Học sinh hành hung cô giáo ở Tuyên Quang: Để yên cho nhà giáo hiền | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Học sinh hành hung cô giáo ở Tuyên Quang: Để yên cho nhà giáo hiền

Nhiều giáo viên lo lắng một ngày nào đó mình có thể trở thành nạn nhân của bạo lực học đường, mà tác nhân gây ra là từ học sinh họ hàng ngày dạy dỗ.
Học sinh hành hung cô giáo ở Tuyên Quang: Để yên cho nhà giáo hiền

Nguồn: Nam Hoang/Unsplash

1. Chuyện gì đang xảy ra?

Mạng xã hội mới đây xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh một nhóm học sinh dồn cô giáo vào góc lớp rồi chửi bới, lăng mạ. Nhóm học còn ngang nhiên ném rác, thậm chí tấn công cô giáo này. Đỉnh điểm, một chiếc dép ném trúng trán khiến nữ giáo viên ngất xỉu.

Không lâu sau đó, mọi người lại truyền tay nhau thêm một đoạn clip cô giáo cầm dép đuổi đánh học sinh trước sự reo hò đầy phản cảm của đám đông xung quanh. Sự việc được xác định xảy ra tại một trường THCS tại Tuyên Quang và cô giáo trong đoạn clip dạy môn Âm nhạc.

Báo VTC News trích báo cáo chính xác của UBND huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) - nơi xảy ra vụ việc, rằng nguyên nhân là do khúc mắc giữa cô và trò trong giờ học.

Một số báo như Tiền Phong, Dân Trí, VnExpress đồng loạt chỉ ra rằng câu chuyện đi đến đỉnh điểm mâu thuẫn là do từ cả hai phía. Cô giáo dạy Âm nhạc từng nhiều lần có phát ngôn không chuẩn mực khi giao tiếp với học sinh.

2. Pháp luật bảo vệ giáo viên như thế nào?

Bên cạnh quy định xử phạt giáo viên có những hành vi bạo hành với học sinh, thì luật pháp cũng quy định hình thức xử lý, kỷ luật khi học sinh có hành vi không chuẩn mực với giáo viên.

Theo quy định, có ba hình thức kỷ luật: cảnh cáo, đuổi học một tuần lễ, đuổi học 1 năm. Học sinh còn có thể bị phạt 5 triệu đến 10 triệu đồng nếu xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong cơ sở giáo dục và phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả như xin lỗi công khai người bị xúc phạm.

Nếu có hành vi bạo lực dẫn đến gây thương tích hoặc tổn hại đến sức khỏe của giáo viên, học sinh có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.

3. Sức khỏe tinh thần của giáo viên tại Việt Nam đang xuống thấp?

Nếu như ta đã nói nhiều về việc bảo vệ trẻ em trước bạo lực học đường, thì lại chưa có những đối thoại tương tự đối với nhà giáo. Bên cạnh đó, áp lực của công việc khiến các giáo viên ở Việt Nam lẫn trên thế giới gặp các vấn đề nghiêm trọng về tinh thần.

Ngoài thời gian giảng dạy chính thức trên lớp, giáo viên còn nhiều công việc khác như chấm bài, làm giáo án, làm sổ sách, dạy các lớp phụ đạo, v.v. Khối lượng công việc lớn khiến nhiều nhà giáo phải căng mình ra để vừa làm nghề, vừa thực hiện những sinh hoạt đời thường.

Theo Đại học Giáo dục (ĐHQGHN), cứ 8 nhà giáo thì lại có một người tổn thương sức khỏe tâm thần, phổ biến nhất là chứng trầm cảm và lo âu. Một nghiên cứu tại Huế, Quảng Trị, và TP.HCM thì cho biết, 22% giáo viên THCS có nguy cơ tổn thương sức khỏe tâm thần cao, và khoảng 6.1% giáo viên có sức khỏe tâm thần không tốt.

Theo PGS.TS. Trần Thành Nam (Đại học Giáo dục) thì nhiều giáo viên nghĩ việc thể hiện lo lắng cho thấy họ thiếu năng lực, kém cỏi, còn trầm cảm thì cho thấy họ thiếu ý chí hay lười nhác. Điều này một phần giải đáp lý do các nhà giáo không nói về áp lực của mình hay không tìm kiếm sự giúp đỡ với các vấn đề tâm lý.

4. Nghề giáo ở các nước khác có đỡ khổ hơn?

Trên thế giới, tình hình không khá hơn. Theo một nghiên cứu năm 2022 về sức khỏe tinh thần của các giáo viên ở Anh, 78% giáo viên được cho là đã trải qua các triệu chứng tâm lý do công việc, và 59% giáo viên đã cân nhắc nghỉ làm.

Tại Hàn Quốc, dư luận tập trung vào cuộc khủng hoảng sức khỏe tinh thần của giáo giới. Nguyên nhân bắt nguồn từ vụ việc một giáo viên 23 tuổi tại một trường tiểu học ở Seoul tự tử sau nhiều tháng chịu áp lực từ phía học sinh và phụ huynh.

07dec202305skoreateacherscfmzsuperjumbojpg
Hàng ngàn giáo viên biểu tình tại Seoul với mong muốn có thêm những biện pháp bảo vệ quyền lợi và sự an toàn của nhà giáo. | Nguồn: The New York Times/Getty Images

Không ít giáo viên Hàn Quốc thừa nhận "sợ" học sinh, không dám trách phạt vì lo lắng sẽ bị phụ huynh kiện. Thậm chí khi bị học trò hành hung, nhiều thầy cô không dám đáp trả hay tự vệ.

Luật Chống lạm dụng trẻ em 2014 được cho là lý do chính khiến giáo viên Hàn không thể kỷ luật học sinh. Hiệp hội Tâm thần kinh Hàn Quốc cảnh báo hệ thống giáo dục của đất nước này có thể sụp đổ “nếu chỉ nhấn mạnh đến quyền con người của học sinh mà bỏ bê các quyền và nghĩa vụ của giáo viên.”

Nhu cầu thay đổi cơ chế đã thôi thúc các giáo viên tập trung biểu tình ở Seoul trong bảy ngày thứ 7 liên tiếp. Ngày 21/9, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua một loạt sửa đổi pháp lý nhằm cải thiện quyền của giáo viên.

5. Giáo viên có thể làm gì với học sinh vi phạm kỷ luật?

Theo bộ quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục, giáo viên không được xúc phạm, gây tổn thương, vụ lợi; không trù dập, định kiến, bạo hành, xâm hại; không thờ ơ, né tránh hoặc che giấu các hành vi vi phạm của người học.

Với nhiều “không” như vậy, những học sinh cá biệt, sẽ bị xử lý thế nào? Tùy theo mức độ và tần suất, học sinh vi phạm được giáo dục hoặc xử lý kỷ luật theo 3 hình thức chính:

  • Nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm.
  • Khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm.
  • Tạm dừng học có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ.

Trong trường hợp cần khiển trách trước Hội đồng kỷ luật của nhà trường trở lên, giáo viên chủ nhiệm phải lập hồ sơ và báo cáo cho Hiệu trưởng và Hội đồng kỷ luật của nhà trường để xem xét và thi hành kỷ luật đúng thời hạn.