Hiểu đúng về chiếm dụng văn hóa cùng Tiến sĩ Lư Thị Thanh Lê | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Hiểu đúng về chiếm dụng văn hóa cùng Tiến sĩ Lư Thị Thanh Lê

Chiếm dụng văn hoá hay được hiểu theo nét nghĩa tiêu cực. Trên thực tế, mọi việc không đơn giản như vậy.
Hiểu đúng về chiếm dụng văn hóa cùng Tiến sĩ Lư Thị Thanh Lê

Nguồn: Lư Thị Thanh Lê

Trong thời gian gần đây, thuật ngữ chiếm dụng văn hóa (cultural appropriation) thường hay được bàn đến ở Việt Nam. Nhiều cá nhân và tổ chức văn hóa, nghệ thuật, sáng tạo đã bị cho là chiếm dụng văn hóa, lợi dụng nền văn hóa khác để làm lợi cho mình mà thiếu sự tôn trọng với cộng đồng chủ thể.

Liệu việc khai thác văn hóa của một tộc người thiểu số có phải là sự đầu tư mạo hiểm, đầy rủi ro với người nghệ sĩ? Liệu nghệ sĩ có nên ở yên trong đường biên văn hóa của mình và dập tắt triển vọng làm một điều gì đó mới mẻ về nền văn hóa khác? Đây là những câu hỏi mà người làm nghiên cứu nhân văn thường xuyên phải đặt ra.

Vietcetera đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Lư Thị Thanh Lê, giảng viên Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội. Là người nghiên cứu văn học, văn hóa dân gian các tộc người ở Việt Nam và nền công nghiệp văn hóa, TS. Lê đã chia sẻ với Vietcetera những góc nhìn khác nhau về văn hóa và điều thường được gọi là chiếm dụng văn hóa.

1. Hiểu đúng về văn hóa và sự sở hữu văn hóa

Theo UNESCO, văn hóa là “tập hợp các đặc trưng tiêu biểu về tinh thần, vật chất, tri thức và xúc cảm của xã hội hoặc một nhóm người trong xã hội.” Tính cộng đồng là một đặc trưng của văn hóa, và vì văn hóa gắn với cộng đồng nên cũng có sự phân biệt giữa người bên trong (insider) và người bên ngoài (outsider) của cộng đồng đó.

Theo TS. Lư Thị Thanh Lê, sẽ là trái pháp luật nếu ai đó đến từ bên ngoài lấy những vật phẩm, đồ dùng, vật thể văn hóa thuộc về quyền sở hữu của một người hay một nhóm người trong cộng đồng.

Với các tài sản văn hóa vô hình, việc quan sát sự sở hữu, vay mượn, chiếm dụng có phần phức tạp hơn. Tuy nhiên, các tài sản văn hóa không thuộc về một nền văn hóa một cách chung chung mà thuộc về những cá nhân, nhóm người cụ thể, dựa trên các quy định của pháp luật như luật sở hữu trí tuệ.

12may2022giaoluuvoinguoidaoomocchausonlatrongmotchuyendienda20161jpg
Tính cộng đồng là một đặc trưng của văn hóa. | Nguồn: Tiến sĩ Lư Thị Thanh Lê

Nếu một tài sản văn hóa được pháp luật bảo hộ quyền sở hữu, thì tài sản đó thuộc về cá nhân hay tập thể cụ thể. Nếu không được pháp luật bảo hộ thì tài sản ấy có thể được xem là thuộc về công cộng, sở hữu chung, thuộc về nhân loại nói chung.

Tuy nhiên, sự ghi nhận pháp lý chỉ dành cho những thứ xác định được rõ ràng. Trong khi ấy, văn hóa luôn thay đổi, vận động theo thời gian, và có sự biến đổi không ngừng.

Thêm nữa, không phải thành tố văn hóa nào cũng có thể quy ra tài sản để được bảo hộ quyền sở hữu, khai thác. Có những nét văn hóa được xem là đặc trưng của một cộng đồng nhưng không được xem là tài sản và cũng không được thực hiện bảo hộ về quyền sở hữu.

2. Khi nào thì chiếm dụng văn hóa là tiêu cực?

Theo TS. Lê, khái niệm “chiếm dụng văn hóa” mà người Việt Nam đang sử dụng vốn xuất phát từ việc dịch khái niệm của phương Tây. Vì thế ta phải suy xét về sự chuyển dịch khái niệm này từ Tây sang đến Ta.

Từ “appropriation” trong tiếng Anh thì không hoàn toàn là tiêu cực, nhưng trong tiếng Việt, từ “chiếm dụng” thường mang sắc thái tiêu cực.

Trong một công bố của IPINCH – một nhóm sáng kiến tại Đại Học Simon Fraser, Canada về chiếm dụng văn hóa, appropriation được diễn giải là “lấy một cái gì thuộc về ai đó để sử dụng cho mình” và sự chiếm dụng văn hóa xảy ra khi một thành tố văn hóa bị tách khỏi bối cảnh và được sử dụng trong bối cảnh khác.

Nhóm này cũng ghi nhận rằng sự chiếm dụng xảy ra rất thường xuyên, vì con người và các nền văn hóa thường có sự trao đổi với nhau và mượn ý tưởng của nhau để tạo nên những cách thức biểu đạt mới.

James O. Young trong công trình Sự chiếm dụng văn hóa và nghệ thuật (Cultural Appropriation and the Arts) cũng cho rằng không phải mọi sự vay mượn của nghệ sĩ đều là sự chiếm dụng văn hóa, hầu hết các nghệ sĩ đều “chiếm dụng,” như vay mượn ý tưởng, motifs từ những nghệ sĩ khác.

12may2022thamgiacuoctaihienlecungtotiencuanguoilolotailangvanhoadulichcacdantocvn2017jpg
Tiến sĩ Lư Thị Thanh Lê tham dự sự kiện tái hiện lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô. | Nguồn: Lư Thị Thanh Lê

Tuy nhiên, cũng có những sự chiếm dụng không phù hợp (misappropriation). Đây là quá trình một chiều trong đó một cá nhân hay một nhóm hưởng lợi từ văn hóa của nhóm khác mà không có quyền, cũng như không đem lại lợi ích cho cộng đồng văn hóa.

Điều này cũng diễn ra khi người bên ngoài đại diện một cách không phù hợp (misrepresent) hay thiếu tôn trọng văn hóa, niềm tin của một cộng đồng một cách có chủ đích hay không có chủ đích.

Có thể coi một sự chiếm dụng văn hóa là tiêu cực khi thành tố của một nền văn hóa được mượn, được sử dụng, khai thác hay chiếm lấy bởi người đến từ một nền văn hóa khác, để phục vụ những mục đích, lợi ích riêng mà không được phép (permission), không có thẩm quyền (authority).

3. Làm việc với văn hóa thông qua pháp luật và quy định

Tuy nhiên, thế nào là có quyền và có thẩm quyền? Nếu một nghệ sĩ từ cộng đồng đa số sử dụng nét văn hóa thiểu số, hoặc người nước ngoài sử dụng các yếu tố văn hóa Việt Nam để làm nghệ thuật, thì họ xin phép ai, làm thế nào để có quyền và thẩm quyền về việc sử dụng này?

Nếu người nghệ sĩ nhận được sự cho phép của một người hay một nhóm người thuộc tộc người thiểu số, thậm chí được chính quyền ủng hộ để tiến hành dự án nghệ thuật của mình tại địa bàn, thì như thế liệu đã là được phép, đã có thẩm quyền và đã an tâm tránh được vấn đề về chiếm dụng văn hóa?

Hiện nay, ở Việt Nam, chưa có những quy định mang tính pháp lý trực tiếp về vấn đề chiếm dụng văn hóa.

Giới nghệ sĩ và những người thực hành nghệ thuật hiện nay hầu như chỉ có thể tham khảo những tài liệu trong và ngoài nước như Công ước UNESCO về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (2003), Công ước UNESCO về Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt về văn hóa (2005), Luật di sản Việt Nam, các quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn,...

12may2022phongvannguoicotutaiphutuchoavangdanang2016jpg
Làm việc với người Cơ Tu trong quá trình điền dã để tìm ra hướng tiếp cận phù hợp. | Nguồn: Lư Thị Thanh Lê

Dựa trên các văn bản này mà nghệ sĩ xác định được điều gì là được phép, điều gì không được phép, điều gì phù hợp với pháp luật. Bên cạnh đó, họ cũng cần tham khảo những luật tục, truyền thống văn hóa của cộng đồng mà họ làm việc cùng để có cách thức làm việc với chất liệu văn hóa của họ một cách phù hợp nhất.

4. Cần phân biệt giữa sự khai thác văn hóa có thiện chí với hành động chiếm hữu trái phép

Việc khai thác văn hóa để mang lại lợi ích và lợi nhuận không xấu, nó chỉ trở nên không phù hợp khi người nghệ sĩ khai thác văn hóa để trục lợi một cách thiếu cân nhắc và thiếu tôn trọng cộng đồng.

Một người khai thác văn hóa với động lực tốt, thái độ tốt sẽ khác với những người chiếm dụng văn hóa với thái độ vụ lợi, thiếu tôn trọng.

Nhằm thúc đẩy sự đa dạng văn hóa và khuyến khích phát triển công nghiệp văn hóa, đôi khi nhà nước, các tổ chức còn khuyến khích nghệ sĩ tiếp xúc với chất liệu văn hóa của một cộng đồng khác để tạo ra các sản phẩm mới.

Chẳng hạn như các họa sĩ điêu khắc tìm hiểu về nghệ thuật tượng gỗ Tây Nguyên, văn hóa Tây Nguyên và sáng tác các tác phẩm điêu khắc gỗ mới mang sự thể nghiệm riêng của họ.

12may2022anh4jpg
Tượng gỗ Tây Nguyên. | Nguồn: Báo Dân tộc và Phát triển

Nếu bị ám ảnh bởi nỗi sợ chiếm dụng văn hóa, nhiều nghệ sĩ sẽ ngần ngại không dám tiếp xúc và sử dụng văn hóa của cộng đồng khác, chỉ cảm thấy thoải mái và an toàn ở trong cộng đồng “we” mà không dám dấn thân khai thác nét văn hóa của “the others.” Điều này có thể làm giảm đi tiềm năng về sự đa dạng văn hóa và sáng tạo nghệ thuật.

Cần phải tách bạch giữa sự vụ lợi, sự khai thác quá mức và thiếu trách nhiệm với những sự cố gắng, nỗ lực thúc đẩy đa dạng văn hóa trong cộng đồng. Điều này sẽ góp phần khuyến khích nghệ sĩ tìm tòi những chất liệu văn hóa của một cộng đồng khác để tạo nên những sáng tác nghệ thuật mới.

5. Hãy lắng nghe cộng đồng khi khai thác văn hóa để tránh hệ quả không mong muốn

IPINCH đã đưa ra một cuốn cẩm nang gợi ý những điều nên và không nên khi khai thác chất liệu văn hóa của một cộng đồng. Cẩm nang bao gồm cả những tiêu chí để nghệ sĩ xác định mình sẵn sàng hay chưa sẵn sàng khởi động một dự án làm việc với chất liệu văn hóa của cộng đồng thiểu số.

Nếu như ở Việt Nam, các hiệp hội hay giới chuyên môn tạo ra một bản hướng dẫn mang tính tham khảo như thế thì sẽ rất hữu ích cho các nghệ sĩ – những người đang quan tâm và ấp ủ những dự án gắn với văn hóa của người thiểu số.

Mặc dù chiếm dụng văn hóa không hoàn toàn tiêu cực, nhưng việc khai thác nền văn hóa khác luôn có những yếu tố nhạy cảm, đặc biệt là khi tạo ra những sản phẩm giải trí, kinh doanh. Ngay cả khi có thiện chí, người nghệ sĩ vẫn cần thận trọng để tránh những hệ quả không mong muốn.

12may2022anhchuptrongchuyendithuctetaininhthuancungnhanghiencuuchaminrasarajpg
Làm việc trên tinh thần tôn trọng cộng đồng. | Nguồn: Lư Thị Thanh Lê

Trước hết, người nghệ sĩ cần tăng cường tham vấn về những yếu tố mang tính pháp lý, tăng cường sự tư vấn về phong tục, truyền thống,... của cộng đồng mà mình đang tiếp cận.

Bên cạnh đó, nghệ sĩ có thể chắc chắn hơn trong quy trình làm việc với cộng đồng, như có những thỏa thuận cụ thể ngay từ đầu, kêu gọi sự tham gia của cộng đồng trong quá trình và trong việc kiểm soát sản phẩm, ghi nhận sự tham gia, đóng góp của cộng đồng trên thành phẩm, chia sẻ lợi nhuận, lợi ích cho cộng đồng,...

Những nguyên tắc làm việc chung với cộng đồng, chia sẻ lợi ích với cộng đồng như thế sẽ góp phần đem lại sự hợp tác bền vững, hiệu quả giữa nghệ sĩ và những cộng đồng mà họ khai thác chất liệu văn hóa.