Nếu HPV là một môn học, bạn sẽ được điểm mấy? | Vietcetera
Billboard banner
16 Thg 05, 2024
Chất Lượng Sống

Nếu HPV là một môn học, bạn sẽ được điểm mấy?

10 câu hỏi ngắn "kiểm tra" giúp bạn phòng ngừa HPV - vi rút phổ biến nhất cho bệnh ung thư cổ tử cung. Bạn biết được bao nhiêu trên 10?
Nếu HPV là một môn học, bạn sẽ được điểm mấy?

Nguồn: Unsplash.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2019, HPV gây ra khoảng 620.000 ca ung thư ở nữ giới (1). Tuy nhiên, nếu bạn nghĩ chỉ có nữ giới mới mắc HPV thì bạn đã lầm! Nam giới vẫn có thể bị nhiễm HPV gây ung thư, thậm chí với nguy cơ cao hơn tùy thuộc số bạn tình của họ. Trong năm 2019, có khoảng 70.000 ca ung thư ở nam giới gây ra bởi HPV (1).

Còn điều gì bạn chưa biết về HPV? 10 câu hỏi dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp.

1. Hiểu nhanh về HPV trong 1 câu?

HPV (viết tắt của Human Papilloma Virus) là vi rút gây u nhú ở người, cũng là nguyên nhân hàng đầu cho các bệnh lây qua đường tình dục, có thể phát triển thành ung thư cổ tử cung, hậu môn, ung thư âm đạo, dương vật... mà bất kể nam hay nữ đều có thể mắc phải (1).

2. Có phải HPV chỉ lây qua đường tình dục?

Không. Mặc dù HPV lây lan phổ biến nhất qua đường tình dục, đây không phải con đường duy nhất.

alt
HPV vẫn lây qua nhiều con đường khác ngoài tình dục | Nguồn: Pexels.

HPV còn có thể lây lan qua các tiếp xúc tình dục không xâm nhập, ngoài da, quan hệ bằng miệng. Các đường khác bao gồm lây HPV từ mẹ sang con, từ vật liệu dụng y tế nhiễm vi rút, v.v. (2).

3. HPV tồn tại trong cơ thể người bao lâu?

HPV nguy hiểm ở chỗ chúng có khả năng tồn tại trong cơ thể người bệnh suốt đời. Ngay cả khi người bệnh không có biểu hiện bệnh hay phát triệu chứng rõ ràng, họ vẫn đang mang HPV. Tuy nhiên, 90% các trường hợp nhiễm HPV sẽ bị cơ thể đào thải trong vòng 1-2 năm (3).

4. Có phải hễ mắc HPV sẽ bị ung thư?

Sai. Tin tốt là HPV phần lớn đều vô hại ngay cả sau khi vào cơ thể người. Có hơn 100 chủng HPV khác nhau được các nhà khoa học tìm ra. Thông thường, cơ thể ta sẽ tự chống lại vi rút trước khi xảy ra vấn đề sức khỏe.

Tuy nhiên, có 2 chủng HPV gây ung thư phổ biến nhất có thể bạn đã nghe qua, là chủng HPV-16 và chủng HPV-18.

alt
HPV có thể "tự sinh tự diệt" trên cơ thể một số người | Nguồn: Pexels.

Hơn nữa, ngoài chủng vi rút bị nhiễm, phát bệnh hay không tùy thuộc vào mức độ nguy hiểm của chủng vi rút mà người bệnh mắc phải còn một số yếu tố nguy cơ thúc đẩy làm gia tăng khả năng tiến triển ung thư như hút thuốc lá, suy giảm miễn dịch (4), đồng mắc các bệnh lây qua đường tình dục khác như HIV, v.v.

5. Ai sẽ có nguy cơ mắc HPV cao hơn những người khác?

Vì là bệnh lý lây qua đường tình dục, nguy cơ HPV đến từ sinh hoạt tình dục của người bệnh. Dưới đây là những yếu tố khiến bạn rơi vào vòng quay nguy hiểm:

  1. Số bạn tình cao: Nguy cơ lây nhiễm sẽ tăng theo số bạn tình và số “đối tác” trước đây của bạn tình. Nếu cả 2 đã từng có nhiều đối tác trước đó, mức tăng sẽ theo cấp số nhân.
  2. Tuổi trẻ: Nam nữ quan hệ tình dục lần đầu tiên dưới 16 tuổi có khả năng mắc HPV cao hơn.
  3. Rượu bia: Làm suy giảm miễn dịch, tạo điều kiện cho HPV dễ xâm nhập (4). Uống rượu 4 lần/tuần tăng nguy cơ mắc mụn cóc sinh dục gấp 2 lần người bình thường (1).

6. Có phải đời sống tình dục “sôi nổi” mới bị mắc HPV?

Ít quan hệ tình dục vẫn có khả năng mắc HPV. HPV thậm chí lây lan ngay cả khi bạn quan hệ 1 lần duy nhất trong đời, hoặc ngay trong lần quan hệ tình dục đầu tiên.

7. Dùng bao cao su có thể giảm nguy cơ HPV không?

Sử dụng đều đặn bao cao su và các biện pháp phòng tránh khác có thể hạ thấp nguy cơ lây HPV, nhưng nhiễm HPV vẫn có thể xảy ra ở các khu vực bao cao su không che phủ được.

Ngoài ra, cắt bao quy đầu cũng làm giảm nguy cơ lây nhiễm HPV (5).

8. Nam lây cho nữ và nữ lây cho nam, xu hướng nào nhiều hơn?

Một nghiên cứu từ tên là HITCH Study Group cho biết, nữ lây HPV cho nam có tỷ lệ cao hơn hẳn so với trường hợp còn lại.

Trung bình, nữ dương tính HPV sẽ có 5,6% khả năng lây cho bạn tình của mình, trong khi nam dương tính HPV sẽ có 3,5% khả năng lây lan (6).

9. Vì sao nam giới dễ mắc HPV nghiêm trọng hơn nữ giới?

Ước tính xác suất nhiễm HPV trung bình suốt đời một người đàn ông là 91,3% khi có ít nhất một bạn tình (7). Nam giới có nhiều bạn tình ở cả hai giới trong suốt đời sống của họ có khả năng mắc HPV hơn nam giới có ít bạn tình (8).

alt
HPV trong nam giới có tỉ lệ tự đào thải thấp hơn nữ giới, nghĩa là một khi đã nhiễm bệnh sẽ khó hồi phục hơn | Nguồn: Pexels.

Một khi HPV đã vào cơ thể thì chúng cũng “sống dai” trong cơ thể nam giới hơn nữ giới ở mọi lứa tuổi. Điều này nguy hiểm ở chỗ mắc HPV càng lâu, nguy cơ phát triển thành ung thư càng lớn.

Thống kê cũng cho thấy, HPV ở nam giới sẽ gây ung thư hầu họng, ung thư hậu môn, mụn cóc sinh dục,... xếp chỉ sau ung thư cổ tử cung ở nữ giới. (9)

10. Liệu nhiễm HPV có thể chữa trị được không?

Chưa có phương pháp chữa trị nhiễm HPV, chỉ có thể giảm hoặc làm mất các triệu chứng của bệnh sau khi nhiễm. Ví dụ, mụn tại cơ quan sinh dục hoặc các chi: Dùng thuốc bác sĩ kê đơn. Bệnh nhân cần giải thích rõ triệu chứng mắc phải để có toa thuốc phù hợp. Bệnh nhân cần tìm tư vấn từ bác sĩ và giải thích rõ triệu chứng để được tư vấn cách điều trị phù hợp.

Vì vậy, bất kỳ ai cũng cần “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Bạn có thể khám sức khỏe định kỳ, và thực hiện các xét nghiệm cần thiết cho quá trình chẩn đoán để phòng ngừa mọi rủi ro cho sức khỏe hiện tại.

Ngay cả khi phần lớn HPV sẽ “tự sinh tự diệt” trên cơ thể tự bị cơ thể đào thải, các xét nghiệm dự phòng HPV là cần thiết để bạn yên tâm sống lành mạnh hơn, cả về thể chất lẫn tâm lý.

Mỗi người trưởng thành có xác suất nhiễm HPV ít nhất 1 lần trong đời, với tỉ lệ nam giới là 91% và nữ giới là 85% khi có ít nhất 1 bạn tình.

HPV là virus gây ung thư nguy hiểm, nhưng hoàn toàn có thể được phòng ngừa sớm nhờ các biện pháp dự phòng, xét nghiệm đảm bảo an toàn cho bản thân và người thân.

Dự phòng HPV sớm với 2 bước:
- Tham khảo thông tin chi tiết tại hpv.vn.
- Đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn.

(Nội dung này do Hội Y Học Dự Phòng Việt Nam cung cấp và được MSD tài trợ vì mục đích giáo dục). VN-GSL-00511 18122025


Tài liệu tham khảo:

(1) World Health Organization (WHO) (2024) “Human papillomavirus and cancer”. Available at: https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/human-papilloma-virus-and-cancer#:~:text=Key%20facts%201%20Human%20papillomavirus%20%28HPV%29%20is%20the,vaccination%20against%20HPV%20can%20prevent%20these%20cancers.%20

(2) Ardekani, A., Taherifard, E., Mollalo, A., Hemadi, E., Roshanshad, A., Fereidooni, R., Rouholamin, S., Rezaeinejad, M., Farid-Mojtahedi, M., Razavi, M., & Rostami, A. (2022). Human Papillomavirus Infection during Pregnancy and Childhood: A Comprehensive Review. Microorganisms, 10(10), 1932. https://doi.org/10.3390/microorganisms10101932

(3) Centers for Disease Control and Prevention (2023) “Genital HPV Infection – Basic Fact Sheet”. Available at: https://www.cdc.gov/std/hpv/stdfact-hpv.htm

(4) Romeo, J., Wärnberg, J., Nova, E., Díaz, L. E., Gómez-Martinez, S., & Marcos, A. (2007). Moderate alcohol consumption and the immune system: a review. The British journal of nutrition, 98 Suppl 1, S111–S115. https://doi.org/10.1017/S0007114507838049

(5) Tobian, A.A.R, et al., (2009). ‘Male Circumcision for the Prevention of HSV-2 and HPV Infections and Syphilis’, The New England Journal of Medicine, 360(13), 1298-1309. https://www.nejm.org/doi/full/10.1056/NEJMoa0802556

(6) Malagón, T., MacCosham, A., Burchell, A. N., El-Zein, M., Tellier, P. P., Coutlée, F., Franco, E. L., & HITCH Study Group (2021). Sex- and Type-specific Genital Human Papillomavirus Transmission Rates Between Heterosexual Partners: A Bayesian Reanalysis of the HITCH Cohort. Epidemiology (Cambridge, Mass.), 32(3), 368–377. https://doi.org/10.1097/EDE.0000000000001324

(7) Chesson, H. W., Dunne, E. F., Hariri, S., & Markowitz, L. E. (2014). The estimated lifetime probability of acquiring human papillomavirus in the United States. Sexually transmitted diseases, 41(11), 660–664. https://doi.org/10.1097/OLQ.0000000000000193

(8) Rodríguez-Álvarez, M. I., Gómez-Urquiza, J. L., Husein-El Ahmed, H., Albendín-García, L., Gómez-Salgado, J., & Cañadas-De la Fuente, G. A. (2018). Prevalence and Risk Factors of Human Papillomavirus in Male Patients: A Systematic Review and Meta-Analysis. International journal of environmental research and public health, 15(10), 2210. https://doi.org/10.3390/ijerph15102210

(9) Centers for Disease Control and Prevention (2023) “How Many Cancers Are Linked with HPV Each Year?”. Available at: https://www.cdc.gov/cancer/hpv/statistics/cases.htm