việc này giúp bạn giảm đáng kể tỷ lệ mắc ung thư cổ tử cung hay xơ gan/ung thư gan. Cuối cùng, đừng ngần ngại nhờ sự giúp đỡ của chuyên gia tâm lý nếu bạn bị ám ảnh không ngừng về tình trạng sức khỏe của mình.

Mỗi người trưởng thành có xác suất nhiễm HPV ít nhất 1 lần trong đời, với tỉ lệ nam giới là 91% và nữ giới là 85% khi có ít nhất 1 bạn tình khác giới. Gần 50% các trường hợp nhiễm HPV xảy ra ở độ tuổi 15 - 24.

HPV là vi rút gây ung thư nguy hiểm ở cả nam và nữ, nhưng hoàn toàn có thể được phòng ngừa sớm nhờ các biện pháp dự phòng, Vì một Việt Nam khỏe mạnh hơn, hãy chăm sóc sức khỏe của bạn bằng cách dự phòng các nguy cơ ngay từ hôm nay.

Hãy tham vấn ngay với chuyên gia y tế và tìm hiểu thêm về HPV tại website hpv.vn.

(Nội dung này do Hội Y Học Dự Phòng Việt Nam cung cấp và được MSD tài trợ vì mục đích giáo dục). VN-GSL-01172 23092024


Tài liệu tham khảo:

(1) ICD-10 version:2019. (n.d.). https://icd.who.int/browse10/2019/en#/F45.8

(2) Escobar, J. (1998). DSM-IV hypochondriasis in primary care. General Hospital Psychiatry, 20(3), 155–159. https://doi.org/10.1016/s0163-8343(98)00018-8

(3) French, J. H., & Hameed, S. (2023, July 16). Illness anxiety disorder. StatPearls - NCBI Bookshelf. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK554399/#

(4) Mathes, B. M., Norr, A. M., Allan, N. P., Albanese, B. J., & Schmidt, N. B. (2018b). Cyberchondria: Overlap with health anxiety and unique relations with impairment, quality of life, and service utilization. Psychiatry Research, 261, 204–211. https://doi.org/10.1016/j.psychres.2018.01.002

(5) Satici, S. A., Tekin, E. G., Deniz, M. E., & Satici, B. (2022b). Doomscrolling Scale: its Association with Personality Traits, Psychological Distress, Social Media Use, and Wellbeing. Applied Research in Quality of Life, 18(2), 833–847. https://doi.org/10.1007/s11482-022-10110-7

(6) Welch, H. G., Schwartz, L., & Woloshin, S. (2012). Overdiagnosed: Making People Sick in the Pursuit of Health. Beacon Press.

(7) Llor, C., & Bjerrum, L. (2014). Antimicrobial resistance: risk associated with antibiotic overuse and initiatives to reduce the problem. Therapeutic Advances in Drug Safety, 5(6), 229–241. https://doi.org/10.1177/2042098614554919.